Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
12:16 (GMT +7)

Cần duy trì có hiệu quả các câu lạc bộ văn học nghệ thuật cơ sở

VNTN - Ngày 21/11, Hội VHNT tỉnh phối hợp với Hội VHNT huyện Võ Nhai tổ chức Hội nghị tập huấn công tác quản lý phát triển Hội VHNT địa phương. Tham dự Hội nghị có đông đủ lãnh đạo Hội VHNT 8 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Rất nhiều cách làm hay trong xây dựng và phát triển mô hình câu lạc bộ (CLB) văn học nghệ thuật được các đại biểu chia sẻ tại Hội nghị. Qua đó, có thể thấy, việc nhân rộng các mô hình CLB văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

1. Đều đặn mỗi tháng, CLB văn học nghệ thuật xã Phú Thượng huyện Võ Nhai tổ chức sinh hoạt chuyên môn một lần. Được sự giúp đỡ, hướng dẫn của Hội VHNT huyện, CLB thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2019 với 32 hội viên. Ông Lương Tiến Đằng, Chủ nhiệm CLB văn học nghệ thuật xã Phú Thượng chia sẻ: Không phải hôm nay có các anh, các chị đến dự chúng tôi mới chuẩn bị chu đáo như thế này đâu. Tháng nào chúng tôi cũng tập luyện và biểu diễn. Tham gia sinh hoạt tại CLB, ai cũng cảm thấy khỏe khoắn và lạc quan yêu đời hơn.

Nhìn những tiết mục văn nghệ do các thành viên CLB biểu diễn, chúng tôi hiểu thêm về những điều ông Đằng vừa nói. Chương trình văn nghệ mở đầu bằng màn nhảy hiện đại vui nhộn, tiếp đó là những bài hát chèo, quan họ mượt mà, làn điệu then quyến luyến lòng người. Đan xen cùng các tiết mục ca múa là phần ngâm thơ và bình thơ. Các tiết mục biểu diễn đa dạng phong phú về hình thức, nội dung tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, quê hương Võ Nhai tươi đẹp. Sự đầu tư trang phục giúp cho phần trình diễn trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

Ông Trần Xuân Thắng, Chủ tịch Hội VHNT huyện Võ Nhai cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 15/15 xã thị trấn thành lập được CLB văn học nghệ thuật. Các hội viên Hội VHNT huyện luôn là thành viên nòng cốt của các CLB văn học nghệ thuật các xã thị trấn. Hàng tháng các CLB tổ chức sinh hoạt theo từng chuyên đề cụ thể. Đây cũng là những hạt nhân văn nghệ quần chúng của các xã thị trấn. Vì vậy, mỗi khi địa phương tổ chức các hoạt động lớn thì họ sẵn sàng tham gia. Nhờ tập luyện thường xuyên bài bản, đầu tư trang phục dàn dựng công phu nên chất lượng các cuộc liên hoan, giao lưu có màn trình diễn của các CLB đều được người dân đánh giá cao.

Cũng là đơn vị duy trì và phát triển khá hiệu quả các mô hình CLB văn học nghệ thuật ở cơ sở là Hội VHNT huyện Phú Bình. Hiện nay, 20/20 xã thị trấn thành lập được CLB văn học nghệ thuật thu hút được đông đảo người dân tham gia. Hình thức sinh hoạt khá đa dạng. Các hội viên tập luyện các tiết mục văn nghệ, ngâm thơ, hát múa. Ông Dương Văn Ký, Chủ tịch Hội VHNT huyện Phú Bình chia sẻ: Thành phần tham gia chủ yếu là những người cao tuổi bởi đây là đối tượng có nhiều thời gian. Hội VHNT huyện thường xuyên hướng dẫn các hội viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, đôn đốc các CLB hoạt động hiệu quả. Hàng năm, Hội thường tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ giữa các CLB nhân các ngày lễ lớn của dân tộc.

Tiết mục văn nghệ do CLB văn học nghệ thuật xã Phú Thượng huyện Võ Nhai biểu diễn tại buổi sinh hoạt định kỳ tháng 11/2019

Là huyện miền núi, những năm qua, Hội VHNT Định Hóa đã khẳng định được vai trò của mình trong việc kết nối tổ chức cho các hội viên gắn bó với nhau thông qua hình thức hoạt động CLB. Theo bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Hội VHNT huyện: Hội VHNT Định Hóa được thành lập từ năm 2009 với 79 hội viên chính thức và 587 hội viên cơ sở. Hội chia làm 5 cụm thi đua, hàng năm tổ chức giao lưu giữa các cụm với nhau. Các CLB tổ chức sinh hoạt theo quý. “Bản thân là người yêu thích văn nghệ nên tôi cũng muốn lan tỏa tình yêu ấy đến các hội viên của mình. Địa bàn hoạt động của Định Hóa tương đối khó khăn do địa hình phức tạp, thưa thớt dân cư nhưng đến nay, toàn huyện có 19/24 xã thị trấn thành lập được CLB Văn học nghệ thuật. Các CLB đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện nhưng các thành viên luôn gắn kết, phát triển vì phong trào chung. Các CLB là hạt nhân quan trọng cho phong trào nghệ thuật quần chúng của huyện tham gia và đạt giải cao tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng của tỉnh, huyện”, bà Gái nói.

2. Tại Hội nghị tập huấn về công tác quản lý, phát triển các Hội VHNT cơ sở, đại diện các hội VHNT các huyện thành thị cũng đã chỉ ra những khó khăn trong xây dựng và phát triển các mô hình CLB văn học nghệ thuật ở cơ sở. Bên cạnh những đơn vị làm tốt công tác này thì vẫn còn một số đơn vị loay hoay với hình thức tổ chức. hoặc thành lập được CLB nhưng duy trì hoạt động không được đều đặn dẫn đến phong trào dễ bị lắng xuống.

Ông Dương Mạnh Việt, Phó Chủ tịch Hội VHNT Đại Từ cho rằng: Cách tốt nhất để duy trì hiệu quả các mô hình CLB văn học nghệ thuật tại các cơ sở đó là tạo được sự gắn kết giữa các thành viên, trong đó, hội viên hội VHNT huyện phải là thành viên chủ chốt. Các Hội nên khuyến khích những người có năng khiếu, đủ tiêu chuẩn vào sinh hoạt tại Hội VHNT huyện. Khi Hội VHNT huyện mạnh thì các CLB văn học nghệ thuật ở cơ sở cũng sẽ mạnh theo.

Còn ông Trương Thế Dũng, Ủy viên BCH Hội VHNT Phú Lương nêu ra khó khăn hoạt động của các CLB văn học nghệ thuật hiện nay đó là nguồn hỗ trợ kinh phí hoạt động ít. Các CLB do chính quyền địa phương thành lập nên vai trò của Hội VHNT huyện chỉ có vai trò là hướng dẫn và giúp đỡ về mặt chuyên môn chứ không trực tiếp chỉ đạo hoạt động. Các hội viên chủ yếu hoạt động tự phát. Các CLB muốn hoạt động mạnh thì ngoài nỗ lực tự thân vận động thì cũng rất cần sự quan tâm đầu tư của cấp ủy chính quyền địa phương.

Cụ thể hóa quan điểm của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa, những năm qua, tại Thái Nguyên, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh phát triển hoạt động văn học nghệ thuật, trọng tâm là thực hiện chủ trương phát triển, nhân rộng các mô hình CLB văn học nghệ thuật. Thông qua đó đã góp phần đưa hoạt động văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, có nhiều khởi sắc cả về mặt sáng tác và biểu diễn, nhiều câu lạc bộ văn học, nghệ thuật được thành lập ở các địa phương, đơn vị, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân trong tỉnh. Chia sẻ về hoạt động này, ông Lương Văn Thực, Phó trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Võ Nhai cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các CLB văn học nghệ thuật phát triển như đầu tư hệ thống âm thanh, dành nhà văn hóa cho các CLB tập luyện hàng tuần, tạo điều kiện cho các câu lạc bộ đi giao lưu với các đơn vị khác, tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng… Nhìn chung, các mô hình CLB văn học nghệ thuật trên địa bàn huyện đều hoạt động rất hiệu quả.

Ông Nguyễn Đắc Thế, Ủy viên Ban thường vụ - Thường trực Hội VHNT tỉnh cho biết: Hàng năm, Hội VHNT tỉnh tổ chức các hoạt động tập huấn nghiệp vụ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa lãnh đạo Hội VHNT các huyện thành thị trong và ngoài tỉnh. Qua đây, Hội VHNT tỉnh lắng nghe được nhiều ý kiến ở cơ sở, từ đó có phương hướng giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho Hội địa phương. Thời gian tới, Hội VHNT tỉnh tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn đối với các Hội VHNT huyện thành thị, kết nối để chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động văn học nghệ thuật, đặc biệt là nhân rộng và phát triển chất lượng hoạt động các CLB văn học nghệ thuật ở cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân, quảng bá hình ảnh của địa phương thông qua các hoạt động văn học nghệ thuật.

Thực tế cho thấy, chủ trương phát triển, nhân rộng các mô hình CLB văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân mà còn tạo môi trường thuận lợi để giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống của các dân tộc. Tin tưởng rằng với việc đẩy mạnh, nhân rộng và phát triển các mô hình CLB văn học nghệ thuật sẽ góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở; góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Văn Mưu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy