Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
11:38 (GMT +7)

Bước chạy đà cho một hành trình mới

Báo cáo đề dẫn Hội thảo Văn học Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỉ XXI

LTS: Nhằm nhận diện, đánh giá về đặc điểm, diện mạo cùng những thành tựu, hạn chế của văn học Thái Nguyên trong quá trình đồng hành cùng sự phát triển của đất nước trong 20 năm qua, ngày 25/7/2022, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo “Văn học Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỷ XXI”. Hội thảo là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Hội (1987 - 2022).

Từ số báo này, Tạp chí VNTN sẽ lựa chọn và đăng tải loạt bài tham luận của Hội thảo. Mở đầu, Tòa soạn trân trọng giới thiệu Báo cáo đề dẫn của Nhà thơ, TS. Nguyễn Kiến Thọ (Ủy viên Ban Chấp hành, Chi hội trưởng Chi hội Thơ - Hội VHNT tỉnh) và tham luận của nhà thơ Trần Thị Việt Trung (Ủy viên BCH, Chi hội trưởng Chi hội Lý luận phê bình - Hội VHNT tỉnh).

Kính mời quý độc giả cùng theo dõi.

Mỗi vùng đất từ thuở khai thiên dường như đều đã được đảm gánh một sứ mạng lịch sử, văn hóa nhất định, được đắp bồi dày mỏng qua các giai kì thời đoạn khác nhau, vừa để tạo nên sự phong phú vừa để hình thành những khác biệt. Nhìn ở góc độ đó, Thái Nguyên là vùng đất “địa linh”.

Đó là một trong những vùng đất ghi dấu sự hiện diện của cư dân cổ đại qua các di chỉ bãi đá Ngườm, Thần Sa…

Đó là mảnh đất ghi dấu những chiến thắng vẻ vang của dân tộc qua các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược gắn liền với tên tuổi của các văn quan võ tướng như Dương Tự Minh, Lưu Nhân Chú và cả các địa danh gợi những kí ức xa xăm, hào hùng như Bến Tượng, đồi Cô Kê, núi Văn, núi Võ…

Đó là mảnh đất hội tụ những tộc người như những con sóng lạc trôi từ bốn phương trời tụ hội. Ở đó, người Kinh (Việt) quần tụ chan hòa với các dân tộc khác như Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chay, Dao, Mông… để kiến tạo nên một vùng đất đa văn hóa: “Câu lượn từ núi cao rơi xuống/ Câu quan họ từ Kinh Bắc vọng lên/ Sông Cầu nối hai miền xuôi-ngược/ Nơi gặp gỡ lạ lùng đã hóa Thái Nguyên” (Nguyễn Đức Hạnh).

Thái Nguyên đã trở thành địa danh gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại, là mảnh đất ATK, Thủ đô gió ngàn, nơi “Trung ương Chính phủ luận bàn việc công” (Tố Hữu)... Rồi trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của khu vực miền núi phía Bắc.

Thái Nguyên cũng là mảnh đất có một đời sống văn học nghệ thuật phong phú. Nơi ghi dấu những trang văn thơ của các lãnh tụ cách mạng, các nhà văn nhà thơ tiền chiến và cả một thời “Văn nghệ Việt Bắc” đầy sôi nổi…

Lịch sử đã chọn lựa Thái Nguyên để kí thác những sự kiện. Lịch sử cũng ưu ái cho Thái Nguyên những tiền đề quan trọng để hướng tới tương lai, không chỉ trong đời sống kinh tế xã hội mà còn cả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trong hành trình hướng tới việc kiến tạo những giá trị của văn chương Thái Nguyên, hai mươi năm đầu thế kỉ XXI là một thời đoạn quan trọng, đầy ý nghĩa.

Hai mươi năm có tính chất bản lề cho sự phát triển bền vững trong đời sống văn học nghệ thuật của tỉnh nhà.

Hai mươi năm cần thiết cho một cuộc bàn giao về đội ngũ, từ thế hệ các nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong và ngay sau thời Văn nghệ Việt Bắc đến các nhà văn, nhà thơ được định danh vào những thập niên cuối cùng của thế kỉ XX; có cả một thế hệ người viết xuất hiện và từng bước dấn thân vào địa hạt văn chương một cách chững chạc, tự tin và đầy bản lĩnh trong hai thập kỉ đầu tiên của thế kỉ này.

Hai mươi năm cần thiết cho một sự khẳng định về thành tựu của văn chương Thái Nguyên cả về chiều sâu và bề rộng, vượt qua những giới hạn mang tính địa phương để từng bước hòa nhập với đời sống văn chương cả nước. Đây cũng là thời gian cần thiết để các nhà văn, nhà thơ Thái Nguyên tìm thấy lối đi riêng trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình. Nếu như ở khu vực văn xuôi, chúng ta có một Hồ Thủy Giang, Phạm Đức Thái Nguyên, Ngọc Thị Kẹo,… đầy từng trải và điềm đạm trong lối viết, bên cạnh những Bùi Thị Như Lan, Bùi Nhật Lai dung dị và chân mộc, một Phan Thái, Minh Hằng hăm hở, hừng hực sức sống, sức viết trong những trang văn bề bộn chất liệu cuộc sống. Thì ở khu vực thơ, chúng ta có những Thế Chính, Nguyễn Hữu Bài, Ngọ Quang Tôn, Trần Cầu, Hiền Mặc Chất, Nguyễn Ngọc Minh bền bỉ trong vai trò của của những người giữ lửa, giữ nhịp truyền thống, bên cạnh những Phạm Văn Vũ, Doãn Long, Nguyễn Nhật Huy, Trần Thị Nhung, Hoàng Thị Hiền,… bời bời sức trẻ, những người đang nỗ lực đưa thơ Thái Nguyên sang một ngã rẽ đầy phức hợp và thi vị.

Hai mươi năm cũng đủ để đưa tên tuổi các nhà văn, nhà thơ Thái Nguyên lan tỏa và định vị trong lòng bạn đọc gần xa, những cái tên đã và đang chiếm được yêu mến, cảm tình của người đọc như Nguyễn Thúy Quỳnh, Võ Sa Hà, Lưu Thị Bạch Liễu, Phạm Văn Vũ trong thơ; Hồ Thủy Giang, Bùi Thị Như Lan, và gần đây nhất là Nguyễn Đức Hạnh trong văn xuôi.

Một điều đáng được trân trọng và ghi nhận như những dấu ấn của sự thành công trong đời sống văn chương Thái Nguyên là sự khẳng định cá tính và bản lĩnh trong lối viết, vừa là thước đo giá trị vừa nhằm kiến tạo những phong cách, cá tính của từng nhà văn. Có người đã kết thúc, có người còn đang rong ruổi trên đường nhưng dấu ấn họ tạo dựng được là sự khác lạ, và độc đáo. Nói cách khác, họ thực sự đã gây được ấn tượng không chỉ giới hạn trong một không gian văn học Thái Nguyên mà vượt lên, góp mặt trong đời sống văn chương cả nước như một bản thể khó trộn. Đó là giọng thơ mãnh liệt đam mê, đầy trẻ tráng của Võ Sa Hà, một tiếng lòng phụ nữ đa cảm, nhỏ nhẹ và đằm sâu trong thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, là chất dân tộc và miền núi duyên dáng và đằm thắm trong văn xuôi Bùi Thị Như Lan, là cách lập ngôn rủ rỉ, nhẹ nhàng và triết lí của Phạm Văn Vũ, là sự trải nghiệm mang tính nổi loạn, đầy bản năng nghệ sĩ của Nguyễn Nhật Huy và nhất là sự đột phá đầy gây hấn, khiêu khích, vẫy mời và ám thị người đọc trong lối viết đầy ma mị của Nguyễn Đức Hạnh. Bên cạnh đó, phải kể đến một Trần Thị Vân Trung đằm thắm và từng trải, cả trong thơ và lí luận phê bình, một Cao Thị Hồng đầy nội lực trong nghiên cứu và thẩm bình văn chương. Họ đã góp phần kiến tạo và định hình những đường nét thẩm mĩ cho gương mặt văn học Thái Nguyên hôm nay.

Các nhà văn Thái Nguyên cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo “Văn học Thái Nguyên với đề tài lịch sử”, tổ chức năm 2019.

Sự mở rộng biên độ về đề tài và thể loại cũng là một sự dấn thân đáng trân trọng của các nhà văn Thái Nguyên. Sự xuất hiện với tần suất cao của các tiểu thuyết, bút kí viết về đất và người Thái Nguyên, đặc biệt là những tiểu thuyết về đề tài lịch sử, truyền thống trong thời gian gần đây của các tác giả Hồ Thủy Giang, Phan Thái là những dấu ấn cần ghi nhận.

Sự cách tân trong lối viết cũng là vấn đề được đặt ra và thể hiện trong những thập niên đầu tiên của thế kỉ này đối với văn chương Thái Nguyên. Cho dù những cách tân nghệ thuật đã không còn quá mới lạ trong đời sống văn chương đương đại nhưng có lẽ với những người viết và người đọc Thái Nguyên, số đông vẫn có vẻ còn lạ lẫm. Vì thế, những thử nghiệm của các tác giả trẻ như Phạm Văn Vũ, Nguyễn Nhật Huy, Hoàng Thị Hiền,… là rất đáng trân trọng và cần một sự khích lệ cần thiết. Họ đã làm nên một gương mặt thơ trẻ Thái Nguyên rất mới mẻ và hiện đại…

Trong guồng quay hối hả của cuộc sống, trong sự vận động đầy căng thẳng đến bấn loạn của thời kì mở cửa hội nhập, đặc biệt là sự thâm nhập, can thiệp mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cảm giác đời sống văn chương nói chung bị chìm đi, lắng lại, khởi động những cạnh tranh quyết liệt trong văn hóa nghe nhìn, tiếp cận và thưởng thức văn chương nghệ thuật. Gương mặt một Thái Nguyên mải miết trong những khúc nhịp của quá trình đô thị hóa với nhiều chuyển động, đã phần nào làm hoang mang cả từ phía nội dung, cách thức phản ánh của người viết cũng như khả năng đón đợi của người đọc. Điều này cơ hồ tạo ra những thách thức, lăm le phá vỡ những lằn ranh truyền thống tưởng như đã được ổn định trong đời sống văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Trong tình thế đó, văn chương Thái Nguyên có vẻ còn chưa đồng tốc với nhịp sống Thái Nguyên. Những mảng đề tài quan trọng còn chưa được chú ý khai thác và khai thác đúng mức, chẳng hạn như những tác động mang tính tiêu cực của quá trình đô thị hóa, đời sống tinh thần của tầng lớp công nhân mới… Với một tỉnh, thành phố có hàng trăm nghìn công nhân đang làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn, đề tài đó, theo chúng tôi, là quan trọng và cần thiết. Ở một chiều hướng khác, những cảm hứng mang tính ngợi ca trong các sáng tác về đề tài nông thôn mới, đề tài truyền thống lịch sử, đề tài chiến tranh cách mạng không đủ và không thể khỏa lấp được những vấn đề hiện thực cuộc sống đang phơi bày và đặt ra. Dường như trong đời sống văn chương Thái Nguyên hôm nay, chúng ta chưa có hoặc chưa đủ để cho người đọc nhận thấy hoặc hình dung về những nhà văn thực sự bản lĩnh, dám và đang dấn thân để khám phá và phản ánh những ngóc ngách, góc cạnh của đời sống, những vấn đề mang tính thời sự, những vấn đề mang tính nhân bản sâu sắc. Có vẻ như, văn chương Thái Nguyên lúc này vẫn chưa dịch chuyển được bao xa khỏi sự hướng tâm của các hệ giá trị mang tính lịch sử.

Bản lĩnh của nhà văn không ở việc họ viết về đề tài nào. Bản lĩnh thật sự của nhà văn nằm ở ý thức về một sự dấn thân. Điều này nằm ở cách thức chiếm lĩnh vấn đề và cả trong lối viết. Hình như những gì mà văn chương Thái Nguyên hôm nay đạt được chưa thật sự tương xứng với tầm vực của đội ngũ và sự kì vọng của người đọc. Ở thời điểm hiện tại, có thể nhận ra những đặc điểm như là hạn chế của văn chương Thái Nguyên nhìn từ phương diện đội ngũ sáng tác. Một là, đã có nhiệt tình, cả sự dũng cảm trong việc công phá về đề tài và những đường biên thể loại, nhưng lại bộc lộ những non yếu khó tránh của tri thức và trải nghiệm, nhất là những trải nghiệm từ góc độ nghệ thuật biểu hiện. Hai là, bước đầu có những bứt phá mang tính chủ động trong cách tân nghệ thuật nhưng lại chưa kịp/chưa đủ để định hình một cá tính, và cả một sự trường sức trong hành trình văn chương.

Văn chương Thái Nguyên đang ở đâu trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà? Đâu là những thành tựu và hạn chế lớn nhất của văn chương Thái Nguyên, cũng như những thành tựu và hạn chế lớn nhất của các nhà văn đang gồng gánh sứ mệnh cao cả trên mảnh đất giàu tiềm năng này? Nhà văn Thái Nguyên hôm nay cần những bảo bối nào để có thể sáng tác và sáng tác có chất lượng, hàm lượng nghệ thuật? Đâu là một hình dung về văn chương Thái Nguyên trong thời đại công nghệ 4.0?… Đó có lẽ là những câu hỏi, những vấn đề cần được tỏ bày ra một cách thẳng thắn và đòi hỏi giải quyết một cách rốt ráo. Đó cũng chính là mục tiêu lớn nhất của Hội thảo này. Ở đây, việc tổng thuật thành tích, liệt kê thành tựu không quan trọng bằng việc nhận diện những hạn chế và bàn thảo về những đường hướng khắc phục. Tất cả chỉ nhằm hướng tới một mục tiêu duy nhất: đưa đời sống văn nghệ Thái Nguyên nhập cuộc với đời sống kinh tế - văn hóa xã hội của tỉnh; đưa văn chương Thái Nguyên từng bước chan hòa vào dòng chảy chung của văn chương cả nước cũng như những nỗ lực trong giải pháp kiến tạo một gương mặt văn chương Thái Nguyên mới mẻ về đội ngũ, dồi dào năng lượng sáng tạo và có nhiều những khác biệt trong cách thức thể hiện. Nghĩa là hướng tới một đời sống văn chương Thái Nguyên phong phú hơn, độc đáo hơn và đặc sắc hơn.

Chúc các nhà văn, nhà thơ Thái Nguyên luôn cháy bùng ngọn lửa đam mê và dồi dào khả năng sáng tạo.

Nguyễn Kiến Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy