Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
13:41 (GMT +7)

Chen luận và tranh luận tại nghị trường

VNTN - Chiều 1/11, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách của Quốc hội ở kỳ họp thứ ba có vài chục giây hơi "căng thẳng".

Đó là khi Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, từ vị trí điều hành lên tiếng đề nghị vị đại biểu đang cầm giấy đọc say sưa dừng lại, vì vị đó giơ biển để tranh luận nhưng nội dung trình bày lại không rõ là đang tranh luận với ai, nội dung gì.

Được nhắc, vị đại biểu "thanh minh" rằng ông đang "tranh luận", nhưng Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển "sửa": đại biểu đang chen luận, chứ không phải là tranh luận.

Vị đại biểu chen luận miễn cưỡng dừng lời và ngồi xuống. Phó chủ tịch mời đại biểu khác đăng đàn.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) giơ biển sử dụnq quyền tranh luận tại Quốc hội.

Tranh luận, đó là điểm rất mới của các phiên thảo luận toàn thể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 đến nay. Trước đó, với hệ thống đăng ký điện tử, ở mỗi phiên họp các vị đại biểu sẽ được mời đăng đàn lần lượt theo thứ tự, tất nhiên nếu có quá nhiều đại biểu đăng ký thì người điều hành sẽ linh hoạt để có các đại diện vùng miền, địa phương đều có thể đem tiếng nói cử tri lên nghị trường.

Với cách thức này, vị đại biểu nào muốn tranh luận, phản biện quan điểm hay thông tin nào đó thì cũng chỉ có cách chờ đến lượt được phát biểu. Mà khi có ý định đó mới bấm nút thì rất khó có cơ hội được lên tiếng, khi mà thời gian của mỗi buổi thảo luận chỉ đủ cho khoảng hơn 20 vị đăng đàn.

Với tấm biển có mã số (chẳng hạn như G21, L19...) được trang bị từ đầu nhiệm kỳ này, mỗi vị đại biểu dù đã bấm nút đăng ký phát biểu hay chưa khi muốn tranh luận đều có thể giơ lên từ chỗ ngồi của mình.

Thường thì tín hiệu muốn tranh luận sẽ được ghi nhận rất nhanh từ vị trí điều hành, và đại biểu được mời tranh luận không phụ thuộc vào thứ tự, chỉ bị giới hạn về thời gian (phát biểu được 7 phút mỗi lần, tranh luận chỉ được 3 phút).

Không thể phủ nhận là khi đại biểu dùng quyền tranh luận, những phiên thảo luận đã sôi nổi, hấp dẫn hơn rất nhiều. Bởi, đại biểu không chỉ trao đổi với nhau mà còn phản biện các thành viên Chính phủ, trưởng ban soạn thảo dự án luật, nói chung là bất cứ vị nào có trách nhiệm giải trình nội dung của phiên họp. Điển hình, ở phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tuần qua, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đã tranh luận khá "nảy lửa" với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về sự "nhảy múa" của GDP cũng như chất lượng tăng trưởng. Bởi, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm thì GDP theo quý mấy năm gần đây tăng, giảm rất đột ngột với những lý do không đủ thuyết phục. Cụ thể, quý 4 năm 2015 cả nước hân hoan vì tăng trưởng đạt 7,01% thì quý 1 năm 2016 rơi thẳng xuống còn 5,48%. Mức tăng trưởng này nhích lên trong quý 2, quý 3 và đạt mức cao là 6,68% ở quý 4 năm 2016 nhưng lại đột ngột giảm ngay ở quý tiếp theo liền kề quý 1 năm 2017, giảm xuống còn 5,1%. Và GDP lại đang tăng tốc rất thần kỳ ở các quý cuối năm 2017, quý 3 đạt 7,46% và dự báo quý 4 là 7,31%.

Khẳng định số liệu là đáng tin cậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lý giải GDP là chỉ tiêu chịu ảnh hưởng của chu kỳ sản xuất và yếu tố mùa vụ theo quy luật.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh hiện tượng chênh lệch tăng trưởng rất lớn giữa các quý chỉ diễn ra trong 3 năm gần đây, các năm 2013, 2014 không như vậy. Theo đại biểu thì chúng ta đang cố tăng trưởng bằng mọi giá, giải pháp đưa ra các quý cuối năm là giải pháp ngắn hạn, như năm 2016 ta khai thác thêm dầu. Còn quý 4 năm nay vẫn trông vào ngắn hạn, ví dụ như đẩy tăng trưởng tín dụng từ 12% lên 21%, trong khi chỉ còn 3 tháng là hết năm.

Cũng nhờ cơ chế tranh luận vụ việc cụ thể khác liên quan đến nghi án làm phân bón giả của công ty Thuận Phong (Đồng Nai) cũng được đẩy đến cao trào. Sau khi Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) băn khoăn về sự "im hơi lặng tiếng" của đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai - nơi công ty này hoạt động - đại biểu Hồ Văn Năm - trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai - đã lên tiếng. Vị này cho biết "Các cơ quan tố tụng của Đồng Nai đã họp và nhận định không có dấu hiệu hình sự nên không khởi tố".

Ngay sáng hôm sau, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) giơ bảng tranh luận: "Đại biểu Năm nói rằng địa phương đã làm rất cẩn trọng, bảo vệ danh dự của doanh nghiệp. Kết luận lại là không có dấu hiệu tội phạm, đề nghị giải thích rõ việc này trước dư luận, nhân dân và bằng các bằng chứng cụ thể".

Ông Sơn cũng cho biết, các cử tri trong ngành tư pháp gọi điện cho ông và nói rằng trả lời như đại biểu Hồ Văn Năm là chưa ổn. "Tôi đã đọc lại hồ sơ và cũng thấy như vậy", ông Sơn phát biểu.

Sau đó, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cũng dùng quyền tranh luận để thông tin rằng: "Hiện vụ án đang trong quá trình điều tra, xem xét lại, chứ không phải là đã kết luận không có dấu hiệu tội phạm. Có thể đại biểu Hồ Văn Năm phát biểu có câu nọ, câu kia gây hiểu nhầm".

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phản ánh là phát biểu của đại biểu Năm gây phẫn uất cho xã hội.

Cuối cùng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phải lên tiếng để Quốc hội rõ thêm là vụ án đang tiếp tục điều tra. Việc có tội hay không có tội phải thông qua công tác điều tra, truy tố và Tòa án quyết định theo thẩm quyền. "Chúng ta không nên tranh luận tiếp trên diễn đàn về vấn đề này" - Phó thủ tướng đề nghị.

Sự "va đập" sẽ không rõ ràng đến thế, thông tin khó có thể nhiều chiều đến thế, nếu không có tranh luận. Như vậy, không thể phủ nhận mặt tích cực của cơ chế này - đổi mới nổi bật trong hoạt động của Quốc hội, song dường như "mặt trái" của tấm biển tranh luận cũng đã bộc lộ. Khi mà dường như số người dùng quyền tranh luận để chen luận có vẻ ngày càng nhiều. Cụ thể phiên thảo luận chiều 30/10 về cải cách bộ máy có đến ba vị đại biểu là Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM), Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) và Phạm Quang Dũng (Nam Định) đều "chen ngang" nhưng không tranh luận với ai. Có vị còn nói là xin tranh luận... với báo cáo. Người điều hành hôm đó tuy có nhắc nhở nhưng vẫn để các vị chen luận phát biểu đủ 7 phút. Nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì khác, ông không những kiên quyết "cắt" mà còn hơn một lần nhắc các đại biểu đừng dùng quyền tranh luận để chen luận.

Sự nhắc nhở của Phó chủ tịch, theo nhận xét của một số vị đại biểu là cần thiết, sòng phẳng, giúp các phiên thảo luận của Quốc hội chất lượng hơn.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy