Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
07:36 (GMT +7)

Chính quyền trách nhiệm và hành động

VNTN - Những ngày gần đây, dư luận cả nước rất quan tâm, đồng tình và hoan nghênh quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong bối cảnh như hiện nay, một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ sẽ mang lại những cải tổ tốt đẹp cho kinh tế - xã hội đất nước. Thực tế thì Chính phủ nhiệm kỳ mới đã hành động rất quyết liệt đúng như quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng. Chỉ riêng vụ việc của Formosa Hà Tĩnh thôi cũng đủ thấy Chính phủ không nói suông mà thể hiện rõ tính chất hành động, không khoan nhượng, bao che.

Tại một cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Hải Phòng mấy ngày trước đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thực sự làm hài lòng cử tri thành phố cũng như cử tri cả nước khi khẳng định: “Không thể để tình trạng như Formosa vừa rồi tái diễn trên đất nước ta. Tất cả các dự án đều phải được kiểm soát, kiểm tra, không thể để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường như vậy được. Chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá”. Thủ tướng còn nhấn mạnh: “Phải rút ra bài học sâu sắc qua những vụ việc như vậy”. Qua đây cho thấy, một Chính phủ hành động, trách nhiệm, không né tránh đã bước đầu mang lại kết quả, tạo dựng lòng tin vững chắc hơn của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, với đội ngũ cán bộ công quyền đang thực thi nhiệm vụ.

Từ những chỉ đạo và hành động của Chính phủ nhiệm kỳ mới nghĩ về cách hành động và ứng xử của bộ máy chính quyền tỉnh ta thời gian gần đây đối với một số vụ việc nổi cộm cũng thấy có nét tương đồng. Dẫu biết rằng mọi so sánh là khập khiễng, song về tinh thần trách nhiệm, thái độ dứt khoát, không né tránh của chính quyền cấp tỉnh ở một vài trường hợp vừa qua cần được hoan nghênh, ghi nhận.

Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra toàn diện về môi trường đối với Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đang được cử tri rất quan tâm trong những ngày này.

Tháng 7 vừa qua, việc UBND tỉnh có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề môi trường ở Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo và các khiếu kiện của người dân xã Hà Thượng, huyện Đại Từ đã thể hiện rõ điều này. Tại buổi làm việc này, UBND tỉnh đã rất thẳng thắn và không ngần ngại đưa ra những thông số giật mình về môi trường tại Núi Pháo, điều mà trước đây chưa có. Đó là, theo kết quả quan trắc môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì phối hợp với Công ty Núi Pháo giám sát và thực hiện định kỳ cho thấy, nước thải ra môi trường của Công ty Núi Pháo đã bị ô nhiễm kim loại nặng và hóa chất. Cụ thể, trong nước thải từ Nhà máy chế biến của Công ty ra bên ngoài phát hiện tổng lượng xianua vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, cá biệt có đợt vượt giới hạn đến 231 lần (năm 2014). Gần đây nhất, ngày 30-6, sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc Công ty Núi Pháo xả nước thải không qua hệ thống xử lý, lực lượng liên ngành của tỉnh, huyện đã tiến hành kiểm tra đột xuất và lấy mẫu phân tích nguồn nước thải, kết quả đã phát hiện hàm lượng xianua vượt quy chuẩn 32 lần. Tuy nhiên, có một điều là toàn bộ kết quả quan trắc nước thải do Công ty Núi Pháo độc lập thực hiện và cung cấp đều nằm trong giới hạn cho phép. Cũng bởi vậy, mấy năm qua, việc giải quyết vấn đề môi trường ở Núi Pháo chưa có sự thống nhất và được xử lý triệt để. Trong khi đó, người dân bức xúc, thể hiện nhiều cách phản ứng khác nhau, từ khiếu kiện đến tụ tập đông người ngăn cản hoạt động sản xuất của Công ty, làm mất an ninh trật tự địa phương. Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai công tác thanh tra toàn diện về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác chế biến khoáng sản của Công ty Núi Pháo và đề nghị thanh tra ngay trong tháng 8 này.

Trước khi có buổi làm việc chính thức tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2016, UBND tỉnh đã có 3 công văn báo cáo Bộ này về tình hình hoạt động của Công ty Núi Pháo và những tác động làm ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân trong khu vực. Đồng thời, UBND tỉnh đã cũng làm việc với Ban tiếp dân Trung ương ngay tại huyện Đại Từ, nơi có dự án của Công ty Núi Pháo hoạt động để trao đổi, làm rõ tác động môi trường của doanh nghiệp này. Tại cuộc làm việc, tỉnh đã thống nhất để Ban tiếp công dân Trung ương báo cáo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động của Núi Pháo.

Có thể thấy, đây là một động thái thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và thái độ rõ ràng, dứt khoát trước một vấn đề đang nóng bỏng, gây bức xúc, lo lắng trong quần chúng nhân dân của chính quyền cấp tỉnh. Việc UBND tỉnh đề nghị thanh tra toàn diện công tác bảo vệ môi trường đối với Núi Pháo - điều mà lâu nay chúng ta chưa làm hoặc còn né tránh chưa làm - được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao. Rồi đây, sau thanh tra, nếu kết quả môi trường ở Núi Pháo không ô nhiễm thì thật là điều đáng mừng, giúp cả doanh nghiệp, chính quyền và người dân an tâm, ổn định tình hình sản xuất, cuộc sống sinh hoạt. Còn nếu kết quả lại giống như những gì sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh quan trắc nhiều lần qua thì quả là đáng sợ, nhưng sẽ giúp chính quyền địa phương chặn đứng tình trạng ô nhiễm có thể là rất lớn của Núi Pháo cũng như Chính phủ đang giải quyết vụ việc Formosa... với những lỗi vi phạm liên tiếp được phát hiện.

Phát triển kinh tế nhưng không xem nhẹ môi trường là mục tiêu tăng trưởng bền vững mà mỗi nền kinh tế hiện đại đều lựa chọn. Tỉnh ta đang trong giai đoạn hoàng kim về thu hút đầu tư bởi mấy năm nay đều đứng ở vị trí tốp đầu toàn quốc. Do đó, quan điểm không phát triển kinh tế bằng mọi giá và tinh thần trách nhiệm, hành động cần phải được chính quyền duy trì và áp dụng nhiều hơn nữa. Đã đến lúc chúng ta phải tỏ rõ thái độ và hành động dứt khoát đối với những dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Nhiều người cho rằng, với trách nhiệm của mình, UBND tỉnh cũng nên xem xét vấn đề bảo vệ môi trường ở các Dự án khổng lồ của Tập đoàn Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình, thị xã Phổ Yên và các khu công nghiệp lân cận. Đây là dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao với lượng rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại khổng lồ xả ra môi trường mỗi ngày. Việc rác thải nguy hại của Samsung sau khi được vận chuyển ra bên ngoài xử lý đã từng nhiều lần bị người dân phát hiện đổ trộm hoặc xử lý không đúng quy trình. Hẳn chúng ta còn nhớ trường hợp người dân xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên chặn xe chở rác thải công nghiệp Samsung vào lò xử lý ở khu vực bãi rác Đá Mài năm ngoái vì cho rằng xử lý chưa triệt để. Có lẽ, đã đến lúc phải tiến hành hoạt động kiểm tra môi trường một cách nghiêm túc đối với những khu vực sản xuất của nhà đầu tư này.

Mặt khác cũng giống như vụ Formosa, cần xem xét tư cách, khả năng của các doanh nghiệp nhận hợp đồng xử lý rác thải với Samsung. Cùng với đó, các khu vực đã và đang gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh như Khu công nghiệp Lưu Xá, Khu công nghiệp Sông Công 1, Khu công nghiệp Điềm Thụy, một số nhà máy, cơ sở luyện kim, sản xuất giấy, các bệnh viện… trên địa bàn, cũng cần được kiểm tra thường xuyên và xử lý theo quy định nếu vi phạm.

Dư luận địa phương rất quan tâm và hoàn nghênh tinh thần, thái độ hành động trách nhiệm của UBND tỉnh thời gian qua đối với các vấn đề xã hội nổi cộm. Hy vọng, tinh thần, thái độ đó luôn được phát huy trong giai đoạn tới và được chuyển thành kết quả cụ thể có lợi cho địa phương và nhân dân sở tại.

Nguyễn Nguyễn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy