Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
16:39 (GMT +7)

Bàn về “Thi tuyển kiến trúc”

Thi tuyển kiến trúc rộng rãi: Công trình Sân vận động Thái Nguyên

Kiến trúc là Nghệ thuật tổ chức không gian sống (ở, làm việc, sinh hoạt…) cho con người. Ngoài mục tiêu tạo ra không gian sống tốt, kiến trúc còn có vai trò rất quan trọng là tạo ra những không gian đẹp đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ thông qua cảm thụ thị giác của mỗi người. Chính vì vậy, khi thực hiện một khu quy hoạch có ý nghĩa, một công trình kiến trúc quan trọng, để chọn ra một ý tưởng, một phương án tốt nhất cho các đồ án, công tác thi tuyển đã được thực hiện.

Trong giai đoạn hiện nay, thi tuyển trong việc lập quy hoạch đô thị được áp dụng đối với “quy hoạch chung các đô thị có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc thù; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực có ý nghĩa quan trọng” (Luật Quy hoạch đô thị) và hình thức thi tuyển mang tính chất khuyến khích. Đối với công trình kiến trúc “thi tuyển phương án kiến trúc nhằm chọn ra phương án tối ưu, đáp ứng về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường” (Luật Kiến trúc).

Thi tuyển kiến trúc trong lịch sử kiến trúc Việt Nam

Để xây dựng công trình kiến trúc nhà ở, công trình công cộng như: đình, chùa… ngày xưa các cụ ta lựa chọn từ các hiệp thợ có tính chất “chuyên”. Thợ chuyên làm nhà ở, thợ chuyên làm nhà thờ, thợ chuyên làm đình, chùa… thậm chí thợ đào đất, hạ nền… đều chuyên. Các hiệp thợ này đều có kỹ năng tốt, được đào tạo qua thực tế, nhiều khi mang tính gia truyền, mang tính truyền thống cùng bí quyết theo vùng miền, có thể là thôn, bản… Tính “chuyên” của các đội thợ nhiều khi đã góp phần tạo nên thương hiệu của cả một khu vực, ví dụ như: thợ mộc Nam Định, thợ xây Nam Hà, thợ đá Ninh Bình, thợ vùng Thái Bình, thợ vùng Bắc Ninh,… và tinh thần “chuyên” ấy có giá trị tới tận ngày nay.

Hiệp thợ thực hiện việc làm ra sản phẩm bao hàm cả tính tác phẩm của mình theo yêu cầu và sự giám sát của gia chủ (chủ đầu tư). Hiệp thợ nhiều khi được coi là tác giả của công trình bao gồm cả phần thiết kế và phần thi công. Tính tác phẩm của công trình kiến trúc cơ bản phụ thuộc vào kiến thức của hiệp thợ. Trong thực tế, gia chủ (chủ đầu tư) khi hội tụ đủ điều kiện đầu tư: vốn, đất đai… sẽ xúc tiến việc tìm hiệp thợ phù hợp trên cơ sở lựa chọn nhiều hiệp thợ thực hiện dự án xây dựng, một hình thức của “tuyển chọn kiến trúc”.

Công trình kiến trúc nhà ở xưa nguồn vốn chủ yếu do người dân tự đầu tư và chủ động lựa chọn hiệp thợ. Công trình phục vụ hoạt động công cộng (đình, chùa …) do tập thể huy động nguồn vốn, hình thức lựa chọn hiệp thợ thường do hội đồng (ban, tổ… ) quyết định. Các công trình kiến trúc hành chính lớn như cung điện, hoàng thành… chủ yếu do nhà vua quyết định từ việc huy động vốn, huy động nhân công là các hiệp thợ. Đôi khi có cả các cá nhân, hiệp thợ có kinh nghiệm về kiến trúc phụ trách về mẫu mã, về phương án thiết kế để thực hiện công trình. Hình thức của các cụ xưa về thi tuyển kiến trúc có thể gọi là hình thức “tuyển chọn” theo khái niệm pháp luật ngày nay!

Chùa Hang (Kim Sơn tự) được thực hiện bằng hình thức tuyển chọn các hiệp thợ

Giai đoạn xuất hiện kiến trúc sư chuyên nghiệp, tư vấn chuyên nghiệp

Đến cuối thế kỷ XIX, khi Pháp xâm lược nước ta, công trình xây dựng ở Việt Nam đã xuất hiện khái niệm về thiết kế kiến trúc. Tuy nhiên, nhà ở và các công trình công cộng làng xã cơ bản vẫn được thực hiện phương thức truyền thống. Đối tượng các bản thiết kế kiến trúc là các công trình dịch vụ đô thị (công trình hành chính, bệnh viện, trường học, thể dục thể thao, công viên cây xanh…), nhà ở đô thị (chủ yếu là dạng biệt thự, nghỉ dưỡng) và các đồ án quy hoạch hoặc đưa từ Pháp sang hoặc là các thiết kế do kỹ sư công chánh, các văn phòng kiến trúc thực hiện.

Giai đoạn nước ta giành được độc lập cho tới tận cuối thể kỷ XX, các công trình xây dựng ở Việt Nam thực hiện cơ bản ở dạng thức đầu tư lựa chọn các tác giả, các kiến trúc sư, lựa chọn đơn vị thiết kế phù hợp để thực hiện tác phẩm kiến trúc. Để có phương án tốt, thông thường các chủ đầu tư xem xét nhiều phương án do đơn vị thiết kế đưa ra. Như vậy có thể nói giai đoạn này là giai đoạn thi tuyển kiến trúc với hình thức “tuyển chọn” theo khái niệm của pháp luật ngày nay!

Giai đoạn năm 2003 đến năm 2014

Năm 2003, Luật về xây dựng số 16/2003/QH11 được thông qua và có hiệu lực, đi kèm là Nghị định số 12/2009/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về “quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình” quy định đã đề cập đến nội dung “khuyến khích thi tuyển kiến trúc” và nội dung này do người quyết định đầu tư quyết định. Giai đoạn này ý tưởng các công trình kiến trúc ở Việt Nam chủ yếu vẫn hình thành từ các cuộc “tuyển chọn”.

Giai đoạn năm 2014 đến năm 2019

Tại Luật Xây dựng số 14/2014/QH có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 và Nghị định số 59/NĐ-CP/2015 quy định về việc thi tuyển, tuyển chọn công trình kiến trúc theo yêu cầu cụ thể là các công trình: “Công trình có quy mô lớn, có yêu cầu kiến trúc đặc thù; công trình cấp I, cấp đặc biệt, trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước; trung tâm hành chính - chính trị, trung tâm phát thanh truyền hình; nhà ga đường sắt trung tâm, nhà ga hàng không dân dụng; công trình giao thông: cầu, ga đường sắt nội đô trong khu vực đô thị; các công trình tượng đài, điểm nhấn các công trình trên các tuyến quan trọng trong đô thị và khuyến khích thi tuyển đối với các loại công trình khác” (Thông tư hướng dẫn số 13/TT-BXD/2016 của Bộ Xây dựng).

Hình thức thi tuyển kiến trúc theo hướng dẫn quy định gồm có hai loại: “tuyển chọn” và “thi tuyển”. Tuyển chọn: “Là nhằm chọn ra phương án thiết kế tối ưu nhất để thiết kế xây dựng công trình trên cơ sở tối thiểu có 3 ý tưởng phương án kiến trúc” (có thể các tác giả đều thuộc một đơn vị thiết kế). Thi tuyển hạn chế: “Là nhằm chọn ra phương án thiết kế tối ưu trên cơ sở phương án nghiên cứu ý tưởng tối thiểu của 5 tác giả, đơn vị thiết kế độc lập”. Thi tuyển rộng rãi: “Là hình thức chọn phương án tối ưu trên cơ sở không hạn chế số lượng phương án dự thi tuyển”.

Công tác thi tuyển kiến trúc hiện nay

Năm 2019, Quốc hội thông qua Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, đi kèm là Nghị định số 85/2020/NĐ-CP, trong đó quy định thi tuyển kiến trúc chỉ có hai dạng: “thi tuyển rộng rãi ” và “thi tuyển hạn chế”. Đối tượng công trình kiến trúc phải thi tuyển cơ bản vẫn như giai đoạn trước. Hình thức “thi tuyển rộng rãi” là hình thức tổ chức cuộc thi không hạn chế tổ chức, cá nhân tham gia. Hình thức “thi tuyển hạn chế” là hình thức áp dụng trong trường hợp chỉ có tối thiểu 3 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện với yêu cầu của cuộc thi tuyển đề ra.

Thực trạng công tác thi tuyển kiến trúc ở Thái Nguyên

Trước khi có Luật về xây dựng năm 2003, ở Thái Nguyên không có thi tuyển kiến trúc. Các đơn vị tư vấn (trong và ngoài tỉnh) sau khi được chủ đầu tư lựa chọn, thường giao cho các nhóm kiến trúc sư của nội bộ đơn vị làm khoảng 3 phương án để thuyết minh với chủ đầu tư. Sau khi được chủ đầu tư lựa chọn, phương án sẽ được triển khai thực hiện, có thể ví dụ trong thời kỳ này ở Thái Nguyên có các công trình: Trụ sở UBND thành phố Thái Nguyên; Nhà làm việc UBND tỉnh 7 tầng; trụ sở các sở, ban, ngành của tỉnh, các công trình giáo dục, y tế, văn hóa…

Khi có Luật về xây dựng năm 2003 và Luật Xây dựng năm 2014, các chủ đầu tư đã triển khai áp dụng đối với các công trình yêu cầu thi tuyển nhưng chủ yếu áp dụng là “thi tuyển hạn chế”, ví dụ: các công trình thuộc Đại học Thái Nguyên, công trình Trung tâm Hành chính công tỉnh Thái Nguyên, tòa nhà Hành chính công - UBND thành phố Thái Nguyên, trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Đồng Hỷ, nhà đa năng UBND tỉnh Thái Nguyên… Một số ít công trình đã áp dụng hình thức thi tuyển rộng rãi trong nước như Quảng trường Võ Nguyên Giáp, tòa nhà thời trang TNG, tòa tháp thương mại Prime…

Thi tuyển kiến trúc rộng rãi: Công trình nhà làm việc UBND thành phố Phổ Yên

Các công trình yêu cầu phải thi tuyển trên địa bàn từ khi có Luật Kiến trúc 2019 tỉnh Thái Nguyên cơ bản đã thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Hình thức thi tuyển cơ bản là “thi tuyển rộng rãi” cụ thể là các cuộc thi tuyển: Công trình sân vận động Thái Nguyên, phố đi bộ trung tâm thành phố Thái Nguyên, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; quần thể Văn hóa - thể thao cây xanh Phổ Yên; nhà hành chính thành phố Phổ Yên, tháp Thái Hưng ở đường Hoàng Văn Thụ - thành phố Thái Nguyên, cầu Quang Vinh 1, cầu Quang Vinh 2…

Thi tuyển kiến trúc hạn chế: Công trình Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên

Tuy nhiên, thực trạng cho thấy những vấn đề cần suy nghĩ và xem xét là thực tế nhiều đồ án chưa có nhiều đơn vị, chưa có những tác giả có uy tín tham gia; đồ án được chọn chưa thực sự tạo ấn tượng… điều đó có thể do yếu tố cơ cấu giải thưởng, giá trị giải thưởng chưa đủ sức hấp dẫn; đầu bài phức tạp trộn nhiều nội dung: quy hoạch và kiến trúc, chất lượng của hội đồng… Nên chăng cần tiến hành công tác rà soát, tổng kết để công tác thi tuyển kiến trúc có hiệu quả hơn với mục tiêu phấn đấu để chúng ta có những công trình đẹp, có những tác phẩm tốt góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững đô thị Thái Nguyên.

KTS. Nguyễn Văn Cường

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy