
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Mạng xã hội đang được dùng phổ biến ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê của trang web “We are social” (công ty toàn cầu chuyên hỗ trợ các đơn vị thông qua truyền thông xã hội) thì tính đến tháng 1/2017, nước ta có hơn 46 triệu người thường xuyên sử dụng mạng xã hội (MXH), đứng thứ 22 toàn cầu. Trong đó, facebook mới xuất hiện tại Việt Nam hơn 10 năm nhưng đã nhanh chóng trở thành MXH phổ biến nhất hiện nay.
Đối tượng sử dụng MXH không chỉ ở người trẻ mà đã “lan” sang người trung, cao tuổi, ở cả thành phố và nông thôn. Với 4.000 trạm phát sóng 4G và hơn 95% dân số được phủ sóng như hiện nay thì việc làm chủ một tài khoản trên MXH để thường xuyên giao lưu, cập nhật là việc dễ như “trở bàn tay” với đa số người dân.
Không thể phủ nhận lợi ích to lớn MXH đem lại, nhất là tác dụng kết nối và lan tỏa thông tin. MXH cũng là “tờ báo” do chính người sử dụng là “tổng biên tập”, “phóng viên” kiêm “nhà in”. Với nhiều người, MXH là nơi để làm những việc có ích. Họ lập ra các fanpage, group kết nối những người chung sở thích. Qua MXH, họ dễ dàng tham gia các câu lạc bộ dành cho người thích khiêu vũ, thích đạp xe; câu lạc bộ của những tấm lòng thiện nguyện quyên góp giúp đỡ người nghèo; câu lạc bộ chia sẻ chuyên môn như làm kế toán, trợ giúp pháp lý, học làm báo; câu lạc bộ bày kinh nghiệm du lịch… Nhưng cũng qua MXH, nhiều cá nhân, tổ chức lập các website, blog, sử dụng nhiều tài khoản facebook làm cơ quan ngôn luận. Sau đó chúng nhào nặn thông tin có nội dung xấu, phản động, trộn lẫn thật - giả, cắt ghép hình ảnh, tung lên MXH gây bức xúc, nghi ngờ, bất bình trong công chúng, kích động gây rối, chống đối chính quyền. Giám đốc an ninh của Facebook, ông Alex Stamos cho biết: Facebook đóng hơn một triệu tài khoản mỗi ngày nhưng vẫn không thấm tháp gì so với những kẻ lợi dụng facebook vào ý đồ xấu.
Có thể ví MXH như một cái “chợ giời” thông tin, xấu tốt, thật giả lẫn lộn, đòi hỏi người sử dụng phải tỉnh táo khi tiếp cận.
Loại trừ những người cố ý lan tỏa thông tin giả nhằm mục đích xấu (số ít đã bị xử lý theo pháp luật), thì không ít người đã tiếp tay cho cái xấu lan truyền vì kém hiểu biết. Trong số các chủ tài khoản nhiệt tình chia sẻ (share) có nhiều cán bộ hưu, người dễ bức xúc trước những “ngang tai trái mắt” của xã hội. Họ đa số có vốn sống “già”, nhưng lại “non” hiểu biết về công nghệ nên dễ “ăn” thông tin giả. Tình trạng này ở Thái Nguyên khá nhiều. Dạo qua “xã hội” facebook ta bắt gặp không ít tên tuổi khả kính đang hồn nhiên tiếp tay cho sự bịa đặt, vu khống nhằm vào tổ chức, cá nhân nào đó. Và cổ súy cho sai lầm của họ là hàng loạt comments (bình luận) kích động, chửi bới, thóa mạ nặng nề làm cho tình hình thêm trầm trọng hơn.
Hãy “suy nghĩ trước khi chia sẻ” không chỉ là thông điệp cảnh báo người sử dụng MXH mà còn là tên chương trình giáo dục an toàn trên mạng được Facebook phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) ra mắt mới đây tại Hà Nội. Mục tiêu nhắm đến của chương trình là đào tạo khoảng 30.000 thanh thiếu niên từ 13-25 tuổi, 1.500 giáo viên, 100 tổ chức phi chính phủ và 40 giảng viên nguồn tại 15 tỉnh thành phố trong cả nước, đồng thời chia sẻ trực tuyến cho hơn 250.000 bạn trẻ Việt Nam. Chương trình cung cấp cho thanh thiếu niên các bộ công cụ và hướng dẫn về việc chia sẻ thông tin một cách an toàn và có trách nhiệm trên MXH (theo tuoitre.vn).
Thực tế cho thấy, không chỉ đối tượng thanh thiếu niên cần tập huấn cách sử dụng MXH mà tất cả người dùng đều cần hiểu biết để sử dụng MXH an toàn. Nhưng trước khi tìm hiểu sâu hơn để sử dụng MXH, trước khi Bộ Thông tin Truyền thông xây dựng được bộ quy tắc ứng xử trên MXH, thì có một cách ứng xử khôn ngoan và đơn giản nhất là hãy chia sẻ chuyện tốt, mang lại hạnh phúc thay vì chia sẻ chuyện xấu, chuyện gây bức bối chưa được kiểm chứng.
Sử dụng MXH thông minh hơn, cảnh giác hơn, đó cũng là cách chúng ta tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...