Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
13:35 (GMT +7)

Chúng tôi đang đứng ở đâu trong dòng chảy cuộc sống hôm nay?

(Trích tham luận của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tại Cuộc gặp mặt trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu của tỉnh, ngày 23/11 vừa qua. Tên bài do Tòa soạn đặt)

VNTN - Trước hết, chúng tôi chân thành cảm ơn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc gặp mặt này. Một cuộc gặp mặt trang trọng và thân mật, thể hiện sự trân trọng giới văn nghệ sĩ và trí thức, trân trọng tài năng, tri thức và sự sáng tạo.

Với cá nhân tôi và nhiều đồng nghiệp của mình, cuộc gặp mặt cho chúng tôi thêm một dịp suy nghĩ sâu sắc hơn về trách nhiệm xã hội của mình, về những gì mình đã làm và chưa làm được trong bổn phận của một văn nghệ sĩ, một tổ chức Hội và nhiều hơn thế.

1.Cách đây 66 năm (10/12/1951), Bác Hồ viết thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa, bức thư ấy có đoạn viết rằng: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Lời Bác dặn năm ấy đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động sáng tác nghệ thuật, định hướng trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ.

Ở bất cứ thời đại nào, thể chế nào thì văn nghệ sĩ chân chính cũng là những người có trách nhiệm với cuộc đời, nói tiếng nói của thời đại mình, tổ quốc mình, nhân dân mình. Trước đây, trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, văn nghệ sĩ đã đồng hành với khát vọng chung của dân tộc. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới và hội nhập, văn học nghệ thuật cũng vẫn là một mặt trận không kém phần cam go quyết liệt. Với sứ mệnh của mình, văn nghệ sĩ phải là người thể hiện được trách nhiệm trước những vấn đề lớn của quê hương, đất nước, dân tộc và thời đại, góp phần vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người mới.

Lễ Hội Thơ Nguyên Tiêu - Thái Nguyên 2017                  Ảnh: Đ.T

Trách nhiệm ấy thể hiện bằng sản phẩm lao động sáng tạo gọi là tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật; nó mang trí tuệ, tâm hồn của nhân dân mình, của mảnh đất nơi mình gắn bó, hướng tới những giá trị thẩm mĩ và nhân văn cao đẹp.

Với tinh thần ấy, trong những năm qua, các thế hệ văn nghệ sĩ Thái Nguyên trong khả năng của mình đã không ngừng lao động và cống hiến, tạo ra một khối lượng tác phẩm văn học nghệ thuật to lớn, góp phần tạo dựng diện mạo, bản sắc văn hóa Thái Nguyên trong thời kỳ mới. Hàng nghìn tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, công trình kiến trúc nghệ thuật, hàng trăm đầu sách, bài hát, điệu múa, vở diễn, công trình nghiên cứu lý luận phê bình,… đã đi vào cuộc sống, phục vụ nhân dân, phục vụ quê hương Thái Nguyên. Nhiều văn nghệ sĩ đã đem về cho Thái Nguyên những giải thưởng lớn trong nước và quốc tế trong đó đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Nếu coi văn học nghệ thuật là đỉnh cao của văn hóa thì văn nghệ sĩ Thái Nguyên có quyền tự hào vì mỗi người đã đóng góp một phần công sức, tài năng của mình để tạo dựng nên đỉnh cao ấy. Đó cũng là thành quả cao nhất của sự nghiệp cống hiến cho quê hương và nhân dân mình.

Ở góc độ tổ chức, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cũng như các hội văn học nghệ thuật cấp huyện, thành thị, ở từng mức độ khác nhau đã có những đóng góp đáng kể vào việc hỗ trợ cho văn nghệ sĩ sáng tạo. Thông qua việc tổ chức các trại sáng tác, lớp tập huấn chuyên ngành nhằm định hướng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn cho hội viên… Tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật nhằm động viên, khuyến khích hội viên sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng, đồng thời phát hiện tài năng về văn học nghệ thuật để bồi dưỡng. Quảng bá, tôn vinh các tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của hội viên về quê hương, đất nước, con người; những gương điển hình tiên tiến trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…qua các triển lãm nghệ thuật, qua việc xuất bản các ấn phẩm. Trong đó báo Văn nghệ Thái Nguyên là một kênh đặc biệt hiệu quả trong việc đưa tác phẩm của văn nghệ sĩ đến với công chúng trong tỉnh, đến với thế giới người Việt năm châu, cũng như đưa tinh hoa văn hóa Việt Nam và thế giới về với công chúng Thái Nguyên, thông qua qua báo in truyền thống và trang thông tin điện tử.

2. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng cần thẳng thắn thấy rằng: giữa những gì công chúng Thái Nguyên cần, Đảng, Nhà nước, xã hội cần và thành quả đóng góp của văn nghệ sĩ Thái Nguyên vẫn còn có khoảng cách đáng suy nghĩ. Đội ngũ đông đảo tạo ra khối lượng tác phẩm lớn so với các tỉnh trong khu vực, nhưng còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, còn ít những tác phẩm mang đậm dấu ấn đất và người Thái Nguyên trong các thời kỳ lịch sử trước đây và thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay; còn ít những tác phẩm bám chắc vào thực tế đời sống xã hội, nhất là những địa bàn, lĩnh vực mũi nhọn, vùng đồng bào dân tộc, giới trẻ; và thiếu vắng những tác phẩm đạt tới những chiều kích trí tuệ, nhân văn cao lớn, vượt ra ngoài đường biên địa phương hạn hẹp.

Cùng với sự thiếu vắng tác phẩm có chất lượng cao là xu hướng bình dân hóa, nghiệp dư hóa sản phẩm sáng tạo văn học nghệ thuật, với sự xuất hiện của các sản phẩm kém chất lượng, chạy theo thị hiếu dễ dãi của một bộ phận công chúng, dẫn đến vấn nạn làm rối tiêu chí, chuẩn mực thẩm mỹ, hạ thấp ngưỡng văn hóa cộng đồng.

Chưa tạo ra được nhiều tác phẩm chất lượng cao, chưa đảm trách tốt vai trò, sứ mệnh trong việc dẫn dắt, định hướng thẩm mỹ của cộng đồng, trách nhiệm ấy trước hết thuộc về đội ngũ văn nghệ sĩ vốn được xã hội xưa nay xếp vào giới tinh hoa.

3. Để có tác phẩm văn học nghệ thuật, người ta thường nhắc đến ba yếu tố: Tâm, Tầm và Tài của người sáng tạo. Nói về Tâm, Tầm, Tài là cả một câu chuyện dài. Ở góc độ khác, những điều khiến các văn nghệ sĩ có trách nhiệm với xã hội trăn trở nhất, đó là: Chúng tôi đứng ở đâu trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Chúng tôi đã và sẽ nghĩ gì, viết gì về một đất nước, một quê hương đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới và hội nhập, trước nhiều vận hội mới nhưng cũng đầy thách thức? Chúng tôi nghĩ gì, viết thế nào về những người lao động đang từng ngày làm nên diện mạo mới của mảnh đất này? Và, chúng tôi sẽ viết gì về sự chênh lệch giàu nghèo, những bất công trong xã hội, về giới trẻ, về nạn tham nhũng, sự xuống cấp đáng báo động về văn hóa, đạo đức, sự suy giảm nhân tính?

Còn nữa. Để sống, để sáng tạo như một lẽ tồn tại, trong khi các lực lượng khác trong xã hội như nông dân, công nhân, trí thức, các nhà lãnh đạo, quản lý đã chủ động nhập cuộc mạnh mẽ với công cuộc hội nhập, toàn cầu hóa, thì chúng tôi hôm nay có gì để làm hành trang sáng tạo? Chúng tôi đã hiểu gì về chiều sâu văn hóa lịch sử của mảnh đất đang cưu mang mình? Kiến văn của chúng tôi sâu rộng đến đâu? Chúng tôi đứng ở đâu trong cuộc cách mạng 4.0? Không có ngoại ngữ, không rành Internet, mạng xã hội, chúng tôi lấy gì để tiếp nhận tinh hoa các nền văn học nghệ thuật đa dạng, đầy khác biệt của nhân loại, làm giàu cho kiến văn của mình, trao đổi với các cộng đồng văn nghệ sĩ bốn phương? Và trước sức quyến rũ của xã hội tiêu dùng, liệu chúng tôi có đủ kiên trì để theo đuổi đến cùng điều mình nung nấu, đam mê?

Đi tìm câu trả lời những câu hỏi ấy là chúng tôi tìm ra được những thiếu hụt của mình. Có thể đó là sự thiếu hụt mang tính lịch sử, cũng có thể do mỗi người chưa tự giác làm cho vốn liếng tri thức văn hóa của mình giàu có lên.

Mỗi người có cách riêng để bù đắp những thiếu hụt ấy, có lối đi, hướng đi của riêng mình trong dòng chảy chung. Nhưng dấn thân vào đời sống một cách trọn vẹn, thở cùng nhịp thở của nhân dân chắc chắn là con đường tốt nhất để tạo ra tác phẩm có giá trị. Nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là “bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm sao cho mỗi tác phẩm của mình phản ánh chân thực cuộc sống, làm cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy mạch đời đập dưới bìa sách đóng như mạch máu đập dưới làn da”.

Để có tác phẩm đáp ứng nhu cầu của công chúng, góp phần xây dựng chế độ, xây dựng nền tảng văn hóa của xã hội, xây dựng con người mới, văn nghệ sĩ chỉ có một cách là sống thật chân thành, kỹ lưỡng với nhân dân mình, sống thật kỹ lưỡng với cội nguồn và thời đại của mình. Để thấu hiểu, để khơi nguồn cảm hứng, tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc, để học hỏi nhân dân tri thức, lòng nhân ái, niềm bao dung, bản lĩnh chống lại cái xấu, cái ác.

Đó là điều không hề mới, nhưng chưa bao giờ cũ. Nhất là khi đâu đó vẫn còn không ít những văn nghệ sĩ chậm chân tụt hậu không theo kịp công cuộc đổi mới và hội nhập, những "văn nghệ sĩ công chức" nặng lòng với thói quen được nhà nước bao cấp, những "văn nghệ sĩ phòng lạnh" bàng quan với thời cuộc, thờ ơ trước các vấn đề lớn của đất nước, của tỉnh, vô cảm với những vui buồn của nhân dân, dễ dàng bị lôi kéo vào các xu hướng chính trị đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, của đất nước.

4. Về phía các tổ chức Hội của chúng tôi, để phát huy vai trò, trách nhiệm là nơi đoàn kết tập hợp, giúp đỡ văn nghệ sĩ trong sáng tác, chắc chắn chúng tôi cần đổi mới quyết liệt hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ. Tăng khả năng và các biện pháp tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức và các thành viên theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Phát hiện, bồi dưỡng nhiều hơn nữa các tài năng, năng khiếu văn học nghệ thuật, tạo điều kiện để hội viên được nâng cao trình độ chính trị, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tham mưu, đề xuất, góp ý kiến với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh những chế độ chính sách về văn hóa, văn nghệ phù hợp để tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về tinh thần, vật chất, đầu tư cho hoạt động sáng tạo, quảng bá các tác phẩm, các công trình văn học nghệ thuật có giá trị phục vụ nhân dân.Tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội, chống những quan điểm lệch lạc trong văn học nghệ thuật, góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, xây dựng con người, hướng con người tới các giá trị chân, thiện, mỹ.

5. Nhân cuộc gặp mặt này, chúng tôi cũng đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh dành sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn để văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển tương xứng với kinh tế.

Kinh tế của tỉnh chúng ta hiện nay đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào trong thời gian qua nhưng văn hóa, văn học nghệ thuật thì chưa được đầu tư phát triển tương xứng. Nếu không chú ý để làm sao cho văn hóa phát triển theo kịp với đời sống kinh tế thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Bởi, khi kinh tế tăng trưởng nhanh mà đời sống văn hóa tinh thần không theo kịp sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập, dẫn đến rối loạn kỷ cương, đạo đức, trật tự xã hội. Để xảy ra tình trạng như vậy, có lỗi của hệ thống lãnh đạo quản lý xã hội.

Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, mỗi văn nghệ sĩ phải là một nhà văn hóa thì mới gánh vác được sứ mệnh trước nhân dân. Chúng tôi cũng mong rằng mỗi đồng chí lãnh đạo, mỗi cán bộ tham mưu của Đảng vừa là trí thức vừa là một nhà văn hóa. Để mỗi chủ trương, quyết định, mỗi chính sách được thực thi vừa thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, vừa thấm đẫm các giá trị văn hóa, nhân văn làm cốt lõi tạo dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững của Thái Nguyên chúng ta trong sự phát triển chung của đất nước.

Chúng tôi mong tinh thần của Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khoá X về "xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới" tiếp tục được cụ thể hóa, thực hiện đồng bộ trong những chủ trương chính sách khác của tỉnh, tạo cơ chế, chính sách để văn học, nghệ thuật tỉnh nhà đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng bộ, góp phần thực hiện có hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ chính trị kinh tế văn hóa xã hội trong thời kỳ mới.

Chúng tôi mong tỉnh có sự đầu tư thỏa đáng cho các tác phẩm, công trình sáng tạo có giá trị về đề tài lịch sử cách mạng và kháng chiến, công cuộc đổi mới, phục vụ thiếu nhi, đồng bào dân tộc. Mong trên địa bàn có thêm nhiều thiết chế, công trình văn hóa công cộng như công viên văn hóa, các nhà trưng bày triển lãm, các công trình mang tính biểu tượng về văn hóa... Đó là nơi nhân dân có thể được hưởng thụ các giá trị tinh thần sau mỗi ngày lao động vất vả; nơi thu hút khách du lịch mỗi khi đến với Thái Nguyên để họ thưởng lãm và thấy được tầm vóc văn hóa Thái Nguyên ra sao; nơi các văn nghệ sĩ được quảng bá tác phẩm sáng tạo của mình…

N.T.Q

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy