Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
13:29 (GMT +7)

“Cái thú tra từ điển”

VNTN - Vào dịp hè năm 1965, khi đang làm thư mục cho cha tôi - nhà báo, nhà văn Phan Khôi, tôi thấy một bài ông viết chưa xong, có tựa đề là “Cái thú tra từ điển”. Tiếc là đến nay bài ấy đã bị thất lạc và tôi cũng không còn nhớ nổi ông đã viết những gì trong đó. Nhưng riêng với tôi, đã từ lâu lắm, tra từ điển thực sự là một cái thú. Nay xin kể lại cho các bạn nghe câu chuyện mới đây nhất.

Đó là, có một bạn trẻ đã hỏi tôi rằng: chữ “âu” trong các từ “âu thuyền”, “âu tàu” là chữ Hán hay chữ Nôm và các từ “âu thuyền” hay “âu tàu” đó có nghĩa là gì?

Nhớ có lần tôi đã trả lời câu hỏi này cho một anh bạn thân nhưng lúc đó, đơn thuần chỉ là trả lời bằng mồm. Còn giờ là lúc phải trả lời bằng văn tự, đòi hỏi tôi phải thật cẩn thận. Thế là buộc lòng tôi phải lôi từ điển ra tra.

Trước hết là các bộ từ điển Hán Việt mà tôi có trong tay như Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán Việt từ nguyên của Bửu Kế, Hán Việt tự điển của cụ Thiều Chửu. Tất cả đều có mục từ “âu” nhưng không hề có từ “âu thuyền” hay “âu tàu”. Vậy, có thể sơ bộ kết luận: “âu” trong “âu thuyền” hay “âu tàu” không phải là tiếng Hán. Tiếp tục tra sang Hiện đại Hán ngữ Từ hải xuất bản tại Trung Quốc cũng thấy từ “âu”, nhưng lại cũng không hề có mục từ “âu thuyền” hay “âu tàu”. Thế là có thêm một bằng chứng nữa để kết luận rằng “âu” trong các từ “âu thuyền” hay “âu tàu” không phải là tiếng Hán.

Lại tra tới từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ để biết “âu” là gì và các từ “âu thuyền” hay “âu tàu” có nghĩa gì rồi mới trả lời bạn trẻ kia được. Kết quả thấy các tác giả đều giải thích rằng “âu” là danh từ, nghĩa là “cồn”, nói tắt của hai từ “âu thuyền” hoặc “âu tàu”. Vậy thì chữ “âu” trong các từ “âu thuyền”, “âu tàu” ắt thị là tiếng Nôm rồi. Và “âu thuyền” hay “âu tàu” được hiểu là hệ thống thiết bị dùng để khóa nước, lắp đặt trên các kênh rạch hoặc cảng biển nhằm tăng hay giảm mực nước, giúp tàu thuyền vào ra chỗ mực nước chênh lệch được thuận tiện hơn.

Chữ “âu” trong các từ “âu thuyền” và “âu tàu” là tiếng Nôm rồi, vậy thử đặt ngược lại câu hỏi, xem trong tiếng Hán thì gọi hai từ “âu thuyền” và “âu tàu” là gì? Để trả lời được câu hỏi này thì lại phải tra sang Việt Hán từ điển. Tới đây mới biết được rằng người Trung Quốc gọi “âu thuyền” hay “âu tàu” là “thuyền áp”, chữ Hán viết là 船 閘 hay “thuyền ổ”, chữ Hán viết là 船 塢. Vậy là lại thêm một bằng chứng nữa để tin rằng “âu” trong “âu thuyền” hay “âu tàu” không phải là tiếng Hán mà là tiếng Nôm.

Thế đấy, phải trải qua bốn lần tra từ điển, mỗi lần có khi tới ba, bốn cuốn mới tìm được câu trả lời cho bạn trẻ kia. Nhưng bù lại, mỗi lần như thế tôi lại có thêm được một chút ít kiến thức. Như vậy mà không là thú hay sao?.

Phan Nam Sinh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy