Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
17:49 (GMT +7)

Bồ chữ

VNTN - Cuộc triển lãm trưng bày đồ dùng dạy học của tỉnh thật đa dạng. Khách đến thăm hầu hết là giáo viên. Sau cuộc mục đích sở thị này nhiều người sẽ được học tập để áp dụng cho giảng dạy nâng cao chất lượng chương trình dạy và học. Dừng lại ở bàn giáo án và tài liệu tham khảo, tôi chú ý đến mấy quyển sổ ghi chép đều của một người, ngoài bìa ghi mực đỏ đậm nét “sổ tay văn học”. Mở ra, càng xem càng thu hút tò mò. Bỗng giật mình vì có ai đó bên cạnh lên tiếng hỏi:

- Thế nào, có gì thú vị không, anh bạn.

Quay sang. Một người đàn ông trung niên, cao ráo, mắt sáng, đang cười như chờ câu trả lời của tôi. Giơ tay bắt, tôi thành thực:

- Kỳ công, giá trị lắm.

- Của mình đấy.

- Ông là Phạm Phú Hiền, tôi hỏi lại.

- Đương nhiên, ai nhận vơ ở chốn trang trọng này.

Ông ta cười, giơ nốt bàn tay kia ra nắm bàn tay tôi có phần kiểu cách.

Chúng tôi cùng ra ngồi quán cà phê ngay cạnh phòng triển lãm nói chuyện.

Ông Hiền kể, ông đã có trên 20 năm dạy văn trường phổ thông cơ sở. Trong giai đoạn lúc đó, phương tiện dạy học vô cùng nghèo nàn và thiếu thốn. Ông Hiền thấy cần phải có vốn văn học để có kiến thức dạy tốt hơn. Như có sức hút kỳ lạ, ông mải mê đọc báo tài liệu liên quan kể cả sách ở thư viện, ở hàng sách báo… Đọc và ghi chép lại các từ ngữ đắt, các đoạn văn hay, quyển số này đầy lại ghi sang quyển khác. Rồi ông nổi tiếng ở các cuộc thi giáo viên dạy giỏi của huyện, của tỉnh…

- Vâng, bởi vậy mọi người gọi là “bồ chữ” phải không ạ. Tôi ngắt lời.

Ông cười và giải thích:

- Đúng thế, đội ngũ giáo viên trong lúc mọi thứ nghèo nàn cứ truyền miệng nhau mà tâng bốc tôi lên. Cấp trên nghe họ lại nâng cao quan điểm. Bởi vậy tiếng “bồ chữ” nổi như sóng cồn. Họ bảo tỉnh này có hai bồ chữ là thư viện và tôi.

- Cũng đáng giá. Nếu đội ngũ giáo viên ai cũng làm được như ông thì ngành giáo dục có lợi biết bao. Lớp trẻ sau này liệu có cần cù, tự học hỏi nghiên cứu như ông không.

Ông Hiền bỗng thoáng buồn. Khua khua tay, giọng ông trầm trầm:

- Không quan trọng và ghê gớm như ông nói đâu, tất cả đều có thời vận cả. Bây giờ thì có mấy người đến xem sách của tôi. Từ sáng đến giờ chỉ có ông là mở ra đọc.

- Không lẽ vậy. Kiến thức sao lại có thời vận, tôi cự lại.

Ông Hiền kéo tôi ngồi xuống rồi thanh minh:

- Đó là sự thật ông ạ. Mấy năm nay cái danh hiệu giáo viên dạy giỏi của tôi đã bị xếp lại. Những giờ dạy văn thao diễn đều bị phê phần là rườm rà, lạc đề, thiếu liên hệ thực tế vì phụ thuộc quá vào sách vở. Thậm chí còn bị đánh giá là quá nhiều kiến thức mà đi xa trọng tâm bài giảng. Tôi đều cố gắng để điều chỉnh nhưng thói quen sử dụng tài liệu trong “bồ chữ” đã làm cho nội dung cải tiến phương pháp dạy học mới bị liệt vào lệch lạc và đổi chiều. Chuyên viên bộ còn nói bài của tôi chỉ để cho học sinh giỏi văn học mà thôi. Cay lắm mà đành chịu.

- Thế sao gần đây có dư luận là rút ông về phòng hay sở làm cán bộ chuyên môn. Tôi an ủi ông.

Ông cười ngượng ngùng:

- Thôi ông ạ. Đó là một số người đang dạy không phục tôi họ châm chọc như vậy. Thời đại này là lúc nào rồi. Sách viết nhiều vô kể, thư viện chất đống. Rồi đĩa tiếng, đĩa hình, màn chiếu, người ta bây giờ thiết kế bài giảng như một công trình… Vậy mấy quyển ghi chép vớ vẩn của tôi còn có giá trị gì, nó chỉ là giấy lộn và bán giấy vụn mà thôi.

Nghe ông nói tôi cũng mủi lòng. Đúng là thời đại công nghệ cao có nhiều đổi khác. Nhưng tôi vẫn không thể quên những người yêu nghề như ông mà một thời ai cũng suy tôn là “bồ chữ”

Đình Nguyễn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước