Chủ nhật, ngày 29 tháng 12 năm 2024
09:56 (GMT +7)

Bão và sống chung với bão?

VNTN - Cơn siêu bão Mangkhut càn quét quốc gia Philippines và còn hoành hành cả vùng biển Trung Quốc, rồi làm mưa làm gió vùng Đông bắc Việt Nam. May là khi vào nước ta, cơn bão suy yếu chỉ còn là áp thấp nhiệt đới, nhưng vẫn gây ra mưa to trên diện rộng, đe dọa những cơn lũ quét, sạt lở núi, ngập lụt, cuốn theo nhiều thiệt hại vật chất và con người… Trước đó, cơn bão số 5 vẫn còn chưa tan hết hoàn lưu, rồi truớc đó nữa các cơn bão số 4-3-2-1 vẫn còn đang trong tình trạng khắc phục thiệt hại.

Ảnh minh họa

Việt Nam ta từ ngàn xưa đã là nơi hứng gió bão nhiệt đới từ Thái Bình Dương mỗi năm trung bình trên dưới 10 cơn bão lớn nhỏ, việc chống bão đã thuộc về "kỹ năng" tồn tại từ mấy ngàn năm trước. Chẳng thế mà chúng ta có huyền thoại “Sơn Tinh- Thủy Tinh” vẫn còn sống động cho đến tận thế kỷ 21 này...

Nhưng điều đáng nói là, tại sao mỗi lần bão vào Việt Nam, cho dù có chuẩn bị, có đề phòng, có rất nhiều cảnh báo phòng chống thiên tai lũ lụt từ trước bão, sau bão…, vậy mà lần nào cũng xót xa chuyện người chết, nhà sập, đê - kè bị vỡ, ngập lụt mênh mang, cây đổ ngổn ngang, gia súc chết trôi, mùa màng thất bát... Sau đó là thống kê thiệt hại, là cứu trợ, hết của Nhà nước đến các tổ chức đoàn thể, cá nhân... Điệp khúc này hàng năm lặp lại không biết bao lần, đến nỗi chỉ cần nghe sắp có bão, là mọi người hình dung ngay chuyện sẽ chuẩn bị cứu trợ cho người dân vùng bão…. Và cứ nhìn hình ảnh trên truyền thông thông tin về bão hàng mấy chục năm nay, gần như chẳng có gì khác biệt, thậm chí chỉ cần thay đổi ngày tháng, và vài tên riêng, thì cứ y hệt nhau.

Nói chuyện bão lũ, cộng đồng xã hội chia sẻ không ít những băn khoăn, không lẽ các nhà hoạch định chiến lược phát triển quốc gia không nghiên cứu cho “điệp khúc” trong bão và sau bão thay đổi? Nếu tính thiệt hại kinh tế do bão mỗi năm cũng “đổ sông đổ biển” hàng chục ngàn tỉ cộng lại, chưa kể thiệt hại về người. Tại sao chúng ta không thể “sống chung” với bão, giảm thiểu tối đa sự thiệt hại do bão lũ gây ra?

Người ta nói đến việc phải làm thế nào để có một cái “nền” vững chắc, từ những công trình xây dựng phục vụ dân sinh, cộng đồng mang tính bền vững, chất lượng cao, chứ không phải xây dựng gian dối chỉ một trận bão lũ quét qua là hư hỏng sụp vỡ, để những thiệt hại tăng cao gấp nhiều lần… Cho đến việc các nhà khoa học nông nghiệp nên chăng cần nghiên cứu đề ra những phương án nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp hợp lý trong thời vụ, tránh rủi ro khi chưa kịp thu hoạch sản phẩm thì gặp thiên tai bão lũ… Và quan trọng nhất là việc chuẩn bị từ gốc cho người dân vùng bão lũ những kỹ năng phòng chống thiên tai với một tinh thần hiểu biết và tự giác, tuân thủ những quy định trong phòng chống thảm họa thiên tai. Không thể cứ “nước đến chân rồi mới nhảy”, hoặc mang tâm lý tạm bợ trông chờ cứu trợ.

Ảnh minh họa

Chúng ta biết đến Nhật Bản, đất nước tọa trên vành đai lửa Thái Bình Dương, "sở hữu" tới 10% lượng núi lửa đang hoạt động trên thế giới, gần như bất cứ lúc nào, người dân cũng phải đối mặt với nguy cơ bão đại dương, sóng thần, động đất xảy ra. Mỗi năm Nhật Bản phải gánh chịu khoảng 20% (khoảng hơn 126.000 các trận động đất lớn nhỏ, theo thông tin của Bộ xây dựng Nhật Bản) các trận động đất trên toàn cầu, trung bình cứ 4 phút xảy ra một trận động đất… Thế nhưng, chính đây lại là quốc gia có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, dẫn đầu về sự sẵn sàng chống chọi. Giáo dục ở Nhật Bản không quan trọng trẻ con phải biết đếm từ 1-1000 khi chập chững vào lớp mầm non, không đặt mục tiêu khi con vào lớp 1, phải biết giao tiếp bằng tiếng Anh… Bài học đầu tiên người Nhật dành cho con trẻ chính là kỹ năng sinh tồn, ứng phó với những tình huống thảm họa thiên nhiên, tai nạn…. và đây là hành trang tối cần thiết để được tồn tại. Kỹ năng sống là câu chuyện xuyên suốt, ăn sâu vào tiềm thức, quyện vào cuộc sống đời thường của mỗi người dân ở quốc gia này.

Có lẽ ở Việt Nam, chỉ có người dân vùng Tây Nam bộ hiện đang thực hiện mô hình “sống chung với lũ”, và biến lũ thành “tài nguyên” trời cho để làm lợi cho mình, như việc đánh bắt thủy sản, lũ về mang phù sa Mekong cho đất đai màu mỡ, mùa vụ sẽ tăng năng suất…, lũ muộn hay ít lũ thì xem như vụ “mùa lũ” thất bát. Nhưng không phải nơi nào cũng có thể thu lợi từ bão lũ như thế, vậy nên các vùng bão lũ ở miền Trung, miền Bắc nên có chiến lược “thu phục” bão lũ, ngoài việc phòng chống “chất lượng cao”, còn là tập cho người dân “sống chung” với bão lũ bằng chính môi trường sống thích ứng cao, giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước