Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
06:41 (GMT +7)

Câu chuyện niềm tin và kỳ vọng của văn nghệ sĩ

VNTN - Con đường để đi từ nghị quyết đến thực tế cuộc sống nhiều khi là con đường dài đầy quanh co và thử thách. Nếu tất cả những cam kết chính trị của đảng cầm quyền nêu ra được thực thi một cách triệt để thì lo gì người dân mất niềm tin

Tranh cổ động: Nguyễn Cao Nguyên


Sách xưa viết rằng, có một học trò hỏi đức Khổng Tử: một quốc gia cần phải có những điều kiện gì để cường thịnh? Đức Khổng Tử trả lời cần phải có ba điều: thứ nhất, phải có đủ lương thực cho dân ăn; thứ hai, phải có quân đội đủ mạnh để bảo vệ đất nước; thứ ba, phải có niềm tin của nhân dân. Học trò hỏi trong ba điều ấy nếu phải bỏ một điều thì bỏ điều nào? Đức Khổng Tử nói bỏ quân đội. Người học trò hỏi tiếp nếu bất quá phải bỏ tiếp điều thứ hai thì đó là điều kiện nào? Đức Khổng Tử nói bỏ lương thực. Bởi vì, xưa nay không có lương thực thì nhân dân trong nước ấy tất sẽ chết đói, song một chính quyền mà không có niềm tin của nhân dân thì chính quyền ấy không thể nào tồn tại được. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đều khẳng định tầm quan trọng của việc gây dựng niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, bởi có niềm tin sẽ chiến thắng, mất niềm tin sẽ mất tất cả. Tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 12/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Làm việc gì hợp lòng dân thì mới thành công, mất niềm tin của dân là mất tất cả. Tại Hội nghị Tổng kết công tác Dân vận toàn quốc năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 (ngày 10/01/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Hành trang lớn nhất là niềm tin của nhân dân". Nhận thức ấy, phát ngôn ấy đã được các nhà lãnh đạo thể hiện bằng các quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi nhiệm vụ bằng những việc làm ích quốc, lợi dân để củng cố lại niềm tin của Nhân dân, đó là chống tham nhũng, lãng phí; là kỷ luật nghiêm minh; là chăm lo đến những người yếu thế trong xã hội; là đẩy mạnh phát triển kinh tế và cân bằng, chính xác hơn trong phân chia thành quả...

Nhìn lại lịch sử, cứ mỗi khi niềm tin của người dân vào nhà cầm quyền cao thì đất nước hưng thịnh và vượt qua khó khăn, khi nào niềm tin của người dân suy giảm chắc chắn đất nước và chế độ sẽ lâm nguy. Thế kỷ XIII, giặc Mông - Nguyên xâm chiếm toàn bộ châu á, châu Âu, Bắc Phi nhưng đội quân tàn bạo này đã thua trước tinh thần và sức mạnh của nhân dân Đại Việt. Có được sức mạnh vĩ đại ấy chính là nhờ các vị hoàng đế của nhà Trần đã tạo được lòng tin trong nhân dân, để rồi mỗi tướng sĩ, mỗi trang nam nhi đã thích vào cánh tay hai chữ “Sát Thát”. Chính niềm tin ấy bật ra khỏi lồng ngực của tất cả các bô lão đại diện cho nhân dân trong hội trường Diên Hồng hôm đó: “Đánh”. Cảm tác về chiến thắng vĩ đại của dân tộc được tạo nên từ niềm tin, sức mạnh của nhân dân, thi sĩ đương thời là Trương Hán Siêu đã viết: “Anh minh hai vị thánh quân/ Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh/ Giặc tan muôn thuở thăng bình/ Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao” (Bạch Đằng giang phú). Mấy trăm năm sau, dù nhà Hồ đã xây dựng được một đội quân được xem là lớn nhất, đông nhất của các triều đại phong kiến, nhưng rồi giặc sang, cả triều đình đã bị bắt đưa về Trung Quốc. Trước khi quân giặc tràn sang, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã phát biểu: “Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”. Tiếc rằng nhà Hồ đã không làm được như vậy. Một vị quan cũ của nhà Hồ là Nguyễn Trãi sau này theo Lê Lợi đã nói rằng: nhà Hồ đánh giặc chỉ có một mình. Nếu không có sự ủng hộ của nhân dân thì dù quân đội đông đảo như nhà Hồ cũng một sớm một chiều tan thành mây khói. Năm 1945, nếu tính từ khi lệnh Tổng khởi nghĩa được ban ra đến khi cuộc cách mạng thành công trên cả nước, thời gian vẻn vẹn chỉ trong 12 ngày. Không có sự ủng hộ, không có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, làm sao cuộc cách mạng có thể thành công nhanh chóng như vậy. Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, nhờ niềm tin về sức sống vững bền của dân tộc, niềm tin về một ngày mai tươi sáng của dân tộc mà lớp lớp những người con anh hùng của nước Việt đã chấp nhận vào tù, ra pháp trường bởi họ tin vào ngày toàn thắng của dân tộc, tin vào các nhà lãnh đạo tối cao của đất nước khi ấy và xem đó là ngọn cờ, là hình mẫu tiêu biểu để gửi gắm và phó thác niềm tin.

Tranh cổ động: Nguyễn Duy Thành

Trong cuộc chiến chống COVID-19, theo xếp hạng của Dalia, Việt Nam là quốc gia có độ hài lòng cao nhất thế giới về phản ứng của chính phủ đối với dịch bệnh. Nước có độ hài lòng cao thứ 2 là Argentina với 61% và tiếp đến là áo (58%), Singapore (57%), Trung Quốc (56%) và Nam Phi (56%). Rõ ràng, trong cuộc chiến này, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người dân, do vậy đã khơi dậy và bồi đắp thêm niềm tin của Nhân dân. Nhờ đó, người dân tự giác tuân thủ những chỉ dẫn của các cơ quan có trách nhiệm, giúp nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Cũng giống như đại bộ phận người dân, đội ngũ văn nghệ sĩ - những người luôn nhạy cảm trước thời cuộc - hẳn nhiên cũng đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng vào những quyết sách của Đại hội Đảng, một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Bàn về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh về định hướng phát triển văn học, nghệ thuật, đó là: “Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các sản phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường. Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia tổ chức Hội; khuyến khích tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả”. Những văn nghệ sĩ chân chính là những người luôn đau đáu về số phận đất nước và thân phận con người. Những tác phẩm nổi tiếng và có giá trị mãi mãi với thời gian bao giờ cũng được viết ra từ máu và nước mắt. Vậy nên, văn nghệ sĩ chân chính không chỉ là người thư ký trung thành của thời đại, họ còn là những nhà dự báo thiên tài. Mà, những dự báo thì lại là những điều chưa thể nhìn thấy ngay. Không những vậy, văn chương, nghệ thuật còn có vai trò quan trọng trong việc lên án cái ác, cái xấu, cảnh tỉnh những người cầm quyền. Có phải vì vậy mà nhiều văn nghệ sĩ đã gặp “tai nạn” nghề nghiệp hay không? Bởi vậy, “bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật” mà dự thảo Báo cáo Chính trị đặt ra hẳn nhiên làm cho đội ngũ văn nghệ sĩ nhiều hứng khởi.

Con đường để đi từ nghị quyết đến thực tế cuộc sống nhiều khi là con đường dài đầy quanh co và thử thách. Nếu tất cả những cam kết chính trị của đảng cầm quyền nêu ra được thực thi một cách triệt để thì lo gì người dân mất niềm tin.

Vũ Trung Kiên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy