Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:10 (GMT +7)

Bất lực của sự hữu hạn

(Đọc tập thơ “Sân bay” của Nguyễn Nhật Huy, Nxb Đại học Thái Nguyên, 2021)

Tác giả Nguyễn Nhật Huy sinh năm 1987 tại thành phố Thái Nguyên; hiện là nghiên cứu sinh tại Đài Loan.

Giải thưởng: Giải Ba sáng tác “Người đô thị” của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Đà Nẵng; Giải Nhì thơ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên; Giải Ba truyện ngắn của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên; Giải Thanh thiếu niên bình chọn trong Cuộc thi văn học dành cho người nhập cư tại Đài Loan năm 2018 và 2019.


Định mệnh làm người chằng níu vào sự đau khổ. Tâm thế li thân khởi động cho những ẩn ức khi người thơ tự nhận mình chỉ là “một giọt mực nghèo nàn” nhưng lại “mơ làm một con chim đập cánh bay qua dòng xe cộ” để “tưới giấc mơ mình tan loãng trong sương”…

Thế giới của Nguyễn Nhật Huy phản chiếu một thực tại trong hành trình truy tìm quá khứ, là trạng thái bâng lâng dịu ngọt của “những ngày còn lênh loáng đắm say”, “trong một ngày lên men nhiều nỗi nhớ”. Khi ngộ ra thế giới tâm hồn của mình chỉ là “những mảnh cũ/ long lanh nảy mầm” cũng là khi nhà thơ bần thần nhận ra sự đơn độc, bất lực của một người “không thả nổi phút cô đơn theo dòng nước/ mãi ngắm nhìn sắc hoa cũ ngập sương”, để rồi, đôi khi, đoạn tuyệt với chính mình “ném đi chiếc bóng mình sũng ướt”…

Chính bởi vì “cuộc đời không dễ lau như ô cửa” nên người thơ ấy buộc phải “nhặt muộn phiền về xây tổ” như một ước định tâm hồn.

Trong cái khuôn thức chật căng của hình hài, không có đường biên để ngăn giữ và níu kéo những vong loạn của ý nghĩ, đành phải chấp nhận bất lực mà vọng thị thơ ngạo nghễ bay lên. Thanh thoát trong sự dung tục, háo hức trong những quen thuộc, cải tạo thế giới chật chội và đơn tẻ bằng sự khoáng đạt của những mật ngôn ám dụ, Nguyễn Nhật Huy neo mình vào thế giới của riêng anh. Ở đó, anh tự do biến hình để săn đuổi những đam mê hoài vọng: “Bóng anh bay trên mái nhà mùa đông/ như muốn bung ra khỏi thành phố”. Cảm giác của loài chim được tự do bay lượn để quan sát thế giới tạo ra một mĩ cảm đặc biệt-mĩ cảm của sự tiếc nuối về một thế giới không vẹn toàn và không bình lặng: “Anh thích nhìn thế giới như chiếc chai vỡ/ Bởi trong đó có sự nuối tiếc vẹn nguyên”. Đó là thế giới của “một vũng tôi” đang “bò qua những con đường, thành phố, biển khơi” để thấy “ánh đèn nào cũng nhạt nhòa”, đang “bay qua vùng biển xanh và bức tường thành cao vút/Bay qua những hàng rào thép gai/ Bay qua màu da, tiếng nói”… để rồi chợt nhận ra một sự cô đơn khủng khiếp: “bên vũng nước ngày hôm qua trên đường/ mình còn sót lại”.

Cảm giác người thơ luôn lạc lõng trong thế-giới-người, một thế giới bấn loạn của ý thức. Thoát ra khỏi cái thế giới ấy bằng đôi cánh của loài chim là hành trình tìm đến tự do của thơ anh. Chỉ có vô thức mới chứa đựng/dung nạp nổi cái khuôn cỡ vừa quá khổ vừa không kiến định nổi hình hài. Vậy nên, anh cứ mơ hồ thế, bảng lảng thế mà hiện hữu. Thơ Nguyễn Nhật Huy là những đoản khúc tự sự, là cuộc trò chuyện với chính mình hay một cuộc truy vấn đến tận cùng chiều sâu bản thể, khó mà rành mạch. May mà ở anh, sự kiên nhẫn chịu đựng, cơ hồ lại trở thành một khoái cảm thẩm mĩ. Niềm tin, từ đó, có cớ để nảy mầm: “Chỉ còn một giọt nhựa/ lòng mình vẫn bám rễ mà leo lên”.

Với tâm thế của một người “nhìn những đám mây quá lâu/ anh nghiện bầu trời lúc nào không biết” thì “sân bay” là một liên tưởng gần. Sân bay là khởi điểm hay là trung điểm của một hành trình, điều đó không/chưa thật sự quan trọng. Quan trọng là ở đó, ta có được cảm giác lâng lâng đầy kích thích của người sắp được vân du trên bầu trời. Sân bay thơ của Nguyễn Nhật Huy là khoảng lặng, là sự cô đọng dồn nén chờ đợi một cất cánh thăng hoa. Hướng tới một bầu trời khác, một không gian khác, với Nguyễn Nhật Huy, không phải là đích tới của sự khám phá, mà là sự khởi đầu của một cái tôi bản thể đau đáu và mãnh liệt để làm mới mình và vượt qua mình.

Đọc thơ Nguyễn Nhật Huy, có cái thú cảm của người như vừa được cởi thoát khỏi hình xác nặng nề, mà thư thái nhẩn nhơ phiêu du ngắm cuộc nhân gian đầy bấn loạn, nhận ra sự vô vi cũng là một hạnh diệu ở đời. Tuy luôn phải vất vả, chật vật để kiềm soát sự xô dạt của cảm xúc về lí trí, vẫn đăm đắm một tín niệm, người thơ ấy khó mà đo đếm được giới hạn của mình, khi mà phía trước anh, luôn luôn hiện hữu những đường băng.

“Sân bay là nơi khởi đầu một hành trình. Sân bay là nơi tôi không biết mình thuộc về đâu, mình đứng ở biên giới quốc gia nào. Sự mất phương hướng đau đớn ấy chỉ kết thúc khi máy bay cất cánh và xuyên qua những đám mây để tôi thấy cái nhỏ bé của cuộc đời. Sân bay cũng là cảm giác những năm tháng tôi thấy lạc lõng nhất mà viết. Viết cho một hướng đi, một sự suy tưởng và viết cho một sự trở về”

(Tự bạch của tác giả)

Nguyễn Kiến Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy