Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
23:37 (GMT +7)

Biến ví dụ xoàng thành cái không xoàng của viết

Trong tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” (Cty Tao Đàn & NXB Hội Nhà văn, 2021) - cuốn tiểu thuyết thứ mười, mới nhất, của nhà văn Nguyễn Bình Phương - ở cuối sách, phần lời kể của nhân vật ông cựu chánh án Tòa án tối cao với nhân vật “Khách”, có đoạn: “Mà này, cái vụ của cậu tiến sỹ ấy mà, xét cho cùng, cũng nhí nhố cả thôi. Nếu mỗi người là một ví dụ, thì cậu ấy nó là cái ví dụ xoàng, hết sức xoàng. Thế nhé”. Cái vụ “nhí nhố”, cái ví dụ “xoàng, hết sức xoàng” mà ông cựu chánh án nói ấy, nguyên ủy của nó, được tóm tắt bằng một đoạn văn in chữ nghiêng mở đầu “Phần thứ hai” của tiểu thuyết, đại ý kể chuyện tiến sỹ Nguyễn Văn Sang, do phải một mình nuôi con, túng quá, nên liều vận chuyển lậu bốn cân chè từ huyện Đại Từ xuống thành phố Thái Nguyên. Khi bị tổ công tác lưu động liên ngành phát hiện và truy đuổi, Nguyễn Văn Sang đã vô tình bắn chết một quân nhân bằng khẩu súng thể thao mà anh có được từ hồi học tiến sỹ bên Liên Xô. Sang bị bắt, bị khép vào án tử hình và án được thi hành ngay sau đó hơn một tháng.

Chỉ vậy thôi, nhưng vụ án hình sự này chính là cái “mấu cớ” để Nguyễn Bình Phương dựng lên một truyện kể phức tạp với những mối quan hệ người rậm rịt chồng chéo, những nhân quả xa gần ước thúc chế định lẫn nhau, những ước mơ dịu nhẹ và những dục vọng cuồng loạn xoắn trộn vào nhau, làm thành tấn kịch nhân sinh vừa nhẹ bẫng vừa u uất. Hoặc, để cho chính xác hơn, tôi muốn hình dung vụ án hình sự này như là một chiếc gương mà tác giả đã cố tình buông tay cho nó rơi vỡ thành nhiều mảnh, và rồi từ việc gom nhặt những mảnh vỡ ấy lại, ông nhìn thấy những ảnh xạ đa dạng, nghe thấy những vọng âm đa thanh về một cuộc đời và hơn cả một cuộc đời.

Không cần phải mất công tìm hiểu nguồn gốc của vụ án, rằng nó là sự kiện có thật, từng xảy ra trong đời sống, được báo chí đưa tin rồi tác giả sử dụng lại - như cái cách mà người ta thường nói về các tiểu thuyết của F. Dostoievsky - hay nó hoàn toàn là sản phẩm do nhà văn hư cấu. Mà điều đáng quan tâm hơn là nó, cái “ví dụ xoàng” ấy, đã giữ vai trò cái lõi của truyện kể, là nút bấm cho sự chuyển động của cả một cấu trúc tiểu thuyết. Cách thức này Nguyễn Bình Phương từng sử dụng trong cuốn tiểu thuyết thứ chín của mình, “Kể xong rồi đi” (Cty Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2017), mà “ví dụ xoàng” là cái chết/ sự nằm chờ chết của nhân vật ông Đại tá. Trước nữa, ở cuốn tiểu thuyết thứ tám, “Mình và họ” (NXB Trẻ, 2014), Nguyễn Bình Phương cũng có “một ví dụ xoàng” giữ vai trò tương tự, là cuộc trốn chạy của Hiếu và Trang, cặp tình nhân buôn thuốc phiện, với cái kết là cú gieo mình xuống vực của Hiếu. Nhưng trước “Mình và họ”, tức là từ tiểu thuyết “Bả giời” (NXB Công an nhân dân, 1991) đến tiểu thuyết “Ngồi” (NXB Đà Nẵng, 2006), thì lại không như vậy. Bảy cuốn tiểu thuyết đầu, Nguyễn Bình Phương thường “chơi” cấu trúc tiểu thuyết trong/ lồng tiểu thuyết, hoặc tiểu thuyết như sự hợp thành của những mạch truyện song song, chứ không dùng một sự kiện làm nguồn phát động và là trung tâm của truyện kể như ở ba cuốn tiểu thuyết gần đây. Nghĩa là, nếu xét ở phương diện cấu trúc hình thức, dường như càng già tuổi đời và càng dày kinh nghiệm sáng tác, Nguyễn Bình Phương lại càng có xu hướng giảm trừ sự phức tạp trong nghệ thuật tiểu thuyết của mình. Nhưng cũng có thể, với một nhà văn luôn biết cách tự làm mới mình như Nguyễn Bình Phương, giảm trừ sự phức tạp không phải để đi đến sự đơn giản, mà chính là để tạo thành sự phức tạp theo cách khác?

Tiểu thuyết "Một ví dụ xoàng" tác giả Nguyễn Bình Phương

Trở lại với tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng”. Từ quan điểm của ông cựu chánh án Tòa án tối cao, người đã tuyên quá nhiều án tử hình trong đời, người đã biết quá rõ những lối đi bí mật và vô cùng ngoắt ngoéo của ngành tư pháp, thì cái án tử của tiến sỹ Nguyễn Văn Sang - do một quan đầu tỉnh ngầm chỉ đạo xét xử - quả thật chỉ đáng là “một ví dụ xoàng”. Nó là một cái chết giữa vô vàn cái chết, tầm thường, vặt vãnh, thậm chí “nhí nhố”, chẳng đáng để nhớ đến. Thế nhưng cái cách mà Nguyễn Bình Phương kể những câu chuyện vòng quanh, trước, trong, và sau cuộc đời người bị xử bắn ở pháp trường ấy, thì không xoàng. Một mê cung truyện kể được dựng lên từ rất nhiều điểm nhìn và ngôi kể, và ở mỗi một tiểu tự sự ấy, người ta lại thấy một mảnh ghép của sự kiện, một đoạn khớp nối, một hình chiếu ngược hoặc nhân lên, một thái độ đánh giá hoặc một thế giới của tâm trạng. Phần một của tiểu thuyết có 14 chương/ đoạn, thì các chương/ đoạn 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11 là lời kể của người kể chuyện giấu mặt, kể một cách khách quan những sự kiện từ lúc Sang ở bãi vàng về, gặp lại người bạn cũ là Uyên, rồi hai người yêu nhau nhưng hoàn toàn không quan hệ dục tình, rồi cảnh Uyên phục dịch bố chồng và người chồng lâm bạo bệnh, rồi chồng Uyên chết, đám tang được tổ chức, rồi chuyện Sang đi Đại Từ lấy chè và bị tổ tuần tra lưu động liên ngành chặn bắt trên đường về Thái Nguyên. Chương/ đoạn 6 là độc thoại của nhân vật lão Chính, bố chồng Uyên, cựu phó chủ tịch thành phố, kể việc xảy ra khi lão còn là cán bộ kiểm lâm và đã ra tay hạ sát đồng nghiệp, chính là bố đẻ Uyên, để nuốt trọn số vàng của dân đào vàng lậu. Chương/ đoạn 12 là độc thoại của nhân vật Sang, hướng về đứa con trai lớn, kể những chuyện anh vất vả suốt từ thuở nhỏ ở quê đến khi du học, về nước, đi dạy, đi đào vàng, bị vợ bỏ, gặp hỏa hoạn, đứa con trai út bị mất tích. Chương/ đoạn 13 là độc thoại của nhân vật Uyên, nói với hồn ma của Sang, kể chuyện cô đã tận mắt chứng kiến cuộc tái hiện hiện trường vụ án mà Sang là thủ phạm. Chương/ đoạn 14 là độc thoại của nhân vật Quyết, em họ của chồng Uyên, kể chuyện gã nhận lệnh của ông Chính để theo dõi cặp Uyên - Sang, và cái cảm giác ghê sợ của gã ngay sau khi Sang bị xử bắn. Phần hai của tiểu thuyết là những chuyện xảy ra sau cái chết của Sang, được tổ chức thành các phân đoạn xen kẽ giữa lời kể từ ngôi của nhân vật “Khách” - con trai lớn của Sang - với các “file ghi âm” lời kể từ rất nhiều người mà Khách gặp gỡ để lật lên chuyện đời và những bí mật về cái chết của cha mình: Đồng nghiệp của Sang ở trường đại học, ông bán chè, bà Vân chị em dâu với Uyên, con gái người dẫn tù, đội viên đội thi hành án, một phu đào huyệt, một người xem hành quyết vô danh, một người bạn thuở nhỏ, ông nguyên trưởng phòng tổ chức, ông cựu chánh án Tòa án tối cao... Cách tổ chức truyện kể từ nhiều điểm nhìn và ngôi kể, nhiều tiểu tự sự như vậy đã phá vỡ tính chất mặt phẳng của câu chuyện được kể lại, khiến cho nó trở nên đa tuyến, đa trị, khiến cho “một ví dụ xoàng” không còn là một ví dụ xoàng nữa. Người ta chợt hiểu rằng mỗi cuộc đời người, cho dẫu có mang cái vẻ tầm thường vô vị đến mấy, thì bao giờ cũng là cả một thế giới chất chứa rất nhiều bí mật mà chỉ những người có hứng thú và có tài năng điều tra - cả dũng khí và sức chịu đựng nữa - mới có thể làm phát lộ chúng như những câu chuyện đặc dị. Giống như lời của nhân vật bà Vân nói với Khách: “Mà nghe bác bảo này: Nhà nào cũng có một cái hố xí, người nào rồi cũng có một bãi cứt trong lòng, lọ mọ bới ra làm gì cho nó bốc mùi hả con”.

Trước đó, ở tiểu thuyết “Kể xong rồi đi”, thì “ví dụ xoàng”, tức cái chết/ sự nằm chờ chết của nhân vật ông Đại tá - vốn xuất ngũ là đại úy, nhưng do vóc dáng oai vệ nên người xung quanh gọi là Đại tá - lại được kể từ điểm nhìn duy nhất là nhân vật Phong, con của em gái Đại tá, đứa cháu mà Đại tá mang về nuôi từ nhỏ sau khi gia đình nó chết trong hỏa hoạn. Phong kể, là kể qua việc nói chuyện với con chó Phốc - Phong xưng “tớ” và gọi con Phốc là “cậu” - triền miên, hết chuyện này sang chuyện khác, từ những chuyện mà Phong chỉ chứng kiến đến những chuyện mà Phong được tham gia vào, từ những chuyện là ký ức riêng của Phong đến những chuyện là ký ức của người khác mà Phong là kẻ được họ tin cậy trút gửi. Bởi thế cho nên ông Đại tá cứ nằm hấp hối trên giường bệnh chờ chết, rồi chết hẳn, rồi những công việc đầu tiên cho đám tang bắt đầu, nhưng xung quanh ông, qua sự kể của Phong, cả một thế giới chuyển động không ngừng. Gần, thì đó là chuyện về và từ những đứa con trong gia đình ông Đại tá, những người hàng xóm cũ và mới, những người bạn thân và sơ lúc ông đã rời quân. Xa, thì đó là chuyện hồi ông còn đánh nhau với lính Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa ở chiến trường miền Nam, những cú chết hụt, những cuộc tàn sát rợn người. Xa nữa, là chập chờn ký ức tuổi thơ ông về những ngày đầu tiên mà những người cộng sản giành được quyền lực về tay mình, với những cái chết đầy bí ẩn. Nghĩa là, từ một cái chết/ sự nằm chờ chết rất đỗi tầm thường tưởng như chẳng có gì để nói, nhưng qua việc kiến tạo một người kể chuyện đặc biệt - Phong là kẻ vừa hơi dở người, lại vừa có những năng lực đặc biệt khác người - nhà văn đã dựng lên cả một lịch sử bề bộn, sống động, một lịch sử mà những cái lộ thiên chỉ cho thấy rằng còn có biết bao nhiêu điều nữa vẫn chưa được khai quật hết.

Ở những tiểu thuyết lấy “một ví dụ xoàng” làm cái lõi của truyện kể như ba cuốn gần đây, có thể nhận thấy Nguyễn Bình Phương vẫn bảo lưu một cái viết đã định dạng phong cách và làm nên thương hiệu tiểu thuyết của mình. Đó là phương thức huyền thoại, thể hiện ở việc sử dụng các yếu tố huyền ảo và vô thức. Là sự trộn lẫn giữa các dữ kiện hiện thực với các giấc mơ quái đản và những cơn điên loạn. Và đương nhiên, cả bạo lực nữa. Trong tiểu luận “Bạo lực và mỹ cảm, Đọc “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương” (sách “Đọc tôi bên bến lạ”, Cty Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2016), nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi đã xác quyết rằng “Mình và họ” là “một cuốn tiểu thuyết đầy máu”, “ở trang nào độc giả cũng giẫm lên xác người”, “người ta giết hoặc bị giết bằng đủ mọi hình thức phương tiện, vì đủ mọi lý do”. Hai cuốn sau “Mình và họ” thì mức độ bạo lực không đậm đặc như thế, nhưng vẫn có. “Kể xong rồi đi” nhắc đến một chi tiết trong ký ức chiến tranh của Đại tá, rằng ông theo lệnh trên “giải quyết nhanh” sáu mươi tư địa phương quân “phía bên kia”, bằng dao, để rồi khi trở lại chiến trường xưa, ông gặp một đoạn suối dài toàn xương, và chỗ suối gấp khúc có cả một đống sọ người. “Một ví dụ xoàng”, ở phân đoạn kết truyện, kể một gã đàn ông cắt cổ vợ, chặt xác làm mấy mảnh cho vào bao tải chở đi, và tội ác chỉ bị phát hiện khi có một lão chuyên nghề giao thịt lợn thuê nghĩ rằng gã là kẻ cạnh tranh mối làm ăn với mình, chặn xe gã lại. Nhưng bạo lực ghê rợn nhất ở “Một ví dụ xoàng” chính là vụ lão Chính sát hại đồng nghiệp để cướp vàng: giết người xong, lão vẫn chọc nát nhừ đôi mắt kẻ xấu số rồi hất cái xác xuống vực. Chi tiết này sẽ dẫn trực tiếp đến motif “hồn ma báo oán” rất thường được Nguyễn Bình Phương lặp lại trong các tiểu thuyết của mình. Ấy là hình ảnh kinh dị của Bằng, con trai lão Chính, chồng Uyên, lúc lìa đời: “Trong ánh sáng mờ mờ, khuôn mặt Bằng như cục đất sét mới ngào, hơi rươn rướt với màu đỏ sậm. Máu, toàn máu, ràn rụa khắp mặt Bằng. Hai mắt Bằng cứ như bị ai chọc cho nát ra, chỉ còn hốc nham nhở, tơ tướp”.

Nói rộng ra, kinh dị, đó chính là thứ cảm giác mạnh, rất mạnh, mà các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương thường tạo được trên ấn tượng người đọc, cho dẫu nhà văn không hẳn đã có ý định viết văn chương kinh dị. Trong ba cuốn tiểu thuyết gần đây, nhất là trong cuốn “Một ví dụ xoàng”, thì sự kinh dị hiện lên ở mọi cấp độ, từ hành động của các nhân vật đến những không gian nhuốm một màu âm u ma quái. Hành động gây cảm giác kinh dị ở đây không chỉ là hành động bạo lực, giết chóc, mà chính là sự tha hóa nhân tính, sự “thú hóa người” bởi ham muốn tiền bạc, quyền lực và tính dục. Phân đoạn đầu tiên của Phần thứ hai trong “Một ví dụ xoàng”, kể chuyện Khách đến gặp lão Chính, bà Uyên và gã Quyết - những kẻ trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cha anh bị khép vào án tử - là một tuyệt bút về sự khốn cùng của tính người. Ở đó, các nhân vật đốp chát, bóc mẽ nhau như trong một thế giới mà Thượng đế đã chết. Ở đó, còn có những miêu tả sửng sốt gai người về mối quan hệ xác thịt bố chồng - con dâu: “Người quỷ quái, kẻ hung hăng, họ sinh động lạ thường, cụm vào nhau, xô dạt ra, vờn vẽo như hình ảnh trong cái đèn kéo quân. Ông Chính lồng lộn trên ghế, còn bà Uyên xoay mòng mòng quanh ông ta như con mèo xoay vờn con mồi. Hai cánh tay khẳng khiu của ông Chính lần mò quanh eo, mông và ngực của bà Uyên. Chỉ loanh quanh ở ba chỗ đó. Thi thoảng bà Uyên lùi khỏi ông Chính, ưỡn ngực về cái ban thờ có sáu chân dung trắng đen đang nhìn ra, sau đó túm tai ông ta lắc lắc mấy cái. Ông Chính níu nhằng lấy bà Uyên như một đứa trẻ níu mẹ”. Rồi tiếp đến, khép lại phân đoạn là hình ảnh một bầu trời đêm đầy bứt rứt bất an: “Và sao lên, với ức vạn những đốm li ti trắng dâng từ chân trời còn mờ tỏ đến tận đỉnh vòm lồng lộng. Cả bầu trời giống như một chậu xà phòng sủi bọt. Mỗi khi gió ào qua, những cơn gió đầy ngẫu hứng, quầng xà phòng ấy lay động nhòa đi, các đốm trắng chực dan díu vào nhau, nhưng rồi vẫn không thể kết dính thành mảng, mà cứ li ti trong nỗi mong manh rời rã”.

Tôi muốn nói rằng đây là một thứ mỹ cảm rất đặc biệt của Nguyễn Bình Phương. Và của tiểu thuyết Việt Nam nói chung, cho đến thời điểm này. Một nguồn mỹ cảm đủ mạnh để biến sự tha hóa nhân tính theo hướng “thú hóa người” cũng phải trở thành đối tượng của phản ánh nghệ thuật. Đủ mạnh để biến những ví dụ xoàng thành cái không hề xoàng của sự viết.

Hoài Nam

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy