Chè Thái và tôi
VNTN- Tôi đã đi qua nhiều vùng đất trong và ngoài nước, uống đủ các loại chè, nhưng mỗi lần uống nước chè, không thể không nghĩ đến Thái Nguyên. Hạnh phúc nhiều khi thật giản đơn. Đó là đầu giờ buổi sáng trước khi đến cơ quan, là đầu giờ Thứ Bảy, Chủ nhật trước khi ngồi vào bàn làm việc ở tư gia được cầm trên tay tách trà sánh vàng đậm đà, hòa quyện hương vị tự nhiên, với đầy đủ vị chát dịu, vị ngọt hậu lắng sâu trong vị giác.
Đồi chè Tân Cương (Ảnh: Khắc Thiện)
Tôi có may mắn được biết đến Bắc Thái (bây giờ là Thái Nguyên và Bắc Kạn) từ khá sớm. Thời, tôi vẫn nói vui “Lên Bắc Thái gặp đồng hương”. Chả là ông Nguyễn Ngô Hai và Đặng Quốc Tiến – hai “nghệ nhân” làm Bí thư và Chủ tịch của tỉnh Bắc Thái. Ông Nguyễn Ngô Hai người xứ Nghệ làm Bí thư Bắc Thái đến hai nhiệm kỳ, sau khi chia tách thành Thái Nguyên và Bắc Kạn, ông làm thêm một nhiệm kỳ Bí thư Thái Nguyên nữa.
Thời đó, tôi còn trẻ lắm, chưa vợ nhưng đã được tiếp xúc với những người trọng trách. Tôi thấy gần gũi. Bắc Thái nói chung và Thái Nguyên, Bắc Kạn sau này có nhiều kỷ niệm. Ca sĩ phong trào Thúy Mùi, công tác ở Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Bắc Thái là người dẫn đường cho anh em chúng tôi về hồ Núi Cốc. Đó là lần đầu tiên đi xa nhất theo hướng tây bắc của tỉnh Bắc Thái. Thời đã chia tách, tôi còn được về thị xã Bắc Kạn, gặp lại bạn bè “đi ngược”, xuống thuyền độc mộc lãng du hồ Ba Bể, ăn trứng cá chép bà con bắt được từ lòng hồ.
Một thời gian khó chung của đất nước, không riêng vùng quê nào. Bạn tôi Lê Hữu Thắng, gốc Thái Bình, sau khi tốt nghiệp Đại học được phân công lên nhận công tác ở Công an Bắc Thái. Vợ anh là người Thái Nguyên, người con gái tần tảo, bỉ bền xanh như chè xanh triền núi. Một thời gian dài, chị bán chè búp ngay con phố cạnh trụ sở Công an tỉnh. Tôi lên, gia đình không quên gửi chè về Hà Nội làm quà cho bao người bạn. Thời có chè “móc câu” Thái để uống thật sung sướng. Hơn thế, Thắng đưa tôi đi thăm nhiều vùng chè.
Nói đến chè Thái Nguyên, có lẽ người Việt ai cũng biết đến thương hiệu “Chè Tân Cương”. Tân Cương được coi là “nôi chè” của Thái Nguyên, ngoài ra còn Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương. Theo “miệng tịch” tức là “đồn khẩu” người Thái Nguyên lưu truyền rằng: khoảng những năm 1920 - 1922, cây chè Thái, đặc biệt là vùng chè Tân Cương được ông Đội Năm (tên thật là Võ Văn Hiệt) di thực về vùng này. Vườn chè cổ đến nay vẫn còn, cũng đã trải gần 100 năm tồn tại và phát triển cùng với nhân dân, xóm làng. Giống chè thì chắc là một nguồn gen, có sẵn từ trong muôn loài gen thực vật vùng nhiệt đới Việt Nam, chẳng phải nhập ngoại như café. Thế nhưng chắc hợp với đất cát, khí hậu, thổ nhưỡng mà chè ở đây có hương vị đặc biệt.
Cũng lạ, cả vệt đất từ Thái Nguyên lên Tuyên Quang đều hợp với chè. Ngoài chè Tân Cương, chè Shan tuyết Sơn Dương – một huyện của Tuyên Quang nức tiếng. Nếu cho tôi tham gia vào huyền sử, thì chắc tôi nghĩ, phụ nữ Thái, phụ nữ Tuyên đều là hậu duệ, con cháu các thê thiếp của khanh tướng, công hầu vua tôi nhà Mạc mà đẹp, mà xinh. Thời kỳ Nam – Bắc triều vua tôi nhà Mạc thất thủ Thăng Long, dạt về Cao Bằng, Tuyên Quang, chắc thế mà vùng đất này, hình thức, thần thái con người phảng phất “hoàng tộc”.
Lê Hữu Thắng đưa tôi đi một buổi, gần đến xa. Tôi nghiện chè Thái Nguyên, nghiện tình người Thái từ đó. Sau này, vợ chồng đại tá Lương Xuân Tý, nguyên cán bộ báo Công an nhân dân là người thay Thắng cung cấp chè cho tôi. Vợ chồng Lương Xuân Tý là người gốc Thái Nguyên. Có lẽ chị là “tổng đại lý” đầu tiên đưa chè móc câu Tân Cương về Hà Nội. Tương tự ông Nguyễn Văn Hùng, bạn tôi một thời là Tổng giám đốc Công ty Chè Kim Anh (Hà Nội). Hùng là người nghĩ ra làm chè Tân Cương nhúng đầu tiên.
Căn nhà vợ chồng Lương Xuân Tý trong ngõ Thông Phong (Hà Nội) từ tầng 1 đến tầng 4 chỉ có chè. Cứ có chè mới về, chị lại dành tôi một lạng “uống thử”. Nhờ chè, biết giữ uy tín mà chị nuôi ba cháu trưởng thành, không phải chờ vào lương của sỹ quan làm báo, nhưng chuyên về thiết kế của ông chồng lắm bạn.
Bây giờ Thái Nguyên đã giàu, nói theo ngôn ngữ “văn kiện” thì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước, công nghiệp - xây dựng bứt tốc, toàn tỉnh chuyển động mạnh mẽ. Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu ngân sách hàng năm đều cao. Tuy nhiên, Thái Nguyên thủy chung với cây chè. Màu xanh của chè một thời là màu sự sống, một thời chè gánh vác “sứ mệnh” xóa đói giảm nghèo. Chè Thái thời hội nhập đến với thị trường nhiều nước, sang tận Bắc Mỹ xa xôi.
Tôi đã đi qua nhiều vùng đất trong và ngoài nước, uống đủ các loại chè, nhưng mỗi lần uống nước chè, không thể không nghĩ đến Thái Nguyên. Hạnh phúc nhiều khi thật giản đơn. Đó là đầu giờ buổi sáng trước khi đến cơ quan, là đầu giờ Thứ Bảy, Chủ nhật trước khi ngồi vào bàn làm việc ở tư gia được cầm trên tay tách trà sánh vàng đậm đà, hòa quyện hương vị tự nhiên, với đầy đủ vị chát dịu, vị ngọt hậu lắng sâu trong vị giác.
Thật có lý khi người ta nhận định trà Tân Cương là “quốc hồn quốc túy” của giống chè. Không dễ gì đi vào thành ngữ “Chè Thái gái Tuyên”. Có thể cùng được uống như nhau nhưng người được uống chè Thái Nguyên nói chung, chè Tân Cương nói riêng trên đất Thái Nguyên mới ngộ ra nhiều giá trị. Có lẽ không chỉ nhờ giống chè, nhờ các nguyên tố vi lượng trong đất, nhờ vùng tiểu khí hậu có độ bức xạ mặt trời thấp nhất,… tôi đồ rằng, chè Thái còn xác thực vị mồ hôi, phẩm hạnh thảo thơm của những thiếu nữ vùng đất thuộc “Thủ đô gió ngàn”.
Hà Nội, ngày 25/9/2021
Nhà thơ Ngô Đức Hành (4A/119 Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...