Chủ nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024
16:01 (GMT +7)

Cây thương hiệu – điểm nhấn trong du lịch địa phương

Chắc chắn chè là “cây thương hiệu” của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Ngọc Như Hải

Tháng giêng hoa đào bừng nở/ Đón xuân khoe sắc hồng tươi/ Tháng hai hoa ban ngập tràn/ Tím biếc những gương mặt phố…

Cỏ hoa không chỉ là chiếc đồng hồ của vũ trụ để đếm từng bước đi thời gian mà còn là vật làm dấu cho các vùng đất. Người Việt Nam, mấy ai không biết hoa ban của Tây Bắc, hoa phượng đỏ Hải Phòng, hoa sữa đường Nguyễn Du, sen Đồng Tháp, điên điển miền Tây, dã quỳ Đà Lạt…? Để tạo nét riêng cho du lịch địa phương, việc thổi hồn vào cỏ cây bản địa và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch lấy cảm hứng từ cây thương hiệu đem đến những hiệu quả bất ngờ.

1. Sứ giả cỏ cây

Sức hấp dẫn du lịch của một địa phương được làm nên bởi nhiều yếu tố: cảnh quan sinh thái, di tích lịch sử, công trình kiến trúc, ẩm thực, lễ hội và nhiều sinh hoạt văn hóa khác. Cây cối góp phần quan trọng vào những tiềm năng ấy. Cây cối tạo ra cảnh quan sinh thái xanh mát, không khí trong lành. Cây cối là món ăn, thức uống, vị thuốc; là sự hiện diện của bao hoạt động sinh sống hàng ngày, từ làm nhà, trồng cấy, chế tác vật dụng, công cụ sinh hoạt đến những hiện vật tâm linh. Và còn bao nhiêu câu chuyện, bài thơ, câu hát - những yếu tố văn hóa nghệ thuật giúp một loài thực vật thông thường, có thể trở thành linh hồn của một miền đất.

Trên thế giới, rất nhiều thiên đường du lịch luôn được nhắc đến cùng loài cây truyền thống của mình. Bali - kinh đô du lịch Indonesia từ lâu đã để lại ấn tượng trong lòng du khách với những rặng dừa. Người ta nhớ đến dừa Bali không chỉ bởi cảnh quan và các sản phẩm du lịch gắn với nó mà còn bởi những quy tắc độc đáo hướng đến việc khẳng định giá trị tinh thần của cây dừa trên hòn đảo xinh đẹp, trù phú này. Với 4,5 triệu dân, hàng ngàn khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp cùng mức sống thuộc hàng cao nhất đất nước, Bali, thật kì lạ, lại không có những tòa nhà chọc trời. Thậm chí ở đây, những ngôi nhà ba, bốn tầng đã rất hiếm và trở thành khác biệt theo cách không được chào đón. Quy tắc ngầm khá thú vị nơi đây là những tòa nhà không được cao hơn ngọn dừa, để nhìn từ trên cao xuống, hòn đảo được ẩn mình trong dừa. Nổi bật trên nền trời, chỉ có những tòa tháp uy nghiêm nhiều tầng, mái được làm bằng xơ dừa độc đáo màu đen.

Cây dừa luôn tạo cho du lịch Bali sự hấp dẫn. Nguồn ảnh: Internet.

Trong đại dịch COVID-19, một Học viện Du lịch ở Bali đưa ra quy định “khuyến học” độc đáo: Học viên được phép đóng học phí từ trái dừa và một số loại cây địa phương (như chùm ngây, rau má). Quy định này giúp người học vượt qua khó khăn, không từ bỏ nghề nghiệp, đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch sau mùa dịch. Nhưng quan trọng hơn, nó giúp người dân trở về với thiên nhiên, trân trọng giá trị của loài cây di sản. Câu chuyện “đóng học phí bằng dừa” cũng trở thành yếu tố truyền thông thu hút sự chú ý của du khách để một lần nữa, ấn tượng về dừa trên đảo ngọc Bali được khắc sâu. Không khó để tìm ra những ví dụ tương tự, ở khắp nơi trên thế giới, về những loài cây đặc trưng đã trở thành thương hiệu du lịch đặc biệt khi địa phương nỗ lực tạo dựng hình ảnh cho nó.

Pierre Gourou - nhà địa lí học nổi tiếng người Pháp - đã dùng khái niệm “văn minh thực vật” để nói về nền văn minh Việt Nam. Trong vành đai nhiệt đới ẩm gió mùa, thiên nhiên nước ta thiên về yếu tố thực vật với vô vàn cỏ cây, hoa lá. Mỗi vùng miền, tỉnh thành đều có thể là “thủ phủ” của một loài cây hay có “duyên nợ” với một loài thực vật nào đó xuất phát từ đặc điểm sinh kế, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, văn học, nghệ thuật…

Phát triển thương hiệu du lịch với cây cối bản địa không phải hướng đi mới. Từ lâu, chúng ta đã có xứ dừa Bến Tre, vùng sen Đồng Tháp, tour cà phê Đắk Lắk, du lịch sâm Nam Trà My, xứ Huế trúc xanh - mai vàng, lễ hội Hoa ban Tây Bắc, lễ hội Tam giác mạch Hà Giang, lễ hội hạt dẻ Trùng Khánh… Thông thường, cây thương hiệu là loài thực vật nổi bật nhất ở địa phương về độ bao phủ trong đời sống văn hóa, như trường hợp dừa Bến Tre, Bình Định, nơi “dừa là chủ yếu, dừa là tất cả. Dừa ở đây như rừng, dừa mọc ven sông, men bờ ruộng, leo sườn đồi, rải theo bờ biển. Trên những chặng đường dài suốt 50, 60 km chúng ta chỉ gặp cây dừa” (Theo Hoàng Văn Huyền, Những mẩu chuyện địa lí).

Cây thương hiệu cũng có thể là loài cây đặc trưng, chuyên biệt, chỉ đất ấy, vùng ấy mới có như bàng vuông ở Trường Sa. Bên cạnh đó, người ta còn xây dựng biểu tượng du lịch gắn với những sản vật địa phương được cho là thơm ngon nổi tiếng (dẫu thứ cây ấy, nhiều địa phương đều có). Cam Cao Phong, mận Mộc Châu, cam Hàm Yên, na Chi Lăng, nếp nương Tú Lệ… là những ví dụ.

Trong chiến lược phát triển du lịch địa phương, lựa chọn cây thương hiệu (vốn không phải là cây đặc trưng thực sự quen thuộc với du khách) là một sự nỗ lực có khả năng tạo ra sự đột phá. Có thể nói, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu xu thế ấy. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh - ông Trịnh Đăng Thanh, du lịch Quảng Ninh hướng tới một nền du lịch xanh bền vững. Yếu tố “xanh” được nhắc đến ở đây là một chiến lược tổng thể với giá trị cốt lõi gắn với việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, trong đó, có tính đến việc quy hoạch các loại cây cối đặc trưng cho từng địa phương trong tỉnh. Cùng với những loài thực vật vốn đã có “bản quyền” thương hiệu du lịch như cánh đồng lau ở Bình Liêu, Quảng Ninh nghiên cứu nhân giống phát triển cây du lịch mới, dựa trên sự phù hợp về thổ nhưỡng, sự đáp ứng thị hiếu du khách, có mối liên hệ về lịch sử, văn hóa. Ví dụ, cây bông mộc - loài thực vật đặc hữu, nằm trong Danh mục đỏ của IUCN (năm 2007), phân bố trên rất ít vùng núi đá vôi trong cả nước, trong đó có Vịnh Hạ Long, đã được nhân giống và trồng với số lượng lớn.

Giữa mênh mông sóng nước, đá núi Hạ Long, bông mộc kết thành từng chùm, như những quả bóng hồng trên núi, đem đến vẻ đẹp rực rỡ, sinh động. Còn ở quần thể Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm, hàng xích tùng mấy trăm tuổi từ Dốc Đỏ tới chân núi Yên Tử được giữ gìn như một cách hiện thực hóa con đường bồ đề dẫn vào đất Phật, biểu trưng của con đường giải thoát, giác ngộ. Dự kiến, hàng xích tùng sẽ còn được phát triển, nối dài sang Ngọa Vân, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Được biết, hơn 700 năm trước, xích tùng đã được các tổ thiền trồng ở đây, tạo ra không gian Phật giáo linh thiêng. Thực vật họ lá kim vốn đã hài hòa về mặt sinh thái trên không gian núi cao, trong trường hợp này, lại có giá trị đặc biệt về lịch sử và tôn giáo, đem lại cảm xúc đặc biệt cho du khách. Không chỉ dừng lại ở đó, sự sáng tạo của Quảng Ninh còn thể hiện qua hình thức tổ chức sự kiện du lịch như Lễ hội Hoa sở Bình Liêu; và gần đây nhất là Lễ hội Hoa sim biên giới gắn với các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại xã Hải Sơn (thành phố Móng Cái).

Trong xu hướng du lịch trải nghiệm hiện nay, các loài thảo dã dân gian có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Hoa sim, hoa sở đẹp, giàu sức giống, có sẵn trong tự nhiên với sức che phủ cao, có giá trị khai thác trong ẩm thực, dược liệu; có sức gợi cảm xúc khi đều được nói đến trong những kí ức lịch sử, giai thoại văn chương hay những lời hát ngọt ngào:

“Em ơi có nơi nào đẹp hơn

Chiều biên giới khi mùa đào hoa nở

Khi mùa sở ra cây

Lúa lượn bậc thang mây”.

Chúng vốn không thuộc về riêng vùng biên giới Móng Cái, Bình Liêu; song khi Quảng Ninh nhanh nhạy, biết đón đầu xu thế, thì lẽ đương nhiên, khách du lịch yêu hoa sở, hoa sim, hẳn sẽ nghĩ ngay đến Quảng Ninh khi lựa chọn điểm đến trên hành trình khám phá.

2. Về Thái Nguyên ngắm rừng cọ đồi chè

Nói về “cây du lịch” Thái Nguyên, có lẽ không cần bàn cãi để khẳng định, chè là lựa chọn số một. Chè đáp ứng mọi tiêu chí để đã và mãi là cây thương hiệu, là biểu tượng văn hóa, du lịch của tỉnh Thái Nguyên. Chúng ta có cảnh quan sinh thái của những vùng trà rộng lớn, có ẩm thực, thảo dược, mĩ phẩm chiết xuất từ cây chè, có di tích lịch sử, công trình văn hóa, lễ hội, sự kiện, kịch bản trải nghiệm gắn với thương hiệu “xứ Trà”. Và quan trọng nhất, tâm thức dân gian đã định hình một hình ảnh thương hiệu vô giá và bền vững “Chè Thái, gái Tuyên”.

Gian trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Định Hóa trong đó rất nhiều vật dụng thân thuộc gắn với cây cọ. Ảnh: Doãn Long

Nhưng chè không phải cây thương hiệu duy nhất của người Thái Nguyên bởi mỗi địa phương trong tỉnh lại có hình ảnh đại diện riêng cho mình. ATK Định Hóa là một ví dụ. Trên hành trình du lịch về nguồn, thăm “Thủ đô kháng chiến”, du khách được thưởng thức, trải nghiệm: “Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai”, “Trám bùi để rụng măng mai để già”; được tận mắt chứng kiến từ “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi” đến “Ve kêu rừng phách đổ vàng”… Thiên nhiên, sản vật núi rừng phong phú là thế, nhưng có lẽ cây thương hiệu của du lịch Định Hóa chỉ có thể là cọ mà thôi. Cũng như những miền quê trung du khác, Định Hóa là xứ sở của cọ. Cọ mọc thành rừng, cọ phủ xanh đồi, cọ hiện diện trong mọi hoạt động sống. Người Tày Định Hóa không lợp nhà bằng ngói máng, ngói âm dương mà chọn dùng lá cọ. Thân cọ làm cột nhà, ống nước; quả cọ đồ xôi, ngâm rượu; lá cọ làm nón, nắm cơm, đan chiếu, làm áo tơi che mưa, che nắng. Xưa kia, khi cô dâu về nhà chồng, phải đứng dưới giọt gianh chảy từ lá cọ. Khi mẹ sinh em bé từ rừng bế về nhà, cũng đưa con qua mái hiên lá cọ để xua trừ ma quỷ. Mỗi năm cọ chỉ ra 12 tàu lá. Một đời cọ đủ để chứng kiến mấy thế hệ lớn khôn…

Cọ có ý nghĩa văn hóa, cọ mang những câu chuyện lịch sử hào hùng về một thời “Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi” trong kháng chiến chống Pháp. Và chưa bao giờ, “quê em miền trung du” dứt hẳn khỏi loài cây này trong hành trình sinh kế. Trong các sản phẩm du lịch ở Khu di tích ATK Thái Nguyên, có tham quan không gian sinh thái rừng cọ, đồi chè; trải nghiệm các món ăn với cọ, trải nghiệm đan nón, làm chổi. Đồ lưu niệm có dầu cọ, đũa cọ, nón cọ…

Chỉ tiếc rằng, trước những đòi hỏi kinh tế của người dân, nhiều cây cọ hàng trăm năm tuổi đang bị thay thể bởi những loại cây tuy không có giá trị văn hóa, du lịch, song có nguồn lợi kinh tế cao hơn. Những đồi cọ bị thay thế là khoảng trống khó bù lấp, dẫu đã có nhiều thông điệp bảo vệ cây di sản của Định Hóa được truyền đi…

Du lịch Thái Nguyên đang hồi sinh với sự trở lại mạnh mẽ của các điểm du lịch địa phương, trong đó có ATK Định Hóa, vùng chè Tân Cương, Hồ Núi Cốc, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam... Những khởi sắc ấy đi cùng áp lực phải đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu độc đáo. Hy vọng rằng, những sứ giả cỏ cây sẽ góp phần khẳng định sức hấp dẫn của du lịch Thái Nguyên để chúng ta tô thêm những điểm xanh trên bản đồ du lịch vùng Việt Bắc.

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy