Cái hại của sự đố kị
VNTN - Đố kị, theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt, do Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ xuất bản là: cảm thấy khó chịu và đâm ra ghét khi thấy người ta có thể hơn mình. Hán Việt Tự điển của Thiều Chửu định nghĩa cụ thể, tỉ mỉ hơn: thấy người đẹp hơn mà tức, gọi là đố; thấy người giỏi hơn mà tức, gọi là kị. Trong thời đại mới, dù đang hướng tới văn minh, hiện đại nhưng vẫn khó tránh khỏi thói đố kị. Hình như nó có mặt ở mọi thành phần, đẳng cấp, từ người giàu cũng như người nghèo, từ trí thức đến người ít học, từ nông thôn đến thành thị. Thấy nhà hàng xóm làm ăn thuận lợi, xây nhà cao cửa rộng, mua sắm tiện nghi gia đình đầy đủ thì tối mắt tối mũi, sinh ra chuyện đơm đặt nói xấu người ta, ấy là đố kị về tiền của. Thấy người bạn hôm qua cùng là nhân viên, hôm nay đã được đề bạt lên trưởng phòng hoặc thấy bạn có thành tích, thành quả vượt trội liền sinh ra bực dọc, tìm cách dèm pha, ngầm chơi xấu, ấy là đố kị về tài năng, địa vị. Đố kị có trăm nghìn vẻ. Nhiều khi nó bộc lộ một cách trực tiếp, rất dễ nhận ra nhưng đôi khi nó lại được giấu kín dưới một cái vỏ bọc bề ngoài vô cùng đẹp đẽ, không phải ai cũng nhìn thấy. Thói đố kị có thể tạm chia làm ba loại: Một là, bạn bè đố kị nhau. Tục ngữ có câu “Thua thày một vạn không bằng thua bạn một li” mang ý nghĩa là người ta có thể chấp nhận thua thày chứ không thể chấp nhận thua bạn. Thua bạn thì cảm thấy cay đắng lắm, khó chịu lắm. Từ đó, nếu không phải là người rộng lòng thì dễ sinh ra đố kị. Đã từng gặp chuyện hai người bạn vốn rất thân nhau nhưng rồi một người bỗng có điều kiện vượt lên cao, thế là sinh ra thù ghét nhau đến mức không thể dàn xếp được. Hai là, đố kị giữa trò và thày. Chuyện này như đã nói ở trên, người ta có thể chấp nhận thua thày, nhưng lắm lúc cũng vẫn thấy cảnh trò đố kị với thày. Có một ông nhà thơ có lòng tốt thường hay giúp những cây bút mới. Trong số người được ông giúp, có một chàng tỏ ra rất xuất sắc. Đến mức đã có nhiều tiếng tâng bốc là bây giờ thơ anh chẳng kém gì thày. Từ chỗ nghe nhiều lời xiểm nịnh, đến một ngày chính anh cũng cảm thấy thày đã thua kém anh. Từ đó anh luôn ra mặt chê bai và chống lại ông thày đã từng dìu dắt mình. Những lời thiên hạ khen ngợi thày, những thành tựu của thày đều làm cho anh cay cú, khó chịu. Thói đố kị này tuy không nhiều lắm nhưng không phải là không có. Thói đố kị thứ ba có vẻ ngược lại là thày đố kị với trò. Maicơn Pharađây (Michael Faraday), nhà vật lí vĩ đại, thời trẻ đã được một giáo sư lừng danh phát hiện tài năng và chú tâm đào tạo. Rất nhiều năm ông từng làm một trợ lí xuất sắc cho vị giáo sư nọ. Vậy mà rồi trước sự tiến bộ đến chóng mặt của Pharađây, vị giáo sư đã đem lòng đố kị. Từ chỗ ủng hộ, ông ta đã sẵn sàng phản đối và không bỏ phiếu khi bầu Pharađây vào viện hàn lâm. Trong đời thường cũng như trong hoạt động khoa học, vị giáo sư nọ luôn tìm cách bôi nhọ và hạ bệ Pharađây. Ở Việt Nam cũng từng không thiếu những chuyện tương tự. Đố kị chính là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh ra các mâu thuẫn. Có những người không hề có những quan hệ phương hại đến nhau nhưng vẫn ghét nhau đến mức không muốn nhìn mặt nhau. Thành tích của người này lại chính là nỗi khổ sở của người kia. Cứ thế, suốt ngày này qua tháng khác cả đôi bên dường như lúc nào cũng sôi lên sùng sục về chuyện ganh ghen. Đã từng nghe nói khi ông nhà văn A đoạt giải thì ông nhà văn B mấy đêm liền mất ngủ, mắt trũng sâu, mặt mày phờ phạc (và ngược lại). Hài hước quá! Tất nhiên, những người như vậy thì tâm trạng hầu như không lúc nào được bình yên. Tự mình làm khổ mình như vậy thì làm sao có thể tìm thấy sự thanh thản để sáng tác. Đố kị là thói xấu. Đặc biệt, nó là kẻ thù đối với những người làm công việc sáng tạo. Những người mang trong mình thói đố kị hóa ra là tự hại chính mình, chứ chưa muốn nói là làm hại đến nhiều người khác.
THÁI VĂN0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...