Bụi trần
Truyện ngắn. Phan Thái
Mặt trời trườn dần xuống lưng núi. Nắng như cố chắt cho ngày thêm chút ánh vàng sánh trước khi cô đặc lại trong hoàng hôn. Ông Đởn cởi trần, vận quần cộc, ngang hông trễ lệch chiếc giỏ tre, đầu đội nón lá rách vác chiếc dậm ngang qua sân trường. Dưới nắng quái chiều hôm, cơ thể lấm lem bùn đất của ông óng lên màu đồng, trông chả khác cư dân thời tiền sử. Đang giờ ra chơi, thấy ông tụi tôi ùa tới bu lấy chiếc giỏ, tranh nhau nghiêng ngó các loại cua cá lóc xóc. Ông Đởn cười khà khà, hạ chiếc dậm, tháo giỏ cho bọn trẻ mặc sức chí chóe cãi nhau tên gọi các loài cá. Chừng như thích không khí đùa nghịch của bọn trẻ con, ông ngồi bệt ngay xuống vệ cỏ sân trường, móc từ cạp quần ra chiếc túi bóng nhỏ đựng thuốc lá sợi và bao diêm dúm dó, cuốn thuốc châm lửa hút. Gọi là trường nhưng thực ra chỉ là mấy lớp học do các chú bộ đội về làng dựng giúp tránh máy bay Mỹ. Tụi trẻ lau nhau đầu cấp bọn tôi được học ngay tại đây, các anh chị lớn hơn phải đi mấy cây số về các lớp sơ tán bên hang núi. Tôi mới gặp ông Đởn vài lần, thấy bọn bạn gọi ông đánh dậm là Đởn, tôi cũng gọi chứ chả biết tý gì về ông. Chưa kịp hút hết điếu thuốc hình sâu kèn, ông Phú - chủ tịch xã chả rõ có việc gì đó đi qua, hãm phanh xe đạp, chống chân quát giật giọng:
- Ông kia vào đây làm gì?
Ông Đởn thong thả đứng dậy, không hề thay đổi nét mặt, rít một hơi thuốc dài, nhả khói và đáp từ tốn:
- Tôi ngồi chơi, chả làm gì sất!
-Ông biết quy định nơi sơ tán, người không nhiệm vụ miễn vào chứ hả?
Ông Đởn tưng tửng:
- Lớp học của các cháu chứ khu quân sự đâu? Chẳng lẽ đất hương hỏa cha ông, tôi cũng không được đến sao?
Ông Phú trừng mắt:
- Ông đừng ăn nói bố láo. Đất nào của nhà ông?...
Bọn tôi ngơ ngác chưa hiểu sự thể ra sao thì bà Liềm, người vẫn thường chăm sóc rau màu trên đám đất ven trường, tong tả bước tới:
- Khổ quá! Người ta tới đặt cối mà còn ở đây đôi co. Ông về nhà ngay...!
Chờ ông Đởn đi khuất, bà Liềm quay sang ông Phú mềm mỏng:
- Bác thông cảm bỏ quá cho nhà em. Dạo này chả hiểu tâm tính ra làm sao…!
Chằng lại chiếc cặp trên gác ba ga xe đạp, ông Phú chủng chẳng:
- Muốn yên thân phải giữ mồm giữ miệng. Tôi không nể bố con thằng nào!
Hôm ấy, tôi mới biết bà Liềm là vợ ông Đởn. Qua lũ bạn tôi được biết ông còn bà vợ nữa tên là Cúc. Cả hai bà đều ở chung với ông một nhà. Lạ lùng hơn, bà Cúc lại có một ông chồng bị tật nguyền. Hai bà cùng ông Đởn nuôi người chồng bà Cúc. Đó cũng là một trong những lần hiếm hoi tôi được gặp ông Đởn, bởi ông sống với hai bà nhưng ăn cơm thiên hạ, quanh năm ông khoác túi đựng đồ nghề đi đóng cối khắp các làng xã, thảng hoặc mới đáo qua nhà vào các dịp giỗ chạp. Dạo nào đó đóng cối gần, ông cũng đi từ mờ sáng, tối cơm no rượu say ở nhà chủ mới khật khưỡng về làng.
* * *
Bà tôi kể: Ngày trước, cụ thân sinh bố ông Đởn cũng làm nghề đóng cối, gia thất khá giả, quê mãi mạn thành Nam. Thời đó nhà nông giàu nghèo gì cũng cố tậu cho mình một chiếc cối xay thóc. Chính vì vậy nghề đóng cối của cụ làm ăn phát đạt. Có thời gian, cụ bỏ tiền mua chức lý trưởng để loại tên ô lại chuyên ức hiếp dân lành. Được vài năm, cụ bán chức lý trưởng lấy tiền đi buôn. Chắc hưởng gien di truyền của cụ, bố ông Đởn cũng là thợ đóng cối có tay nghề cao và chí thú làm ăn. Khác với cụ thân sinh, bố ông Đởn vẫn giữ nghề, nhưng không buôn bán giao thương mà bỏ vốn mua đất mướn người làng cùng trồng trọt chăn nuôi, cung cấp thực phẩm cho vùng mỏ và thị xã. Sau cách mạng tháng Tám, bố ông Đởn là người đã đem hầu hết gia sản ủng hộ chính phủ trong “Tuần lễ vàng.” Tiếc là cơn bạo bệnh cướp ông cụ quá sớm. Ông Đởn thừa kế cơ ngơi của cha, nhưng cũng chính việc thừa kế làm ông khốn đốn bởi gia đình bị quy kết thành phần địa chủ. Phần lớn ruộng đất bị tịch thu, trong đó có đám đất dựng lớp học sơ tán của tụi tôi.
Dải đất này xưa vốn trồng cây ăn quả, hợp tác xã giao cho đội sản xuất quản lý. Khổ nỗi trai tráng hầu hết đã lên đường ra trận hoặc đi thoát ly, đất rộng người thưa, xã viên chỉ riêng việc cày bừa cấy hái ăn công điểm cũng chả còn sức, ai thiết gì khu vườn trồng cây mãi tít bìa làng. Mặt khác ông đội trưởng sản xuất vốn là thương binh, thông cảm với hoàn cảnh của ông Đởn nên làm lơ, hai bà vợ ông Đởn nghiễm nhiên tự chăm sóc thu hoạch.
Lần đầu tiên tôi gặp bà Cúc là buổi sau giờ học, mấy thằng bạn rủ nhau đi vặt trộm ổi ở dải đất dốc gần lớp học. Tôi đồ rằng khi còn trẻ, bà Cúc và bà Liềm đều rất xinh đẹp, bởi tuy đã xế bóng, hai bà vẫn ánh lên nét xuân sắc trên gương mặt phúc hậu, khắc khổ… Tôi vận quần cộc một tay túm chiếc áo đựng ổi tuột xuống khỏi cây thì bà Cúc bước tới, tay cầm chiếc dao phát cỏ làm cả bọn sợ xanh mắt, mặt dài như cái bơm. Tôi tưởng bà sẽ nổi đóa, song bà chỉ nhẹ nhàng:
- Ổi giòn cành dễ gẫy lắm. Các cháu cẩn thận kẻo ngã đấy.
Biết không bị ăn chửi, chúng tôi mượn bà chiếc nón mê đổ ổi ra mời. Vừa lúc đó, bà Liềm vác cuốc bước tới đon đả:
- Bà có cây sào treo giỏ dựng sẵn đầu giộc. Các cháu ăn lấy mà trẩy, không nên leo trèo.
Chúng tôi vâng dạ rối rít cho qua chuyện. Kỳ thực đối với bọn con trai, sểnh một tý lại leo trèo đu bám, nghịch ngợm là chính, hái trộm quả đút vào mồm tùy hứng, chứ nhà thằng nào cũng hoa quả đầy vườn, đôi khi quả chín rụng cũng chẳng thèm ỏ ê. Từ hôm đó, chúng tôi tự nhiên quý mến hai bà. Giờ ra chơi, chúng tôi nhiều lần kéo sang vườn mặc sức chạy nhảy la hét chơi đánh trận giả. Bà Liềm và bà Cúc nhìn chúng tôi chơi đùa giẫm đạp cây cối chẳng hề quát mắng mà dường như còn vui.
Tôi khi ấy còn quá bé để hiểu chuyện người lớn và cũng chưa mảy may biết gì về thời cuộc. Hóng hớt nghe lỏm hàng xóm kháo nhau bà Liềm và bà Cúc có ba đời chồng, tôi cũng chẳng để tâm và biết tại sao. Một lần giữa đêm hôm khuya khoắt, làng tôi náo loạn bởi hai cô nạ dòng đánh ghen tranh giành lão kéo vó cạnh lều chăn vịt, tôi chạy ra xem và chợt thoáng khâm phục sự tài giỏi của ông Đởn. Ông ở với hai bà trong một nhà, lại nuôi ông chồng tật nguyền của bà Cúc mà chả ai thấy có điều tiếng gì. Hai bà lại bên nhau không khác chị em ruột thì ông quả là bậc kỳ tài.
Lớn thêm một chút, tôi bắt đầu có sự nhìn nhận mọi việc rành rẽ hơn, nhưng cũng chỉ lờ mờ hiểu nguồn cơn mối nhân duyên của ba ông bà, mà nếu nói chính xác thì có thêm người chồng tật nguyền của bà Cúc nữa. Người chồng này chỉ mấy người hàng xóm sang chơi biết mặt, bởi ông chưa hề xuất hiện ở bất cứ đâu. Thi thoảng giúp mẹ đi làm cỏ đổi công cho tổ hợp tác, nghe những giai thoại bên lề vô tiền khoáng hậu về hai người đàn bà, tôi băn khoăn chẳng rõ thực hư thế nào. Một buổi không đừng được, tôi đánh liều hỏi mẹ. Mẹ tôi im lặng chừng suy nghĩ lung lắm. Hồi lâu bà nhỏ nhẹ: “Mai này lớn lên con khắc hiểu…Thế cuộc rối ren, chiến tranh tao loạn, không phải điều gì cũng có thể lý giải…”.
Dù không ai muốn cho trẻ con tụi tôi biết, nhưng cùng sống trong làng, người quê vốn dĩ lại chân chất, bộc trực ít giữ kẽ nên đôi khi “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông.” Chắp nối các câu chuyện, tôi không dám tin trên đời lại có những phận người nhiều truân chuyên đến thế.
Bà Cúc bị ép gả chồng để gán nợ từ năm 13 tuổi. Thực ra người ta chỉ lấy về cho có người làm ruộng vì neo người. Không chịu nổi cảnh đày đọa cùng cực bên nhà chồng, bà bỏ ra phố làm đủ nghề kiếm sống. Một lần đi bốc hàng đêm, bà bị mấy tên ma cô cưỡng hiếp. Tủi phận, bà lao mình xuống sông tự vẫn. Thần chết không cướp nổi bà bởi có người vô tình ngang qua cứu giúp, người đó sau này nên duyên. Thật không may ở với nhau chưa được mụn con nào, chồng bà bị bắt đi lính cho Pháp và trở nên tàn phế. Tiếng là chồng nhưng không thể làm chồng…
Bà Liềm cũng có hoàn cảnh éo le không kém. Vừa mới lớn, bà bị lấy về làm lẽ cho tên chánh tổng. Thân làm lẽ nhưng chả khác phận tôi tớ ở đợ hầu hạ cho chủ. Một gã lái buôn thấy bà trẻ đẹp, bèn mặc cả lão chánh tổng mua về làm vợ, cốt sinh cho gã đứa con để có người nối dõi tông đường. Không may đứa con sinh ra bị chết yểu do bệnh tật, gã chán, lừa bán bà cho nhà thổ để kiếm vợ khác. Bà Liềm trốn thoát, lang bạt khắp nơi nhưng người khôn của khó... Ông Đởn gặp khi bà đã kiệt sức và sắp chết đói.
Biết hai bà đều có con với ông Đởn, lựa lúc mẹ một mình ngồi khâu áo, tôi ngập ngừng:
- Làm cách nào ông Đởn có thể lấy hai vợ, lại nuôi cả người chồng tật nguyền của vợ thế mẹ?
Mẹ tôi trầm ngâm, mắt ngước xa xôi, nói như với chính mình:
- Kiếp người… khó nói lắm con ạ! Người ta có thể lừa gạt, giả dối, bắn giết lẫn nhau, không chỉ vì bát cơm manh áo mà còn vì nhiều lẽ… Trong mớ hỗn tạp, không phải ai cũng đánh mất cái tình…!
* * *
Năm tháng lặng lẽ trôi như những mùa trăng tròn, khuyết. Dù chưa đủ chín để hiểu tường tận mọi vấn đề khi chưa trải nghiệm, nhưng cũng cho tôi nhìn nhận sự việc bằng cảm quan, dẫu còn nông cạn về những ẩn ức nghiệt ngã trong thân phận của hai người đàn bà. Không ai có thể che giấu được nỗi niềm riêng, nhất là những nỗi niềm chát đắng. Dẫu vậy đi làm đồng, dù ý tứ hai bà vẫn không hề tỏ vẻ kém cạnh, khi tham gia các trò bỡn cợt trêu đùa có phần hơi thái quá của các ông thợ cày. Tôi biết trong sâu thẳm còn đó nỗi đau không dễ gì khỏa lấp, nhưng sau những giông gió, cây đời vẫn kết nụ đơm hoa. Hạnh phúc lớn nhất của đời người cả hai bà đều đã toại nguyện. Con gái bà Liềm tốt nghiệp đại học đã lấy chồng. Bà Cúc có anh con trai vừa thi đại học và được đi du học nước ngoài.
Ông Đởn họa hoằn lắm mới nghỉ buổi đóng cối ra đồng cùng hai bà vợ. Có lần ngồi nghỉ bắn thuốc lào, hứng chí ông rung đùi ngân nga: “Đời người mây gió thiên di/ Nếu không ong bướm khác gì cơm thiu…”. Ông thợ cày ngồi cạnh hấp háy: “Ông bày biện đóng luôn hai cối hả?”. “Chứ sao nữa!”. Bà Liềm ngửa nón phe phảy quạt cho chồng, nghe vậy giãy nảy: “Phải gió cái ông này!”.
Phàm ở đời, cái gì tạo cho người ta ấn tượng mạnh, cái đó rất khó phai mờ. Tôi thực sự chìm trong cảm giác lạ mỗi lần tới thăm và trò chuyện với ông chồng bà Cúc trong gian buồng hẹp. Phận người quả thực quá mong manh. Tôi không hiểu tại sao ông còn có thể sống và không bị bỏ rơi trong cõi đời này. Ông vẫn là con người, nhưng cơ thể ông chỉ còn là mảnh thịt rách. Trong một trận chiến ác liệt, lô cốt của ông lãnh trọn quả đạn pháo. Ông thoát chết nhưng cơ thể bị xé nát. Người ta đã cứu sống ông, nhưng số phận để lại cho ông một hình thù kỳ quái. Cả hai tay chân đã bị cắt bỏ, khuôn mặt bay mất một nửa đắp vá chằng đụp những mảnh thịt lấy từ lưng và ngực. Bà Cúc là người thân duy nhất đón ông từ nhà thương. Đã nhiều lần ông nghĩ đến cái chết như một sự giải thoát. Nhân lúc vợ đi vắng, ông tự mình lăn khỏi nhà để rơi xuống con sông đào. Ông Đởn đã cứu và cưu mang vợ chồng ông. Đứa con của bà Cúc cũng là kết quả ông cầu xin ông Đởn… “Tôi sống không ra hồn người đã đành. Bà ấy thì phải sống…”. Trong một lần tới thăm, tôi chăm chú mãi mới nghe được những lời nói khó nhọc như vậy từ gương mặt dúm dó của người đàn ông. Rót cho tôi ca nước vối từ chiếc ấm tích, bà Cúc ngậm ngùi: “Nếu không có ông Đởn và bà con cô bác chòm xóm, bà ngày ấy cũng không thiết sống nữa”. Tôi biết bà có ý nhắc tới bố mẹ tôi. Bác tôi kể: Ngay từ khi ông Đởn đưa vợ chồng bà Cúc về đây, bố mẹ tôi cùng nhiều người hết lòng giúp đỡ, bất chấp mọi lời phán xét, ngăn cản ác ý của mấy ông làm việc trên xã, bởi chồng bà Cúc là phế binh của quân đội chế độ cũ.
Dẫu gia đình ông Đởn và nhà tôi khá thân thiết, nhiều lần tôi có ý dò hỏi, nhưng tịnh chưa bao giờ ông nói về đời tư mà đều lảng sang chuyện khác. Hôm chồng bà Cúc mất, tôi cùng tốp thanh niên được cử sang đào huyệt và khiêng đòn đưa cỗ áo quan ra nghĩa địa. Chôn cất xong mọi người ra về hết, chỉ còn ông Đởn đứng lặng bên mộ người quá cố. Lúc này tôi mới thấy dòng nước mắt ông lăn dài…
Người làng bảo: Ngày xưa, ông Đởn cũng là thành viên đội du kích của xã, chiến đấu rất dũng cảm trong nhiều đợt chống càn. Ông Đởn bị thương trong trận công đồn giặc cùng bộ đội. Có lần tôi thắc mắc: Ông ấy là du kích, lại bị thương, sao chẳng thấy có chế độ thương tật gì? Thấy tôi có vẻ ngu ngơ, một bác đứng tuổi ghé tai tôi nói nhỏ như sợ húy kỵ điều gì đó: Cũng bởi gia đình ông ấy bị quy kết thành phần địa chủ, bao nhiêu việc cùng lúc đổ xuống đầu, hơi sức đâu mà xin giải quyết chế độ… Thời ấy, thành phần địa chủ nó kinh khủng lắm. Cũng không hẳn vì thành phần mà ông Đởn không được hưởng chế độ thương tật trong chiến đấu. Một dạo ông Đởn được vị chức sắc gì đó làm trên huyện sức giấy mời lên gặp để hoàn thiện hồ sơ. Nhìn tên người ký giấy, ông Đởn gạt phắt: “Thằng ham sống sợ chết. Gặp ấy à? Còn lâu!”. Thì ra người ấy cũng là đội viên đội du kích cùng với ông. Khi vào trận thấy chết chóc hãi quá bèn giở bài chuồn, bỏ mặc đồng đội trên chiến hào. Trận đánh thắng lợi, chả rõ tại sao người ấy được chọn là đội viên ưu tú và được cử đi tập huấn cải cách ruộng đất. Mấy “ông đội” học hành chữ “tác” lộn thành chữ “tộ”, ra oai lộng hành làm dân làng oán thán. Mấy năm trước cấp trên đã chỉ đạo sửa sai, nhưng huyện làm chưa đến đầu đến đũa. Không thuyết phục được ông Đởn lên huyện, bất quá để lấy lòng sếp, ông Phú lõi cõi một mình đạp xe đi. Lúc về ông Phú nhấm nhẳng: “Người ta vì tình vì nghĩa, muốn ký giấy xác nhận công lao còn không đến thì nghỉ cho khỏe!”. Ông Đởn cũng không vừa: “Nếu tình nghĩa sao không về nhìn nhau mà phải đánh giấy? Thằng ra trận chui nhủi như chó biết gì mà xác nhận?”. Ông Phú trợn mắt: “Ông be bé cái mồm. Nói xấu cán bộ là khốn đấy hiểu chưa. Không nể tình làng xóm, tôi gô cổ ông lại chứ chả chơi. Lúc chiến đấu mỗi người một nhiệm vụ, ông sao biết người ta được giao việc gì?”. “Việc giời mà sợ đái ra quần, cắp đít chạy tôi cũng chả coi ra gì!”.
Biết ông khái tính, nhiều người nhắc khéo hai bà vợ tìm cách chạy chọt lo liệu giải quyết chế độ thương tật cho ông, cà hai bà đều cười trừ hoặc nói lảng: “Nước có giặc, ai cũng phải đánh giặc cứu nước, mặt mũi nào đòi hỏi được ghi công. Ông nhà em còn sống cũng là may mắn rồi. Nhiều người nằm xuống còn chưa biết xương cốt ở đâu”.
Chiến tranh ngày một lan rộng. Tuyến quốc lộ huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam, đoạn qua thị trấn bị máy máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Một con đường tránh được mở cấp tốc chạy dọc qua làng. Ngôi nhà của ông Đởn nằm ngay bên cạnh đường. Do có nhiều cây cối râm mát và chiếc giếng bó đá ong đón lõng nước mé chân đồi, ngôi nhà của ông trở thành nơi các chú bộ đội dừng xe đổ nước mui và cài thêm lá ngụy trang trước khi ra tiền tuyến. Chỉ được ít tháng, làng tôi và con đường tránh cũng trở thành mục tiêu đánh phá của máy bay địch. Khắp làng nham nhở các hố bom sâu hoắm bật tung màu đất đỏ. Nhiều quả bom rơi trúng mặt đường, dù được trung đội nữ thanh niên xung phong san lấp, song vẫn rất gập ghềnh. Ngày mưa, bánh xe ô tô quần nhão đất đỏ lầy lội như một dòng sông bùn.
Tôi nhớ hôm đó là một trưa cuối tháng tám, đi học về nhà cửa vắng hoe, ngoài ngõ, tiếng các xã viên í ới gọi nhau đi sửa đường cứu đoàn xe bộ đội. Lùa vội bát cơm nguội ngắt, tôi chạy ù ra phía con đường tránh. Giữa đường, một chiếc xe tải sa lầy trong vệt hố bom làm cả đoàn xe hàng trăm chiếc phải dừng lại. Người chỉ huy đơn vị bộ đội đeo xà cột, quần xắn móng lợn, vạt áo bê bết bùn đất, lo lắng nói với ông đội trưởng dân quân:
- Nếu có báo động, anh cho bà con sơ tán thật xa khỏi đoàn xe.
- Các anh cho xe vòng vào làng cất giấu tạm, cắt qua mấy thửa ruộng cũng không sao! - Người đội trưởng dân quân xăng xái.
- Không được! Chúng tôi chở hàng hóa đặc biệt, nếu trúng bom sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của nhân dân.
Tôi đoán đoàn xe vận chuyển vũ khí ra mặt trận, nên mới có sự cẩn trọng như vậy. Vừa lúc đó ông Đởn bước đến, trông ông không có vẻ gì sốt sắng:
- Đất này càng đổ xuống càng lầy lội. Phải lấy ván lót vệt bánh cho xe chạy rồi tính…! Mọi người chưa kịp có ý kiến gì, ông đã lại thản nhiên: - Các chú cho người dỡ cái nhà của tôi mà dùng. Nhà thưng bằng gỗ còn tốt đấy!
Tất cả ngây người trước lời đề nghị lạ lùng của ông Đởn. Tôi không biết lãnh đạo xã và ban chỉ huy đơn vị bộ đội hội ý thế nào, một lát sau những tấm ván từ ngôi nhà của ông đã được mang ra mặt đường… Cả đoàn xe lại rùng rùng chuyển động. Quàng lên vai ông Đởn tấm vải dù, người chỉ huy bộ đội xúc động:
- Con và anh em ngoài mặt trận ghi ơn ông!
Ở làng tôi bao đời nay cái sự “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” luôn là việc lớn. Vì thế chuyện dỡ nhà mình làm đường cho xe qua của ông Đởn râm ran khắp đầu làng cuối xóm. Người ta nói về ông ngay trước mặt ông Phú chủ tịch xã với sự vị nể không hề giấu giếm và cho rằng chỉ riêng một hành động đó thôi, cũng còn hơn chán vạn kẻ luôn mồm rao giảng lòng yêu nước, nhưng bòn mót của dân từng đồng xu. Dường như bị chạm nọc, ông Phú sửng cồ: “Nhà ấy thuộc thành phần địa chủ, tài sản do bóc lột mà có. Chẳng qua lão ấy muốn phi tang chứ tử tế chó gì!”. Không ngờ mấy người già cả đốp lại: “Ông ấy bóc lột ai, ai bị bóc lột? Mấy đời đổ mồ hôi, sôi nước mắt có tý của cải, các ông quy người ta… Thử hỏi nếu ông ấy không dỡ nhà thì ai dỡ? Xe đi bằng cách nào? Lãnh đạo xã đã ông nào mang cái giát giường ra chưa?”…
Hai năm sau, làng tôi hứng chịu trận lũ lụt lớn. Nước ngập trắng làng. Cũng may dự báo trước tình huống và ứng phó kịp thời, làng tôi không có thiệt hại về người. Suốt cả buổi tôi theo ông Đởn chèo thuyền giúp mọi người chuyển tài sản lên gò. Chiều muộn, ông cột thuyền vào thân cây bãi giộc, nơi lớp học ngày xưa của chúng tôi sơ tán. Sau khi hút điếu thuốc lào, ông lấy từ khe thuyền bọc lá chuối đưa cho tôi:
- Gói xôi của lão Phú vừa dúi ban nãy, cháu ăn đi cho đỡ đói.
- Ông Phú chủ tịch xã ấy ạ? Tôi buột miệng hỏi vì làng có mấy ông Phú, hì hục khiêng vác đồ đạc giúp bà con, tôi không để ý.
- Chủ tịch xã gì nữa. Phăng teo rồi! Lúc đương chức, hắn tác oai tác quái. Về vườn chả ai chơi. Thấy hắn đơn độc, ông thi thoảng tới làm ván cờ.
Con thuyền bềnh bồng chao nhẹ trên mặt nước. Ông trải manh chiếu xuống lòng thuyền. Tôi và ông ngả người gối đầu lên mạn. Không còn nét khắc khổ ưu tư thường thấy, gương mặt ông ánh lên vẻ hào sảng. Nhìn vết sẹo dài thâm nhám bên ngực, tôi ngập ngừng:
- Vết thương của ông hồi công đồn Pháp phải không ạ?
- Sao cháu biết? - Ông ngạc nhiên.
Tôi định kể lại những điều đã nghe, nhưng sợ chạm nỗi đau của ông nên chỉ nhát gừng:
- Làm sao… người làng mình vô tâm được hở ông! Bà cháu bảo có những điều phải khắc cốt ghi tâm.
Ông nhìn tôi rất lạ, hồi lâu buông giọng thật nhẹ:
- Giữa đời, con người ta ai cũng chỉ như hạt bụi. Mọi thứ rồi cũng phù phiếm lắm… Không làm được gì…cũng phải cốt là chính mình!
* * *
Nghĩa trang của làng bảng lảng khói sương u tịch. Tia nắng sớm rắc lên vạt cỏ xanh những hạt ngọc lấp lánh. Tôi và bố mẹ chưa thắp xong tuần nhang tảo mộ bà nội. Tôi bất ngờ khi thấy hai bà vợ ông Đởn và anh con trai bà Cúc và vợ chồng cô gái con bà Liềm đi đến. Ngôi mộ người đàn ông tật nguyền nghi ngút khói hương…
Anh con trai bà Cúc bắt tay tôi lắc mạnh:
- Nếu không gặp cậu ở đây, tôi chịu không biết con cái nhà ai!
- Lúc anh lên phố học, em còn bé tý…! Em cứ tưởng anh lấy vợ và ở luôn bên đó!
Anh cười nhẹ, giọng như gió thoảng:
- Người ta có thể quên đi nhiều thứ, nhưng không ai được quên tổ tông!...
Tôi không rõ tại sao ông Đởn không ra nghĩa trang. Có lẽ ông cho rằng mình chỉ là hạt bụi, không nhất thiết đến thắp nhang mới tỏ lòng thành.
Năm đã hết, ngày xuân đang đến thật gần. Cây đào bên thềm nhà quản trang thấp thoáng những nhành hoa và lộc non biếc nõn. Ban mai ngập tràn gió ấm…
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...