Chiếc camera ở trong mỗi người
VNTN - Chuyện anh thượng úy công an ở Thái Nguyên, chị đại úy công an ở Hà Nội hành xử xấu xí nơi công cộng, được camera của ai đó ghi được, tung lên mạng xã hội, khiến dư luận bừng bừng tức giận. Cả hai đều đã bị giáng chức, cho ra khỏi ngành. Đó là trừng phạt thích đáng dành cho họ. Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đấy. Không ít người nhân cơ hội này đặt câu hỏi nghi ngại về phẩm chất đạo đức của cán bộ chiến sĩ công an; bày tỏ sự thiếu thiện cảm với toàn bộ lực lượng trong ngành công an và cho rằng họ toàn những người có tính cách hống hách, cục cằn, bắt nạt dân… Theo định nghĩa của các nhà tâm lý: “Tính cách là cách thức suy nghĩ, biểu đạt những đặc điểm của cảm xúc, hành vi ứng xử trong xã hội của mỗi cá thể riêng biệt”. Tính cách không ngẫu nhiên mà có, chúng xuất phát và ảnh hưởng từ những yếu tố: Di truyền, hoàn cảnh gia đình và hoàn cảnh xã hội. Trong đó nghề nghiệp và môi trường làm việc ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách mỗi người. Với phần lớn thời gian gắn với công việc, cách nói năng, cư xử của không ít người bị “lây nhiễm” bởi nghề nghiệp mà họ đang làm. Trong thực tế, chỉ cần tiếp xúc với một số người, ta có thể “đoán” ra nghề của họ. Giáo viên thường ăn mặc chỉn chu, nói năng nhỏ nhẹ và hay lên tiếng khuyên bảo; kế toán thường cẩn thận, chính xác, chi li; bộ đội, công an thường kiệm lời, mạnh mẽ, dứt khoát, ít thể hiện tình cảm; bác sĩ thường bình tĩnh, giấu cảm xúc nên có vẻ lạnh lùng; nghệ sĩ nhạy cảm, dễ bốc đồng, thích thể hiện… Môi trường làm việc cũng ảnh hưởng lớn đến cách cư xử. Ví như, cùng là cảnh sát khu vực, nhưng nếu “anh” ở địa bàn phức tạp, có nhiều đối tượng “đầu gấu” sẽ có thái độ tiếp công dân khác với “anh” ở vùng quê yên bình, thưa thớt dân cư. Trở lại chuyện anh/chị công an làm “nóng” dư luận những ngày qua, họ đều làm việc ở những lĩnh vực phức tạp của xã hội như an ninh trật tự, an toàn giao thông. Tiếp xúc với họ hàng ngày thường là người vi phạm quy tắc. Phần đông người vi phạm có thói quen xin xỏ, trình bày hoàn cảnh, thậm chí nịnh nọt, đút lót… để được bỏ qua. Tự dưng, người làm ở vị trí đó thấy mình… oai, có quyền sinh quyền sát, lâu dần thành ảo tưởng sức mạnh, nhiễm “bệnh” hống hách, thô lỗ, “bố thiên hạ”. Ra cuộc sống bình thường, họ không thoát ra khỏi tấm áo quyền lực ảo và bi kịch đã xảy ra. Những câu nói đại loại: “Có biết tao là ai không?” là biểu hiện rõ nhất của bệnh ảo tưởng sức mạnh. Ở hai sự việc kể trên, các “đương sự” đều khó chối cãi do có camera ghi lại bằng chứng. Nhưng thực tế, còn vô vàn sự việc “chướng tai gai mắt” khác không được dư luận biết đến do không lọt vào “mắt” camera giám sát. Có người là văn nghệ sĩ nên tự cho mình cái quyền đi đứng khuềnh khoàng, quần áo kệch cỡm, nói cười văng mạng. Ở chỗ quán xá đông người, rượu vào lời ra, họ say xỉn nằm bò, quờ tay động chân, vuốt má sờ đùi nữ phục vụ, nếu bị phản ứng thì giải thích “nghệ sĩ mà”. Có người mang danh nhà giáo để dạy dỗ học sinh bằng roi vọt và lời nói gây tổn thương. Có vị lãnh đạo nọ đã về hưu lâu rồi nhưng vẫn thích đăng đàn chỉ đạo bảo ban… Nếu trong mỗi người được gắn một chiếc camera tự kiểm soát, thì chắc hẳn họ sẽ “thoát” được chiếc áo quyền lực khi bước ra cuộc sống bình thường. Chiếc camera ấy chính là ý thức phân định rạch ròi giữa con người công việc và con người xã hội. Dù là “ông nọ bà kia”, dù anh có vị trí quan trọng “nói có người nghe, đe có người sợ” thì khi bước ra khỏi môi trường làm việc, “anh” vẫn là một công dân bình thường, phải tuân thủ chuẩn mực xã hội và chuẩn mực gia đình. Ngạn ngữ có câu: “Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Xuất phát từ suy nghĩ đề cao, quan trọng hóa bản thân, một số người đã cư xử lệch chuẩn, bị xã hội lên án và họ phải nhận kết cục nặng nề.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...