Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024
10:32 (GMT +7)

Chất thợ và những mạch ngầm đất mỏ

VNTN - Làm một người công nhân đã khó, xây dựng vun đắp và gìn giữ một gia đình công nhân còn khó hơn. Các thế hệ trong dòng họ Lê Duy của gia đình ông Hào như một khối vừa thống nhất lại vừa mâu thuẫn.


(Đọc tiểu thuyết “Đánh giá đất mỏ” của Nguyễn Văn, NXB Văn học, 2015)

Quốc gia nào cũng cần những bàn tay đen đúa 

 và nhiều lương tâm trong trắng (Vonte).

1  Văn học Việt Nam về mảng đề tài công nghiệp - công nhân sau thời kì nhiều thành tựu vào thập niên 60 - 70 của thế kỉ trước, giờ đây có phần lắng xuống. Lĩnh vực này đang rất thiếu những tác phẩm cần thiết và xứng đáng viết về nó. Bàn về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Đức Thiện từng có một nhận định đặt ra nhiều suy nghĩ: “Lớp nhà văn ngoài sáu mươi hiện nay hầu như đã tách ra khỏi công trường, xưởng máy hoặc an phận dưỡng già, hoặc nếu còn viết thì tiếp tục khai thác vốn sống từ ngày xa xưa mà viết lại. Lớp trẻ hơn ngoài bốn mươi, năm mươi có dính đến chuyện văn chương thì tìm một công việc ổn định nằm ngoài cuộc sống công nghiệp, có đến với công nghiệp thì cũng giống như cưỡi ngựa xem hoa. Đặc biệt lớp người viết trẻ bây giờ phần lớn được đào tạo qua các trường đại học có liên quan đến văn chương, khi bước vào đời họ không chọn môi trường sống công nghiệp để lập thân. Vì thế, cuộc sống công nghiệp tồn tại ngay bên cạnh họ, cũng trở nên xa lạ. Còn những người trực tiếp sống và làm việc tại các khu công nghiệp thì lo kiếm sống, không còn thời gian lo chuyện văn chương”.

Có lẽ nhiều nhà văn ý thức rõ về điều này, họ cũng suy tư cũng mặn mà, nhưng không phải cứ tâm huyết là thành công. Cho nên, vì nhiều lí do, văn học về công nghiệp - công nhân vẫn còn là khoảng trống, một khoảng trống đầy thách thức nhưng cũng đầy vẫy gọi. Bởi vì, thực tế ngổn ngang như câu chuyện việc làm, vấn đề thu nhập, đời sống tinh thần và tư tưởng cũng như thân phận của người công nhân… hoàn toàn có thể là kho dữ liệu hữu ích, như là những vỉa tầng trùng điệp chờ đợi các nhà văn khoan đào, thám hiểm, đặng cảm nghiệm về một thế giới ngồn ngộn các vấn đề.

Với Thái Nguyên - vùng đất của công nghiệp, của gang thép quặng than, của nhà máy xí nghiệp xưởng mỏ, của lực lượng công nhân đông đảo - văn học về mảng đề tài rộng lớn này cũng vẫn rất thiếu. Nó như một câu hỏi ai cũng biết, nhưng câu trả lời thì không hề dễ dàng…

Giữa bối cảnh như thế, mới thấy một cuốn tiểu thuyết như Danh gia đất mỏ của Nguyễn Văn - một tác giả đã vào tuổi thất thập, là đáng quý như thế nào.

2  Viết về một đề tài nào thì có lẽ cuối cùng vẫn là viết về số phận con người trong lĩnh vực đó. Bằng tinh thần ấy, xuyên suốt gần 300 trang sách Danh gia đất mỏ, nhà văn kể cho ta câu chuyện về những người công nhân, và lớn hơn còn là câu chuyện về các thế hệ gia tộc và vùng quê của họ.

Dòng họ Lê Duy có đến 4 đời làm công nhân, con cháu nối nghiệp nhau theo nghề “gia truyền”. Bao thăng trầm của dòng họ này cũng như gắn liền với lịch sử ngành than nơi đây. Tưởng như tinh thần truyền đời đáng tự hào ấy không gì có thể lay chuyển, vậy mà biến thiên dữ dội của hoàn cảnh đã khiến cho những gì là danh giá của dòng họ kia cũng phải bao phen nổi chìm sóng gió. Giữ chắc hay từ bỏ, nếu tiếp tục thì phải thế nào còn thay đổi thì ra sao? Một câu chuyện lớn được tác giả đặt ra đặng phân tích, lí giải.

Lê Duy Hào được xây dựng như một nhân vật trung tâm không chỉ bởi hầu hết các vấn đề đều xoay quanh cuộc đời, số phận con người này, mà còn bởi ông là gạch nối giữa các thế hệ của dòng họ vùng mỏ. Ông nội là “tổ nghề than” của tỉnh từ thời Pháp thuộc, bố là công nhân và đảng viên thời kháng chiến, ông Hào mang trong mình dòng máu công nhân chính hiệu. Sâu thẳm trong con người Hào là ý thức về “chất thợ” trong mình, trong dòng họ và quê hương mình. Kinh tế gia đình eo hẹp, lợn nuôi bán cho tư thương thì được chứ bán cho Thương nghiệp nhà nước thì toàn lỗ, nhưng ông kiên quyết: “Lỗ cũng phải bán. Mình đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của giai cấp lãnh đạo, mà vi phạm chính sách, thì còn nói được ai”. Khi khuyên con lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai, ông nói: “Một anh thợ giỏi còn có ích cho xã hội hơn cả tá quan xoàng đó”. Ông thừa hiểu cái vất vả, nghèo khó nhưng vẫn muốn con nối nghề, và tâm nguyện ấy cũng được con cái nhận ra: “Bố muốn các con mình làm công nhân, nối tiếp nghề truyền thống của gia đình và để có chất thợ. Cái chất thợ, trong ý thức của bố, nó thiêng liêng lắm. Cả đời bố đã phấn đấu vì nó. Thế nên mỗi đứa con bước vào đời, bố lại kể về lai lịch ba đời làm thợ của nhà mình. Ông muốn đến các con là đời làm thợ thứ tư”. Vừa tình cảm mà vừa bản lĩnh, con người ông trong trẻo, thẳng ngay, chân thành. Công nhân một cách điển hình.

Làm một người công nhân đã khó, xây dựng vun đắp và gìn giữ một gia đình công nhân còn khó hơn. Các thế hệ trong dòng họ Lê Duy của gia đình ông Hào như một khối vừa thống nhất lại vừa mâu thuẫn. Các vấn đề phức tạp trong gia đình này, rộng ra, phải chăng cũng là vấn đề của người công nhân và ngành công nghiệp nói chung.

Người vợ đến với Hào vì ông là thợ với tất cả những phẩm chất đáng quý, nhưng rồi cuối cùng bà đã phản bội ông (để theo tay giám đốc quỷ quyệt) thì cũng lại vì ông là thợ với tất cả sự thiếu thốn nhọc nhằn. Em trai của Hào trốn lính để được ở lại, làm công nhân gạch, nhưng nhanh chóng tìm cách chuyển về Tỉnh Đoàn, rồi leo lên làm Thư kí Công đoàn Tỉnh. Con gái và hai con trai lớn của Hào tuy ban đầu đều làm công nhân, nhưng vì không đủ sống đã phải bỏ nghề, bán nhà đi nơi khác sinh sống. Họ về sau cũng vô cùng khốn đốn, người thì chạy xe ôm - trấn tiền rồi bị phạt tù, người thì đi xuất khẩu lao động, khi về biết vợ bị kẻ xấu hãm hại, quá đau đớn và căm phẫn nên phát điên. Không chỉ đơn thuần là chuyện vợ chồng đổ vỡ, cha con bất đồng, chú cháu cãi vã, ta thấy đằng sau đó là cả một khối mâu thuẫn lớn.v.v… Nó như những mạch ngầm khủng khiếp khiến một gia tộc bền vững nhiều đời như vậy cũng phải rạn nứt nghiêm trọng. Bi kịch ấy là hệ quả tất yếu của quá trình chuyển đổi, phát triển, từ phương thức đến kĩ thuật, từ điều kiện hoàn cảnh đến chính sách, trong khi người lao động chưa biết hoặc chưa thể thay đổi và thích nghi. Họ nhận ra những uẩn khúc, nhưng gần như bế tắc trong việc đối diện với thực tế. Tác giả đã nỗ lực đi tìm và lí giải các mấu chốt vấn đề. Có khi nó nằm ngay ở một thực tế tréo ngoe khi chuyển đổi từ thủ công sang máy móc: “Số là, sau khi thợ mỏ thủ công nhường chỗ làm việc cho máy, thì họ phải đi làm việc khác. Nói chung trong mấy trăm người cũ, trừ những người nghỉ hưu, nghỉ mất sức hoặc nghỉ một cục, nghĩa là hưởng chế độ một lần, số còn lại, đều được sắp xếp lại. Người trai trẻ thì được đào tạo lại nghề; người lớn tuổi thì được bố trí việc làm mới, đó là những việc phụ trợ, như tuyển than, sửa đường, nung vôi… Những công việc này cũng khá vất vả, thậm chí có lúc, có việc còn vất vả hơn cả sản xuất trước đây. Thế nhưng thu nhập của họ lại giảm. Mỏ giải thích là vì những công việc này còn mới, Mỏ chưa xây dựng được định mức, nên phải trả lương theo thời gian”. Cho nên, mới có sự thức tỉnh pha lẫn chua xót: “Cái chất công nhân nhiều đời và trình độ tay nghề thủ công của cậu, có thể cất vào kí ức được rồi. Vì sao à? Vì bây giờ là thời của máy móc”. Tác giả cũng không né tránh, không ngần ngại khi đặt ra câu hỏi: “Cứ xem các vị có chức có quyền thì rõ. Họ luôn miệng nói vinh quang thuộc về người thợ, nhưng lại tìm mọi cách để con mình làm quan”.v.v..

Giữa bao nhiêu thách thức khốc liệt như vậy, sẽ là dễ hiểu nếu như người công nhân có hoài nghi, bỏ cuộc. Nhưng với tình yêu, ý thức trách nhiệm, niềm kiêu hãnh về nghề của mình, người công nhân Hào không thôi đau đáu để giữ lại bằng được một cái gì bình dị nhưng cũng lớn lao lắm. Niềm mong ước thiết tha ấy của ông rồi cũng thành hiện thực, khi con trai út của ông tuy học rất giỏi nhưng không thi đại học mà theo nghề hàn, đạt giải tay nghề vàng quốc gia và khu vực. Có lẽ tất cả tin yêu vào nghề, vào người được tác giả gửi gắm trong nhân vật người con trai út này. Nó như một khe sáng giúp chúng ta nguôi bớt bao nhiêu ngột ngạt âu lo. Nó cũng như một gợi ý về lối thoát cho người công nhân thời nay, khi mọi thứ thay đổi thì họ cũng buộc phải thay đổi, không còn cách nào khác là phải nâng cao trình độ của mình để đối diện với yêu cầu mới, vươn lên trở thành mẫu công - nhân - trí - thức, mẫu người - lao - động - khoa - học.

Bên cạnh đó, cũng nhiều diễn biến làm câu chuyện ấm áp trở lại. Người vợ sau những lầm lỗi đã rất ăn năn và tự nguyện quay trở về bên ông Hào. Người con trai đau khổ đến mức hóa điên nay đã nguôi ngoai, tỉnh táo, được bệnh viện cho về nhà. Người con trai trong phút lầm lạc đi trấn tiền rồi bị phạt tù nay trở về làm ăn đàng hoàng, thậm chí còn bắt được cướp và được khen thưởng.v.v… Hình như sau những rung chấn trong mạch ngầm, mọi thứ đang dần quay trở lại ổn định, và hứa hẹn sẽ vững vàng hơn.

Chưa có câu trả lời, nhưng để có câu trả lời thì trước hết cần đặt ra được những câu hỏi. Ở đây, rõ ràng tác giả đã đặt ra được những câu hỏi đáng suy nghĩ trước những vấn đề hệ trọng.

3  Có người cho rằng, chưa viết tiểu thuyết thì có nghĩa là chưa viết văn. Nói như thế có phần cực đoan, nhưng không hẳn là không có lí. Theo hình dung của tôi, viết tiểu thuyết là sự lao động hết sức đặc biệt, với ba yếu tố: công phu, nghiêm túc, tinh xảo. Nó đòi hỏi nhà văn phải có vốn liếng và dũng khí để trút toàn bộ con người mình vào trang viết.

Với Danh gia đất mỏ, Nguyễn Văn đã chứng tỏ sự lao động công phu, nghiêm túc. Cả một thế giới về các vấn đề không chỉ là trong lòng mỏ mà còn là trong lòng người công nhân được dò xét, khơi tìm. Từ cấu tạo địa chất địa mạo đến kĩ thuật tay nghề người thợ, từ huyền sử đến chính sử, từ kết cấu làng xã trong thời đô thị hóa nông thôn đến ý thức hệ giai cấp người công nhân, từ hôn nhân đến gia tộc, từ tiền bạc đến nghĩa khí, từ tình yêu đến thủ đoạn và tội ác.v.v… tất cả được đan lồng trong một lượng tư liệu phong phú.

Đây là những nét phác họa vừa khái quát vừa cụ thể của tác giả về một công trường khai thác than: “Hiện tại, moong này có đường kính miệng là hơn 1000 mét, chiều sâu từ nơi ta đứng tới đáy là hơn 500 mét. Như vậy, chúng ta đang khai thác ở độ sâu hơn 450 mét dưới mặt nước biển. Ở độ sâu này, chúng ta cũng mới khai thác được 1/3 thấu kính T5. Mà theo tài liệu địa chất, thì dưới T5, về phía trái chúng ta đây, còn một thấu kính nữa, gọi là T6, lớn hơn và than tốt hơn những thấu kính trước nó”. Như thể có con mắt của kĩ sư giám sát công trình ở đây vậy.

Và đây là những dòng tác giả viết về những vấn đề kĩ thuật chuyên môn đặc thù cao: “Cái mới ở đây là tự mình phải chọn công nghệ để hàn một vật bằng thép hợp kim thấp. Việc này, nếu ở nhà máy, thì do người chỉ đạo sản xuất quyết định. Người thợ chỉ làm theo mệnh lệnh. Hùng suy nghĩ một lát, rồi chọn công nghệ hàn Mag. Đặc trưng của công nghệ này là hàn hồ quang bằng điện cực nóng chảy trong môi trường khí hoạt tính. Thép hợp kim thấp, hàn Mag là ưu việt. Tính ưu việt của nó, một mặt ở chất lượng mối hàn, mặt khác là chi phí thấp, do khí hoạt tính dễ sản xuất lại rẻ”. Như thể có bàn tay của người thợ bậc 7/7 ở đây vậy.

Rồi người đọc cũng được bất ngờ với sự tái hiện của tác giả về không khí hầm mỏ những năm Pháp thuộc: “Tôi nhớ, ngày còn đào giếng, thì sau vụ đá lăn xuống đáy, lúc nào chúng tôi cũng nghĩ đến một cái gì đó sẽ rơi xuống đầu mình. Chúng tôi mong vào lò sớm, để được an toàn. Đến khi vào lò, lại thấy bất an hơn làm ở giếng. Suốt ca làm việc, lúc nào cũng thấy khó thở. Lò thì nóng hầm hập; mồ hôi và nước từ trần lò chảy xuống, khiến người lúc nào cũng nhớp nháp. Rồi bụi. Không trông thấy bụi đâu, mà khạc ra đờm bãi đen xì. Nhưng tất cả cái đó chưa đáng sợ bằng khí độc, khí nổ, hoặc túi nước. Gặp những thứ ấy, thì tính mạng người thợ lò kể như là hết”. Ở đây thì hình như có cả bàn tay của người thợ lò và trí nhớ của một người chép sử cùng hòa kết.

Đôi dòng lược trích như vậy, để thấy sự công phu, nghiêm túc. Vậy còn sự tinh xảo? Có lẽ là chưa.

Với đòi hỏi của một người thưởng thức văn chương thì tôi chưa thỏa mãn vì lối kết cấu khá truyền thống, nhất là nhiều chỗ tác giả can thiệp lộ liễu và không hợp lí vào ngôn ngữ và tâm lí nhân vật. Nhưng với tác giả, tôi hiểu rằng những điều đó cũng không còn thật quan trọng nữa. Cái quan trọng là người viết đã trút được lòng mình vào những trăn trở đau đớn đượm tình nhân văn.

Tác giả Nguyễn Văn

Phạm Văn Vũ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy