Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
12:41 (GMT +7)

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt mục tiêu 2020 có 90 triệu người dùng mạng xã hội Việt Nam

VNTN - Năm 2020 có 90 triệu (tài khoản hoạt động) người sử dụng mạng xã hội Việt Nam là mục tiêu được Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra tại kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nội dung trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá 14, bế mạc ngày 27/11 vừa qua. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng được chọn là một trong bốn vị bộ trưởng trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tại phiên bế mạc chiều 27/11 Quốc hội đã thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tập trung thực hiện các giải pháp, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, trong đó có thông tin và truyền thông. Điều đặc biệt là ngay trong ngày bế mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, kế hoạch chi tiết thực hiện nhiệm vụ này đã được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gửi đến từng vị đại biểu Quốc hội. Nói đặc biệt là bởi, sau mỗi kỳ họp có hoạt động chất vấn, gần như Quốc hội đều ban hành nghị quyết về hoạt động này. Song, phải đến kỳ họp sau hoặc khi nào Quốc hội có yêu cầu thì các vị bộ trưởng, trưởng ngành mới gửi báo cáo về tình hình thực hiện nghị quyết chất vấn đến các vị đại biểu Quốc hội. Có thể, cũng có vị bộ trưởng, trưởng ngành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nội dung đã trả lời chất vấn trước Quốc hội, song kế hoạch này được ban hành ngay khi Quốc hội còn chưa bế mạc thì có lẽ là việc làm chưa có tiền lệ. Bản kế hoạch của người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông không chỉ nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung kế hoạch mà còn chi tiết đến từng nhiệm vụ cụ thể, đơn vị nào thực hiện và thực hiện trong thời gian nào. Trong tám nhóm nhiệm vụ, nhóm thứ tư là: Rà soát, hoàn thiện quy định về an ninh mạng, bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng; sớm ban hành văn bản quy định về bảo vệ thông tin cá nhân; kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm trên không gian mạng. Nội dung cụ thể đầu tiên của nhiệm vụ này là thực hiện mục tiêu có 90 triệu ( tài khoản hoạt động) người sử dụng mạng xã hội Việt Nam, thời gian thực hiện là năm 2020. Đây cũng là thông tin đã được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề cập khi trả lời trực tiếp của các vị đại biểu tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, rằng Bộ đã làm gì để phát triển hệ sinh thái số Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với các vị đại biểu trong giờ giải lao phiến chất vấn - Ảnh: Mỹ An

Lúc đó, người đứng đầu Bộ Thông tin truyền thông nói: "Khi tôi lên làm Bộ trưởng chưa đầy một tháng, chính xác là 15 ngày, việc đầu tiên là thành lập tổ công tác hỗ trợ phát triển mạng xã hội Việt Nam. Đó là hành động đầu tiên của tôi. Việt Nam mình thuận lợi là có rất nhiều công ty công nghệ thông tin. Nếu nói về công nghiệp phần mềm thì đứng thứ 6 thế giới". Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết thời gian ông nhận chức Bộ trưởng thì các mạng xã hội ở Việt Nam có khoảng gần 50 triệu người dùng. Hiện tại đã tăng 30% lên 65 triệu và nếu như tiếp tục đẩy mạnh cộng với sự hỗ trợ của người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì đến năm 2020 là 90 triệu người dùng. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh mục tiêu người dùng mạng xã hội Việt Nam tương đương với các mạng xã hội nước ngoài, như Facebook, Google là 80 triệu. Nếu cộng với Twitter, Instagram vào thì cỡ khoảng 90 triệu. Ông cũng lý giải tại sao phải đặt vấn đề tương đương, vì "bây giờ chúng ta nghĩ gì, nói gì, thậm chí yêu ai, mua gì đều nằm ở thông tin trên mạng xã hội, điều gì sẽ xảy ra nếu như tất cả các thông tin đó ở một mạng xã hội. Có nghĩa rằng, não người Việt Nam tập trung vào một chỗ mà chỗ đấy hiện không nằm ở Việt Nam và sau này người ta sẽ dùng vào việc gì? Rất nguy hiểm, đấy là An ninh quốc gia. Cho nên, nếu chúng ta có một không gian của chúng ta nữa mà mỗi người đều dùng vài mạng xã hội thì có nghĩa, chúng ta không nằm 100% ở đâu cả, chúng ta phân tán dữ liệu đó và tạo ra sự an toàn". Nhưng, Bộ trưởng cũng "xin nói là rất ít nước làm được việc này". Hồi âm chất vấn của đại biểu là có đặt mục tiêu mạng xã hội Việt Nam thay thế mạng xã hội nước ngoài không, Bộ trưởng lúc đó đã quả quyết là không. Bởi mỗi mạng xã hội có chức năng riêng, có không gian riêng, khách hàng riêng. Cho nên mạng xã hội Việt Nam là song song tồn tại với điều kiện mạng xã hội nước ngoài tuân thủ luật pháp Việt Nam như các mạng xã hội Việt Nam. Ngoài mục tiêu về mạng xã hội thì kế hoạch của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn nêu nhiều mốc thời gian cụ thể với những công việc rất đáng chú ý. Chẳng hạn, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an để sớm hoàn thiện và tham mưu ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong năm 2019. Chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng nền tảng điện toán đám mây của Việt Nam trong năm 2020. Trong lĩnh vực quản lý báo chí, mạng xã hội, kế hoạch nêu rõ nhiệm vụ thực hiện xong quy hoạch các cơ quan báo chí của các hiệp hội trong 2019. Đến 2020 sẽ thực hiện xong quy hoạch báo chí của các bộ, ngành và địa phương. Ngay trong năm nay Bộ cũng sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng hành lang pháp lý để không cho phép các trang Web thu thập thông tin về trẻ em nếu như không được sự đồng ý của bố mẹ, xây dựng khuyến nghị đối với độ tuổi trẻ em khi tham gia mạng xã hội và khi tham gia cũng phải được sự đồng ý của bố mẹ, Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Bộ Thông tin và truyền thông cũng sẽ thường xuyên hợp tác với Bộ Công an xây dựng quy định pháp luật về xử lý tin giả, người đưa tin giả, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong và ngoài nước phối hợp xác định danh tính tài khoản tung tin giả, vi phạm pháp luật, ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cũng ngay trong 2019, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng... Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu trưởng các đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ trong kế hoạch này có trách nhiệm khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện từng nhiệm vụ được giao, gửi về Văn phòng Bộ để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, trước 1/12/2019. Định kỳ trước ngày 22 hàng tháng, các đơn vị liên quan thuộc Bộ có trách nhiệm báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy