Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
17:30 (GMT +7)

Cánh chim lửa Trường Sơn và những bài thơ hậu chiến

 

(Kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhà thơ Phạm Tiến Duật: 2007 - 2022)

Chân dung nhà thơ Phạm Tiến Duật (nguồn ảnh: internet)

Nhìn lại những thành tựu của nền thơ kháng chiến chống Mỹ cho đến nay, hầu hết mọi người đều thừa nhận, Phạm Tiến Duật xứng đáng được coi là ngọn cờ đầu, là người lĩnh xướng của giai đoạn thi ca ấy. Chỉ với 4 bài thơ được giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1969 (Gửi em cô thanh niên xung phong, Lửa đèn, Nhớ, Bài thơ về tiểu đội xe không kính), Phạm Tiến Duật đã khẳng định được một giọng điệu riêng, một phong cách riêng khó trộn lẫn. Đó là chất thơ trẻ trung, hài hước, sôi nổi, lạc quan, ngồn ngộn những chất liệu của một đời sống chiến trận chân thực. Ông còn tiếp tục chinh phục người đọc bằng một loạt các tác phẩm tiêu biểu nữa trong hai tập “Vầng trăng quầng lửa” và “Thơ một chặng đường” như: Tiếng bom ở Seng Phan, Qua cầu Tùng Cốc, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Nghe em hát trong rừng… Chỉ với khoảng 10 năm (1965 - 1975), Phạm Tiến Duật đã thực sự tạo được một sự nghiệp thơ ca. Nhưng còn sau 1975, nguồn thơ Phạm Tiến Duật tiếp tục tuôn chảy và tạo được những giá trị ra sao, đó là điều chúng tôi muốn được bàn luận kỹ lưỡng hơn qua bài viết này.

Trước hết, có thể nói ngay rằng, một phần không nhỏ thơ hậu chiến của Phạm Tiến Duật vẫn là sự nối dài những năm tháng thời chiến, những ký ức Trường Sơn. Những con người, những câu chuyện của các năm tháng trước vẫn hiện hữu trong hiện tại, như câu chuyện những người lính từng xếp hàng để sẵn sàng hiến máu cho người đồng đội bị trọng thương. Còn bây giờ, họ lại xếp hàng để tiễn biệt người đồng đội ấy:

Trước nghĩa trang sớm nay thấy đồng đội

xếp hàng

Tôi lại nhớ anh, nhớ một thời máu lửa

Xưa tiếp máu cho anh, giờ xếp hàng trước mộ

Tiếp máu cho những người đang sống

lại là anh

(Tiếp máu)

Những người lính dù đã ngã xuống trong thời chiến hay ngã xuống trong thời bình đều để lại những giá trị tinh thần to lớn, truyền một nguồn cảm hứng, một năng lượng sống cho những người ở lại. Và vì thế, trong mỗi ngày đang sống của thời bình ở giữa thành phố, người lính Phạm Tiến Duật không bao giờ quên những năm tháng bên đồng đội giữa núi rừng. Hiện tại luôn luôn được quá khứ nhắc nhở về tình nghĩa, thủy chung:

Có lẽ vong hồn bạn bè đã quở trách tôi

Trót nhãng quên dải rừng già suốt

mười năm bom nổ

Lá bứa quên chua, củ nâu quên chát

Nên tôi giữa thị thành cơn sốt lại bùng lên

…Bạn ở nơi nào trong khoảng rừng đen

Khoảng rừng tối, khoảng rừng mưa,

khoảng rừng trở gió

Đã là đồng đội một thời dẫu âm dương

cách trở

Mong ước của bạn năm xưa còn ở trái tim này.

(Cảm ơn cơn sốt)

Viết về một cái máy đuổi muỗi của thời hiện đại, hình bóng của những năm tháng rừng già vẫn vọng về:

Muỗi bay đi đâu? Muỗi rời thành phố

Muỗi bay về với những kiếp nghèo

Oái oăm thay, trong những căn lều tối

Trong tiếng muỗi bay, câu hát cũng ngân theo

(Quảng cáo cho máy đuổi muỗi nhãn hiệu Jumbo)

Nghe tiếng muỗi bay mà nhớ về câu hát thuở nào, câu thơ này như vọng lại trong ta những câu thơ của thời trước 75, những lời thơ đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thành ca khúc: Muỗi bay rừng già cho dài tay áo/ Hết rau rồi em có lấy măng không (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây). Tiếng vọng chiến tranh trong thơ Phạm Tiến Duật còn đến từ những người ở phía bên kia chiến tuyến qua bài Nạm tóc của gia đình Hao-Kin. Đó chính là tiếng nói của lương tri, lương tâm, là sự phản đối mạnh mẽ chiến tranh và nỗi ân hận dẫu muộn màng:

Ông bố rải thuốc độc xuống đầu tôi

Ông con mời tôi sang Mỹ hội thảo

Cây và cỏ Củ Chi một thời cháy xém

Mà đất Meo-lân xanh như một vườn xanh

Buổi chia tay làm tôi kinh ngạc

Giên cầm kéo trong tay cắt tóc cả gia đình

Anh tặng tóc cho tôi trong rưng

rưng nước mắt

Như một lần tạ tội dưới trời xanh

Mối quan tâm đến con người trong thơ Phạm Tiến Duật ở thời hậu chiến tiếp tục được mở rộng, phát triển. Không phải chỉ những người từng tham gia vào cuộc chiến mới hiện lên trong thơ anh. Phạm Tiến Duật còn có những bài thơ thật hay, thật xúc động về những con người lao động chân tay bình thường. Đó là những người lao động ở chợ Giảng Võ hay những em bé đánh giày:

Các anh là ai, tôi không dám hỏi

Các anh mang cơ bắp mình lên phố chào mời

Các ông chủ xây nhà dựng cửa

Cũng không hỏi anh từ đâu và anh là ai

Nhưng tôi biết các anh, những mảnh vỡ

của trái đất

Những tảng phù sa bứng từ sông lên

Những tảng đá vỡ ra từ núi đá

Chỉ khác chăng là trong bụng đói mèm.

Không chỉ dừng lại ở quan sát, miêu tả và thương cảm, nhà thơ còn đi đến tận cùng trong việc khám phá ra thân phận nhân vật của mình:

Các anh đứng đó thưa dần trong chiều muộn

Chỉ còn lại một người, tôi bỗng nhận ra anh

Đức kiên trì đứng cùng vết sẹo

Anh là mảnh vỡ cuối cùng của cuộc

chiến tranh

(Chợ lao động ở Giảng Võ)

Bài thơ cho đến câu cuối cùng mới hé lộ và vỡ òa một thông điệp quan trọng, đó là số phận của những người lính trong thời bình. Cả một quãng thanh xuân đẹp đẽ, họ đã cống hiến cho Tổ quốc. Giờ trở về, phải làm những công việc bốc vác ngoài chợ lao động phổ thông. Câu thơ chân thực mà nhức nhối, xót xa bởi nó đặt ra một bi kịch mới không dễ tháo gỡ.

Khi viết về những em bé đánh giày, Phạm Tiến Duật có một cách an ủi, động viên rất riêng. Nhân ái và ấm áp, những câu thơ gieo một niềm hy vọng tươi sáng vào ngày mai:

Chú kể các cháu nghe tên một người. Cố nhớ!

An-đéc-xen viết chuyện Nàng Tiên Cá

thật là hay

Ông ấy là nhà văn của trẻ con toàn trái đất

Cũng xuất thân từ chú bé sửa giày

(Tiễn các cháu đánh giày về quê ăn Tết)

Phạm Tiến Duật còn có những bài thơ đáng chú ý khác về thế sự và tình yêu. Luật chơi là một bài thơ thế sự với tứ thơ độc đáo: Một quán quân bộ môn cờ tướng nhưng lại rơi vào những trận đấu của bộ môn cờ vua, vậy là mãi mãi chẳng thắng được ván nào. Bài thơ gửi gắm một thông điệp về những trớ trêu ngang trái oái oăm của đời sống khi con người bị đặt nhầm chỗ, hoặc cũng có khi là sự xô đẩy ngẫu nhiên của số phận như một trò đùa:

Trong làng, anh là quán quân cờ tướng

Bây giờ đi đánh cờ vua

Cũng xe, cũng mã, cũng tốt

Mà sao ván nào cũng thua

…Kìa ngoài vườn con bướm vàng bay rối

Cũng vẽ một luật chơi bất ngờ.

Trước 1975, Phạm Tiến Duật hầu như không có thơ tình. Nếu có một chút mong manh gì đó thì cũng phải đặt trách nhiệm công dân lên trên hết, cái tình cảm nam nữ vừa phải kín đáo vừa phải đặt trong cuộc chiến đấu vệ quốc chống quân thù. Nhưng khi trở về với thời bình, tâm hồn con người tự do hơn, mỗi người được sống nhiều hơn, đích thực hơn với những gì riêng tư. Và khi ấy thơ tình trong anh mới thực sự cất tiếng:

Ừ thì nắng mưa là chuyện của trời

Đi quá nửa con đường mới nhận ra xấu tốt

Em ơi em mưa rơi thì bất chợt

Mà tình yêu là định mệnh giữa hai ta

(Mưa tháng bảy)

Thừa nhận tình yêu như một định mệnh, Phạm Tiến Duật viết được những câu thơ thật độc đáo, thấm thía về nỗi nhớ, nỗi cô đơn trống trải khi ở xa người yêu:

Người cũ kỹ bỗng dưng anh cảm thấy

Con kiến trên tường cũng cũ kỹ như anh

…Bởi như thế em xa anh một buổi

Là anh đi lệch cả một bên người

Giờ lấy lại thăng bằng phải dùng toàn thiên hạ

Hay khi em về thì chỉ một em thôi

(Em đi về phía biển)

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến những đóng góp ở thể loại trường ca của Phạm Tiến Duật sau 1975. Trước 75, anh từng có tác phẩm Những vùng rừng không dân với một số trích đoạn sau này công bố trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tác phẩm này cho đến nay vẫn còn chưa được đầy đủ bởi bản thảo gốc bị thất lạc. Cho đến năm 2000, một trường ca mới, trọn vẹn và đầy đủ của Phạm Tiến Duật được xuất bản với tên gọi: Tiếng bom và tiếng chuông chùa với hơn 700 câu thơ. Đây là bản trường ca viết về những nữ chiến sĩ thanh niên xung phong ở Trường Sơn thời chống Mỹ giờ trở về thời bình, chỉ còn một sự lựa chọn là cắt tóc đi tu bởi họ không thể lấy chồng cũng chẳng thể sinh con. Phạm Tiến Duật cùng nhà thơ Vũ Cao dưới sự hướng dẫn của nhà văn Minh Chuyên đã về Thái Bình và vào thăm một loạt chùa chiền, chứng kiến những đồng đội cũ của mình thay áo xanh bằng áo nâu sồng. Những câu thơ, cũng là những câu hỏi day dứt, nhức nhối đã cất lên về số phận con người:

Nhưng tại sao, tại sao họ lại đi tu?

Những đồng đội của anh, của tôi, tại sao lại thế?

Chẳng lẽ trong trái tim chúng ta, chẳng lẽ

Không còn chỗ nào cho đồng đội nữa hay sao?

…Anh muốn hỏi và tôi muốn hỏi

Chỉ màu trời xanh biếc trả lời thôi

Sư thày tụng kinh từ đầu đêm

Sao quá nửa đêm rồi vẫn chưa đi ngủ

Sao sư thày không gõ mõ

Lại vừa tụng kinh vừa gõ đầu mình…

Những con người có thật, những cái tên có thật lần lượt hiện lên. Nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Phương thuở nào nay trở thành sư thày Đàm Phương. Nữ chiến sĩ Lê Thị Thân thuở nào nay trở thành sư thày Đàm Thân. Họ đã hy sinh, đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc và bây giờ lại lặng lẽ cống hiến nốt phần còn lại của cuộc đời mình. Và chính họ cũng là những vết thương không bao giờ nguôi ngoai.

***

Như vậy, Phạm Tiến Duật không chỉ có những thành công rực rỡ ở giai đoạn thơ kháng chiến chống Mỹ mà ông còn có những đóng góp quan trọng trong giai đoạn sau 1975. Các tác phẩm thời kỳ hậu chiến góp phần làm nổi bật một chân dung thơ của cánh chim lửa Trường Sơn huyền thoại với những giá trị sâu sắc về lòng chung thủy yêu thương cùng những trăn trở khôn nguôi về số phận con người.

Đỗ Anh Vũ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy