Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
21:49 (GMT +7)

Chè Thái Nguyên – thêm cơ hội mở rộng thị trường quốc tế

VNTN - Sau 2 năm thực hiện các thủ tục, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ cấp văn bằng bảo hộ số 490925, đây cũng là nhãn hiệu tập thể đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được đăng ký tại nước ngoài. Với chứng nhận bảo hộ này, sản phẩm “Chè Thái Nguyên” sẽ có nhiều cơ hội  rộng thị trường quốc tế.


Những năm qua ở Việt Nam, do chậm trễ trong việc đăng ký chứng nhận độc quyền tại nước ngoài, nên có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng của ta như cà phê Trung Nguyên, Vifon, nước mắm Phú Quốc, nước mắm  Phan Thiết…, đã bị nước ngoài “đánh cắp” và đăng ký độc quyền tại nhiều quốc gia, hoặc bị nhái nhãn hiệu tại một số thị trường xuất khẩu. Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại thị trường Mỹ sẽ mở ra những cơ hội và lợi ích ngày càng lớn cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh chè Thái Nguyên tại thị trường này.

Ông Phạm Quốc Chính - Giám đốc Sở KH&CN trao Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại Mỹ cho Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên

Mỹ là thị trường có nhu cầu rất lớn đối với sản phẩm chè với mức chi mỗi năm lên đến hơn 80 tỷ USD. Đây là thị trường đứng thứ 3 thế giới về quy mô nhập khẩu và tiêu thụ và là thị trường tiềm năng cho sản phẩm chè đặc sản cao cấp của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm chè đặc sản của Thái Nguyên. Tuy nhiên, đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên vừa qua mới như là việc làm cần thiết cho tương lai bởi hiện tại chè Thái Nguyên vẫn chưa có sản phẩm xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ.

Theo các chuyên gia đầu ngành về chè thì Mỹ vốn là thị trường rất khó tính, việc quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở đây rất nghiêm ngặt với nhiều tiêu chí phức tạp. Chè đặc sản Thái Nguyên từ lâu đã nổi tiếng thơm ngon, nhưng hầu hết các doanh nghiệp chè Thái Nguyên cơ bản là chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường Mỹ. Muốn xuất khẩu được sang Mỹ thì người dân trồng chè và doanh nghiệp chè phải sản xuất chè hữu cơ - chè sạch 100% và tự nhiên 100%..., ngoài ra phải nghiên cứu các tiêu chuẩn chính được áp dụng trong ngành như ISO 3720 do FAO và IGG qui định; các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật áp theo chuẩn của Codex...

Nói về điều này, bà Nguyễn Thị Ngà - Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên đã phân tích tại Hội thảo Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 20/4: Chè Thái Nguyên được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới nhưng chủ yếu chỉ là nguyên liệu thô với giá bình quân chỉ bằng 60% so với giá trên thị trường thế giới, hoặc dùng để đấu trộn với các loại chè khác hoặc để chiết xuất. Từ trước tới nay, chè Thái Nguyên xuất sang Mỹ chủ yếu qua con đường tiểu ngạch, thông qua bên trung gian hoặc bằng hình thức quà biếu. Có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất để có thương hiệu, gia tăng giá trị cho sản phẩm chè để đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Canada... Mặc dù 80% diện tích chè của tỉnh đã và đang được sản xuất theo hướng an toàn, nhưng tỷ lệ chứng nhận chất lượng an toàn VietGAP còn thấp (612 ha với 1.694 hộ tham gia, sản lượng chè búp tươi đạt 6.800 tấn) so với tổng diện tích chè của tỉnh mới đạt gần 3%), tỷ lệ đạt chất lượng hữu cơ rất ít…

Từ những điều đã nêu trên, cho thấy rất nhiều thách thức với chè Thái Nguyên để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, vì vậy ngay tại buổi Hội thảo, mặc dù có những “ông lớn” sản xuất chè Thái Nguyên tham gia nhưng chưa hề thấy doanh nghiệp nào có động thái đăng ký xuất khẩu chè sang thị trường Mỹ. Và cho tới những ngày gần đây mặc dù đã được giao quản lý sở hữu thương hiệu “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ tại Mỹ nhưng Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cũng chưa thấy các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chè nào đến đăng ký tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể này.

Dù thị trường Mỹ luôn có những những quy định nghiêm ngặt như vậy, nhưng để “đệ nhất danh trà Thái Nguyên” đạt được điều đó có lẽ cũng không quá khó, bởi vùng chè truyền thống của chúng ta có rất nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, con người... Và một tín hiệu vui cho “Chè Thái Nguyên”, vừa qua Công ty cổ phần chè Hà Thái (xã Hà Thượng, huyện Đại Từ) đã có sản phẩm đảm bảo tiêu chí chất lượng do phía Mỹ, Canada đưa ra, sản phẩm chè Tôm nõn của Công ty được Hiệp hội chè Mỹ đánh giá cao về chất lượng và đã đoạt giải Bạc trong Cuộc thi chè Quốc tế Bắc Mỹ năm 2016 tổ chức tại Canada. Điều đó là minh chứng thực tế nhất và khẳng định chất lượng chè Thái Nguyên hoàn toàn có thể chinh phục, xuất khẩu, cạnh tranh ở những thị trường lớn và khó tính.

Trong năm 2017, Thái Nguyên sẽ tiếp tục hoàn thiện đăng ký nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên ở hai thị trường Đài Loan và Trung Quốc.  Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết: Quá trình theo đuổi đăng ký nhãn hiệu ở các quốc gia này so với Mỹ cũng vất vả hơn rất nhiều, bởi hai nước này là hai “ông lớn” sản xuất chè và có cạnh tranh trực tiếp với chè Thái Nguyên và chè Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Hơn nữa ở Trung Quốc cũng có cả tỉnh Thái Nguyên và Tân Cương, vì thế việc đăng ký thương hiệu tập thể chè Thái Nguyên ở đây lại càng phức tạp hơn. Tuy nhiên, dù khó mấy cũng phải làm và phải gấp rút làm ngay, bởi Trung Quốc và Đài Loan vốn là những nước rất hay xảy ra tranh chấp về thương hiệu và hai nước này cũng rất hay đăng ký các thương hiệu nổi tiếng… Khi chúng ta đăng ký được nhãn hiệu tập thể ở cả hai nước đó thì “Chè Thái Nguyên” coi như đã có tấm “giấy thông hành”, tấm “hộ chiếu” để tương lai chúng ta sẽ đưa sản phẩm chè xuất khẩu vào Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc… và dần vươn tầm ra thế giới.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Thái Nguyên sẽ bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng để tái cơ cấu lại ngành chè của tỉnh như: quy hoạch lại diện tích sản xuất, đầu tư công nghệ, xây dựng thương hiệu… Và ngay lúc này, rất cần sự chung tay của người dân trồng chè, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chè và các cơ quan đơn vị có liên quan, để trong tương lai, chất lượng, thương hiệu “Chè Thái Nguyên”, được nâng cao hơn và sẽ đến được các thị trường khó tính trên thế giới.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy