Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
01:16 (GMT +7)

Chia sẻ Không “nới” giới hạn chịu trách nhiệm hình sự của người dưới 16 tuổi

VNTN - Gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Bộ luật Hình sự mới nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo vệ quan điểm không "nới" giới hạn phạm vi chịu trách nhiệm của người từ 14 đến dưới 16 tuổi.


Tại báo cáo giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, qua thảo luận tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội có ý kiến cho rằng cách quy định liệt kê 28 tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như Bộ luật Hình sự năm 2015 là chưa hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm ngày càng trẻ hóa với những hành vi phạm tội rất man rợ.

Vì thế, cần lấy lại cách quy định như Bộ luật Hình sự năm 1999 là: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” chứ không liệt kê cụ thể. Ý kiến khác tán thành với việc liệt kê, nhưng đề nghị bổ sung Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) nhằm xử lý nghiêm các hành vi này.

Dự thảo Bộ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015

đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai (cuối năm 2015).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Bộ luật Hình sự năm 2015 trên cơ sở tổng kết thực tiễn, phù hợp với nguyên tắc tiến bộ, nhân đạo, có bước tiến mới đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Những người này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự giới hạn trong 28 tội danh đã liệt kê mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như Bộ luật Hình sự năm 1999. Quy định này nhằm bảo đảm tính nhân đạo trong xử lý người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và xu hướng chung của quốc tế. Chẳng hạn Bộ luật Hình sự Trung Quốc quy định các đối tượng này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 9/347 tội danh, còn Bộ luật Hình sự B Liên bang Nga quy định 20/256 tội danh).

Hơn nữa, vấn đề này cũng đã được Quốc hội khóa 13 thảo luận kỹ, xin ý kiến nhân dân và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước khi quyết định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh thêm lý do để không "nới" giới hạn chịu trách nhiệm hình sự của người dưới 16 tuổi

Cụ thể hơn về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đa số ý kiến đề nghị đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về 3 tội danh trên kể cả trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng. Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình là không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng.

Vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đã được lấy ý kiến nhân dân, Quốc hội khóa 13 thông qua. Kết quả phiếu thăm dò ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ 2, có 266/397 đại biểu đồng ý với phương án vẫn cần thiết xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh này. Tuy nhiên, trong quá trình chỉnh lý, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục và đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam lại cho rằng, việc xử lý như vậy là quá nặng. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình 2 phương án để Quốc hội cân nhắc: Giữ như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và phương án 2 là giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Liên quan đến hình phạt tử hình - vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm, dù có ý kiến đề nghị khôi phục lại hình phạt tử hình đối với một số tội danh như: Cướp tài sản; Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia… đồng thời vẫn phải áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 là “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như Bộ luật Hình sự 2015.

Về quan điểm chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh là “Rà soát, sửa đổi những sai sót về kỹ thuật, những quy định chưa thật sự hợp lý về nội dung mà các ngành cơ bản đã thống nhất phải sửa để thuận lợi cho việc thi hành; một số trường hợp mặc dù chỉ sửa một lỗi kỹ thuật nhưng lại liên quan đến nhiều điều luật thì vẫn phải rà soát để sửa đổi những điều luật đó nhằm bảo đảm tính thống nhất của toàn bộ Bộ luật”.

Bộ luật cũng bổ sung một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn sau khi Bộ luật hình sự năm 2015 được thông qua, nhưng việc sửa đổi, bổ sung không làm thay đổi những chính sách hình sự lớn đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến và Quốc hội khóa 13 quyết định; không dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật đang lùi hiệu lực thi hành cùng với Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối với một số điều luật của Bộ luật Hình sự năm 2015 mặc dù đã được định lượng chi tiết nhưng việc định lượng đó chưa hợp lý thì đề nghị giữ lại như cách quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Đến nay, các nội dung của dự thảo bộ luật đã đạt được sự thống nhất cao giữa Ủy ban Tư pháp, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành liên quan, cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự án luật khẳng định.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua trong kỳ họp thứ 3, dự kiến diễn ra vào tháng 5 - 6 tới đây

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy