Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
08:03 (GMT +7)

Chè sắn nóng ấm nồng mùa đông

VNTN- Có lẽ đối với người dân Việt Nam thì củ sắn hay còn gọi khoai mì là một loại thực phẩm vô cùng quen thuộc, một thứ quà quê mộc mạc, giản dị nhưng đã gắn bó với biết bao thế hệ.

Món chè sắn nóng vừa quen vừa lạ (ảnh minh họa)

Trải qua bao thời kì lịch sử, loại củ này cũng chất chứa những câu chuyện buồn vui, hạnh phúc của đồng bào ta.

Như bà nội tôi vẫn kể, ngày xưa nhà nghèo bố tôi và các cô chú chỉ có ăn sắn với muối trắng mà lớn lên. Bữa cơm ngày ấy thiếu thốn lắm nhưng tình cảm thì lúc nào cũng đong đầy, các thành viên trong gia đình nhường nhịn nhau từng miếng sắn, hạt cơm. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ tới câu thơ của thi sĩ Bằng Việt trong tác phẩm Bếp lửa:

“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm 

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi.”

Vào thời chiến loại củ này chỉ được chế biến đơn giản theo kiểu sắn luộc hay sắn độn cơm để ăn cho no cái bụng. Nhưng đến ngày nay bằng sự sáng tạo, khéo léo sắn đã được biến tấu thành nhiều món ăn mới hơn như xôi sắn, bánh sắn nướng, sắn hấp dừa và đặc biệt hơn cả là chè sắn nóng. Nhắc tới chè chúng ta thường hay nghĩ tới những món chè mát lành để giải nhiệt mùa hè. Tuy nhiên chè sắn nóng lại là một sự khác biệt, nó phù hợp để thưởng thức trong tiết trời mùa đông.

Còn nhớ lần tôi ghé quán chè sắn nóng nằm ngay đầu đường Ngõ Huyện thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào quán chính là mùi thơm ngọt bùi của sắn, mùi hương ấy khiến tôi cảm thấy vô cùng dễ chịu và muốn gọi ngay một bát chè nóng hổi để thưởng thức. Có lẽ vì vậy mà dù không gian quán bé, bàn ghế chỉ đơn giản là những chiếc ghế nhựa nhỏ xinh nhưng khách đến đây vẫn đông nườm nượp. Cô chủ quán đon đả mời khách vào chỗ ngồi rồi nhanh tay múc từng bát chè nóng cho thực khách. Chè được múc đầy miệng bát - đầy đặn mà giá thành lại vô cùng phải chăng.

Hương vị món chè sắn quen mà lạ, lạ mà quen. Quen vì nguyên liệu của món chè vô cùng thân thuộc và đơn giản chỉ là sắn, là đường hoa mai, thêm chút gừng và nước cốt dừa. Lạ là bởi sự kết hợp khéo léo giữa các nguyên liệu với nhau để tạo ra một món ăn đặc sắc kích thích vị giác của thực khách.

Được biết đây là món ăn lâu đời ở Hà Nội với cách làm đơn giản: gừng đập giã nhỏ, đường hoa mai và sắn luộc bở lên rồi cho vào nấu với bột sắn. Tuy nhiên để tạo được một bát chè ngon và thu hút khách thì phải có công thức riêng, cộng thêm sự khéo léo khi nêm nếm đường, điều chỉnh lửa.

Khi thực khách gọi món, cô chủ quán mới bắt đầu múc chè từ trong nồi nghi ngút khói ra để đảm bảo chè vẫn ấm nóng và giữ hương vị. Thêm chút nước cốt dừa và rắc thêm vài sợi dừa nạo trắng muốt, thế là một bát chè sắn nóng đã ra đời. Cầm bát chè nóng hổi trên tay, điều ấn tượng đầu tiên với tôi là màu nâu vàng quyện sệt với những miếng sắn chỉ to bằng bao diêm, thêm với chút nước cốt dừa màu trắng ngà khiến món ăn trông vô cùng hấp dẫn. Khi thưởng thức cốt chè sánh mịn, ngọt thanh là hương vị đầu tiên mà tôi cảm nhận thấy, rồi từng miếng sắn bở tung hòa lẫn trong miệng, thêm chút cay nồng nơi đầu lưỡi của gừng, cuối cùng là vị nước cốt dừa thơm thơm, béo ngậy. Hương vị ấy khiến tôi cứ muốn thưởng thức mãi không thôi.

Không chỉ mình tôi, mà món chè còn thu hút rất đông thực khách tới thưởng thức. Có lẽ, trong cái tiết trời đông giá lạnh, ai cũng thích cái cảm giác ngồi nhâm nhi bát chè sắn cảm nhận hơi nóng, hương vị từ từ lan tỏa khắp cơ thể. Chỉ đơn giản là một thức quà mộc mạc, truyền thống vậy mà cuốn hút lạ thường!

Những ngày đông cuối năm, dừng chân tại quán chè sắn Ngõ Huyện rồi vừa thưởng thức một bán chè nóng hổi vừa ngắm nhìn phố phường, thường khiến tôi nhớ nao lòng bữa cơm nghèo chỉ có sắn với muối trắng trong lời kể của bà nội. Và rồi như có gì thúc giục khiến tôi chỉ muốn được thật nhanh trở về quê thăm bà và gia đình thân yêu. Và tôi tin thức quà bình dị này sẽ giúp xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông và sự cô đơn trong lòng bất kỳ ai thưởng thức nó vào những ngày cuối năm vội vã này.

Thùy Linh

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy