Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
12:30 (GMT +7)

Chiến tranh như tôi hình dung – góc nhìn nhà văn trẻ

  1. Nhà văn trẻ - họ là ai?

Nhà văn trẻ, là định danh có tính tương đối, không chặt chẽ, hướng đến những nhà văn sinh ra và lớn lên sau thời điểm 1975. Cách gọi cửa miệng này dần phải được kiểm soát, vì thời điểm 1975 đã qua hơn 40 năm. Dẫu sao, trường thẩm mỹ, văn hóa, văn học của đất nước vẫn nằm trong cùng một hình thái - thời hậu chiến, văn học hậu chiến. Các nhà văn trẻ bây giờ, có lẽ phải tính là những người sinh sau 1980, thế hệ 8x, 9x, thậm chí cả những người sinh sau năm 2000. Ở điểm nhìn hậu chiến, chủ thể sáng tạo, tiếp nhận có nhiều cơ hội tạo nên khác biệt. Nơi những vết thương đã thành sẹo, nỗi đau chỉ còn trong ký ức. Nơi những người còn sống đang sống, nơi những cuộc đời li tán tha phương, chiến tranh gắn với những trận đánh mất còn cùng đồng chí, đồng đội, nhân dân, những con người, những cuộc đời ở cả hai bên chiến tuyến, những địa danh, những mối tình, những ám ảnh, hận thù và hòa giải,… chiến tranh được hình dung và tái tạo. Chiến tranh trong cái nhìn của người trẻ không chỉ là bom đạn, cái chết, mà dường như, bởi những lợi thế thuộc về thời đại, họ nhìn thấy những hiện thực khác của chiến tranh vốn ít được nói tới trong văn chương thời chiến.

Về mặt đội ngũ, nếu căn cứ trên tiêu chí về Nhà văn trẻ do Hội Nhà văn đưa ra năm 2016, có thể thấy lực lượng trẻ ở mảng đề tài chiến tranh cách mạng khá mỏng. Những người có thể nhắc đến ở đây như: Trịnh Sơn (sinh 1982, với Sóng gió Ô cấp, Những bóng người trên đất), Nguyễn Thị Kim Hòa (sinh 1984, với Đỉnh khói, Giấc mơ đá vỡ), Nguyệt Chu (sinh 1986, với Gió tháng Chạp), Đinh Phương (sinh 1989, với Đợi đến lượt), Huỳnh Trọng Khang (sinh 1994, với Mộ phần tuổi trẻ)… Thế hệ 8x, 9x dường như khá dè dặt với mảng đề tài chiến tranh cách mạng. Đọc các sáng tác của tác giả trẻ nhân Hội nghị Đại biểu viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX (Nhịp điệu ban mai - 2016) diễn ra tại Hà Nội, như một khảo sát ngẫu nhiên, cũng không tìm thấy đề tài chiến tranh cách mạng. Chỉ có một vài chi tiết nhỏ trong Gió tháng chạp của Nguyệt Chu liên quan đến vấn đề chất độc da cam. Gần đây, nhân cuộc thi truyện ngắn “Lửa mới” của tạp chí Văn nghệ quân đội (2018), một số tác phẩm mới được trình làng đem đến cái nhìn lạc quan hơn về đề tài chiến tranh trong sáng tác của nhà văn trẻ. Những cây bút như Trần Thị Tú Ngọc, Lê Vũ Trường Giang, Nguyệt Chu,… đã bắt đầu thể hiện một cách rõ nét hơn mối bận tâm về chiến tranh của họ. Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, ở các cây bút trẻ, những dư chấn, kiến tạo và định hình xuất phát từ nguyên cớ chiến tranh không phải là phổ biến. Điều đó khiến cho những âu lo về lực lượng sáng tác là có cơ sở. Tương lai của văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng sẽ như thế nào? Nhà văn trẻ viết về chiến tranh: họ là ai? Những truy vấn ấy, một lần nữa đặt chúng ta vào trạng thái do dự thực sự.

2.Trạng thái tinh thần của nhà văn trẻ

Có thể thấy, nổi bật lên trong sáng tác của các nhà văn trẻ là cảm thức hoài nghi, thậm chí phê phán chiến tranh. Đó là tâm trạng của những người chứng kiến bi kịch hậu chiến, nơi dư chấn chiến tranh còn dai dẳng. Bản chất phục tùng hay lôi cuốn của diễn ngôn sử thi, của trật tự thời chiến đã bị giải tỏa bởi thực tại ảm đạm, bi đát mà chiến tranh còn để lại. Có nghịch lí không khi nói, thiếu trải nghiệm chiến tranh hoá ra lại là một may mắn của người viết trẻ. Bởi lẽ, không bị chi phối bởi các diễn ngôn quyền lực về chiến tranh, về nguyên lí phân cực (chính nghĩa - phi nghĩa, ta - địch, thiện - ác, bên này - bên kia,…), các thiết chính trị, xã hội, văn hóa thời chiến, các nhà văn trẻ tự do hơn trong cách hình dung, tưởng tượng và trình bày cuộc chiến như mình cảm nhận. Như đã nói, chiến tranh chỉ là nguyên cớ cho những câu chuyện khác. Ngay cả khi thể hiện chiến tranh, lớp men sử thi đã bị gột bỏ đi để trả hiện tượng trở về với đời sống thế tục. Rất hiếm hoi những khẩu hiệu, những lời tuyên thệ, một ý chí sắt máu nào trong truyện của Đinh Phương (Đợi đến lượt), trong cuộc sống giữa đô thành Sài Gòn của nhân vật con trai viên tướng Việt Nam cộng hòa (Mộ phần tuổi trẻ - Huỳnh Trọng Khang), trong cuộc sống vũ trường nhầy nhụa của Diễm Thuý (Đỉnh khói - Nguyễn Thị Kim Hòa), trong những hi vọng mong manh diệu kì gợi lên từ một bông súng đỏ (Ngụ ngôn tháng tư - Trần Thị Tú Ngọc). Tất cả, dường như chỉ là những trôi dạt, lạc loài, âm u, bế tắc.

Cái nhìn phản tư, đa chiều gắn với bối cảnh đổi mới, rộng mở của không gian đương đại chính là cơ sở của đề tài chiến tranh trong sáng tác của các nhà văn trẻ. Họ được ủng hộ từ cái nhìn rộng mở của thời hậu chiến. Bởi thế, không giống như lớp nhà văn cha chú - bằng trải nghiệm trực tiếp, các nhà văn trẻ nhìn gián tiếp thông qua tư liệu, chuyện kể. Bên cạnh cái khốc liệt, chiến tranh từ điểm nhìn của nhà văn trẻ tăng thêm những suy tư, xúc cảm, những khía cạnh khuất lấp, những diễn biến sau cuộc chiến nhưng bắt nguồn từ cuộc chiến. Rõ nhất là những bi kịch hậu chiến. Dễ nhận ra trong sáng tác của Nguyễn Thị Kim Hòa, Trịnh Sơn, Đinh Phương, Nguyệt Chu, Võ Thu Hương, Minh Moon, Huỳnh Trọng Khang, Lê Quang Trạng,… những số phận lâm vào bi kịch mà nguyên nhân khởi phát từ chiến tranh. Cái nhìn gián tiếp, có khoảng cách thời gian đã giúp các nhà văn trẻ thoát ra khỏi từ trường của văn học sử thi (cảm hứng chủ đạo và thi pháp). Chiến tranh không phải là trung tâm hoặc duy nhất trong câu chuyện của họ. Chiến tranh có thể là một gợi dẫn, một nguyên cớ, một ký ức để những câu chuyện khác, những liên quan khác được trình hiện. Ở đây, chất thế sự của văn chương viết về chiến tranh là điểm rất đáng lưu ý. Chiến tranh được nhìn từ thế tục khác với chiến tranh được nhìn từ cảm quan lãng mạn sử thi. Không gian của văn học sử thi là không gian huyền thoại gắn với cộng đồng đoàn thể - ít sự kiện, còn không gian của văn học hậu chiến là không gian của truyện kể - luôn xảy ra sự kiện, hàm chứa tính chất đời tư thế sự. Tưởng như mâu thuẫn, nhưng những gián cách về thời gian là một cơ hội để chiến tranh được nhìn khác hơn, đầy đủ hơn. Điều đó, ở những sáng tác sử thi giai đoạn trước chúng ta chưa có điều kiện để nói một cách triệt để. Tuy vậy, thực tiễn sáng tác văn chương về đề tài chiến tranh cách mạng của nhà văn trẻ lại chưa thực sự tương xứng với những điều kiện thuận lợi thuộc về ngữ cảnh.

  1. Nỗ lực để đi xa hơn nữa…

Khi những tượng đài của văn học thời chiến tỏa bóng xuống nền văn chương nước nhà, rất cần ở những nhà văn trẻ một nỗ lực để thoát ra khỏi cái bóng rộng lớn ấy. Như thế, nhà văn trẻ phải đối diện với hai thách thức, thoát khỏi ám ảnh của những tác phẩm đã đóng đinh vào lịch sử văn học thời chiến, đồng thời, muốn thế, họ phải vượt qua chính mình (NTT nhấn mạnh).

Phải thật sòng phẳng để nhận định, đọc những sáng tác của các nhà văn trẻ chúng ta vẫn chưa nhận thấy những cuộc bứt phá ngoạn mục minh chứng các nhà văn trẻ đã thoát ra khỏi cái bóng của cha anh. Chuyện đó, đương nhiên không dễ, nhưng trong bối cảnh đương đại, với những điều kiện rộng mở hơn, câu hỏi vẫn cứ phải đặt ra: Tại sao? Thiếu trải nghiệm chiến tranh phải chăng là một thách thức? Có thể, nhưng không phải là tất cả. Văn chương không phải là lịch sử. Chiến tranh cách mạng là một đề tài, một di sản, một thực tiễn luôn đòi hỏi được đối diện và diễn giải. Với văn chương, nguyên lý của tưởng tượng, hư cấu đặt tất cả vào những tình huống có tính khả năng. Bởi vậy, kiến tạo chiến tranh trong văn chương không đòi hỏi sự ứng chiếu vào lịch sử. Dĩ nhiên, văn chương viết về chiến tranh cách mạng nói riêng, lịch sử nói chung không xuyên tạc hay xem thường lịch sử. Nó gợi dẫn hay đề xuất, rọi chiếu hay hé mở các khả năng của lịch sử. Hẳn nhiên, ở đó, chủ thể tính là một phạm trù có tính đặc thù. Dẫu vậy, nhà văn trẻ vẫn tỏ ra không mặn mà. Nguyên nhân có thể nằm ở chính hấp lực của đề tài này trong tâm thức những người trẻ tuổi. Cuộc sống đương đại có nhiều điều khác lôi cuốn tâm trí giới trẻ. Đó không phải là thái độ quay lưng lại với đề tài chiến tranh, nhưng, đó lại chính là bản chất của xã hội hậu chiến. Người trẻ hôm nay, họ đang sống đời sống của chính họ, họ cần chứng minh sự hiện hữu của mình. Mà, chiến tranh, sự thực đã lùi xa, đã trở nên lạ lẫm với những người trẻ tuổi. Mặt khác, bản thân lịch sử khá dày dặn của thể tài văn học sử thi đã trở thành một giới hạn, một bức tường ngăn trở người trẻ đến với những chân trời sáng tạo mới. Trong các sáng tác về chiến tranh cách mạng của các tác giả trẻ, chúng ta vẫn thấy những mô típ đã rất thành công, thậm chí đến mức kinh điển trong tác phẩm hậu chiến của Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), Chu Lai (Ăn mày dĩ vãng), Lê Minh Khuê (Những ngôi sao xa xôi), Võ Thị Hảo (Người sót lại của rừng cười), Nguyễn Bình Phương (Mình và Họ),…

Cũng viết trong không gian hậu chiến, nhưng, thế hệ cuối 7x, 8x, 9x có lẽ vẫn cần một nỗ lực mãnh liệt hơn để đứng riêng, kiến tạo chiến tranh trong văn chương của riêng mình. Văn chương mang giá trị đích thực có lẽ không nên bàn đến chuyện vượt qua hay phủ định. Sáng tạo cần nhất là sự khác biệt mang giá trị. Cái khác có giá trị chính là điều mà thế hệ trẻ viết về chiến tranh cần nỗ lực tạo dựng. Những tác phẩm khá nổi bật của Nguyễn Đình Tú (Xác phàm - tiểu thuyết), Phong Điệp (Chuyến đêm - truyện ngắn), Doãn Dũng (Âm thanh của ký ức, Chuyện Nguyên Phong - truyện ngắn), Hồ Kiên Giang (Chuyện trên núi Tưk-cot - truyện ngắn) có lẽ đã bắt đầu tạo nên được dòng chảy riêng khác như thế (Không chắc là có còn nên gọi họ là nhà văn trẻ nữa không khi đã bước sang tuổi 40 hoặc hơn. Dẫu sao, họ đã viết những tác phẩm về chiến tranh của mình khi còn đang trẻ). Ở những người trẻ hơn, đáng để nhắc đến ở đây là Nguyễn Thị Kim Hòa, Trịnh Sơn, Đinh Phương, Nguyệt Chu, Trần Thị Tú Ngọc, Võ Thu Hương, Minh Moon, Huỳnh Trọng Khang,… giúp chúng ta có được đôi chút an ủi. Sự linh hoạt trong tổ chức thế giới nghệ thuật, lối viết, cấu trúc mềm dẻo của hệ thống sự kiện, điểm nhìn, tính chất hiện đại thuộc về diễn ngôn, đặc tính thế sự của không gian truyện kể, vai trò của yếu tố vô thức, tâm linh, huyền ảo… chính là những dấu hiệu manh nha của một tư duy nghệ thuật khác về chiến tranh. Nhưng, một vài trường hợp như thế  không đủ xua tan cái đìu hiu của văn chương trẻ viết về đề tài chiến tranh. Đáng tiếc hơn, trong một vài tác phẩm của nhà văn trẻ, sự nông cạn hay vụng về, đơn giản đến thường tình đã gieo thêm những ảm đạm vào không gian văn học này.

Để cải thiện tình hình, trước các vấn đề lực lượng, diện mạo và chất lượng của văn học trẻ viết về đề tài chiến tranh cách mạng, có lẽ cần một chiến lược lâu dài. Trên một thế nhìn có tính bình đẳng giữa các đề tài văn học nghệ thuật, chiến tranh cách mạng trong không gian đương đại phải chấp nhận nguyên lý của thời hậu chiến. Năng lực cạnh tranh, sức lôi cuốn, hấp dẫn của đề tài chiến tranh, trong thực tế chưa được thể hiện mạnh ở thế hệ trẻ cuối 8x, 9x. Những bận tâm của giới trẻ đương đại dường như không ưu tiên cho chiến tranh. Bởi vậy, không phải dễ khi đặt ra vấn đề tìm giải pháp để người viết trẻ mặn mà với đề tài chiến tranh cách mạng. Điều cần thiết trong bối cảnh này chính là tạo nên hành lang cơ chế có tính rộng mở hơn cho người viết. Nghĩa là, chiến tranh như là một đề tài nghệ thuật với mọi góc nhìn, mọi diễn giải, mọi khả thể của sáng tạo và tiếp nhận. Giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử chiến tranh phải cho thấy tính thực chất, toàn diện, trở thành ý thức thẩm mỹ, tình cảm thẩm mỹ của giới trẻ, biến nhận thức thành hành vi sáng tạo nghệ thuật. Như thế, vấn đề khá cốt lõi ở đây chính là quan niệm về giá trị, về nghệ thuật mà rốt ráo chính là tư tưởng thẩm mỹ. Nhà văn trẻ, thế hệ 8x, 9x cần thấy được chiến tranh cách mạng là một di sản lịch sử, chính trị, xã hội, văn hóa và nghệ thuật, để từ đó có thái độ và ứng xử thỏa đáng.

GS. Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Đại học Harvard trong bài phát biểu “Chiến tranh đã đi qua: Hồi ức và bài học lịch sử”, tại Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho rằng chiến tranh đã định hình nên thế hệ ông, cha, anh của lớp trẻ hôm nay. Chiến tranh còn kéo dài những dư chấn của nó trong lòng quốc gia dân tộc, trong các kiến tạo văn hóa, xã hội hậu chiến. Do vậy, việc đối diện với chiến tranh, không phải chỉ là vấn đề sở thích, mà đó là trách nhiệm, nhận thức, thái độ và hành động của người trẻ trong việc nhìn nhận lại quá khứ cũng như hướng tới tương lai.

Nguyễn Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy