
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Nhiều năm rồi, những đứa trẻ sống nơi đô thị không còn biết đến mùa hè là gì, bởi hè là lúc phụ huynh lo củng cố, nâng cao kiến thức cho con với mục đích vừa giúp chúng tránh xa trò chơi điện tử và các tệ nạn xã hội, lại giải quyết được vấn đề trông trẻ. Vì thế, kỳ nghỉ hè tự khi nào đã trở thành học kỳ 3 với những lớp học thêm gần như kín lịch cả tuần.
Tư tưởng của người Việt từ lâu đã quen “hi sinh đời bố củng cố đời con”, cha mẹ nào cũng mong muốn con mình biết được nhiều thứ để sau này lớn lên, ra đời không bị thua kém “con nhà người ta”. Họ kỳ vọng khi biết được nhiều thứ con sẽ dễ xoay sở hơn nếu chẳng may rơi vào tình trạng thất nghiệp. Vì vậy, vừa bế giảng năm học được vài hôm, gia đình nào tạo điều kiện cho con vui chơi lắm cũng khoảng một tuần và lại tiếp tục hối thúc con “cày cuốc”, nào toán, lý, hóa, rồi ngoại ngữ, tin học, ngữ văn…, chưa kể các môn năng khiếu, kỹ năng khác như đàn, khiêu vũ, bơi lội… Học kỳ mùa hè bởi vậy cũng căng thẳng, nhồi nhét chẳng kém gì hai học kỳ chính trong năm.
Có lẽ, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, các bậc cha mẹ đa phần là những lớp người tương đối trẻ và dễ dàng thích ứng với môi trường xã hội hiện đại; hiểu/thấy được về tình hình thế giới tiến bộ đã khiến họ đặt ra nhiều dự định, kỳ vọng hơn cho con cái. Và để thực hiện những dự định ấy thì tập trung rèn luyện cho con trẻ là điều tất yếu. Gửi con đi học thêm là một trong những phương thức rèn giũa tốt nhất mà họ nghĩ ra, tuy phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ. Nhiều người dù biết sẽ lấy cắp đi mùa hè của con, nhưng họ không dám yên tâm cho con nghỉ ngơi. Họ sợ đủ thứ, sợ con ở nhà một mình sẽ rất dễ sa đà vào trò chơi điện tử, chúi đầu vào truyện tranh, lười vận động sẽ béo phì; sợ nếu không học thêm thì không thể theo kịp các bạn ở trường điểm…
Còn từ phía người dạy thêm thì thế nào? Dẫu rằng nhiều năm nay, việc dạy thêm, học thêm cũng đã được các sở, ngành giáo dục chấn chỉnh nhưng vì sao vẫn tiếp diễn?
Ông bà ta thường nói “không có lửa thì sao có khói”, song quả thật các giáo viên cũng khó xử như người đứng giữa đôi dòng nước. Họ nói rằng việc dạy thêm thực sự xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của phụ huynh; bởi càng ngày càng nhiều người đặt mong muốn con mình phải là người đứng đầu, luôn đạt kết quả cao nhất. Thầy cô không dạy thì lại bị kêu là “chảnh” hay thiếu nhiệt huyết với nghề, với học sinh…
Bên cạnh đó, ở các thành phố lớn chúng ta hiện cũng thiếu những sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên. Sân chơi chỉ lác đác là vài công viên trong đô thị, các bể bơi tư nhân hoặc vài buổi sinh hoạt hè của tổ dân phố mỗi cuối tuần… Đó cũng là lý do khiến các em bị nhồi nhét vào các lớp học thêm để giảm thiểu sự cố “rảnh rỗi sinh nông nổi”.
Việc ép con khổ luyện trong những ngày hè luôn có tính hai mặt của nó. Lợi ở chỗ các em được ôn luyện lại các môn còn yếu, hoàn thiện và nâng cao kiến thức. Song trong rất nhiều trường hợp trẻ sẽ không còn thời gian để vui chơi, trau dồi các kỹ năng sống nên rất dễ phát triển lệch lạc, hình thành tâm lý chán ghét việc học, sợ đến trường, thậm chí gây ra những hệ lụy về tâm lý như căng thẳng, lo âu, trầm cảm…
Thực tế cho thấy, đa phần các nơi dạy thêm có khuynh hướng dạy trước chương trình. Do đó các em sẽ dễ cảm thấy nhàm chán khi vào học chính khóa, không tập trung và chủ quan vì cho là mình biết rồi. Theo Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) thì, “cha mẹ cho con đi học kỹ năng vào mùa hè không có gì sai. Tuy nhiên, đừng tạo áp lực cho con theo kiểu nhồi nhét. Trước khi đăng ký môn học, cha mẹ phải hiểu được khả năng của con có hay không. Học 1 hoặc quá lắm là 2 môn kỹ năng trong dịp hè để trải nghiệm là vừa phải”.
Đặt kỳ vọng vào con cái, các bậc cha mẹ sẵn sàng “hi sinh”, nhịn ăn nhịn tiêu, tiêu tốn thời giờ đưa đón con, dành kinh phí nộp học cho con…, nhưng làm thế nào để những kỳ vọng không thành gánh nặng trên vai chúng là điều khiến chúng ta phải suy ngẫm. Giúp con hoàn thiện và vượt trội, không nhất thiết là kế hoạch học thêm dày đặc trong hè. Học những môn thực sự còn yếu kém, nhẹ nhàng kết hợp với các hoạt động chân tay ngoài trời (học bơi, khiêu vũ, tham gia câu lạc âm nhạc…) sẽ giúp con có được sự thư giãn hoàn toàn sau một năm học căng thẳng. Đó còn là cách nạp năng lượng hữu ích từ kỳ nghỉ, chuẩn bị cho một năm học mới nhiều thử thách mới.
Các bậc cha mẹ hãy tạm ngừng cuộc đua thành tích lại một chút, giúp con có những mùa hè thảnh thơi với sách vở đúng như chúng cần phải có nó trong cuộc đời.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...