
Góc biếm họa số 5 (2025)

VNTN - Khoảng chục năm trở lại đây chúng ta luôn tỏ ra lo lắng bởi xã hội có quá nhiều bạo lực. Trên báo chí và mạng xã hội thường xuyên đăng tải những cảnh đâm chém, giết người. Rồi, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực đường phố, bạo lực công sở… Có những đứa trẻ chưa đến tuổi vị thành niên, chỉ vì chút mâu thuẫn nhỏ sẵn sàng làm người khác thương tật mà không một chút ăn năn, hối hận; có những đứa con bất hiếu sẵn sàng đánh đập, lấy mạng cha mẹ chỉ vì những chuyện mắc mớ bình thường… Người ta thường gọi loại người ấy là những kẻ máu lạnh hoặc côn đồ, nghịch tử. Nhưng một vấn đề được đặt ra là tại sao ngày hôm nay lại lắm những kẻ máu lạnh gây ra những chuyện khủng khiếp như vậy? Có phải vì đói nghèo? Có phải vì pháp luật còn lỏng lẻo? Có phải do mặt trái của thị trường phải giành giật, cạnh tranh… Những nguyên nhân trên, nếu có thì cũng chỉ là phần ngọn của vấn đề.
Vấn đề lớn hơn, mang tính quyết định phải từ con người. Không có con người mang “máu bạo lực” thì chắc chắn sẽ ít xảy ra bạo lực. Bởi vậy, câu trả lời đơn giản nhưng chính xác nhất là muốn tránh được bạo lực thì xã hội cần phải sản sinh ra nhiều con người có đạo đức, vị tha, giàu lòng nhân ái… Đó là cái gốc để xã hội có thể trở nên tốt đẹp. Một xã hội có nhiều kẻ hung ác, dữ dằn thì sự gia tăng bạo lực là điều không tránh khỏi.
Vậy con người cần gì để không hóa thành kẻ hung ác, mang máu bạo lực? Câu trả lời quen thuộc nhưng không thể thay đổi: Vấn đề giáo dục. Nhưng ở đây ý nghĩa giáo dục phải hiểu theo nghĩa rộng chứ không phải bó hẹp trong ngành (bộ) giáo dục.
Theo các nhà tâm lý học thì đứa trẻ đã có thể định hình tính cách ngay từ tuổi nhi đồng, thậm chí sớm hơn. Những người ít nhiều quan tâm đến giáo dục đều nhận thấy mỗi đứa trẻ mang một tính nết khác nhau. Đứa hiền dịu, nhu mì, đứa ương ngạnh, hung hăng, không biết sợ… Chính trong giai đoạn tuổi nhi đồng này, việc giáo dục đúng hoặc sai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính cách sau này của con người. Trở nên con người hung hãn hay con người nhân ái thường một phần quan trọng từ giai đoạn này. Các bậc cha mẹ phải hiểu tính nết của con cái mới mong đi đúng đường. Mỗi đứa trẻ cần có một biện pháp khác nhau chứ không nên đồng nhất. Một đứa trẻ yếu đuối, có vẻ hơi nhu nhược cần được động viên, khuyến khích để mạnh bạo hơn. Nhưng với những đứa trẻ tính cách ương ngạnh, không biết sợ, lại cần có biện pháp thích hợp. Đã từng xảy ra câu chuyện khi con đi học về mách bị một bạn lớn hơn bắt nạt, ông bố không hề suy xét liền hùng hổ bày cách: “Mày hèn thế! Lần sau phải lăn xả vào, cứ nhằm hai mắt nó mà đấm, nó sẽ phải sợ vãi linh hồn”. Tưởng như thế là giáo dục lòng dũng cảm cho con, nhưng có biết đâu là đã vô tình gieo vào lòng đứa trẻ tính bạo lực. Mầm bạo lực xuất phát từ những việc làm có khi tưởng như rất bé nhỏ ấy. Một thói quen rất xấu nữa là sự đánh đập tàn bạo con cái của một số bậc phụ huynh. Bị đánh đòn dã man, đứa trẻ không những bị tổn thương về thể xác mà còn để lại trong lòng chúng một dấu ấn bạo lực. Những đứa trẻ thuở bé bị bố mẹ đánh đập thì khi lớn lên thường cũng sẽ hành động y như vậy với chính con cái chúng hoặc với người khác. Đó là sự “di truyền tâm lý” khó tránh khỏi.
Một mặt khác, ai cũng hiểu, một sứ mệnh quan trọng của văn học là làm “người hóa con người”. Nhưng có một thực tế là ngày hôm nay chúng ta đang ít nhiều coi thường và xa lánh văn chương, coi văn chương là sự phù phiếm. Trẻ em bị cuốn hút bởi các game bạo lực hơn là những giá sách. Trong khi, văn chương mang lại những giá trị giáo dục tính nhân văn rất lớn đối với con người. Những tác phẩm như “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Chú người gỗ”, “Không gia đình”… và nhiều tác phẩm thiếu nhi kinh điển khác đã giúp cho biết bao đứa trẻ trở nên những con người giàu lòng thương người; những kiệt tác như “Người nhạc sĩ mù” (Korolenko), “Những tấm lòng cao cả” (Edmondo De Amicis), “Những người khốn khổ” (Victor Hugo)… đã âm thầm hoàn lương cho biết bao nhiêu tâm hồn tội lỗi.
Vì thế, văn học đã như một mạch ngầm góp một phần không hề nhỏ trong việc làm giảm bạo lực trong xã hội. Khi xã hội càng xuất hiện nhiều CON NGƯỜI, nhiều người tử tế, có văn hóa, giàu lòng nhân ái thì xã hội càng bình yên, tươi đẹp.
Ngày hôm nay đang có gia tăng bạo lực, có lẽ đó là sự trả giá của nhiều năm tháng chúng ta quá nghiêng về con người - dạ dày mà phần nào lơi lỏng, chưa chú ý thực sự đến con người - tâm hồn, con người - nhân ái.
THÁI VĂN
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...