Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
01:31 (GMT +7)

Bóng đá và văn chương

VNTN - Bóng đá và văn chương là hai lĩnh vực xem ra rất xa nhau. Một đằng lao động bằng trí não, một đằng hoạt động bằng chân tay (dù được coi là môn nghệ thuật thì bóng đá vẫn là thứ nghệ thuật thể hiện qua các thao tác bằng chân tay).

Nhưng bạn có tin, văn chương và bóng đá trong nhiều cái khác nhau lại có rất nhiều điểm tương đồng không? Nhân World Cup 2014 đang diễn ra ta thử bàn đôi chút về sự vừa giống lại vừa khác nhau ấy.

Trước hết, bóng đá và văn chương lâu nay trong con mắt của nhân loại đều được coi là những bộ môn nghệ thuật có truyền thống lâu đời. Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, bóng đá là nghệ thuật sân cỏ. Cái khác, là bóng đá cần nhiều người (nhiều cầu thủ và huấn luyện viên) và phải có một không gian rộng (sân vận động) mới làm nên chuyện. Văn chương chỉ cần một người một bóng âm thầm bên bàn làm việc. Bóng đá khi “ra mắt” có thể có tới hàng triệu người dõi theo và hưởng ứng đến vỡ trời. Còn sự thưởng thức văn chương đích thực lại thường ở những nơi hẹp và yên tĩnh, chỉ một người lặng lẽ bên trang sách.

Điểm giống nhau nữa là những người xuất chúng trong cả hai lĩnh vực này đều được cả hành tinh ghi nhận như những danh nhân. Nếu văn chương có những Cervantes, Victor Hugo, Lep Tonxtoi, Marquez lừng lẫy ở nhiều thế kỉ, thập kỉ khác nhau thì bóng đá cũng có những nhân vật được cả thế giới ghi nhận và kính yêu như Pele, Ronaldo, Maradona, Beckham… Trong rèn luyện và cống hiến, văn chương và bóng đá cũng rất giống nhau. Các danh thủ và các nhà văn lớn đều rất cần những tố chất “trời cho” cộng với quá trình rèn luyện, tập tành không hề ít thời gian. Nhưng sự thể hiện trong bóng đá chỉ gói gọn trong 90 phút, cùng lắm là thêm những hiệp phụ, đá phạt đền. Văn chương cũng tương tự. Có nhà văn phải mất cả chục năm mới viết xong cuốn tiểu thuyết nhưng với các độc giả có thói quen đọc nhanh thì chỉ đôi ba ngày là hết. Vậy, cả hai môn nghệ thuật này đều trường kì vất vả, nhọc nhằn không kém gì nhau nhưng mua vui cho thiên hạ cũng chỉ được “một vài trống canh”.

Bên cạnh nét tương đồng ấy, nhà văn và cầu thủ bóng đá lại có một điểm rất trái chiều. Các cầu thủ, dù là ngôi sao thì sự tỏa sáng cũng chỉ ở thời trai trẻ, còn nhà văn thì thường “Gừng càng già càng cay. Nhiều nhà văn khi còn trẻ tỏ ra rất mờ nhạt nhưng càng bước sang tuổi xế chiều càng nổi như cồn.

Đặc biệt, trong thao tác nghề nghiệp, hai bộ môn này có nhiều đặc điểm rất giống nhau. Để có một trận đấu bóng đá thành công thì từ các huấn luyện viên đến các cầu thủ đều phải bày binh bố trận rất kĩ lưỡng trong chiến lược, chiến thuật; phải có sự sắp xếp vị trí thi đấu và tính toán về sức khỏe, độ bền, tâm lí của các cầu thủ rất tỉ mỉ. Điều ấy giống như khi sáng tác nhà văn phải hình dung ra cấu trúc, kết cấu, bố cục, khắc họa tính cách nhân vật, hành văn, chọn lọc từ ngữ. Không có sự chuẩn bị ấy, rất khó đem lại kết quả cho một trận đấu cũng như một tác phẩm văn chương. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trận bóng làm nên chiến công lừng lẫy lại xuất phát từ những đường ban ngẫu hứng hoặc những cú sút xuất thần của các danh thủ, không hề nằm trong các dự kiến. Văn chương cũng vậy. Sự thành công của tác phẩm nhiều khi không phụ thuộc vào sự sắp đặt trong đề cương mà lại từ những ý tưởng bất thần, những tình huống bất ngờ trong quá trình sáng tác mà nhà văn không lường trước được.

Điểm khác và giống nhau cuối cùng ta bàn đến là bóng đá bao giờ cũng được đón nhận một cách vang dội. Có thể làm cả trăm triệu khán giả sôi lên sùng sục, dám quên mình thức trắng vài đêm bên ti vi vì bóng đá. Còn với văn chương thì “hãy đợi đấy!”.

Tuy nhiên, không phải không có những tác phẩm làm cho toàn nhân loại thổn thức hoặc có sức lan tỏa chấn động cả địa cầu.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy