
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Ở Việt Nam trẻ em bị xâm hại tình dục là một trong những nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được quy định trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ năm 2004 và là đối tượng cần sự bảo vệ của toàn xã hội. Tội xâm hại tình dục trẻ em dưới 16 tuổi ở Việt Nam lâu nay xảy ra không ít, nhưng dường như vẫn chưa được xem là trọng tội hình sự, thậm chí có lúc còn cho đó chỉ là “đáng tiếc” và hòa giải theo vi phạm dân sự. Còn nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng, thì vẫn khó khăn để xử phạt. Gần đây, hai vụ việc điển hình đang khiến cộng đồng xã hội phản đối cách xử lý của các cơ quan luật pháp. Thứ nhất là vụ án nghi phạm Nguyễn Trọng Trình (sinh 1988, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) xâm hại tình dục cháu V.N.Q (sinh 2009, trú cùng huyện). Công an huyện đã khởi tố nghi can, nhưng lại cho tại ngoại. Vụ việc đã gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ vụ án, tối 18/3 đã bắt tạm giam bị can Nguyễn Trọng Trình để phục vụ công tác điều tra. Vụ thứ hai là việc thầy giáo D.T.M (sinh 1981), giáo viên trường Tiểu học Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) bị tố có hành vi dâm ô hàng loạt học sinh nữ tại trường. Trong biên bản lời khai thầy giáo thừa nhận sờ vào vùng nhạy cảm của học sinh, nhưng cho đó là “vui đùa” không phải “dâm ô” hay “xâm hại”... Nhiều người hẳn còn nhớ, tháng 3/2016, diễn viên Minh Béo bị bắt ở Mỹ vì bị tố lạm dụng tình dục trẻ em trong nhóm vũ công tham gia cuộc thi tài năng trên đài phát thanh ở Huntington Beach (dù chưa xảy ra, chỉ là mới giao dịch cuộc hẹn)… Nhưng sau khi mãn hạn tù bị trục xuất về nước, anh này không hề bị bất cứ một biện pháp ngăn chặn nào liên quan tới trẻ em. Phải chăng ở Việt Nam, việc xâm hại tình dục trẻ em không phải là trọng tội? Và ngay cả khi có các vụ việc bị phát hiện, thì gần 20 cơ quan có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam cũng ít khi nào lên tiếng đòi hỏi Luật pháp trừng trị; chỉ khi công luận tạo áp lực thì các cơ quan luật mới tiến hành, nhưng lay lất, kéo dài, có vụ để cả mấy năm không xử, nghi phạm cứ tự do ngoài vòng pháp luật. Theo Liên Hiệp Quốc: “Xâm hại trẻ em hay ngược đãi là tất cả các hình thức đối xử tồi tệ về mặt tình cảm hay thể chất, xâm hại tình dục hay các mục đích khác gây ra tổn hại thực tế hay tiềm ẩn đối với sự phát triển, sự sống còn, sức khỏe hay nhân phẩm của trẻ khi xét về trách nhiệm, lòng tin hay quyền hành”. Nhìn chung ở các quốc gia, có bốn hình thức xâm hại được thừa nhận bao gồm: Xâm hại thể xác, xâm hại tình dục, xâm hại tâm lý/tình cảm và xao nhãng chăm sóc. Tại Việt Nam có các hình thức xâm hại phổ biến: Xâm hại (trừng phạt) thân thể; xâm hại tâm lý/tình cảm; xâm hại tình dục; chứng kiến bạo lực gia đình; xao nhãng chăm sóc; buôn bán trẻ em; lao động trẻ em. Ở Mỹ, có gần 30 tổ chức của chính phủ về bảo vệ quyền lợi trẻ em. Trong đó có hơn 10 tổ chức bảo vệ trẻ khỏi nạn xâm hại tình dục với đường dây nóng hoạt động 24/24. Pháp luật Mỹ mạnh tay đối với những tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt nếu nạn nhân là trẻ vị thành niên. Ở một số bang, những người bị kết án hiếp dâm trẻ em và tái phạm nhiều lần sẽ phải đối diện với án tử hình. “Dâm ô” được định nghĩa trong luật Mỹ là “sự động chạm có chủ ý vào bộ phận nhạy cảm hoặc vùng vải vóc che phủ bộ phận nhạy cảm của người khác”. Pháp luật Mỹ chia tội phạm xâm hại tình dục làm 4 cấp độ: I- Hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi, hoặc từ đủ 13 tới dưới 16 tuổi và người phạm tội là giáo viên của trẻ sẽ bị phạt tới tù chung thân, phải đeo thiết bị giám sát GPS suốt đời; II- Dâm ô trẻ em dưới 13 tuổi, hoặc từ đủ 13 tới dưới 16 tuổi, hình phạt cao nhất là 15 năm tù, phải đeo thiết bị giám sát GPS; III- Hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tới dưới 16 tuổi, hình phạt cao nhất là 15 năm tù. IV- Người phạm tội hơn nạn nhân từ 5 tuổi trở lên và có hành vi dâm ô với trẻ em từ đủ 13 tới dưới 16 tuổi, hình phạt cao nhất là 2 năm tù. Còn tại Nhật Bản, khung hình phạt dành cho tội phạm xâm hại tình dục theo hướng tăng nặng hình phạt. Điều 177 Bộ luật Hình sự Nhật Bản quy định, người có hành vi hiếp dâm bé gái dưới 13 tuổi sẽ bị phạt tù từ 5 năm trở lên (không quy định mức trần). Với hành vi dâm ô trẻ em, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 6 tháng tới 10 năm. Ngoài ra, công tố viên còn được phép truy tố người phạm tội kể cả khi nạn nhân không tố cáo. Trong quy định của pháp luật Việt Nam không có hành vi lạm dụng tình dục hay quấy rối tình dục trẻ em, mà chỉ có hành vi xâm hại tình dục, trong đó có hành vi dâm ô với trẻ em và người chưa thành niên. Chỉ hành vi nào nằm trong quy định về xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, hành vi dâm ô mới phải xử lý bằng pháp luật hình sự. Mà chứng minh “xâm hại tình dục” thì rất khó khăn để có bằng chứng. Trong nhiều năm qua, hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em chưa được phát hiện và báo cáo kịp thời, luật pháp về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống, thiếu cụ thể, mô hình trợ giúp thiếu tính chuyên nghiệp… Hãy chung tay bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn xâm hại tình dục, qua đường dây nóng 111 của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, vừa mới lập trong toàn quốc.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...