Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
22:35 (GMT +7)

Cây sau sau thêm nét yêu cho du lịch xứ Lạng

Trong tưởng tượng của nhiều người, phải đến châu Âu hay các nước Bắc Á mới có cơ hội đắm chìm trong cảnh sắc tuyệt vời của những thảm rừng đỏ ối mùa thay lá. Thực tế, chỉ cần tìm đến núi rừng miền núi phía Bắc, bạn đã có thể phiêu du trong khung cảnh diễm lệ tuyệt vời này. Nếu như rừng phong lá đỏ Cao Bằng gần đây trở thành điểm đến của các phượt thủ lẫn nhiếp ảnh gia bởi cảnh sắc “đẹp như trời Âu”, thì Lạng Sơn cũng quyến rũ không kém với những vạt rừng tím ngắt lá sau sau. Không chỉ điểm tô cho vẻ đẹp thiên nhiên, sau sau còn là nguyên liệu ẩm thực tuyệt vời mà thực khách sẽ không thể quên khi trở về từ xứ Lạng.

Nguồn ảnh: tuoitrethudo.com.vn

Phù hợp với khí hậu mát mẻ, sau sau mọc trong những khu rừng vùng núi cao phía Bắc Tổ quốc như Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh và đặc biệt là Lạng Sơn. Đây là loài thân gỗ, thân cao, thẳng, mọc tập trung thành quần thể, được người dân miền núi gọi bằng những cái tên khác nhau như: sau trắng, phong hương, bạch giao hương, cây thau, sâu trắng, cổ yếm, mạy sâu (Tày), pùm múa đẻng (Dao), chà phai (Mường).

Theo các nhà khoa học, sau sau là cây tiên phong tạo môi trường tiểu khí hậu cho nhiều cây rừng khác phát triển. Rừng sau sau thường làm nên dáng dấp hùng vĩ, ấn tượng của núi rừng. “Tiềm năng du lịch” của rừng sau sau trước hết ở vẻ đẹp bốn mùa biến ảo của nó: “Vào mùa xuân khi những mầm non, lá non đua nhau nảy lộc đơm lá, rừng sau sau tràn sức sống bởi màu đỏ dịu dàng. Cuối xuân sang hè thì trên những thân cây thẳng màu trắng nõn nà xanh màu lá mạ của triệu triệu lá sau sau. Rừng sau sau cũng vì thế nổi bật trong rừng núi đủ muôn màu hoa lá. Vào hè đến cuối thu lá sau sau chuyển màu xanh thẫm rồi ngả màu vàng để cuối thu thành màu đỏ rực tạo ra quang cảnh như rừng phong nơi ôn đới. Ngày đông giá rét sau sau trụi lá rừng sau sau như gây ảo giác lạc đến những miền đất xa lạ” (Đoàn Lư). Vỏ cây sau sau màu trắng đục, có những đốm loang màu ghi nên vào mùa đông gợi nhớ đến xứ sở bạch dương cách chúng ta vạn dặm.

Món rau sau sau, thêm hấp dẫn cho ẩm thực người xứ Lạng

Sinh sôi nảy nở trên rừng sâu, nhưng loại cây này lại gắn bó mật thiết với con người. Không chỉ tạo cảnh quan nên thơ, sau sau còn góp mặt trong đời sống như vị thuốc quý, hay làm nguyên liệu bào chế mỹ phẩm.

Theo bác sĩ y học cổ truyền Đoàn Văn Lư (dẫn từ báo Cao Bằng điện tử), quả sau sau có vị đắng, tính bình, mùi thơm; tác dụng khứ phong, hoạt lạc, lợi thủy thông kinh. Lá sau sau có vị đắng, tính bình; tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm chỉ huyết. Nhựa có vị ngọt, cay, tính ấm; tác dụng thông khiếu, khai uất, khứ đàm, hoạt huyết giảm đau. Rễ vị đắng tính ấm; tác dụng khư thấp, chỉ thống. Quả có tác dụng khứ phong, hoạt lạc, lợi thủy thông kinh; chữa phong thấp, đau nhức khớp xương, tâm vị đau trướng, thủy thũng, đái khó, mề đay, viêm da, chàm. Lá có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm chỉ huyết; chữa viêm ruột, đau vùng thượng vị, thổ huyết, chảy máu cam, dùng ngoài trị mẩn ngứa, eczema. Nhựa có tác dụng thông khiếu, khai uất, khứ đàm, hoạt huyết giảm đau; trị ho có đờm, kinh giản, thổ huyết, nôn ra máu, chảy máu cam. Rễ có tác dụng khứ thấp, chỉ thống; chữa thấp khớp, đau răng. Ngoài ra, các loại tầm gửi mọc trên cây sau sau đều có tác dụng làm thuốc. Người vùng cao thường dùng tầm gửi sau sau để xông hơi, đun nước tắm cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Các loại nấm mọc trên cây sau sau như nấm hương, mộc nhĩ, nấm sò đều có thể dùng làm thực phẩm an toàn.

Nhựa sau sau có màu vàng nhạt, rất thơm. Từ những năm 1970 thế kỷ 20, Trường Đại học Dược Hà Nội đã sản xuất được nhựa thơm Việt Nam (Viet Nam balsam) từ cây sau sau dùng để bào chế mỹ phẩm, ứng dụng trong y học. Sau khi qua ngâm tẩm dầu, gỗ cây sau sau có thể dùng làm tà vẹt, cột điện, cột buồm, đóng tàu thuyền, đóng đồ dùng, đồ mĩ nghệ nhỏ.

Bức tranh ẩm thực xứ Lạng sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi món rau sau sau. Ngọn lá non có mùi thơm dễ chịu được dùng để ăn sống, xào nấu. Ghé thăm nhà dân, homestay hay các nhà hàng ẩm thực dân tộc xứ Lạng, khách có thể đắm mình trong hương vị núi rừng với món rau sau sau. Nét quyến rũ của món ăn dân dã này không chỉ ở vị chua dịu “ăn mãi không chán” mà còn ở món đồ chấm độc đáo không thể tìm thấy ở nơi khác được nấu từ mẻ, cà chua, thịt băm và một số nguyên liệu núi rừng được gia giảm theo sáng tạo riêng của mỗi “đầu bếp”. Vị chua của món chấm này còn được làm nên theo cách độc đáo hơn là cho lên men tự nhiên bằng phương pháp truyền thống. Đồng bào dùng tủy xương, thịt lợn, thịt gà, cá, rau, măng, mộc nhĩ, cơm nguội… hòa trộn thành hỗn hợp, đun kỹ, sau đó bắc xuống mở vung để nguội rồi đậy vung kín trong 5 ngày. Khi ăn sẽ múc vào nồi nhỏ số lượng ít nhiều phụ thuộc vào số lượng rau rồi đun lại thật nóng, có thể cho thêm thịt lợn băm nếu thích. Ngoài ra, thứ rau núi này còn được dùng để xào thịt hay nhuộm xôi, cho màu tím thẫm. Thưởng thức rau sau sau chấm mẻ ngon nhất là vào mùa xuân, khi lá non mỡ màng, thơm dịu và hoàn toàn sạch sẽ.

Nếu sắp lựa chọn Lạng Sơn cho chuyến du lịch cuối xuân đầu hạ của mình, đừng quên qua các phiên chợ núi, để ngắm nhìn và thưởng thức sản vật độc đáo này, bạn nhé!

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy