Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:46 (GMT +7)

Chim chóc, biểu tượng của sinh sôi và hòa bình

VNTN - Trong các loài động vật trên trái đất, chim chóc có lẽ là loài duy nhất đông đúc, cũng tự do, tự tại nhất và thấy ở mọi nơi nên chúng là hình ảnh của hòa bình, thịnh vượng. Sở dĩ như vậy, vì chúng có đôi cánh, cho phép bay lượn trên trời, thoát khỏi mọi nguy hiểm và tìm kiếm được thức ăn muôn nơi. Chính điều này đã giúp chúng sống sót và giữ vững được nhiều tập tính, hình dạng từ thời nguyên thủy. Là một ví dụ của sự linh hoạt và phản xạ, chúng dạy cho ta rất nhiều, trong đó có sự thích nghi và cảnh giới, sự yêu đời, vui vẻ khi cất lên ngàn tiếng ca. 

1.Được biết hiện nay trên thế giới đang có tới hơn 400 tỷ con chim thuộc 18 nghìn loài, phân thành các dạng: chim ăn ngày, chim ăn đêm, chim nước, chim hút mật, chim mỏ sừng, chim chạy, chim cổ đại hay đã gần tuyệtt chủng…

Colombia là đất nước được trời phú nhiều chim hơn cả, kế tiếp tới Brazil, Peru, Indonesia, Bolivia… Đẹp nhất trong các loài chim nhờ lông vũ sặc sỡ là trĩ cổ vàng, vẹt Macaw đỏ thắm, công xanh, Toucan mỏ thuyền, uyên ương…, còn xấu nhất là cò Marabou, Ibis đầu trọc, tê điểu đội mũ, kền kền vua, potoo… Những loại chim lớn nhất là đà điểu, bồ nông Dalmatia, thiên nga câm, condor núi Andes, cò mỏ giày… và ngược lại bé nhất là hút mật Costa, sẻ ngô châu Á, mào vàng Bắc Âu và kim oanh Bắc Mỹ…

Chim thần Horus

Gọi là chim, song thật ra có tới 60 giống loài không “chịu” bay, mà tiêu biểu là các loài: emu, rhea, kiwi và cassowary, chim cánh cụt… Chúng không bay như nhiều loài chim khác song vẫn chạy cực nhanh, thậm chí hơn cả xe cộ khi đi kiếm mồi hay lẩn trốn.

Do có quá nhiều thứ chim, người ta luôn dùng rất nhiều từ ngữ để chỉ chim non. Mọi người thường gọi chung chúng là hatchling, nestling, fledgling, Juvenile hay subadult vì chúng đều chưa rời khỏi ổ. Nhưng cũng có người cầu kỳ chú ý từng loại, ví dụ như đại bàng thì phải gọi là eaglet, ưng cắt - eyas, cu ngói - squab, cò sếu - colt, thiên nga - flapper, ngỗng trời - gosling, gà gô - cheeper, gà tây - poult, gà rừng Nhật - keet, chim sục cát - peep… Ai nấy đều thấy chim đáng yêu, hữu ích và với một số dân tộc ít người, họ còn xem chim là những tô tem - vật tổ, mang ý nghĩa to lớn.

2. Một trong đó là loài gà - tượng trưng cho đức hy sinh, sự lạc quan tin tưởng, sung túc và mặt trời. Do chúng luôn nhường nhịn nhau, sống vui vẻ thành bầy và còn biết gọi bình minh đến, cứ nghe thấy tiếng gà gáy là biết chắc gần đó có làng xóm và trời sắp sáng. Tôn vinh gà, dân gian thường đặt tượng chúng ở trên đỉnh mái nhà. Cũng như gà, vịt lại là biểu tượng của nước, sự duyên dáng, điềm tĩnh song thận trọng, yêu thương. Do chúng bơi lội mềm mại, có thể lặn sâu, im ắng hàng giờ, trong khi luôn quấn quýt và vì gắn với nước đem tới sự sinh sôi, mưa gió thuận hòa.

Ngỗng là hình ảnh của hạnh phúc gia đình, đặc biệt là sự chung thủy và trường thọ, đồng thời là hiện thân cho sự chăm sóc, nuôi dưỡng khi mà cả con đực lẫn con mái luôn cặp kè, tìm kiếm nhau và chăm sóc đàn rất giỏi. Khi bay chúng cũng luôn tạo hàng chữ V, với con lớn ở bên ngoài nâng đỡ con bé bên trong. Ngỗng thường sống lâu tới 30 năm, và là một trong thập trường tượng của Hàn Quốc và châu Á.

Bói cá thường mang thông điệp của sự an bình, dư thừa. Cả ngày chúng chỉ bay trên mặt nước để săn cá, khi nghỉ thì đậu trên cọc cao nên chẳng bao giờ phải lo lắng. Và vì thoăn thoắt một lúc bắt được cả chục con cá to nhỏ, chúng là sứ giả của tin mừng, niềm vui và vận hội.

 

Đại bàng - vua của bầu trời lẫn mặt đất

Trong mọi nền văn hóa, cú mèo luôn là biểu trưng của trí tuệ thông thái, sự tiên đoán cùng những điều bí ẩn. Vì xuất hiện trong đêm, ở châu Âu, nó cũng được ví với người canh giữ cánh cổng bên kia thế giới và nhờ sự bảo vệ của nó, vong linh sẽ không bị ma quỷ, người sống quấy nhiễu. Trong thực tế, đây là thiên địch của chuột, chống dịch bệnh - mất mùa nên cũng là con vật của sự no ấm, an lạc.

Vì hay kêu và nhại, vẹt là hiện sinh của tài ăn nói hùng biện, thậm chí giao tiếp linh hoạt. Màu sắc tuy lòe loẹt nhưng lại nổi bật trước đám đông và hòa đồng được vào mọi hoàn cảnh. Với người Úc, vẹt chính là một thế giới đa dạng, đầy những điều ngẫu nhiên có thể xảy ra. Người Úc thường thờ vẹt để mong nói được sõi, dễ học ngoại ngữ.

Công nổi tiếng về sự lộng lẫy, uy nghi cùng tiếng kêu dõng dạc nên tượng trưng cho vua chúa, phú quý, vinh dự và sự liêm chính. Nó hay được gắn với phượng - một tiên điểu trong truyền thuyết có vẻ đẹp thướt tha, mỹ miều và do cao lớn lại đậu cành thượng, nhất là cây ngô đồng nở hoa đỏ rực nên là niềm mong ước của dân gian về một quyền thế tối cao, quan trọng. Người Trung Quốc tin rằng, khi nghe thấy công - phượng ở một nơi nào đó thì nơi ấy sẽ có quý nhân hoặc một kỳ tích xuất hiện. Không đẹp như công, lại kêu quang quác, ở châu Á quạ hay bị xua đuổi, thế nhưng tại Mỹ, nó lại được khá nhiều dân tộc tôn làm tổ tiên sinh ra bộ lạc mình vì sự thông minh tự lập, khỏe khoắn và sáng tạo. Trong các vùng hoang dại của Bắc Mỹ, chỉ có loài chim này sống giỏi, biết thích nghi và chiến đấu vì giống nòi. Thổ dân Mỹ tin rằng, nếu gặp chúng trên đường hay trong mơ, cuộc đời của họ sẽ rẽ sang trang mới. Chúng cũng là các nhà tiên tri về thời tiết, lúc nào sẽ mưa hay nắng. Diều hâu hay chim ưng lại là biểu tượng của sự tinh mắt, sắc sảo do nhìn được rất rõ mọi thứ từ trên không và lao với tốc độ siêu nhanh, nhào xuống vồ mồi bằng vuốt nhọn. Vì thế, chúng được ví là những ông hoàng của các loài chim nhỏ và tượng trưng cho sức mạnh vũ bão hoặc ngọn lửa.

 

Chim thần Huitzilopochtli

Dù rằng chao lượn rất chậm trên bầu trời, cũng đậu như chết trên cành, song một khi nhìn thấy con mồi, chim cắt có thể lao với tốc độ 390 km/giờ để bắt con mồi và được gọi là thợ săn, người xuyên không. Từ thời Trung Cổ hoặc lâu hơn nữa, ở châu Á cũng như châu Âu, dân gian đã dùng chim cắt để làm chim săn mồi. Mỗi nhà đều có ít nhất một con chim bắt từ nhỏ, sau đó thuần phục và để có nó, họ phải leo tít lên ngọn cây, vách núi cheo leo. Nhờ chim cắt có thể săn được khá nhiều con vật từ thỏ, sóc, chuột, chim lớn tới hươu nai, sói, cầy nên người chủ rất rảnh rỗi, chỉ việc ngồi trên lưng ngựa lang thang và chờ kết quả tốt đẹp. Qua chim cắt, họ rút ra được nhiều kinh nghiệm, đó là phải kiên nhẫn và tính toán kỹ lưỡng mới đạt được thành công. Thế nhưng, đại bàng mới thật sự là vua của bầu trời lẫn mặt đất khi chúng dũng cảm, nhanh nhạy, khéo léo và thăng bằng rất giỏi. Tất cả các dân tộc đều yêu thích đại bàng và trong văn hóa Mỹ bản địa, nó là người canh giữ linh hồn.

Cò lại tượng trưng cho sự khởi đầu, chào đời, tổ ấm gia đình. Người ta thường kể nhau nghe chuyện cò mang những đứa trẻ đến đặt trước cửa mỗi nhà để cho mỗi gia đình có trẻ con. Cò cũng mang tới những năng lượng mới tích cực, sự hồi sinh của các vùng đất mỗi khi nó xuất hiện, và nối kết ta với các truyền thống xa xưa. Thiên nga luôn đồng nghĩa với vẻ đẹp đích thực, mới mẻ và trường thọ. Với xuất phát điểm như một chú vịt con xấu xí, nó luôn vươn lên thành một chúa tể trong thế giới loài chim mà thật dịu dàng, ngọt ngào. Hồng hạc vừa biết đứng vững chãi bằng một chân nổi bật trên nước, vừa có màu hồng gắn với chakra tâm - là trung khu năng lượng giúp phát huy và kiểm soát mọi cảm xúc. Người ta cho rằng, mơ thấy hồng hạc sẽ giải tỏa được mọi bức xúc và có được sự dẫn dắt trên đường đời, chứa nhiều niềm vui.

3. Vì gắn với nhiều biểu tượng như vậy, nhất là khả năng bay đến “thiên đàng”, nhiều loài chim thường được ví là thần điểu và ngược lại có hình hài của chim nhiều người cũng là thần chim. Ví dụ như Horus là vị thần bầu trời Ai Cập, có dạng một chú chim ưng đội mặt trời. Vị thần này cai quản mọi thứ trong tầm mắt, nên có thuật ngữ Mắt của Horus (ý chỉ sự minh bạch, tinh tường), và dân gian thường vẽ nó trên thuyền giúp đi lại an toàn cả trên đường bộ lẫn đường thủy. Huitzilopochtli của Aztec cũng là một thần mặt trời, dưới dạng một chú chim hút mật.

 

Người Nam Mỹ tin rằng, khi một chiến binh hy sinh, họ sẽ biến thành chim hút mật mà phục tùng Huitzilopochtli, còn ông lại bảo vệ Tenochtitlan, cố đô của Aztec, nay là Mexico City. Hecate là một nữ thần của Hy Lạp thường hiện lên như một con cú, mang tới những phép thuật và trông coi từng ngả đường. Với người Ireland, Morrigan vừa là thần săn bắn vừa là thần chiến tranh. Bà thường được xem như một con quạ, và các chiến binh luôn mang theo các tấm khiên hay bùa in hình quạ để được may mắn. Trong đạo Phật và Hindu giáo, Garuda là một người có đầu và đôi cánh của diều hâu, mỗi khi bay đều làm rung chuyển mặt đất và che khuất bầu trời. Do đó, thần luôn mang tới mưa bão song đáng ngạc nhiên hơn lại là vật cưỡi của Vishnu.

(Ảnh: Theo Nature Wildlife)

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy