Cầm ca mê mải một đời…
VNTN - Suốt cả đời người keo sơn gắn bó, lặng lẽ sống và say mê những làn điệu chèo, những tích cải lương xưa cũ. Ở tuổi 62, người nghệ sĩ ấy vẫn căng đầy nhiệt huyết, lăn lộn cống hiến dù cuộc sống đã đủ đầy, trọn vẹn. Ý niệm trong ông chỉ giản đơn: còn sống là còn lao động, trả ơn nghiệp lành, tích phúc cho con.
Nặng lòng như máu thịt
Giọng nói vang ấm, có thanh có sắc như chuyên chở cái chất chèo trong từng âm tiết phát ra, ấy là “thương hiệu” nhận diện nghệ sĩ Trần Yên Bình. Cả đời làm nghệ thuật, kinh qua nhiều vai diễn ở các loại hình khác nhau: cải lương, chèo, kịch, không chỉ làm tốt vai trò của một diễn viên, của người quản lý, ông còn đam mê tìm tòi, làm soạn giả trong nhiều điệu chèo, cải lương trong thời kỳ mới. Mải miết sống và tận trung với nghệ thuật qua bao thăng trầm thời cuộc, ông thuộc tuýp nghệ sĩ đa tài, đa đoan. Đa tài thì rõ rồi, còn cái sự đa đoan ấy, với Trần Yên Bình không hẳn là những vất vả, cực nhọc về nghề, mà là cái tình, cái tâm với nghiệp cầm ca khiến trái tim lúc nào cũng thổn thức, trăn trở về những giá trị nghệ thuật cổ truyền. Để rồi suốt hơn mười năm qua, ông nỗ lực giữ gìn, trao truyền và tìm kiếm đất sống cho nó như một cuộc trả nợ ân tình.
Giữa thời đại bùng nổ thông tin, vô số các game show giải trí hấp dẫn ra đời, thị hiếu công chúng thay đổi khiến sức sống nghệ thuật truyền thống đang dần lay lắt, mai một. Trần Yên Bình loay hoay nghĩ, phải làm điều gì đó, bằng cách nào đó để giữ lại nó. Ông ý thức, trách nhiệm về nó như là sứ mệnh, là những thôi thúc cứ chảy tràn trong huyết quản của một nghệ sĩ hiểu nghề, trọng nghề như máu thịt. Thế là, suốt cả năm ròng, ông lặn lội đi tìm những người từng hoạt động trong Đoàn Cải lương Bắc Thái xưa kia, là diễn viên, người làm công việc hành chính, thậm chí là anh em, con cháu của những nghệ sĩ đã quá cố… để vận động họ chung tay giúp sức thành lập Câu lạc bộ Cải lương tỉnh Thái Nguyên (CLB). Ra đời từ năm 2005 với 20 thành viên, CLB Cải lương nay đã hơn mười tuổi, số người tham gia tăng lên con số 30, tuy ít ỏi nhưng không vì thế mà èo uột sức sống. Trần Yên Bình đã không quản ngại, bằng mối quan hệ cá nhân đích thân đi xin tài trợ, tạo nguồn kinh phí cho CLB hoạt động từ các gia đình hảo tâm, các đơn vị, doanh nghiệp… Mỗi năm, các thành viên tự nguyện góp kinh phí 200 nghìn/người, giúp những buổi sinh hoạt, tập luyện chuyên môn được duy trì đều đặn.
Một thời ở Đoàn kịch, ngoài vai trò diễn viên, Trần Yên Bình còn kiêm thêm công tác tổ chức biểu diễn, làm Phó trưởng đoàn Chỉ đạo nghệ thuật; cả khoảng thời gian sau này khi chuyển công tác về Trung tâm Văn hóa tỉnh làm trưởng Phòng nghiệp vụ, ông đều có cơ hội được đi và tìm hiểu về các nét văn hóa truyền thống dân tộc trong và ngoài tỉnh. Đó cũng chính là lý do khiến ông nhen nhóm và thực hiện sáng lập CLB hát Then (2006), giữ gìn nét văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của dân tộc Tày - Nùng ở Thái Nguyên. Quan tâm đến dòng then cổ, Trần Yên Bình dành 3 năm “tầm sư học đạo” về hát then, đàn tính. Một mình rong ruổi, ông lặn lội tìm đến nhà các nghệ nhân then nổi tiếng ở Định Hóa như Ma Đình Thu, Hoàng Luận để sưu tầm, tìm tòi những bài then cổ.
Mười năm duy trì song song 2 CLB nghệ thuật là mười năm khó khăn bộn bề, từ cách tổ chức và truyền nghề, cho đến việc kiếm tìm đất sống. Hát một đoạn cải lương, chèo, chầu văn, một bài Then theo lối cổ, công sức bỏ ra thường gấp đôi, ba, thậm chí gấp năm lần so với tập một bài ca mới. Lôi kéo và giữ chân được những người có nghề cũng chẳng phải dễ dàng. Trần Yên Bình xông xáo, như kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”, không chỉ vững, giỏi về chuyên môn mà còn phải thực sự lăn lộn, chìm đắm vào nó. Tìm kiếm cơ hội biểu diễn cho CLB, tài trợ trang phục, lo toan những bữa ăn, chế độ bồi dưỡng… trong những buổi tập luyện, nhiều khi ông phải tự bỏ tiền túi. Lăn xả vào những việc không tên, không một đồng phụ cấp, nhưng chẳng nề hà khó khăn, vất vả. Xác định dám làm thì dám chịu, Trần Yên Bình luôn xác tín vai trò của mình trong những hoạt động của tập thể, năng động tìm, nhận việc để các thành viên có cơ hội được biểu diễn, cống hiến tài năng với công chúng.
Bao năm nay, ông lặng lẽ, nỗ lực đi tìm lớp người kế cận cho cải lương, chèo, hát Then không ngừng nghỉ. Nhờ những lần đưa Đoàn đi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa; hay mỗi khi đến cơ sở hướng dẫn chuyên môn, dàn dựng chương trình nghệ thuật quần chúng, ông đã khéo léo đề nghị cán bộ văn hóa xã, các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… đóng góp tiết mục tham gia giao lưu xen kẽ trong chương trình, để rồi từ đó tìm ra những nhân tố có khả năng để bồi dưỡng và vận động vào CLB.
Ấy là nghiệp lành
Tuy sinh trưởng ở Thái Nguyên (Linh Sơn, Đồng Hỷ), song gốc tích ông cha nơi đất chèo Thái Bình như một sợi dây định sẵn mối lương duyên sâu nặng dẫn dắt Trần Yên Bình đến với nghệ thuật. Lớn lên ở giai đoạn hoàng kim của nghệ thuật truyền thống cải lương, kịch, chèo…, vì thích thú, đam mê nên ông tham gia học một lớp bồi dưỡng ngắn hạn (3 tháng) về dàn dựng nghiệp dư và hát chèo do Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Năm 19 tuổi (1973), trong một lần đi xem Đoàn Cải lương Bắc Thái biểu diễn, biết tin đoàn tuyển diễn viên, Trần Yên Bình đã đánh liều đi thi. Ông được nhận mặc dù thi tuyển vào Đoàn Cải lương mà lại thể hiện tài năng hát chèo.
Ngày ấy, việc đào tạo chủ yếu thực hiện tại Đoàn, ông được chỉ dạy theo kiểu truyền nghề vô cùng tỉ mỉ và nghiêm cẩn từ các nghệ sĩ đi trước, từ cách đặt âm nhả chữ, đến phong cách biểu diễn đưa tay, bước chân… Đoàn Cải lương Bắc Thái thời đó nổi danh với những vở diễn ghi dấu ấn trong lòng công chúng như: “Nùng Văn Vân”, “Người du kích áo chàm”, “Mật danh A20”, “Anh Hoàng Văn Thụ ra pháp trường”… Cái nghiệp văn công biểu diễn ngoài trời là chính, phương tiện đi lại khó khăn, thiếu thốn từ miếng ăn đến giấc ngủ. Thời kỳ chiến tranh biên giới, ông làm Tổ phó tổ diễn viên, đã lăn lộn cùng với anh em bạn diễn đi dọc tuyến biên giới, từ Lạng Sơn, Cao Bằng đến Hà Giang… biểu diễn phục vụ bộ đội, cổ vũ tinh thần chiến sĩ.
Năm 1979, Đoàn Cải lương giải thể, sáp nhập vào Đoàn kịch. Nhiều năm công tác tại đây, với vai trò, vị trí của mình, ông đã góp công sức giúp Đoàn giành được những thành quả đáng khích lệ, đoạt 5 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc tại các hội diễn toàn quốc và vùng miền. Cá nhân ông đoạt 1 Huy chương Đồng dành cho vai quan huyện trong vở cải lương “Nùng Văn Vân”. Dù thành tích bản thân có phần khiêm tốn, song điều đó với ông không quan trọng, điều quan trọng nhất là bản thân đã được cống hiến, được sống trong môi trường nghệ thuật một đời say mê.
Làm nghệ thuật, đó là duyên nghiệp, nhưng để bén duyên và có được nghiệp lành, người nghệ sĩ cần nhiều thứ, ấy là cái tâm, tầm, tài, tình, và tiền. Không phải nghệ sĩ nào, vào lúc nào cũng đủ đầy những thứ ấy, Trần Yên Bình cũng không ngoại lệ, ông bảo “mình làm gì có tiền. Không có tiền thì nói hay đến mấy cũng chẳng ai nghe. Nhưng có tiền mà không có những thứ còn lại, thì mới là bi kịch”. Nói rồi ông cười vang. Có lần ông tự bỏ tiền túi ra mua 3 cây đàn tính tặng 3 tổ văn nghệ khi đi truyền dạy hát then ở Quy Kỳ, Định Hóa, cả tuần nhiệt tình truyền nghề, chẳng lấy một đồng công cán. Ông cười xòa: Đi và được nhân dân yêu mến, đón nhận, được “cho đi” những thứ cả đời tích lũy, niềm vui ấy mới thực là lớn lao.
Tạng người như Trần Yên Bình, cứ tận tâm sống, xởi lởi rồi trời cởi cho. Nhờ nghệ thuật mà ông gặp được vợ hiền, cũng là một nghệ sĩ. Bà tin tưởng và ủng hộ sự nghiệp của ông, là một hậu phương hết sức vững vàng. Từ nhu cầu phát triển của các loại hình ca múa, gia đình ông bà mở một cửa hàng cho thuê trang phục biểu diễn gần 15 năm nay tại nhà riêng trên đường Thống Nhất, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên. Cuộc sống ổn định, các con ông hiện đều là giảng viên về âm nhạc, mỹ thuật tại các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp tại Hà Nội.
Nói về những gì đã và đang có, ông bảo đó là phúc lộc trời ban dành cho tâm huyết cả đời sống và tôn thờ nghệ thuật truyền thống của mình. Sống với ý niệm cho đi, không màng danh lợi, nụ cười của người nghệ sĩ ấy khi tan ra, là đã hết âu lo rồi!
Kim Việt
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...