Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
21:28 (GMT +7)

Bao giờ thôi “xử lý nghiêm”?

VNTN - Đưa ra câu hỏi này rất có thể bị coi là vớ vẩn, thậm chí là “phản động”, bởi mọi vấn đề (vi phạm) nếu không được xử lý nghiêm thì còn đâu là kỷ cương phép nước. Nói một cách dân dã hơn thì không nghiêm có mà “loạn”. Nhưng xin mọi người hãy bình tĩnh và đứng ở góc nhìn khách quan để trả lời câu hỏi: Tại sao suốt mấy chục năm nay, cứ mỗi khi nhận thấy cần phải ngăn chặn những biểu hiện vi phạm pháp luật, ở hầu hết các quy định Nhà nước (đã trở nên phổ biến), và nhất là ở các đợt “ra quân”, thì các cấp, các ngành đều ban hành thêm Chỉ thị để nhắc nhở và nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm tất cả các trường hợp không chấp hành?

Nghi vấn này chẳng quá khó để có câu trả lời, đơn giản chỉ có thể là: do trước đó hoặc đâu đó chưa bao giờ xử lý nghiêm, hoặc chỉ xử lý theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, hay “giơ cao đánh khẽ”; hoặc có xử lý nhưng có sự phân biệt đối xử do các mối quan hệ “tế nhị” chằng chịt… Từ đó dẫn đến “xử lý nghiêm” bị buông lỏng, để rồi khi sự việc đã mấp mé “lằn ranh đỏ” thì lại phải… ra quân và yêu cầu “xử lý nghiêm” cũng lại được đặt ra như những lần trước đó.

Ai cũng biết rằng, những biểu hiện cần phải xử lý nghiêm được nhắc đến lâu nay đâu phải chưa có quy định cụ thể về hình thức xử lý, trái lại, nếu chiếu theo lời một vị đại biểu Quốc hội đã từng nói, thì chúng ta có cả một “rừng luật”. Điều mấu chốt là thực thi thế nào để mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu thực sự “nghiêm” rồi thì làm gì có chuyện người vi phạm luật giao thông khi bị cảnh sát giữ xe lại gãi đầu gãi tai trình bày đủ lý do để xin xỏ, hoặc rút điện thoại ra cầu cứu ô dù; làm gì có chuyện dân vừa đổ đống gạch thì lát sau đã thấy thanh tra xây dựng có mặt, trong khi nhiều tòa nhà xây vượt phép đến mấy tầng trong thời gian dài thì thanh tra lại bận hoặc không đủ người để kiểm tra; làm gì có chuyện nghi phạm được “mật báo” để kịp trốn ra nước ngoài…

Mặc dù hiện nay vẫn còn có những bộ luật cần thiết chưa được xây dựng như luật ngôn ngữ, luật biểu tình…, thì cũng không thể phủ nhận rằng, việc phổ biến các bộ luật đã ban hành vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là chưa kể có sự chồng chéo giữa một số điều luật nào đó dẫn đến việc các đối tượng không nắm bắt đầy đủ, hoặc có cách hiểu khác nhau, thậm chí sai lệch. Chẳng hạn, vụ kiện và cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng 4 năm trước, hẳn mọi người đều biết, đã có đến hàng trăm văn bản ở các dạng Nghị định, Thông tư hướng dẫn, giải thích của trung ương và địa phương nhằm thực hiện Luật đất đai. Vậy nhưng khi chính quyền thực thi lại gặp nhiều “lúng túng”. Như vậy, ngoài những người có trách nhiệm ở Sở Tài nguyên Môi trường thì mấy ai có đủ điều kiện tiếp cận với chừng ấy văn bản. Cũng chính vì việc phổ biến các văn bản “bổ sung” không kịp thời, không rộng khắp mà cho đến nay, vẫn có rất nhiều người đủ mọi tầng lớp, thành phần đã không biết rằng, nếu giương ô dù khi đi xe đạp, xe máy là vi phạm giao thông đường bộ, hay một cá nhân “hô biến” những công trình nghiên cứu khoa học của cả nhóm tác giả thành các tác phẩm của riêng mình, đàng hoàng nhận sự vinh danh của xã hội mà không ai lên tiếng là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…

ở thời điểm này, nhắc đến những điều vừa nêu như trên không phải để “nhàn đàm” hay “phiếm đàm” gì cả, bởi chỉ còn 5 năm nữa thôi, nước ta phải trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Và thực tế là, nếu không dứt điểm được “điệp khúc” xử lý nghiêm thì sự bất ổn sẽ không chỉ tồn tại ở một vài khía cạnh như chính trị hay kinh tế, mà sẽ có nguy cơ lan rộng ra các lĩnh vực khác. Đó là điều quan ngại nhất khi đất nước đang trên đà phát triển như hiện nay.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy