
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Tuần qua, trong khi cả nước từng phút dõi theo tình hình mưa lũ trên những rẻo đất vùng cao thì khắp mạng xã hội, có một cơn bão khác cũng quấn lấy tâm trí hàng vạn sĩ tử, giáo viên, phụ huynh học sinh. Đó là cơn bão quanh những đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia dành cho lứa học trò thời kỳ 10x.
Điều có thể nhìn thấy rất rõ là đề thi tốt nghiệp năm nay vượt hẳn các năm trước ở độ khó, đối với tất cả các khối ngành và phân môn. Rất ít thí sinh ra khỏi phòng thi trong sự thoải mái, mãn nguyện; rất nhiều người có chuyên môn, thậm chí Giáo sư, Tiến sĩ khoa học phải thừa nhận rằng, họ không đảm bảo sẽ giải được cả 50 câu trắc nghiệm trong vòng 90 phút làm bài, kể cả khi tâm lý hoàn toàn thoải mái. Toán, Sử, Anh, Sinh, Hóa… đều có diễn biến chung như vậy, và theo lý giải của đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo, thì mức độ kiến thức ấy mới đủ để phân hóa thí sinh bởi “một đề thi hai trong một mà ai cũng có thể làm được là một đề thi hoàn toàn thất bại”. Quan điểm của Bộ nhận được sự đồng thuận của nhiều người. Những xôn xao dần lắng lại, ngoại trừ môn Ngữ văn, môn thi đầu tiên nhưng dường như sự ồn ào vẫn chưa kết thúc trong những luận bàn của mọi người.
Nguồn: Internet
Nhớ lại 3 năm trước, sau khi những dòng thơ của Lưu Quang Vũ được trích dẫn trong đề thi, hai từ khóa “đất cày” và “bùn” đã thành tâm bão trên mạng xã hội. Cuộc chiến đất - bùn thu hút cả một cộng đồng đông đảo tham gia với bao hỷ nộ ái ố. Năm tiếp theo, người ta lại hò nhau mổ xẻ cụm từ “thấu cảm” với những biện dẫn trên trời dưới bể, biến một từ có lẽ không quá khó hiểu thành một mớ bòng bong mà các chuyên gia ngôn ngữ học, tâm lý học cũng phải toát mồ hôi mới có thể tiếp cận.
Tiếp nối kịch bản đó, đề thi tốt nghiệp Ngữ văn 2018 gây tranh cãi khi đặt ra vấn đề đánh thức tiềm lực đất nước - một vấn đề chính luận khá sắc sảo và mang hơi thở đương đại. Những title bài gây sốc như “Đề thi Văn đã có sai sót”, “Đề thi làm khó học sinh”, “Hoang mang cách chấm thi môn Ngữ văn”… khiến một số phụ huynh đứng ngồi không yên, một số khác nuôi suy nghĩ AQ rằng hóa ra con mình không kém mà là đề sai, đề kém. Bên cạnh đó, câu hỏi nghị luận văn học xưa nay vốn hiền hòa, ít bị soi mói thì lần này cũng bị phê bình là dài, khó, trừu tượng, khập khiễng… Tranh luận nổ ra với muôn hình vạn trạng cách thức thể hiện: thơ châm có, tranh biếm họa có, tâm thư trên trang cá nhân có, ý kiến trả lời chính thống cũng rất nhiều. Khoa học và hằn học, tung hô và đả kích, cái đúng và cái sai như thế cuốn lấy nhau như một cơn lốc tố. Chỉ có điều, hình như nhân vật chính - những sĩ tử, giáo viên lại tương đối bình thản trong cuộc cãi vã đó.
Tranh luận về đề thi, về chương trình học là tín hiệu đáng mừng. Môn Ngữ văn có bị lạnh nhạt bao nhiêu thì ít nhất, sẽ có một lần trong năm, cả nước để ý đến nó, biết được các em đã và đang học những gì, hiểu được văn học ngày nay không đơn thuần chỉ là phân tích, bình giảng mây, gió, trăng, hoa mà còn là khoa học hành ngôn đầy ý nghĩa thực tiễn giúp hoàn thiện kỹ năng của một công dân thời đại. Phản ứng dư luận là cần thiết để kịp thời điều chỉnh sai sót, thảo luận cách đánh giá bài thi để người học không thiệt thòi nếu có góc nhìn khác biệt. Người yêu Văn cũng nên tự hào, vì rõ ràng, Văn học là lĩnh vực của cuộc sống đời thường, dễ tạo cảm hứng, kể cả có là “cảm hứng phê phán, bác bỏ”. Nhưng những can thiệp thái quá vào đề thi, những phát ngôn gây sốc khi chưa đủ cơ sở, những a dua hội đồng của các anh hùng bàn phím, những công kích mang động cơ cá nhân, những tâm thư để đánh bóng cho cái tôi của chính mình… đều đem đến những hệ quả không mong muốn, đặc biệt đối với tâm lý các sĩ tử, khi mà Ngữ Văn luôn ở vị trí môn thi đầu tiên.
Văn học là cuộc đời, nhưng đề thi là phạm trù chuyên môn, và vì thế, những đúng sai quanh chuyện đất, bùn, thấu cảm hay tiềm năng, nguồn lực, không thể được kết án nhanh bằng một câu “chém gió”…
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...