Các nhà văn Việt Bắc với đề tài lịch sử
VNTN - Thời kì trước Cách mạng, trong kháng chiến, nước ta đã từng có nhiều nhà văn viết rất thành công về đề tài lịch sử. Thời kì 1932 - 1945 đã từng nổi lên những tên tuổi như Nguyễn Huy Tưởng (Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô); Trương Tửu (Tráng sĩ Bồ Đề); Tchya Đái Đức Tuấn (Kho vàng Sầm Sơn)… Rầm rộ nhất có lẽ là vào thời kì Đổi mới với sự xuất hiện của nhiều tác giả cùng những tác phẩm đồ sộ, có tiếng vang trên văn đàn: Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Qúy Ly, Mẫu thượng ngàn; Hoàng Quốc Hải với bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần gồm bốn cuốn; Nguyễn Quang Thân với Hội thề; Ngô Văn Phú với Gươm thần vạn kiếp, Cờ lau dựng nước; Nguyễn Mộng Giác với Sông Côn mùa lũ; Sương Nguyệt Minh với Dị hương… Có thể nói đó là những cuốn sách hoặc những vở kịch lớn sống mãi trong lòng người đọc.
Nhưng công bằng mà nói, những tác phẩm viết về đề tài lịch sử ở ta vẫn chưa tái tạo được xứng đáng so với sự thật lịch sử lẫm liệt và cũng đầy gập ghềnh, trắc trở, bi thương của lịch sử Việt Nam.
Vùng Việt Bắc (Cao, Bắc, Lạng, Thái, Tuyên, Hà) trong các triều đại phong kiến, nói chung là những vùng đất heo hút, hoang vu, cách trở nhưng không phải không ẩn tàng những sự kiện lịch sử lớn, thậm chí vô cùng quan trọng, có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong tiến trình lịch sử của đất nước. Ví như nhà Mạc ở Tuyên Quang. Ví như Phò mã Dương Tự Minh người Phú Lương, Thái Nguyên, một anh hùng chống giặc ngoại xâm là người dân tộc Tày; như tể tướng Lưu Nhân Chú, một trong những danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, người con ưu tú của dòng họ Lưu thuộc xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trong chống Pháp có cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. Rồi trong Cách mạng và Kháng chiến chín năm, Việt Bắc là khu ATK đã làm nên biết bao kì tích lịch sử huy hoàng…
Một số tác phẩm viết về đề tài lịch sử của tác giả Việt Bắc - (Nguồn: Internet)
Theo khảo sát ban đầu của chúng tôi, thấy điều khả dĩ hơn là những tác phẩm viết về đề tài Cách mạng và Kháng chiến chống Pháp.
Viết về đề tài này ở vùng Việt Bắc, người đáng nể và có công nhiều nhất là nhà văn Trường Thanh ở Lạng Sơn. Theo thống kê chưa đầy đủ thì đến năm 2015, nhà văn Trường Thanh đã xuất bản tới 8 cuốn tiểu thuyết, truyện về đề tài này (với các tiểu thuyết tiêu biểu như: Hoa trong bão, Tướng không phong hàm, Hoa bất tử, Một thời biên ải, Nữ điệp báo Lạng thành, Mạch nguồn…). Khoảng một chục năm nay, nhà văn Phù Ninh đã hoàn thành 2 cuốn về đề tài cách mạng ở Tân Trào (Tuyên Quang). Gần đây nhất là 2 cuốn tiểu thuyết mang tính tư liệu về Bác Hồ ở Pác Bó và Chiến khu Việt Bắc của nhà văn Cao Bằng Hoàng Quảng Uyên (Mặt trời Pác Bó, Giải phóng). Nhà thơ Hà Đức Toàn (Thái Nguyên) từ ngày về hưu say sưa với đề tài lịch sử, trong ba năm đã cho ra đời 2 cuốn sách về đề tài chống Pháp và chống Nhật ở địa bàn huyện Đại Từ (Ba ông đầu rau, Tiếng hổ gầm). Nhà văn Ma Trường Nguyên sinh ra và trưởng thành ngay trên vùng đất ATK nhưng cho đến tận tháng 11 năm 2015 này mới hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết tư liệu Ông Ké thượng cấp viết về thời kì Bác Hồ sống và hoạt động ở an toàn khu Định Hóa.
Riêng về đề tài lịch sử thời phong kiến thì lâu nay đối với các tác giả ở Việt Bắc gần như vắng bóng. Nếu tôi không lầm thì cho đến nay chưa có một tác phẩm nào với tư cách là sáng tác văn học đến tay bạn đọc (tất nhiên ngoại trừ một số ít các vở kịch do các đoàn nghệ thuật dàn dựng để đi hội diễn khu vực hoặc toàn quốc và bộ phim truyện 5 tập Tể tướng Lưu Nhân Chú do Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên sản xuất sẽ được phát sóng vào đầu năm 2016).
Như vậy để thấy rằng, dù sinh sống và lớn lên, thậm chí gần suốt cuộc đời ngay trên mảnh đất khá mầu mỡ về đề tài lịch sử nhưng các nhà văn Việt Bắc lại không mấy mặn mà với đề tài này.
Tuy nhiên, mọi sự đều có những nguyên do. Trước hết, một điều dễ nhận thấy là đề tài lịch sử là một đề tài hóc búa, không phải bất cứ nhà văn nào cũng có hứng thú và có năng lực hoặc điều kiện tiếp cận.
Cái khó thứ hai, viết đề tài lịch sử không tránh khỏi sự lệ thuộc và sử liệu, dễ bị phản ứng, thậm chí qui chụp. Đấy là chưa nói đến các nguồn sử liệu trong các sách sử chính thống ở Việt Nam thường rất sơ sài. Có nhiều nhân vật lẫy lừng nhưng có khi chỉ được ghi lại vẻn vẹn một, vài trang. Những điều này gây ra những khó khăn không nhỏ cho các tác giả tiểu thuyết.
Nhưng chỉ vì những bất cập nêu trên mà nhà văn lảng tránh đề tài lịch sử, một đề tài vô cùng phong phú cùng sự đòi hỏi của nhiều thế hệ độc giả thì thật đáng tiếc. Văn chương ở một số quốc gia trên thế giới trở nên rạng danh chính là nhờ vào những tác phẩm viết về lịch sử.
Thực ra quan niệm viết đề tài lịch sử theo kiểu danh nhân, tấm gương thời đại đã trở thành một quan niệm lạc hậu, ít nhất là không chỉ có vậy. Nhìn nhận nhiều tiểu thuyết lịch sử từ thời kì Đổi mới đến nay, thấy tiêu chí “danh nhân lịch sử” đang được thay bằng “nhân vật lịch sử” bằng xương bằng thịt, nghĩa là trước hết họ cũng là con người bình thường với đầy đủ các mặt mạnh, yếu, xấu, tốt… Nhà văn Sương Nguyệt Minh, người đã từng đoạt giải cao của Hội Nhà văn Việt Nam bằng một tác phẩm lịch sử đã từng nói: “Nhà văn không phải người sao chép lịch sử, tái hiện lịch sử như nó từng xảy ra mà chỉ mượn nhân vật, bối cảnh để lý giải một vấn đề lịch sử...”. Với những quan niệm rộng mở như vậy, nhà văn hoàn toàn có thể đến với tác phẩm về đề tài lịch sử một cách thỏa sức sáng tạo. Hơn nữa, vấn đề giải thiêng lịch sử trong văn học hậu hiện đại lâu nay được đề cập đến cũng là một sự giải phóng cho những người cầm bút. Có điều, ta cần hiểu đúng thuật ngữ “giải thiêng lịch sử” theo hướng tích cực. Theo nhà lí luận văn học Bình Nguyên thì “giải thiêng lịch sử là quá trình làm cho các nhân vật lịch sử trở nên gần gũi với đời sống hơn. Các nhân vật lịch sử trong các tác phẩm văn học nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng được quyền đi lại, ăn nói, sinh hoạt như các cá nhân bình thường khác trong hoàn cảnh xã hội, thời đại của họ….”. Như vậy, giải thiêng lịch sử đúng nghĩa không những tránh được sự “thánh hóa” các nhân vật lịch sử, kéo họ về với chính thời đại mà họ đang sống mà còn không xa lạ với thời hiện tại. Tinh thần giải thiêng lịch sử sẽ chỉ lệch lạc, sai lầm khi nhà văn có ý đồ bóp méo, bôi đen lịch sử, hạ bệ danh nhân…
Vấn đề liên quan giữa sử liệu và nội dung tiểu thuyết cũng là một vấn đề tỏ ra nan giải đối với nhà văn. Như đã nói ở trên, các nguồn sử liệu trong các sách sử Việt Nam thường rất sơ sài và còn những vênh lệch ở sử gia này, giáo sư sử học nọ, nhiều điều còn là nghi án. Tất nhiên, đã là tiểu thuyết lịch sử thì luôn phải lấy sự thật lịch sử làm cái khung cho tác phẩm văn học (ngoại trừ những tác phẩm dã sử mang mầu sắc ngôn tình, huyền bí…). Bàn về vấn đề này, ý kiến của Giáo sư Trần Đình Sử rất đáng được lưu ý: “lịch sử thực chất chỉ là một thứ diễn ngôn mà thôi. Tin vào sự thật lịch sử thực chất là tin vào sự ghi chép của văn bản, tin vào một diễn ngôn. Lịch sử khách quan vẫn có, nhưng trước mắt ta chỉ có văn bản. Những sách sử chỉ là một cách ghi, một điểm nhìn, một lối tu từ, chỉ nhìn một phía, không phải là bản thân sự thật lịch sử hoàn chỉnh, với toàn bộ giá trị của nó. Do đó cuộc đi tìm sự thật lịch sử là việc của biết bao người, trong đó có nhà văn”. Giáo sư nhấn mạnh: “Sự thật là có nhiều sử và có nhiều sự thật lịch sử. Chỉ dựa vào ghi chép này rồi tuyên bố ghi chép kia là xuyên tạc thì có khi cũng buồn cười”. Qua đó, nhận thấy một điều rất rõ ràng là sự quá nô lệ vào sử liệu là điều nên tránh, đôi khi nó còn làm hại đến tác phẩm văn học.
Điều cuối cùng là vấn đề hư cấu. Trong cuộc hội thảo về đề tài lịch sử do Hội Nhà văn tổ chức cách đây vài năm, hư cấu là vấn đề được thảo luận sôi nổi nhất. Vì có lẽ nó là vấn đề lớn, có tính quyết định trong công việc sáng tác. Có nhiều người cho rằng viết tiểu thuyết lịch sử cần phải căn cứ vào sự kiện và nhân vật có thật, hư cấu chỉ như một “chất phụ gia”. Nhưng cũng không ít người quan niệm tiểu thuyết lịch sử cũng là tiểu thuyết, nên không thể ngặt nghèo trong vấn đề này. Nhà văn Hoàng Quốc Hải còn tuyên bố một cách mạnh mẽ “Các nhà văn chỉ nên coi lịch sử như những thông tin để tham chiếu. Đôi khi nhà văn không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào nó, bởi nhà văn là người giải mã lịch sử chứ không là kẻ nô lệ của lịch sử. Do đó, biên độ hư cấu của nhà văn là không giới hạn”. Tuy nhiên, ta cũng không nên đánh đồng việc hư cấu ở tiểu thuyết nói chung và trong tiểu thuyết lịch sử. Vì không thận trọng, cũng dễ làm sai lạc sự thật. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh còn có ý thức chia tiểu thuyết lịch sử thành ba loại: 1. Tiểu thuyết chỉ có các nhân vật lịch sử; 2. Tiểu thuyết trộn lẫn những nhân vật lịch sử với các nhân vật hoàn toàn hư cấu; 3. Tiểu thuyết chỉ có những nhân vật hư cấu nằm trong một bối cảnh lịch sử nhất định. Ông khẳng định thêm: “Đã gọi là tiểu thuyết thì phải hư cấu. Khi hư cấu người viết vận dụng toàn bộ văn hóa tinh thần của mình, toàn bộ kinh nghiệm sống của mình. Đó là sự tổng hợp, sự hòa trộn nhuần nhuyễn giữa thực và hư, giữa lịch sử và hiện tại, giữa tri thức và cảm thức”.
Qua những phân tích trên ta thấy rất rõ, tuy hư cấu trong các tác phẩm lịch sử ít nhiều vẫn cần có biên độ nhất định, nhưng điều này hoàn toàn không làm cản trở ngòi bút sáng tạo của nhà văn.
Tôi rất tâm đắc với câu nói của một triết gia Phương Tây (xin lỗi đã quên tên): “Khi các sử gia không còn gì để nói thì là lúc các nhà văn lên tiếng. Và họ viết bằng ức đoán”. Từ “ức đoán” theo giải nghĩa của Từ điển từ Hán Việt (TS. Lê Anh Xuân chủ biên - Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP. Hồ Chi Minh) là “đoán phỏng chừng”. Tuy nhiên ở đây không nên hiểu một cách máy móc mà phải hiểu ức đoán là sự phỏng đoán mang ý nghĩa chủ quan dồi dào của người viết. Tính chủ quan của chủ thể sáng tạo khi viết về đề tài lịch sử là hết sức cần thiết, là điều không thể thiếu. Thêm nữa, có một thứ rất dễ nhận ra là những cuốn tiểu thuyết lịch sử cuốn hút nhất thường thấm đẫm chất lãng mạn. Ở thời đại lịch sử nào thì chất lãng mạn cũng luôn là thuộc tính quan trọng của con người. Có điều, lăng kính chủ quan của người viết, sự bay bổng, tưởng tượng của người viết phải hòa đồng với văn hóa, truyền thống dân tộc, nghĩa là phải chân thực với lịch sử, chân thực với cuộc sống ngay trong thời hiện tại. Tất cả những cuốn tiểu thuyết lịch sử được giải mã đúng hướng về lịch sử cũng như về nhân vật lịch sử, thì dù nhà văn có “vung bút” đến bao nhiêu đi nữa vẫn luôn trở thành những cuốn sách có giá trị trong lòng bạn đọc, chứ không phải là những cuốn sách lấy việc giống y như sự thật lịch sử làm tiêu chí.
Hồ Thủy Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...