
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Có lẽ chúng ta ít khi nhận thức rằng phần lớn các nghiên cứu khoa học, các lý thuyết, đều xuất phát từ châu Âu và gần đây là Âu Mỹ. Gần như hiếm thấy phát minh ngoài châu Âu, nếu có thì chủ yếu là các nghiên cứu nhỏ lẻ và các đóng góp đó không có tầm ảnh hưởng thật sự lớn. Đặc quyền về diễn giải xã hội, thế giới như chỉ nằm trong phạm vi Âu Mỹ. Nó như một trung tâm của học thuật mà các địa phương khác chỉ cố gắng học tập, mô phỏng, bắt chước. Trong những năm gần đây, hàng loạt các thuật ngữ Âu, Mỹ tràn qua khắp thế giới như: công nghệ máy tính, mạng xã hội… đã trở nên quá quen thuộc. Ngay cả việc dạy tiếng Anh, người da trắng luôn được ưu tiên lựa chọn cho dù họ không phải là người bản ngữ… Việc tôn sùng các giá trị châu Âu và Mỹ đem lại nhiều đặc quyền cho họ. Phải chăng đó là cái bẫy dành cho tri thức ở các nước vốn là thuộc địa? Nói các khác phải chăng chúng ta vẫn đang rơi vào tình trạng lệ thuộc. Để diễn giải rõ hơn về vấn đề này, ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, cộng đồng nghiên cứu, học thuật chủ yếu vẫn cố gắng diễn giải lại các khác niệm của châu Âu, hay các phát minh của chúng ta cũng chỉ là sự mô phỏng bắt chước họ. Chúng ta hoàn toàn dẫm vào những bước chân mà họ đã đi qua. Tất nhiên, có thể nhiều người cho rằng, đó là sự đi tắt đón đầu xu thế, nhưng nhìn ở phương diện khác đó cũng chính là cách chúng ta tự chấp nhận châu Âu ưu việt hơn chúng ta. Điều đáng lo ngại là các trí thức có vẻ hoàn toàn yên tâm về những khái niệm, thuật ngữ vay mượn đó như một sự chấp nhận mặc định rằng: Âu Mỹ ưu việt hơn các khu vực khác. Đây cũng chính là lí do mà thế kỷ 19, 20, các nước châu Âu dùng để đô hộ các quốc gia khác. Một lý do hết sức bịa đặt rằng: chúng tôi tới để khai hóa văn minh cho các bạn. Nó tạo nên nguy cơ lớn hơn đó là sự thiếu vắng những con người có khả năng suy nghĩ và lý giải về cộng đồng của chúng ta. Chúng ta thiếu nhưng nhà nghiên cứu thực thụ, những người có thể mở lối đi cho cộng đồng. Sự yên tâm về chân lý, về trí thức thể hiện khá rõ trong các hoạt động của các nhà nghiên cứu xã hội, văn hóa… Họ thiếu mất sự phê phán về các lý thuyết cũng như thực tế xã hội. Điểm qua các công trình nghiên cứu trong các trường đại học hiện nay, thì kết cấu của một luận văn, luận án chủ yếu là: chương một: lý thuyết cơ bản; chương 2, 3: ứng dụng lý thuyết vào đối tượng. Nó phản ánh nghiên cứu như một cái máy hơn là hành động tư duy. Sự yên tâm về trí thức được vay mượn ấy còn thể hiện ở việc các nhà nghiên cứu, các nhà xã hội ít khi chịu đọc nhau. Họ yên tâm về những thứ họ thu lượm được. Một giả thuyết được đưa ra là, chúng ta một lần nữa rơi vào cái bẫy trung tâm hóa Âu - Mỹ. Thế giới như một hệ thống thứ bậc của tri thức mà Âu - Mỹ là số một, ngoài Âu Mỹ chỉ là thứ cấp. Nói như vậy có nghĩa là chúng ta đã tự tước đi quyền suy nghĩ của mình và lệ thuộc vào thứ bậc bất bình đẳng đó. Đó cũng là giả định mà Đinh Thế Phong đưa ra trên Tạp chí Tia sáng: “Các nước đang phát triển gặp trở ngại không phải chỉ vì ít hiểu biết mà có khi lại do biết “quá nhiều”; họ “mắc” vào những cái “Bẫy” Tri Thức (Knowledge Trap), đặc biệt trong việc tiếp thu tri thức khoa học - công nghệ, sáng tạo - đổi mới và kinh tế từ các nước phát triển. Điều này nghe tưởng chừng phi lý nhưng lại có thực và được một số học giả đề cập đến gần đây.” Nói về vấn đề này giáo sư Syed Farid Alatas trường Đại học Malaya cũng cho rằng cộng đồng trí thức ngoài châu Âu cần có một sự dũng cảm. Dũng cảm ở đây, chúng ta có thể hiểu là dũng cảm đối mặt với hiện thực chúng ta đang đánh mất khả năng suy nghĩ và lý giải và xa hơn là dũng cảm đối mặt với sự bất bình đẳng về tri thức.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...