Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Sli của người Nùng gắn với phát triển du lịch
Lạng Sơn, mảnh đất biên cương phía Bắc của tổ quốc, nơi đây không chỉ được thiên nhiên và tạo hóa ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã đi vào thi ca của dân tộc mà nơi đây còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, đặc sắc.
Trong vô vàn những những di sản ấy, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng đã tạo nên những gam màu đặc trưng riêng biệt, là điểm nhấn của văn hóa xứ Lạng. Nhắc đến làn điệu hát Sli của đồng bào Nùng như khơi dậy trong tâm khảm mỗi người dân xứ Lạng về một miền quê đầy cảnh sắc với hoa mận, hoa đào, những câu hát giao duyên của các chàng trai cô gái trong ngày hội Lồng Tồng. Những làn điệu hát dân ca ấy như sợi dây vô hình đã từ lâu ăn sâu, bén rễ tạo thành tình yêu mãnh liệt với quê hương, đất nước, là mạch nguồn giá trị, là tài sản tinh thần vô giá được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
1. Khái quát đặc điểm di sản Sli
Sli có từ bao giờ? Đây là câu hỏi khó có câu trả lời thỏa đáng, nhưng chắc chắn rằng từ khi đồng bào Nùng biết sử dụng ngôn ngữ kết hợp với âm nhạc thì Sli cùng có mặt và đồng hành với đời sống văn hóa tinh thần của họ. Lạng Sơn có ba nhóm Nùng chính là Nùng Phàn Slình, Nùng Cháo và Nùng Inh. Người Nùng hiểu Sli chính là thơ - Thi 诗, đó là những khúc văn vần truyền miệng, có giai điệu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nùng Phàn Slình chủ yếu hát Sli Sloong hàu, Nùng Cháo thì hát Sli Sình làng. Nội dung chủ yếu là lối hát giao duyên của các đôi thanh niên nam nữ đang còn tuổi xuân thì.
Sli Sloong hàu: Sloong hàu nghĩa là hai người. Loại Sli này lúc nào hát cũng phải có một cặp, mỗi cặp Sli gồm hai người nam và hai người nữ chia làm hai bên, mỗi bên lại chia làm 2 bè; bè cao gọi là “heng kay” bè thấp gọi là “heng thoỏng” hay “heng loòng” hòa quyện với nhau. Lúc đầu vì chưa quen, chỉ thử nhau qua vài câu hát, nên các đội thường tụm năm tụm bảy, sau mới tách thành các đôi giao duyên kẻ nhả lời người đáp lại, cứ như vậy họ Sli thâu đêm suốt sáng. Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn có ba nhóm nhỏ là Cúm Cọt, Hu Lài và Khen Lài (Áo dài); Sli ở nhánh Phàn Slình Hu Lài thường hát, nhả chữ chậm hơn nhánh Cúm Cọt và Khen Lài.Tuy nhiên cơ bản họ lên giọng và chia bè như nhau.
Trích dẫn bài “Sli chao - khai khẩu” do nghệ nhân Lâm Bích Liêm cung cấp:
Phiên âm | Dịch nghĩa |
Đối: Sloong hàu dú đai chi cổn xướng Hing nhằng khảu pợn bố mì hơ Hing nhằng khảu pợn hàu sụ và Bồ mì sụ dà toóc lù hơ Đáp: Sloong hàu hâng lai bố đảy pạy Hing kheng pèn mạy tố nàn dơ Sloong hàu hâng lai bố đảy hùn Hing nhằng loòng cụn bố mì hơ
| Đối: Hai mình ở không thử xướng ca Thử xem hai giọng còn so được? Hai giọng còn hay thì ta hát Không thì bỏ cuộc ngay đây thôi Đáp: Hai mình đã lâu không hay hát Giọng cứng như cây khó mà hay Hai ta lâu ngày không tôi luyện Giọng còn so quyện nữa hay không |
Sli Sloong hàu tập trung vào những chủ đề: Sli vào bản (Sli khảu bản) mời thuốc, mời trầu, mời quả (Sli so din, so đâu, so mác; Sli bưn (Sli tháng); Sli cu mác, slì (Sli đố hoa quả, thì giờ); … rồi đến Sli moóc, đao đí, hai, phjia, nhản, lừ, hù tiệp… (Sli mây, sao, trăng, núi, nhạn, thuyền, hồ điệp… ).
Sli Sình làng:
Sình nghĩa là giới thiệu, mời chào, khoe tài. Làng nghĩa là anh - chỉ người nam giới. Với nội dung phong phú, không gian diễn xướng mang đậm dấu ấn văn hóa vùng biên giới, Sli Sình làng là lối hát giao duyên được truyền tụng trong dân gian qua nhiều thế hệ, đó là những di sản vô giá được trao truyền trong cộng đồng người Nùng Cháo ở Lạng Sơn. Vì là mẫu mực, được truyền tụng trong dân gian nên mới có chuyện các chàng trai cô gái khi đi hội thường có quyển sách Sli (tự chép) cất trong túi áo, cứ hễ bên kia đáp trả mà bên này không nhớ hoặc chưa kịp nghĩ ra câu đáp lại thì đã có quyển sách Sli làm bạn.
Sli Sình làng có hai cách lên giọng: Sli dằm là cách lên giọng, cần có sự tôi luyện, luyến láy và giọng hát cơ bản; còn Sli xướng chỉ cần hiểu niêm luật, cách hát, Sli xướng gần như một cách đọc thơ có nhịp điệu. Nếu Sli dằm là cách lên giọng để trổ tài ca hát, với giai điệu vui tươi, hào phóng đầy cuốn hút thì Sli xướng chú trọng đến giá trị của ca từ, quãng hát thấp, có màu sắc trữ tình đi sâu vào nội tâm người nghe.
Sli dằm thường có những câu lên giọng trước khi hát như sau:
1. Dì mầu à tì ới. Nghĩa là: Bạn ơi. Cách hát vùng Cao Lộc, Lộc Bình, thành phố Lạng Sơn.
2. Sli à Sli ới. Nghĩa là: Sli ơi. Cách hát vùng Văn Lãng, Tràng Định.
3. Nì à tì ờ hới. Nghĩa là: Bạn sli ơi. Cách hát vùng Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn
Sli Sình làng được đặt lời theo thể thơ tứ tuyệt, cũng có những khúc Sli cổ còn là những bài thơ Đường. Dưới đây xin trích bài Sli: “Nả mấư - khuôn mặt đẹp” :
“Nả mấư hăn căn nự phức sinh Bố rụ bố quén chắc lăng mình bố lụ bố quen chao nàn tụng tụng pay lao xá sáu nọng nình”...
| “Gặp nhau mặt đẹp thật là tươi không quen không biết tên là gì không quen chẳng biết chào thế nào chào đến sợ phạm húy em gái”… |
Nội dung Sli Sình làng chủ yếu tập trung vào ba phần là Sli giao duyên, Sli chúc tụng, Sli nai cỏ lảu. Ngoài ra còn có Sli tích truyện cổ.
Trong Sli giao duyên được chia làm hai phần là Sli ban ngày (Sli tằng vằn) và Sli ban đêm (Sli pài):
Hát Sli ban ngày (Sli tằng vằn) là những lời hát giao duyên của các 1 cặp (mỗi bên hai người 2 nam - 2 nữ; mỗi lần hát cùng một tông giọng, thường sẽ nói rì rầm vài câu nhắc nhau rồi mới lên giọng, nếu bạn hát của mình chưa lên giọng được thì có thể hát một mình, điều này khác với Sli Sloong hàu là bắt buộc phải 2 người hát với 2 bè cao thấp khác nhau) với các chủ đề Sli nả mấư (gặp mặt nhau); Sli chao (Sli chào); Sli kít (Sli kết duyên); Sli điếp (Sli yêu). Sli nả mâứ được coi là những khúc hát dạo đầu, những người mới học Sli, thường sẽ được bắt đầu bằng những bài này, với giai điệu hào sảng, từ ngữ bay bổng ví von.
Vào ban đêm với nhiều nội dung từ lúc các cặp hát tiến dần vào bản (Sli khảu bản) đến nhà bạn, mời vào nhà (Sli nai lừn); mời thuốc, mời trầu, mời quả (Sli so din, so đâu, so mác). Sau Sli mời trầu, thuốc là đến Sli hu khằm (Sli vào đêm); Sli tốc lò (Sli nhỡ đường); Sli bưn (Sli tháng); Sli kính lừn (Sli kính gia đình); Sli khẳn (Sli khen ngợi); Sli cu mác, slì (Sli đố hoa quả, thì giờ); … rồi đến Sli moóc, đao đí, hai, phjia, nhản, lừ, hù tiệp… (Sli mây, sao, trăng, núi, nhạn, thuyền, hồ điệp…). Đến giữa đêm các đôi sẽ hát Sli về các tích như Slam Péc Anh Tài (Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài), Mày Làng Dỉ (Mai Lang Dỉ)…
Sli chúc tụng được dùng trong các dịp lễ là chủ yếu như Lễ đầy tháng (an bioóc va); mừng sinh nhật người cao tuổi (hắt khoăn); Sli nai săn cha, nai mòi (đám cưới ), Sli cúng hỉ (Sli chúc mừng)… Sli chúc tụng đều nhằm nội dung chúc phúc, chúc những điều tốt đẹp nhất với đối tượng được chúc. Khi hát Sli chúc tụng thường người ta chỉ hát một mình, đối tượng được chúc nếu sẵn lòng đón nhận thì sẽ bày tỏ lòng cảm ơn bằng những câu hồi đáp.
2. Phát huy di sản văn hóa phi vật thể hát Sli của người Nùng Lạng Sơn gắn với phát triển du lịch bền vững
Ông Vi Hồng Nhân, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn kể lại, trong kí ức của ông những năm chiến tranh, người Nùng được biết đến là một dân tộc kiên cường, mặc cho bom rơi bão đạn, họ vẫn cứ Sli, vẫn hát ở chợ, gặp nhau vẫn vui vẻ Sli thâu đêm suốt sáng. Hát Sli được duy trì ở các chợ phiên trong tỉnh, đặc biệt là chợ Kỳ Lừa vào các dịp lễ hội xuân hay chợ phiên Háng Pỉnh - Chợ bánh nướng 12/8.
Trong cái tiết trời se se lạnh của mùa thu, khi mà công việc nhà nông đang bước vào thời gian nhàn hạ, bà con dân tộc Nùng ở Lạng Sơn lại nô nức trẩy hội Háng Pỉnh để hát Sli. Hội Háng Pỉnh đã hình thành từ rất xa xưa, gắn với ngày Tết Trung Thu.“Háng Pỉnh” tiếng dân tộc có nghĩa là chợ bánh nướng. Hội Háng Pỉnh ở thành phố Lạng Sơn được người Nùng rất coi trọng; năm nào cũng vậy đến hẹn lại lên, nhằm vào ngày chợ Khau Lừ (chợ Kỳ Lừa 12/8 âm lịch). Ngay từ sáng sớm, bà con đã kéo nhau nườm nượp ra các ngả đường. Việc đầu tiên trước khi ra chợ, các thiếu nữ Nùng Phàn Slình thường tạt qua một gốc cây nào đó để soi gương chỉnh trang khuôn mặt sao cho tươi tắn nhất, còn các chàng trai lại rủ nhau qua đầu chợ để thưởng thức món bún dân tộc (tiếng dân tộc là phẩn). Ăn sáng để lấy sức đi chơi chợ và trẩy hội, nhưng ăn sáng cũng là lúc gặp bạn bè tâm giao, tri kỷ, người thân ở cách xa nhau; vừa ăn sáng vừa nhâm nhi chén rượu men lá thơm thơm mới cất của các lái buôn, câu chuyện của các chàng trai người Nùng Phàn Slình càng thêm náo nhiệt. Với người Nùng, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc nội chợ và đảm đương nhiều phần việc thường nhật trong gia đình, vì thế họ phải đi chợ thật sớm để mua sắm các đồ dùng cho gia đình và tất nhiên họ không quên mua vài chiếc bánh nướng cho con trẻ. Họ đi sớm cũng một phần để trao đổi các loại nông phẩm, một phần là để dành thời gian để trẩy hội, được gặp bạn bè nhiều hơn và được hát Sli. Phảng phất mùi thơm của những chiếc bánh nướng từ các lò bánh của khu phố người Hoa dường như níu chân thực khách, không chỉ các bà mẹ mà cả các đôi thanh niên nam nữ; tiếng thỏ thẻ xen lẫn những tiếng cười khúc khích làm cho phiên chợ càng thêm náo nhiệt.
Gần tan phiên chợ, thanh niên nam nữ hò hẹn nhau ra các gốc cây trổ tài hát Sli Sloong hàu của mình. Bà Vy Thị Hằng ở xã Khánh Khê, huyện Văn Quan năm nay 57 tuổi nhắc lại: Ngày xưa khi mà còn trẻ, chúng tôi mê hát Sli lắm, có đôi ở tận Chi Lăng, Hữu Lũng cũng vì mê Sli mà đi tàu hỏa, lặn lội đường xa lên thành phố sớm, rải áo mưa để ngủ lại vào hôm trước (áp phiên), chờ đến sáng hôm sau được Sli, được gặp bạn bè…
Tiếng Sli mỗi lúc một ngân vang; lúc này khu chợ Kỳ Lừa không còn là trung tâm của việc tụ họp nữa mà các đôi tản dần đi dọc bờ sông Kỳ Cùng kéo nhau đến vườn hoa Đắc Lắc (tên gọi trước, sau này được xây dựng thành khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ bề thế hơn, sạch đẹp hơn như ngày nay). Màu đen nhánh của áo chàm tô điểm chấm trắng của người Nùng Hu Lài xen lẫn màu sắc sặc sỡ trên trang phục của người Nùng Cúm Cọt, màu xanh sí lâm (xanh nước dương) của các phụ nữ trung niên càng thêm rực rỡ, sinh động.
Tối đến các đôi Sli vẫn tụ tập hát ở chợ Kỳ Lừa, những ngóc ngách, sạp hàng đã dọn trở thành sân khấu cho những cặp Sli trổ tài. Họ hát đến thâu đêm, có những đôi Sli còn đố nhau như thách thức nhất là thanh niên trai tráng rượt đuổi khắp các ngõ ngách của phố chợ và cũng có nhiều cặp cũng nên duyên vợ chồng từ những cuộc Sli như vậy.
Sli Sloong hàu cuốn hút và mê những thanh niên nam nữ Phàn Slình là vậy, họ quý và yêu Sli như tâm hồn họ là vậy. Nhưng những năm sau 1975, phong trào Sli bị phai nhạt dần, thanh niên không còn hứng thú để học, để hát. Nguyên nhân của vấn đề này chủ yếu do nhiều yếu tố khách quan, sự giao thoa nhiều luồng văn hóa, âm nhạc nước ngoài, nhiều tập tục vòng đời cưới xin, mừng nhà mới, đầy tháng từ trang phục đến nghi lễ được cải tiến thậm chí xóa bỏ… đã ảnh hưởng phần nào đến đời sống dân ca nhất là Sli trong đám cưới. Nghệ nhân Lâm Bích Liêm là một giáo viên tiểu học đã từng viết một lá tâm thư gửi cơ quan văn hóa trăn trở về những mai một của câu Sli Sloong hàu của dân tộc mình và thốt lên rằng: “Phải chăng Sli đã trôi xuống dốc Sài Hồ hết rồi?”.
Đối với Sli Sình làng, những cuộc hát cũng đông vui và đầy màu sắc như Sloong hàu, không kém phần thi vị. Nghệ nhân nhân dân Hà Mai Ven, cây Sli Sình Làng nức tiếng xứ Lạng cho biết: Ngày xưa người đi hát Sli thường là các đôi thanh niên nam nữ đang còn tuổi xuân đi tìm bạn tình, đôi lứa. Họ hát trong đám cưới, ở chợ phiên nhất là khu vực chợ Kỳ Lừa, trong lễ hội Tồng Tồng,... Sli Sình làng một thời huy hoàng với những tên tuổi như ông Vương Viết Khoàng với dấu ấn một mình bê chiếc ghế băng ra giữa chợ hát cho đồng bào nghe. Ngày nay, khi mà xã hội đang ngày càng phát triển, thanh niên dân tộc tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau, Sli Sình làng đã bị lãng quên từ lúc nào không biết. Số lượng người biết Sli Sình làng không còn nhiều.
Trước thực trạng một số loại hình dân ca tiêu biểu của tỉnh dần bị mai một, năm 2010 những nghệ nhân, nghệ sỹ, nhà quản lý văn hóa nghỉ hưu, những người yêu mến dân ca xứ Lạng đã quyết tâm góp sức thành lập Hội Bảo tồn dân ca tỉnh, từ đó phong trào hát, học và dạy dân ca, chơi nhạc cụ truyền thống trở nên khởi sắc và dần đi vào nề nếp hơn. Các nhóm sở thích, câu lạc bộ thuộc Hội Bảo tồn dân ca đã tự nguyện ra hát ở khu vực công viên Chi Lăng, tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ, các chợ phiên, hội Lồng Tồng, hội Bắc Nga, Đồng Đăng, Kỳ Cùng – Tả Phủ... Cũng từ đó, hát Sli đặc biệt là Sli Sloong hàu dần hồi sinh và lan tỏa ở các huyện, thành phố.
Nếu như trước kia, người hát Sli chủ yếu là tìm hiểu yêu đương, thì nay người hát dân ca chủ yếu là đối tượng lứa tuổi trung niên. Họ đi hát là để tìm lại cảm xúc thời trẻ, để giao lưu văn nghệ và giữ gìn bản sắc của mình. Cho đến gần chục năm nay, đặc biệt từ khi thành lập Hội Bảo tồn dân ca tỉnh thì người hát Sli lại chủ yếu là đối tượng lứa tuổi trung niên quay trở lại hát Sli, đặc biệt là hát Sli Sloong hàu.
3. Những mong ước Sli được bảo tồn và phát huy thay cho lời kết
Dân ca vốn là tiếng nói tâm tình, là nguồn tinh thần, tài sản vô giá của cộng đồng các dân tộc và hát Sli của người Nùng cũng vậy. Nó quý giá là thế, đậm đà bản sắc là thế, nhưng để trao truyền cho các thế hệ trẻ cái nguồn tài sản ấy cũng đã và đang đặt ra một vấn đề khó khăn. Ông Triệu Văn Xuân chia sẻ: Cũng có lúc cái vốn hát Sli này phải tạm dừng một thời gian do kháng chiến. Mấy năm trở lại đây, khi mà đời sống kinh tế xã hội ngày càng phát triển, bà con đủ đầy hơn; đặc biệt từ lúc tham gia CLB Hát Sli xứ Hoa đào, bản thân tôi cũng là ủy viên CLB thì thấy phong trào hát Sli Sloong hàu trở nên rầm rộ và dần đi vào nề nếp hơn. Có lẽ Hội Bảo tồn đã là nơi đáp ứng được nhiều điều mong ước mà bà con gửi gắm. Năm nay tôi đã hơn 50 tuổi, nhưng vì yêu câu hát dân tộc nên đã đến Hội từ sớm, gặp bạn bè, tri kỷ, lại hát Sli…Chúng tôi mong muốn Sli sẽ được gìn giữ qua những lớp truyền dạy, nhiều câu lạc bộ được duy trì ở chợ phiên Kỳ Lừa, khu vực tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ...
Không gian diễn xướng Sli rất phong phú có thể hát ngoài chợ, gặp gỡ nhau cũng có thể hát, trong đám cưới, hội hè... có thể nói, Sli có nhiều “đất diễn”. Ngày chợ Háng Pỉnh - Kỳ Lừa, một trong những không gian lý tưởng để các thế hệ trẻ biết đến, hiểu thêm về một không gian sinh hoạt văn hóa đặc sắc, mang tính cộng đồng rõ rệt, biểu thị nhiều yếu tố cấu thành phong tục tập quán của của người Nùng. Qua đó, thêm yêu quý, trân trọng và giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.
Nhiều cuộc liên hoan dân ca, tuy nhiên chưa có một cuộc thi nào chuyên đề về giao duyên nói chung và hát Sli nói riêng, đó là dịp để tôn vinh Sli và nghệ nhân dân gian có cơ hội được khoe sắc, đua tài. Nghệ nhân nhân dân Hà Mai Ven mong muốn, chúng tôi sẽ được tham gia nhiều cuộc thi chuyên về dân ca trong đó tập chung về Sli, bình chọn và chấm điểm ngay tại cuộc thi, tại sân khấu thường nhật như chợ, hội truyền thống…; điều đó góp phần vào việc bảo vệ Sli trong thời buổi hiện nay, khích lệ tinh thần hát tự nguyện của các nghệ nhân ở mọi vùng miền, thỏa mãn sự hưởng thụ của nhân dân.
Giữa cuộc sống nhộn nhịp, bộn bề của thành thị, khi mà mỗi bước chân ngày một nhanh hơn, mỗi giờ, mỗi khắc là một sự thay đổi thì những câu Sli ấy, mỗi khi cất lên như nhắc cho mỗi người chúng ta thêm nhớ về nguồn cội. Tiếng hát ấy có khơi gợi nhiều người nhớ về một miền quê xứ Lạng thanh bình, nhưng ẩn chứa trong đó vẫn có hơi thở của cuộc sống mới, đủ đầy hơn, đa dạng hơn, tiếng Sli nức lòng như níu chân mỗi người khách phương xa. Ngay khu vực phố đi bộ chợ Kỳ Lừa có một sân khấu dành cho dân ca, dân vũ và nhạc cụ truyền thống; tuy nhiên chúng tôi nhận thấy sự thiếu hụt những màu sắc bản địa, nhất là những cú hích cho sự hồi sinh của Sli và hát dân ca. Những chương trình nguyên bản, không gian diễn xướng thực sự của Sli chưa cởi mở, vẫn còn nặng sân khấu hóa, chưa xuất phát từ thực tế nhu cầu của người dân.
Ước vọng của những người yêu dân ca nói chung và hát Sli có lẽ sẽ còn nhiều, thời gian sẽ qua đi và những người như nghệ nhân nhân dân Hà Mai Ven, nghệ nhân Lâm Bích Liêm, ông Triệu Văn Xuân, Vi Thị Hằng sẽ già đi và những câu Sli liệu có còn mãi với thời gian. Đó cũng là những trăn trở, những thách thức cho công tác bảo vệ và phát huy trong cộng đồng. Với phương châm “biến di sản thành tài sản”, tạo sinh kế, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Qua đó góp phần tô điểm làm phong phú, đa dạng thêm hành trình khám phá về những vùng đất và con người xứ Lạng. Hy vọng Sli và các loại hình dân ca khác là một trong những loại hình sản phẩm du lịch bền vững, không chỉ được hồi sinh mà sống mãi trong lòng khán giả cả nước mỗi khi nhắc và nhớ về thành phố Lạng Sơn, thành phố miền biên ải xứ Lạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta trước lúc đi xa chỉ muốn được nghe một đôi khúc hát dân ca, Người muốn đem tận vô cùng bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông. Dân ca - thấm đẫm hồn quê, là những khúc hát lưu truyền ngàn đời xưa để lại; để dân ca thực sự tuôn chảy theo thời gian năm tháng thì cần có nhiều giải pháp dài hơi, bền bỉ, bước đi thận trọng, cần sự chung tay bảo vệ của cộng đồng. Di sản văn hóa phi vật thể nói chung và hát Sli là một bộ phận quan trọng và quý giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, là tài sản của các thế hệ đi trước trao truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Việc bảo tồn, giữ gìn các di sản văn hóa chính là thể hiện cụ thể tinh thần yêu nước, sự biết ơn của chúng ta đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, đó là cội nguồn, đồng thời là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo tinh thần Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đào Duy Anh (1996), Từ điển Hán - Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Lưu Thị Tần, Mã Thế Vinh - Sli slình làng, Trung tâm văn hóa Thông tin tỉnh Lạng Sơn (2010);
- Nguyễn Duy Bắc, Nguyễn Văn An - Thơ ca dân gian Xứ Lạng- NxbVHDT (2001);
- Vương Viết Khoàng - Sli Sình Làng, Sở Văn hóa Thông tin Lạng Sơn (1987);
- Phương Bằng, Lã Văn Lô (1992) - Lượn slương. H., Nxb Văn hóa Dân tộc tr. 6-7
- PGS.TS Vương Toàn - Thêm một dẫn chứng về giao lưu và tiếp biến văn hóa ở vùng ven biên giới Việt - Trung (tr. 3-6)
- Nghệ nhân nhân dân Hà Mai Ven, 54 tuổi, Ủy viên BCH Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn;
- Nghệ nhân Lâm Bích Liêm, 56 tuổi, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh./.
Hoàng Việt Bình
(Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn)
2 đã tặng
0
1
0
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...