Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
13:30 (GMT +7)

Chất vấn và bản lĩnh nghị trường 

VNTN - Đứng trước gần 500 đại biểu Quốc hội, lại trong một phiên họp đươc truyền hình trực tiếp, chắc khó có thành viên Chính phủ nào tránh được những phút lúng túng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng không ngoại lệ.

Sáng 16/11, đăng đàn đầu tiên trong 5 vị trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp này, người đứng đầu ngành tài chính dù sao cũng đã có kinh nghiệm "va chạm" tại nghị trường. Bởi ông là Bộ trưởng tái cử, không phải lần đầu làm thành viên Chính phủ như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn- hai vị lần lượt trả lời chất vấn liền sau.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13, vào giữa năm 2014 Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng từng trả lời chất vấn trực tiếp nhiều vấn đề, trong đó có quản lý nợ công, điều hành giá xăng dầu...

Sau hơn ba năm, lần này những vấn đề đại biểu đặt ra với Bộ trưởng hoàn toàn không xa lạ, tất nhiên có mới, có cũ, hoặc vấn đề cũ mà nỗi lo mới, và nợ công vẫn đậm đặc.Nhưng, chỉ đến trả lời chất vấn thứ hai, Bộ trưởng đã "lạc đề". Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hoà Bình) muốn biết giải pháp đột phá của Bộ trưởng trong khắc phục tình trạng bán hàng không xuất hoá đơn gây thất thu ngân sách, mất công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế. Trả lời, Bộ trưởng lại đề cập đến việc khoán thuế cho các hộ kinh doanh, mức khoán được thông báo ra sao, ai quyết định, điều chỉnh thế nào...

Sốt ruột, Chủ tịch Quốc hội từ vị trí điều hành nhắc Bộ trưởng đi thẳng vào vấn đề đại biểu đặt ra, đó là việc không xuất hoá đơn ảnh hưởng đến nguồn thu chứ không hỏi về khoán thuế.

Sau giải lao Bộ trưởng trả lời lưu loát hơn hẳn, một số vị đại biểu nhận xét. Nhưng, khi ấy cũng là lúc một số vị đại biểu sốt ruột giơ biển dùng quyền tranh luận. Bởi, bên cạnh những vấn đề nóng về thuế, hải quan, không ít đại biểu quyết liệt "truy" vị "tư lệnh" ngành tài chính về nợ công, mà cụ thể là vốn vay nước ngoài đã vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội "chốt" là 300 nghìn tỷ. Song, dù được cả Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư "chia lửa", Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn không thể làm đại biểu yên tâm vì những thông tin khá chung chung.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thẳng thắn nhận định: tổng mức ODA hiện nay là đang ngoài tầm kiểm soát. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã hai lần có văn bản đề nghị Chính phủ cung cấp tình hình vay nợ ODA nhưng đến nay chưa có thông tin. Vậy xin hỏi hai Bộ trưởng, để có được số liệu vay nợ ODA của quốc gia thì cần bao nhiêu thời gian để tổng hợp và hiện nay là bao nhiêu? Chất vấn thứ hai từ đại biểu Hoàng Quang Hàm là với tình hình quản lý hiện nay có đảm bảo vay ODA giai đoạn 2016-2020 trong mức 300 nghìn tỷ Quốc hội cho phép không, có giữ được trần nợ công không?

Chất vấn của đại biểu Hoàng Quang Hàm được nêu sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng đàn, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính lại không trả lời vì .... "Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có trả lời".

Đi thẳng vào trách nhiệm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) chất vấn: vốn vay nước ngoài đã vượt ngưỡng, có độ rủi ro cao, đề nghị Bộ trưởng làm rõ và cho biết trách nhiệm này thuộc về ai? Chất vấn này cũng lại không có câu trả lời trực diện. Nhưng, bất luận câu trả lời thế nào thì những câu hỏi thẳng thắn như vậy cũng đã thể hiện bản lĩnh của các vị đại diện cho dân - những người có vai trò quyết định hiệu quả của hoạt động chất vấn. Chỉ tiếc, những chất vấn "sát sạt" như thế chưa nhiều và người trả lời ít nhiều vẫn "tránh".

Sau 50 phút buổi chiều "nối dài" phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính, gần 15h ngày 16/11 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng vào vị trí "nóng".

Nếu có chút hồi hộp thì cùng là lẽ thường, bởi đây là lần đầu tiên Thống đốc xuất hiện ở vị trí này. Nhưng có vẻ như người đứng đầu ngành ngân hàng đã chuẩn bị khá kỹ càng. Ông Lê Minh Hưng nói lưu loát với tốc độ khá nhanh, ít nhiều làm "khó" các phóng viên gõ đuổi.Với nhóm vấn đề dành cho Thống đốc thì các vị đại biểu có thể chất vấn về rất nhiều vấn đề: từ giải pháp ngăn chặn lỗ khủng của "ngân hàng o đồng" như Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra cho đến rủi ro cho vay BOT khi mà 8/11 dự án của đường cao tốc Bắc  - Nam (dự án Quốc hội phải quyết định chủ trương ngay kỳ họp này) dự kiến đầu tư theo hình thức BOT cần vay đến hơn 50 nghìn tỷ đồng...Và, những "điểm nóng" đó  đều cũng đã xuất hiện trong phần chất vấn từ đại biểu.

Khép lại lúc 17h, ngày đầu tiên trong ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khá "nặng" với các thông tin và vô số các số liệu của cả tài chính và tiền tệ. Những điểm nóng ít nhiều đã được xới xáo, song chất vấn có đi đến cùng hay không, bên cạnh bản lĩnh của đại biểu - người hỏi, Bộ trưởng - người trả lời, còn phụ thuộc cả vào sự linh hoạt của người điều hành. Thiếu một trong các yếu tố đó thì chất vấn vẫn chỉ nặng về hỏi để biết thông tin mà thôi.

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy