Bạo hành trẻ em – nỗi đau nhức nhối
VNTN - “Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có 3.000 - 4.000 vụ bạo lực với trẻ em được phát hiện, trong đó có khoảng 1.000 vụ trẻ em bị hiếp dâm, khoảng 100 vụ trẻ em bị giết hại”. Những con số công bố trên báo chí làm lòng người nhói đau. Bài viết này chỉ đề cập đến nạn bạo hành trẻ em lứa tuổi mầm non thời gian gần đây, mà kẻ thủ ác đội lốt người chăm sóc.
Đầu năm 2017, dư luận chưa hết sôi sục căm phẫn vì một cô giáo dùng dép đánh vào đầu học sinh tại trường mầm non tư thục Sen Vàng (TP Hồ Chí Minh), thì lại bừng bừng đau đớn trước hình ảnh do camera bí mật ghi được 3 cô giáo trường mầm non tư thục Mầm xanh (cũng ở TP Hồ Chí Minh) dùng chân, tay, ghế, chổi… làm dụng cụ “tra tấn” các cháu bé từ 12 tháng đến 5 tuổi. Đâu phải đã hết, thỉnh thoảng, một sự thật lại hé lộ, đứa trẻ này bị bóp mồm tống cháo, đứa trẻ kia bị dìm đầu vào thùng nước, đứa trẻ nọ bị trói chân tay bắt ngủ...
Mới đây, tháng 5/2018 này, một sự việc gây rúng động dư luận: Đứa bé vài tháng tuổi tại nhà trẻ tư thục Mẹ Mười (Đà Nẵng) bị lột trần truồng, bắt ăn trong tình trạng ghì chặt chân tay, cháu chỉ biết giãy giụa và khóc thét trong đau đớn.
Những sự thật đau lòng chúng ta thấy được chỉ là ít, rất ít so với những gì đang và đã diễn ra. Bởi, sau cánh cửa mỗi cơ sở trông giữ trẻ là thế giới riêng của cô và cháu. Những đứa trẻ ở tuổi “mồm ăn thì có mồm nói thì không” còn quá yếu ớt và non dại, chúng chưa biết mách người lớn về những điều kinh khủng chúng đang phải chịu đựng. Đáng sợ hơn, việc hành hạ trẻ trở thành phương pháp giáo dục của không ít bảo mẫu. Trước cơ quan pháp luật, họ khai rằng họ làm thế để trẻ ngoan hơn, chịu ăn hơn. Như vậy, việc “dạy dỗ” kiểu nguyên thủy này không phải bột phát và đơn lẻ.
Xót thương biết bao những thân phận trẻ em ngây thơ bé bỏng đã sớm phải chịu nỗi đau tinh thần và thể xác. Sự sang chấn tâm lý, nỗi sợ hãi tuyệt vọng còn ám ảnh các em không biết đến bao giờ?
Sau mỗi sự việc bị phát giác là ồn ào dư luận. Những chia sẻ, những lời bình luận… như dòng thác sôi sục, đòi những kẻ gây tội phải bị trừng trị đích đáng. Tuy nhiên, dường như mọi thứ ồn ào chỉ như “đá ném ao bèo”, rồi đâu lại vào đấy, trẻ em tiếp tục bị bạo hành âm thầm hoặc công khai dưới nhiều hình thức.
Ngược thời gian, năm 1990, Việt Nam chúng ta là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Chỉ 1 năm sau đó, ngày 12/8/1991, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII, các đại biểu đã thông qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Và tại Kỳ họp thứ 11, ngày 5/4/2016, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Trẻ em với 7 chương, 106 điều. Ngoài Luật Trẻ em, Việt Nam còn nhiều đạo luật khác như Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Lao động, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và hàng trăm văn bản dưới luật quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đoàn thể trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Một “rừng” văn bản như vậy nhưng biện pháp hữu hiệu để chặn đứng việc bạo hành trẻ em thì còn rất ít. Đến nay người ta vẫn kêu gọi lương tâm của bảo mẫu; vẫn tranh cãi xem có nên lắp camera giám sát các cơ sở trông giữ trẻ hay không vì sợ tạo áp lực lên các thầy cô giáo!?
Nhìn lại các vụ bạo hành, nạn nhân chủ yếu là con cái người nghèo. Bố mẹ chúng đa phần là công nhân làm ca kíp trong các khu công nghiệp. Vì thu nhập thấp, họ cắn răng gửi con vào nhà trẻ tư thục với giá rẻ. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 2,1 triệu công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, hơn 80% trong số này là nữ và hầu hết đều trong độ tuổi có con nhỏ, chỉ 20% cháu được trông giữ tại các nhà trẻ trong khu công nghiệp, còn lại phó thác cho người trông trẻ gia đình hoặc các cơ sở trông trẻ tư nhân.
Ở Thái Nguyên nói riêng, hiện có 6 khu công nghiệp, với hơn 100 nghìn lao động, trong đó trên 75% là lao động nữ, nhưng đến nay tại các khu công nghiệp này đều chưa có một trường mầm non nào dành riêng cho con công nhân, lao động. Xem/biết về những vụ bạo hành con trẻ, hẳn rất nhiều bậc cha mẹ nơm nớp lo lắng. Chúng ta hẳn nên kỳ vọng về một giải pháp, rằng các chủ doanh nghiệp có thể tổ chức cơ sở trông giữ trẻ cho con công nhân; và nhà trẻ này cần được giám sát qua camera cùng với các bộ phận sản xuất khác trong doanh nghiệp.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, câu khẩu hiệu đó dường như ai cũng thuộc. Nhưng làm gì để bảo vệ trẻ em thì không thể chỉ dừng ở hô khẩu hiệu.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...