Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
18:57 (GMT +7)

Chúc văn trong tiểu thuyết Lý Phật Tử định quốc, một phong cách diễn ngôn trên nền lịch sử

Trong bộ tiểu thuyết Vương triều Tiền Lý gồm bốn cuốn là Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương và Lý Phật Tử định quốc của nhà văn Phùng Văn Khai, ngoài những bài hịch văn mang khí thế chiến trận và khẳng định chủ quyền còn xuất hiện một số bài thơ thể song thất lục bát, phản ánh huân công cũng như thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của các anh hùng dân tộc trong chiều dài lịch sử đất Việt. Đáng kể nhất chính là bài Chúc văn tuyên đọc nơi Đàn tế trong buổi Lý Phật Tử lên ngôi Nam Việt Đế. Khá dụng công và chặt chẽ về niêm luật, nhà văn Phùng Văn Khai đã làm sống dậy cả một giai đoạn lịch sử hào hùng với những sự kiện và nhân vật hết sức tiêu biểu. Đó cũng là điều đáng ghi nhận trong hành trình sáng tạo của nhà văn.

Sau đây, chúng tôi xin được gửi tới độc giả không khí và toàn văn bài Chúc văn, cũng là mong muốn giới thiệu thể thơ cổ này với những hiệu quả thẩm mỹ nhất định, góp phần làm phong phú thêm thể tài tiểu thuyết lịch sử:

“Đúng đến giờ lành, Đào Lang Vương Lý Phật Tử phẩm phục uy nghiêm, thần thái đĩnh đạc bước chín bước tới chính giữa Đàn tế, nơi đặt chiếc lư hương bằng đồng đen bên trong chín nén hương đại vừa được thắp nghi ngút khói.

Chín hồi chiêng, trống đan xen được gióng lên vang vọng tứ phía.

Khắp khu rừng, bốn phía đỉnh đồi, khu Đàn tế, văn thần võ tướng cùng các vị hòa thượng, huyện lệnh, tộc trưởng đắm mình trong không khí trầm hùng, trang trọng, thiêng liêng.

Đức vua nghiêm trang quỳ xuống khấu đầu chín vái trước trời đất nơi trung tâm Đàn tế.

Tiếng chuông, tiếng trống ngân vọng vang xa.

Dứt chín lượt khấu đầu, đức vua từ từ đứng dậy uy nghiêm, rồi ngài bước chếch ra một bên hướng về phía bách quan trưởng lão.

Cùng lúc đó, một vị quan văn còn khá trẻ, vóc dáng thanh thoát đĩnh đạc tiến ra phía trước Đàn tế vái chín vái rồi thong thả rút ra bài Chúc văn cất cao giọng đọc.

Phía dưới, mọi người im phăng phắc.

Giọng đọc của vị quan văn cất lên trầm bổng hào hùng trong tiếng chiêng trống ngân vang:

Đất Long Biên rồng chầu hổ phục

Sông Nhị Hà chín khúc chảy quanh

Đầm Sương Mù bát ngát xanh

Dòng Tô tỏa bóng cổ thành uy nghi.

Kìa ngày trước vua Bà (1) hãm giặc

Dấu voi đi in vết Long thành

Trải ngàn dâu bể phân tranh

Lĩnh Nam(2) riêng một triều đình khắc ghi.

Từ Hán tới Đông Ngô, Tấn, Tống

Tiếp Nam Tề thông nối triều Lương

Năm trăm năm một đêm trường(3)

Năm trăm năm bể máu xương chất đầy.

Đang giữa lúc mịt mờ tăm tối

Trời cao thương thấu nỗi phương Nam?

Bạch Long - Cổ Pháp(4) non ngàn

Sinh dòng Lý thị kiên gan vá trời.

Rừng Hắc Lâm hổ vàng rơi lệ

Chùa Cổ Pháp thiền sư dốc lòng

Câu kinh kệ, tiếng chuông ngân

Văn thao võ lược mười năm miệt mài.

Ôm chí lớn thù nhà nợ nước

Lý Giám quân(5)tuyên thảo hịch văn

Vũ Lâm hầu(6) lạnh sống lưng

Những phường bất nghĩa quỷ thần không tha.

Cờ nghĩa giương quân reo tám mặt

Đất Chu Diên, Triệu Túc theo về

Long Đỗ lão tướng Phạm Tu

Đem ngàn trai tráng tụ cờ nghĩa quân.

An Hoa trang họ Phùng hiến tướng

Thiều sư huynh vạn dặm trở về(7)

Thạch Đạt đó, Mã Phương kia(8)

Kẻ sa thủy trận, người lìa trần gian.

Vũ Lâm hầu ngồi trên đống lửa

Tính bài chuồn giả dạng lái buôn(9)

Than ôi cũng tướng, cũng vương!

Cũng dòng Tiêu thị thảm thương giống nòi?

Lương Vũ Đế(10) nổi cơn thịnh nộ

Điểm ba châu bốn đạo hùng binh(11)

Lại còn kích động Rudravaman(12)

Đem quân vượt dãy Hoành Sơn đánh nhầu.

Trời xanh chẳng dung quân tham ác

Người phương Nam há chịu thua binh?

Triệu, Phùng(13) vượt biển hỏa công

Quân doanh Hợp Phố(14) nước sông

đục ngầu.

Phạm lão tướng phá kỳ tượng trận(15)

Bố Đa Ngai(16)ôm hận lui binh

Hoành Sơn(17)một dải trường thành

Vững như bàn thạch rành rành

phân chia.

Lý Bí lên ngôi Nam Việt Đế (18)

Đặt Vạn Xuân khai quốc nguyên niên

Điện Vạn Thọ dụ trăm quan

Một thời Thiên Đức huy hoàng mở ra.

Đất có chủ muôn phần huân quý

Người phương Nam xưng đế

phương Nam

Hồng Bàng kế đến Hùng Vương

Thục Vương, Triệu Đế,

Trưng Vương một nhà(19).

Lương Vũ Đế lần ba xuất chiến

Dốc hết nguồn binh lực Trung Nguyên

Mông Kỳ, Lữ Phạm, Bá Tiên

Binh dư mười vạn, chiến thuyền

vài trăm.

Vạn Xuân mới gây nền độc lập

Đã thình lình gánh trận can qua

Mưa giông, chớp giật sáng lòa

Quân tan, thành vỡ, phong ba dập vùi.

Nơi cửa biển Quang Thành(20) thọ nạn

Cửa sông Tô, Phạm tướng(21) về trời

Sân điện Vạn Thọ than ôi!

Thái phó Triệu Túc ngậm ngùi hy sinh.

Vua núng thế rút về Điển Triệt(22)

Lão quân sư tử trận Ninh thành(23)

May còn Tả, Hữu tướng quân

Theo hầu giá tới động ngàn thung sâu.

Vâng mệnh Tả quân(24)về Dạ Trạch

Bốn năm trời nếm mật nằm gai

Thù càng sâu chí càng dài

Vạn Xuân há dễ một hai đắm chìm?

Trời còn tựa kẻ ôm chí lớn

Nhị Thánh(25) khuya ban tặng móng rồng

Đuổi Bá Tiên, chém Dương Sằn

Triệu Vương phục quốc tiếng tăm

ngút trời.

Nơi Ái - Cửu (26) người đâu chịu kém

Lý tướng quân lĩnh ấn Trung lang (27)

Tìm vùng đất mới Dã Năng

Trước là dưỡng sức, dụng binh lâu dài.

Quét một trận Ái Châu sạch bóng

Quét hai trận Cửu Đức phong quang

Mông Kỳ, Lữ Phạm nghênh ngang

Kẻ thì vong mạng, kẻ sang cầu người.

Vua Lâm Ấp mấy đời trí trá

Bố Đa Ngai bụng dạ hiểm sâu

Xua binh hai mặt trước sau

Tưởng rằng một trận cơ cầu trăm năm.

Biết đâu gặp anh hùng cái thế

Hai gọng kìm núi đổ, trăng lu

Vua tôi ôm hận thiên thu

Cam tâm cắt đất chuộc tù hàng binh(28.

Cảm đức lớn Dã Năng bát tộc

Chúng suy tôn nhất vị Đào Vương

Bốn châu muôn dặm vuông tròn

Sĩ lâm thị tộc bốn phương theo về.

Giữ gốc nước nhớ lời thề nước

Triệu Việt Vương xuống tóc đi tu

Non xanh biển thẳm vân du

Thiền sư Hành Thiện(29) thiên thu

luận bàn.

Vì nghĩa lớn Đào Vương nhận nước

Vâng theo dân, Lý thị(30) lên ngôi

Nam Việt Đế một phương trời

Bền sâu Thiên Đức, sáng ngời

Vạn Xuân(31).

Mỗi dòng Chúc văn được đọc ra, ai cũng thấy dòng khí huyết trong người chạy giần giật một bầu máu nóng. Linh khí tụ về từng lời, từng câu ngấm vào xương thịt, trí não. Ai cũng châng lâng xúc động, trầm trồ thán phục người đã biên soạn ra bản Chúc văn. Hai vị Tả Thừa thị Phạm Lang và Hữu Thừa thị Khả Mật đưa mắt nhìn nhau thán phục ngầm thắc mắc không biết người soạn là ai mà mạch văn hùng tráng, khí văn cuồn cuộn, câu chữ khi mềm mại như tơ lụa, khi sắc lạnh như kiếm thần, hòa quyện sau trước nhịp nhàng, in khắc vào gan ruột. Vạn Xuân khai quốc hào hùng uy tráng! Vạn Xuân phục quốc lẫm liệt huy hoàng! Và một Vạn Xuân đang chuyển mình định quốc dài rộng, vững vàng, cường thịnh tới muôn sau! Công lao các bậc tiền nhân khai nguyên lập quốc từ thuở Hùng Vương, An Dương Vương, Triệu Vũ Đế, Trưng Nữ Vương... cao vút như trời biển mà gần gũi như hạt lúa củ khoai mang hơi thở phập phồng. Lời văn cuộn lên như sóng, mở ra, đánh thức bách tính thị tộc, tới mọi tầng lớp chúng dân khát vọng độc lập, tự chủ, tự cường mảnh đất phương Nam.”

Lời dẫn truyện miêu tả không khí từ khi bắt đầu Lễ tế tới lúc tuyên đọc và kết thúc Chúc văn trong tiểu thuyết lịch sử Lý Phật Tử định quốc là chủ ý nghệ thuật hợp lý của tác giả, cũng là chi tiết đắt trong toàn bộ bố cục bộ sách Vương triều Tiền Lý. Trước đó, nhà văn Phùng Văn Khai đã liên tiếp cài cắm những đoạn sấm vĩ, những bài thơ cổ về lai lịch các nhân vật lịch sử như Nhị Thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Mỵ Châu - Trọng Thủy, tướng quân Cao Lỗ... cùng những bài hịch văn. Từ đó, mở đường cho sự xuất hiện của bài Chúc văn. Những bài thơ ngũ ngôn, các khúc sấm vĩ, các bài hịch này sẽ được chúng tôi gửi đến độc giả ở những bài viết sau.

Chúc văn trong Lý Phật Tử định quốc tại Lễ tế cáo trời đất lên ngôi Nam Việt Đế như một thông điệp ngạo nghễ gửi tới các thể chế cầm quyền phương Bắc. Nó như một lời hịch, hệ thống những tội ác của vua phương Bắc với mảnh đất phương Nam từ thời thượng cổ tới Hán triều, Ngô triều, Tấn triều, Tống triều, Nam Tề, Bắc Ngụy, tới triều đại nhà Lương, đứng đầu là Lương Vũ Đế với những chứng cứ xác thực, lời lẽ đanh thép. Đặc biệt, các điển tích, điển cố rành rành đã càng tỏ rõ sức mạnh chính nghĩa trong công cuộc giành độc lập dân tộc của các vị hoàng đế, quân vương triều Tiền Lý mà điển hình nhất phải kể đến Lý Nam Đế. Nền tảng chính nghĩa ấy đã khẳng định, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của người phương Nam là hợp đạo trời.

Ngoài ra, điểm đáng chú ý trong bài Chúc văn trên là các địa danh lịch sử được nhắc tới một cách dày đặc. Đó là đất Long Biên, sông Nhị Hà, đầm Sương Mù, sông Tô Lịch, châu Cổ Pháp, bến Luy Lâu, đất Chu Diên, núi Hoành Sơn, hồ Điển Triệt, đầm Dạ Trạch, động Dã Năng, châu Cửu Đức... với những chế định của triều đại Vạn Xuân, niên hiệu Thiên Đức, với điện Vạn Thọ, chùa Khai Quốc một cách oanh liệt, trầm hùng. Nhiều địa danh lịch sử trong số đó vẫn còn nguyên vẹn và ngày càng thiêng liêng tới hôm nay.

Chúc văn trong tiểu thuyết Lý Phật Tử định quốc là một sáng tạo giàu tính diễn ngôn trên nền lịch sử của nhà văn Phùng Văn Khai. Sử dụng ngôn ngữ thi ca trong tiểu thuyết xưa nay không hiếm, nhưng tác phẩm Lý Phật Tử định quốc có dấu ấn và sự dụng công riêng, mang đến những giá trị thẩm mỹ nhất định. Với các tiểu thuyết lịch sử từng được công bố, bài Chúc văn trên một lần nữa thêm định hình phong cách của người viết tiểu thuyết trong chặng đường mới.

Thời gian gần đây, các cây bút viết tiểu thuyết lịch sử đã chung tay góp sức tạo nên diện mạo mới cho dòng tiểu thuyết lịch sử nói riêng và tiểu thuyết nói chung, với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên, nhà văn Phùng Văn Khai, với bài Chúc văn trong tiểu thuyết Lý Phật Tử định quốc, đã tạo dựng cho mình dấu ấn và phong cách riêng biệt, có thể nói là vô cùng đặc sắc.


(1) Tức Hai Bà Trưng: Trưng Trắc, Trưng Nhị.

(2) Lĩnh Nam là tên triều đình thời Hai Bà Trưng.

(3) Nước ta tính từ năm Hai Bà Trưng đánh quân Hán dựng nền độc lập (40-43) đến khi Lý Bí đánh đuổi giặc Lương xưng Nam Việt Đế lập nước Vạn Xuân (544) là năm trăm năm.

(4) Hương Cổ Pháp, đầm Bạch Long: Nơi sinh ra hai vị vua Lý Bí và Lý Thiên Bảo.

(5) Tức Lý Bí (502-548).

(6) Tức Vũ Lâm hầu Tiêu Tư - Thứ sử Giao Châu.

(7) Tinh Thiều là sư huynh cùng tu tập với Lý Bí tại chùa Cổ Pháp. Tiếp đó, Tinh Thiều sang kinh đô Kiến Khang nhà Lương thi đỗ. Sau đó, ông từ quan trở về làm quân sư giúp Lý Bí đánh bại Vũ Lâm hầu Tiêu Tư. Khi triều đình Vạn Xuân thành lập, ông đứng đầu Ban Văn.

(8) Thạch Đạt, Mã Phương là hai tướng giỏi thống lĩnh thủy binh, kỵ binh của Vũ Lâm hầu Tiêu Tư.

(9) Khi bị binh tướng Lý Bí vây ngặt, Vũ Lâm hầu Tiêu Tư đã phải nửa đêm giả lái buôn trốn về phương Bắc.

(10) Vị hoàng đế nổi tiếng Trung Quốc sáng lập nhà Lương, trị vì từ năm 502 đến năm 549.

(11) Lý Bí xưng đế ở Giao Châu khiến Lương Vũ Đế nổi giận cử bốn đạo binh gồm Thứ sử Việt Châu Trần Hầu, Thứ sử An Châu Lý Trí, Thứ sử La Châu Ninh Cự, Thứ sử Ái Châu Nguyễn Hán bốn mặt vây đánh Vạn Xuân.

(12) Rudravaman: Vua nước Lâm Ấp.

(13) Tức Tả tướng Triệu Quang Phục và Hữu tướng Phùng Thanh Hòa.

(14) Nơi đóng đại bản doanh thủy quân Lương Vũ Đế (nay thuộc Quảng Đông, Trung Quốc).

(15) Lão tướng Phạm Tu bày trận mai phục phá tan tượng binh quân Lâm Ấp.

(16) Đại tướng của vua Lâm Ấp Rudravaman.

(17) Ranh giới phân chia châu Cửu Đức - Vạn Xuân với Lâm Ấp (nay thuộc Quảng Bình).

(18) Năm 544, Lý Bí lên ngôi Nam Việt Đế đặt tên nước Vạn Xuân, niên hiệu Thiên Đức, xây điện Vạn Thọ, dựng chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc, Hồ Tây).

(19) Tức Thục Phán An Dương Vương; Triệu Đà - Triệu Vũ Đế; Trưng Nữ Vương.

(20) Đô đốc Triệu Quang Thành tử trận nơi cửa biển Hoàng Châu (Vịnh Hạ Long ngày nay).

(21) Lão tướng Phạm Tu.

(22) Hồ Điển Triệt, phỏng đoán là Đầm Vạc, nay thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc.

(23) Lão quân sư Tinh Thiều tử trận tại thành Gia Ninh.

(24) Tả tướng Triệu Quang Phục.

(25) Tức Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Theo tích cổ, nửa đêm đã hiện thân ban móng rồng cho Triệu Quang Phục.

(26) Tức Ái Châu, Cửu Đức.

(27) Lý Thiên Bảo lĩnh ấn Trung lang tướng từ khi còn quốc chủ Lý Bí.

(28) Khi quân Lâm Ấp bị thua trận, chúng đã phải cắt đất bốn huyện thuộc châu Lâm Khang phía nam dãy Hoành Sơn để giảng hòa và chuộc tù binh với Đào Lang Vương.

(29) Khi Triệu Việt Vương xuống tóc ở chùa Bến sông Luy Lâu, ngài lấy pháp danh là thiền sư Hành Thiện.

(30) Tức Lý Phật Tử trước đó kế tục Lý Thiên Bảo chức Đào Lang Vương.

(31) Khi Lý Phật Tử được quân chúng suy tôn lên ngôi Nam Việt Đế, ông vẫn lấy tên nước Vạn Xuân, niên hiệu Thiên Đức theo Lý Bí ngày trước.

Hà Thy Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy