Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
15:30 (GMT +7)

Cây và những lớp vỏ

LTS: Theo dự kiến, một cuộc giao lưu, gặp gỡ giữa các nhà văn thế giới sẽ được diễn ra vào tháng 11 năm 2020 tại Pháp. Nhưng vì dịch COVID-19 nên cuộc gặp phải hoãn lại cho tới khi nào có thể. Chủ đề của cuộc gặp gỡ quốc tế này có tên là “Cuộc sống của các ngôn ngữ”, trong đó các nhà văn sẽ giới thiệu về lịch sử ngôn ngữ của nước mình, nói về sự khám phá văn học thế giới qua các bản dịch sang ngôn ngữ của họ, đồng thời các nhà văn cũng nói về vấn đề sự biến đổi của đời sống sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngôn ngữ họ dùng để sáng tác. VNTN xin giới thiệu bài phát biểu của nhà văn Nguyễn Bình Phương dành cho cuộc gặp gỡ này.


Với cá nhân tôi, sự tồn tại của tiếng Việt vẫn là điều gì đó cực diệu kỳ. Qua nghìn năm Bắc thuộc cùng bao dâu bể, tiếng Việt còn đó một cách bướng bỉnh, dẻo dai, dù trên thực tế người Việt phải dùng chữ Hán của Trung Hoa để ghi chép. Đã có giai đoạn với tinh thần độc lập cao, người Việt cố gắng tạo ra chữ Nôm cho riêng mình để thay thế chữ Hán, nhưng không đủ sức. Phải tới khi chữ Quốc ngữ xuất hiện, bằng sự đảo chính ngoạn mục, thần tốc thì ngôn ngữ Việt mới bước sang một giai đoạn mới. Chữ Hán khó học, vì thế dẫn tới sự hạn chế số người biết đọc biết viết, những ai sử dụng được chữ Hán mặc nhiên xếp vào tầng lớp trí thức. Nhưng chữ Quốc ngữ thì ngược lại, nó cho mọi người cơ hội như nhau.

Kể từ khi chữ Quốc ngữ lên ngôi, văn học có những bước đi đột ngột táo bạo, kéo theo hệ thống độc giả lớn chưa từng thấy, gần như không giới hạn. Đó là một lợi thế, nhưng lợi thế đó phải trả bằng cái giá: những gì cần giữ không phải đều giữ được hết. Bao tinh hoa văn hóa truyền thống có nguy cơ chìm lấp bởi đa phần chúng được ghi chép bằng chữ Hán, với các văn bản thư tịch, các gia phả, các hoành phi câu đối, các văn bia…

Dù thế nào thì việc lựa chọn chữ Quốc ngữ vẫn là sáng suốt. Nếu phải chọn lần nữa giữa chữ Hán với chữ Quốc ngữ, tôi tin đa số người Việt vẫn chọn chữ Quốc ngữ, dù những mất mát như trên đã nói, cũng khá xa xót. Chữ Quốc ngữ có thể ghi lại được ngữ âm tiếng Việt, điều mà chữ Hán không thể, và đấy chính là một trong những sức mạnh quyền uy để nó soán ngôi chữ Hán. Nói cách khác, chữ Quốc ngữ là một sinh thể, nó sinh sôi theo đời sống. Sự sinh động của nó ứng hợp với phát âm sinh động của người Việt và ứng hợp với tính cách lắt léo của người Việt. Bản thân tôi quan niệm, trong mối quan hệ xã hội, sự lắt léo kéo theo những hệ lụy, nhưng nhìn ở mặt khác đó lại là cơ hội cho văn học. Đặc trưng lời ăn tiếng nói của người Việt là sự ví von, có vần điệu, có nhạc tính, đến mức người Trung Hoa phải thốt lên: dân xứ ấy nói như chim hót. Trớ trêu ở chỗ, nhận xét có hơi hướng giễu cợt, miệt thị ấy lại rất chính xác.

Và chữ Quốc ngữ mở toang cánh cửa cho văn học thế giới chính thức bước vào Việt Nam.

Tới lứa tuổi của tôi, từ khoảng giữa những năm 60 của thế kỷ trước, các bản dịch văn học đã có sự tiến bộ đáng kể khi nó tiến sát tới nguyên tác. Nhưng trước đó nữa thì khác, trừ văn học Trung Quốc, còn lại phần lớn các bản dịch là sự phỏng dịch hoặc tệ hơn là phóng tác. Bây giờ, khó ai hình dung nổi đã có lúc nàng Anna Krenina danh tiếng của Tolstoy từng được dịch là nàng Kha - lệ - nương, và Naponéon dịch là Nã - phá - luân, còn ngụ ngôn của La Fontaine trở thành tác phẩm giáo huấn nôm na của một ông giáo làng. Sự Việt hóa các bản dịch thời kỳ đầu suồng sã đến mức đánh mất căn cước của tác phẩm đó. Điều này có nhiều lí do, nhưng tôi nghĩ thật khó trách bởi bước chân đầu tiên nào mà chẳng lệch lạc, loạng choạng.

Do lịch sử chia cắt, giai đoạn 1954 đến 1975, ở Việt Nam đã có những vênh lệch giữa hai miền về ngôn ngữ dịch thuật. Từng có lúc người Bắc kỳ chẳng mấy ai thích nổi bản dịch của Nam kỳ vì thứ ngôn ngữ cà chớn của nó, và ngược lại, những người Nam kỳ xịn không xài nổi ngôn ngữ dịch của Bắc kỳ bởi tính quy củ mậu dịch của nó. Duy nhất các bản dịch cũ về văn học Trung Quốc còn giữ nguyên giá trị ở cả hai miền. Sau bao năm tháng, trong khi các bản dịch Tam Quốc, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng vẫn được chấp nhận, thì những bản dịch các tác phẩm châu lục khác lại ngày càng trở nên xa lạ, ngại ngùng bởi giữa ngôn ngữ dịch với tầm cỡ danh tiếng tác phẩm gây cảm giác không ăn khớp. Phải thú nhận ngay rằng tôi không phân biệt được sự khác nhau giữa văn của Xtandal với Volte hay với Dickens. Đó là sự thiệt thòi đầy cam chịu. Ấn tượng chung với những tác phẩm thuộc hàng kinh điển mà tôi đọc là khó nhằn, một phần vì đa số chúng quá đồ sộ, phần nữa quan trọng hơn, là cảm giác chúng quá xa xôi về mặt thời gian, mà cảm giác này do ngôn ngữ của bản dịch quá cũ gây nên. Nói thế để thấy ngôn ngữ cũng có từng thời và sự lạc lõng về ngôn ngữ là điều đáng sợ bậc nhất của nhà văn. Dĩ nhiên, tôi để riêng những tác phẩm kinh điển đó vào một góc với sự kính trọng. Sự kính trọng này dựa trên lòng tin vô điều kiện rằng, đã được công nhận là kinh điển thì hiển nhiên vĩ đại. Hiện nay thì khác. Văn học thế giới được dịch ở Việt Nam đã rút ngắn khoảng cách với bên ngoài. Những tác giả đương đại có “số má” đều được dịch, những tác phẩm đình đám trên văn đàn thế giới cũng đến tay người đọc ngay trong khi nó đang được tung hô. Nhờ có một đội ngũ dịch giả trẻ trung, học hành bài bản và có ý thức giữ gìn căn cước cho các tác phẩm được dịch mà tôi có thể phân biệt được văn của vài ba tác giả lớn, điều ấy đáp ứng phần nào cho cảm giác thỏa mãn. Tôi nghĩ, sự đa dạng trong kỹ thuật viết của các nhà văn Việt Nam hiện nay, chắc chắn là nhờ văn học dịch mang lại.

Người Việt có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Câu nói này chính là dạy để làm người, nhưng nếu quy chiếu nó sang văn học thì sẽ thấy đấy là quy trình của sáng tạo. Học ăn là cách thức lựa chọn tiếp cận, nghiền ngẫm, hấp thụ hiện thực đời sống bộn bề. Học nói là học cách bồi đắp, phát triển ngôn ngữ, sử dụng nó để tạo ra giọng điệu riêng có sức lôi cuốn, thu hút. Học gói là nghệ thuật bao quát, thâu tóm, dồn nén, sắp xếp thế giới xung quanh theo một chỉnh thể chủ quan. Học mở là nghệ thuật tạo ra sự đa nghĩa để nới rộng kích thước tác phẩm. Diễn giải dông dài thế, chỉ để lưu ý rằng học nói được xếp thứ hai sau học ăn. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ chỉ đứng sau kinh nghiệm sống. Nhà văn, xét cho cùng, là kẻ học nói. Và giá trị tiếng nói ấy phụ thuộc vào cảm nhận của anh ta với những đổi thay ngôn ngữ xung quanh.

Về cá nhân mình, thoạt tiên, khi bắt đầu sáng tác, tôi không để ý tới những biến chuyển của ngôn ngữ trong biến chuyển đời sống. Nhưng sau này, tôi ý thức được rằng ngôn ngữ đóng vai trò như lớp vỏ của cây, nó sinh ra, bao bọc, định danh đời sống, song nó cũng chịu quy luật già cỗi, rụng rơi và phải bị thay thế bởi cơ thể đời sống biến chuyển không ngừng nghỉ. Tôi nhận ra rằng thời chiến tranh, ngôn ngữ của người Việt có đặc trưng riêng, đầy rẫy động từ mạnh, cách ăn nói mạch lạc, dứt khoát, đậm tính quân sự. Thời bao cấp nghèo khó, chật vật, tiếng lóng lên ngôi, ngôn ngữ ám chỉ, bóng gió chiếm thế thượng phong. Giai đoạn đầu Đổi mới lại khác, ngôn ngữ nhuốm vẻ xấc xược, phóng túng. Còn hiện nay, thời công nghệ thông tin, ngôn ngữ Việt, ở những người trẻ đã bắt đầu “lơ lớ” tính toàn cầu. Ngôn ngữ buộc phải bong tróc theo độ phát triển của đời sống, nếu nó bướng bỉnh không chịu rơi rụng thì thời gian sẽ ngừng lại. Tôi nghĩ hẳn là đa phần các nhà văn cũng đều cảm nhận và ý thức được sự biến đổi đó, chỉ có điều giữa nhận biết và theo kịp lại là cả một vấn đề.

Bản thân tôi đã có sự vênh lệch ngôn ngữ với những người viết trẻ hơn mình hàng chục tuổi đời. Dù chúng tôi đang sống trong cùng một thời điểm, nhưng rõ ràng khoảng cách đã xuất hiện. Tôi biết sẽ đến lúc hệ thống ngôn ngữ của mình mỏi mòn, xơ cứng, chật hẹp, khó o bế nổi cơ thể đang hừng hực phát triển, đó là đời sống thì hiện tại. Nhưng tôi lại nghĩ, những ngôn ngữ bạc màu cũng có quyền kiêu hãnh vì chúng đã từng tươi trẻ, từng đầy sức truyền cảm, từng định danh được một phần đời sống.

Mỗi thế hệ nhà văn có độc giả của mình, và mỗi nhà văn lại có độc giả riêng. Độc giả của nhà văn chính là những chiến hữu trong cùng đội hình ngôn ngữ. Còn khoảng cách giữa tân binh với cựu binh chỉ là một tiếng ho khan tựa tiếng nứt vừa ngạo nghễ vừa bẽ bàng của vỏ cây.

Nguyễn Bình Phương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy