Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
14:20 (GMT +7)

“Cháy thầm” một tình thơ (Đọc tập thơ Cháy thầm của Nguyễn Đình Hưng, NXB Văn học, 2016)

VNTN - Cháy thầm là tập thơ thứ 10 liên tiếp của tác giả Nguyễn Đình Hưng được xuất bản từ năm 2007 cho đến nay. Việc đều đặn xuất bản mỗi năm một tập thơ trong suốt mười năm qua cho thấy sức viết thật đáng nể và tình yêu thơ ca thật đáng trân trọng của một tác giả mà năm nay đã bước sang tuổi 76. 


Khi đọc một số tập thơ trước của tác giả Nguyễn Đình Hưng, chủ yếu tôi gặp những tác phẩm đề tài tình yêu, và vì thế ấn tượng của tôi về ông là một người lúc nào cũng tràn ngập trong lòng những xúc cảm trẻ trung, dù đã vào tuổi thất thập. Nhưng đến tập thơ này, tôi khá bất ngờ vì sự chuyển mạch đề tài. Ngay ở trang viết mở đầu, những dòng đề từ dường như đã thâu tóm và gợi mở cho người đọc về tinh thần nội dung của cả tập thơ này:

Một đời Than, một đời Thơ

Một đời Yêu… Đến dại khờ, vẫn yêu!

Ta đi trong nắng cuối chiều

 

Nghe Than cháy, sáng bao điều rất Thơ.

Quả đúng như sự gợi mở ấy, đi qua 112 trang sách với 50 bài thơ, đọng lại và bao trùm chính là những tâm tư tình cảm và suy ngẫm về nghề mỏ, về than, về người thợ…

 

Cứ nghĩ rằng những chuyện hầm lò, than đá, xúc vác, khoan đào v.v… thì hình như không được… thơ cho lắm (!). Vậy mà với cái nhìn của một người đã gắn bó đời mình với nghề mỏ, tác giả đã chứng minh rằng cái gì trên đời sống này cũng đều có chất thơ của riêng nó: khi thì những vỉa than đầy hình khối tạo thành vũ điệu hối hả tuôn trào; khi thì màu đen của thân như biết cười lấp lánh; dù có bị vùi lấp hay quăng quật thì thân vẫn chẳng thay màu; giữa hầm sâu tăm tối vẫn thấy ánh đèn lò bừng lên trong lòng đất. Chỉ là những sự vật hết sức bình thường giữa cuộc sống, nhưng khi có tình cảm của con người gắn bó với nó thì chúng bỗng có dáng vẻ, có sự sống, có tâm tư. Bởi tác giả là một người thực sự hiểu thân, yêu thân nên mới nghĩ được và nói rằng: Hạt thần lấp lánh bỗng thành hạt thơ. Những tình cảm như thế thật đáng quý biết bao!

Nổi bật và trở thành trung tâm của cả tập thơ là hình ảnh người thợ. Con người ở đây hiện lên qua nhiều góc độ, sắc thái, đem đến cho ta nhiều hình dung và hiểu biết về công việc, cuộc sống, tâm tư của họ.

Cuộc đời thợ mỏ quả thực vô cùng gian nan, nhọc nhằn. Đó là cảnh sinh hoạt khắc khổ thời Pháp thuộc mà giờ đây nhớ lại vẫn không khỏi ám ảnh: Gói cơm nắm/ Đeo vật vờ sau gáy/ Là khẩu phần ăn lúc giữa ca/ Chát đắng/ Bụi than, bụi đá/ Đẫm mồ hôi nhớp nháp thấm qua (Đời phu mỏ thời thực dân).

Thậm chí, không chỉ cực khổ, người thợ lò còn phải đối diện với hiểm nguy sẵn sàng ập xuống bất cứ lúc nào: Người chết/ Vì than sập/ Bao người chết vì đá đè/ Bao người chết/ Vì mìn nổ/ Người chết vùi trong khe… (Khu “Âm hồn”).

Nhưng dù có trăm ngàn thách thức, họ luôn ý thức về giá trị của lao động và sứ mệnh cao quý của người lao động: Mọi hòn than/ Hóa thạch từ xương máu/ Mọi nẻo đường - đầy trí tuệ, mồ hôi (Lạc giữa quê mình).

Ý thức như vậy, cho nên dù hoàn cảnh có thế nào, họ vẫn luôn giữ được sự vững tin về nghề, về đời để lạc quan và yêu thương: Nghiêng nghiêng/ Vành nón trên tầng/ Tiếng em cười ngỡ bổng trầm sáo reo/ Vượt qua/ Bom phá lửa thiêu/ Than cuồn cuộn chảy - tình chiều càng say! (Trở lại Phấn Mễ).

Ta có thể hiểu được vì sao họ lại có thể lạc quan, mạnh mẽ đến như vậy khi biết rằng họ không chỉ làm việc một cách đơn thuần, mà còn làm việc bằng tất cả con người mình, để sống, để yêu: Bài thơ tình/ Anh viết tặng em/ Có bát ngát moong tầng đất mỏ/ Có khao khát gian nan đời thợ (Thơ tình vùng than).

Trong bài thơ Tạm biệt nhé, Than ơi - tác phẩm kết thúc tập thơ, tác giả có bộc bạch rằng: Than cùng thơ - những tháng ngày cuồng nhiệt/ Tuổi trẻ ta đã dành hết cho Người. Có lẽ tác giả không chỉ dành tuổi trẻ mà đã dành trọn vẹn cuộc đời mình cho nó. Những tình cảm ấy chắc chắn đã và sẽ luôn “cháy thầm” - như hình ảnh than trong bài thơ được lấy làm nhan đề cho cả tập: Không làm dáng/ Sặc sỡ hoa trăm vẻ/ Em/ Cháy thầm lặng lẽ bởi nhân gian.

Tập thơ có giọng điệu tha thiết say mê, mộc mạc giản dị, đúng như công việc, cuộc sống của những người thợ mỏ. Hi vọng mỗi người đọc sẽ tìm thấy cho mình những “vỉa quặng thơ” để đồng cảm cùng tác giả. Xin trân trọng giới thiệu đến đông đảo bạn đọc nói chung, đặc biệt là bạn đọc vùng đất mỏ Thái Nguyên.

Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy