Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
12:34 (GMT +7)

Bài Cảm hoài của Đặng Dung: “Địa trục” là gì?

VNTN - Bài thơ Cảm hoài của tác giả Đặng Dung nguyên văn chữ Hán như sau:

感懷

世事悠悠奈老何,

無窮天地入酣歌。

時來屠釣成功昜,

運去英雄飲恨多。

致主有懷扶地軸,

洗兵無路挽天河。

國讎未報頭先白,

幾度龍泉戴月磨。

Phiên âm: Thế sự du du nại lão hà,/ Vô cùng thiên địa nhập hàm ca./ Thời lai đồ điếu thành công dị,/ Vận khứ anh hùng ẩm hận đa./ Trí chúa hữu hoài phù địa trục,/ Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà. /Quốc thù vị báo đầu tiên bạch, /Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.

Dịch nghĩa: (tạm lấy phần dịch nghĩa từ tài liệu trannhuong.net, bài của Vũ Bình Lục): Việc đời dằng dặc mà ta đã già rồi, biết làm sao đây?/ Trời đất rộng lớn thu vào trong một khúc ca say./ Gặp thời, anh hàng thịt, kẻ câu cá, cũng dễ làm nên công lạ,/ Lỡ vận, bậc anh hùng cũng phải nuốt hận nhiều./ Giúp chúa, những mong xoay thời chuyển thế/ (Nhưng) không có cách nào kéo sông Ngân xuống để rửa giáp binh./ Thù nước chưa trả xong, đầu sớm bạc/ Bao phen mài gươm báu dưới bóng trăng.

 

Ảnh minh họa

 

Bài thơ như tiếng kêu bi tráng của người anh hùng không gặp thời vận. Chỉ cần đọc phần dịch nghĩa, thưởng thức văn xuôi đã thấy ý tứ cao cả, kinh hoàng của một người chí lớn gặp vận rủi đầy đau đớn. Bài này đã có nhiều bản dịch, nhiều bài bình, ở đây không nhắc lại, cũng không bình toàn bài nữa, chỉ muốn chỉ ra cách hiểu khác nhau của một câu thơ, câu 5: “Trí chúa hữu hoài phù địa trục”.

Tản Đà dịch bài thơ như sau: Việc đời man mác, tuổi già thôi! /Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi /Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,/ Tan tành sự thế luống cay ai!/ Phò vua bụng những mong xoay đất,/ Gột giáp sông kia khó vạch trời./ Đầu bạc giang san thù chưa trả,/ Long Tuyền mấy độ bóng trăng soi.

Phan Kế Bính dịch bài thơ như sau: Việc đời bối rối tuổi già vay,/Trời đất vô cùng một cuộc say./Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,/Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay./Vai khiêng trái đất mong phò chúa,/Giáp gột sông trời khó vạch mây./Thù trả chưa xong đầu đã bạc,/Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

Như vậy, Tản Đà chỉ dịch “phù địa trục” là “mong xoay đất”, còn Phan Kế Bính dịch là “khiêng trái đất”.

Theo dõi các tài liệu dạy văn trên mạng, hoặc sách tham khảo cho học sinh, thấy rất nhiều bài bình không có tác giả, nhưng đều xoáy vào nghĩa “nâng trục đất”, coi cái “địa trục” là trục trái đất. Từ đó bình tán hai câu 5,6 là hình ảnh kỳ vĩ của người anh hùng, mong xoay trục trái đất, mong lôi sông Ngân từ trên trời xuống. Có lẽ, tất cả tài liệu giảng dạy không thể dám đi xa khác so với đáp án từ Bộ Giáo dục, mà đáp án ấy được soạn từ các tài liệu kinh điển, đến như Tản Đà, Phan Kế Bính cũng hiểu “địa trục” là cái trục trái đất, có thể xoay được trái đất.

Vậy hiểu câu “trí chúa/chủ hữu hoài phù địa trục” như thế nào?

Từ điển của Thiều Chửu diễn giải: Lấy ý mình đạt cho người biết cũng gọi là trí. Như trí ý 致思 gửi ý. Vì gián tiếp mới đạt tới gọi là truyền trí 傳致 hay chuyển trí 轉致. Từ điển Trích dẫn còn ví dụ: “trí quân Nghiêu Thuấn” 致君堯舜 làm cho vua đạt tới bực giỏi như vua Nghiêu vua Thuấn, “trí thân thanh vân” 致身青雲 làm cho mình đạt tới bậc cao xa.

Hoài懷 ở đây là động từ ôm giữ, mang thai, mong nhớ, bao dung, chứa chất, bao trùm. Do đó, cả câu phải hiểu là: Làm cho chúa giữ được (cái tinh thần) phù địa trục.  Dịch nghĩa là “giúp chúa, mong cho…” là không sát. Trong thivien.net, trang web chuyên thơ rất nổi tiếng, dịch nghĩa câu này là: “Muốn giúp chúa, ôm hoài bão nâng trục trái đất mà xoay chuyển lại” cũng không phải ý đúng của câu này. Giúp cho chúa ôm hoài bão, chứ không phải vừa giúp chúa và đồng thời (người giúp) cũng ôm hoài bão. Các tài liệu dịch thơ đều cho cái hoài bão “phù địa trục” là của tác giả Đặng Dung, nên gán cho ông điều mà ông không có. Nếu tinh ý, hiểu luật đăng đối của câu thơ 5 và 6 sẽ thấy rõ điều này. Câu 6: Muốn rửa sạch giáp binh, nhưng không có lối để kéo sông Ngân xuống. Không kéo sông Ngân xuống là do “vô lộ/không có lối” khi “tảy binh/rửa vũ khí”, chứ không phải tác giả trực tiếp không kéo sông Ngân. Nên câu 5, “phù địa trục” không phải tác giả làm, mà là “hữu hoài/giữ được” khi “trí chúa/ làm cho chúa” chứ không phải tác giả trực tiếp “phù địa trục”. Cho nên, Tản Đà dịch “Phò vua bụng những mong xoay đất” và Phan Kế Bính dịch “Vai khiêng trái đất mong phò chúa” đều không đúng với tinh thần của câu thơ.

Trước khi luận giải về “phù địa trục” thì nên biết qua thông tin về tác giả. Sau khi nhà Hồ mất, quân Minh chiếm thủ đô Đại Việt (khi đó tên là Đại Ngu) thì tôn thất nhà Trần chạy vào miền Trung mưu khôi phục vương quyền. Năm 1407, Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân tôn phò một tôn thất Trần là Giản Định đế chống quân Minh. Song Giản Định nghe xiểm nịnh, ngu muội giết cả Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân (1409). Hai con của hai ông là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị dẹp thù nhà, tôn một quý tộc khác của nhà Trần lên ngôi Trùng Quang đế (Giản Định đế làm Thái thượng hoàng) để tiếp tục chống Minh. Quân đội Trần Trùng Quang có thắng một số trận, nhưng sau đó bị quân Minh đánh bại. Cuối năm 1413, quân Minh bắt được cả Trùng Quang, Đặng Dung, Cảnh Dị và các tướng kháng Minh. Trùng Quang và Đặng Dung tự sát trên đường áp giải về Nam Kinh (Trung Quốc).

Cuộc đời Đặng Dung phù hợp với lời thơ “Trí chúa hữu hoài…”. Ông phò chúa, làm cho chúa nuôi dưỡng tinh thần “phù địa trục”, chứ không phải ông ôm giữ tinh thần ấy. Như thế là đúng với nếp quân thần của đạo Nho thời quân chủ.

Trong các từ điển, “trục” (軸) có nhiều nghĩa. Từ điển của Thiều Chửu cho biết “Phàm vật gì quay vòng được thì cái chốt giữa đều gọi là trục. Như quả đất ở vào giữa nam bắc cực gọi là địa trục 地軸. Khung cửi cũng có cái thoi cái trục, thoi để dệt đường ngang, trục để dệt đường dọc”. Có lẽ nhiều người bị ảnh hưởng ở ví dụ này của Thiều Chửu về “địa trục”.

“Địa trục” trong bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung không thể hiểu là trục trái đất, đơn giản là không phải “địa cầu trục”, mà chỉ là “địa trục”. Nhưng không phải “địa trục” như giải nghĩa theo Thiểu Chửu - nói quả đất ở giữa nam bắc cực gọi là “địa trục”. Cả Tản Đà và Phan Kế Bính đều hiểu cái “địa trục” như cách hiểu của Thiều Chửu, rồi áp vào bài thơ của Đặng Dung thì không ổn.

Bài thơ của Đặng Dung ra đời đầu những năm 140x, còn các ông Tản Đà, Phan Kế Bính thì lại đọc thơ vào năm 19xx, cách xa 500 năm. Thời Đặng Dung, quan niệm về vũ trụ không như thời thế kỷ 20. Gần 70 năm sau, vào năm 1473, Copernic mới sinh ra ở Ba Lan, vài chục năm sau châu Âu văn minh mới biết trái đất tròn. Thời Lý Trần, thiên văn học Trung Hoa và Đại Việt chuyên chú xem sao, làm lịch, chứ không có khoa học nghiên cứu bầu trời, quan niệm “trời tròn đất vuông” chứ không hề biết đến đất là một quả cầu. Vậy thì tại sao ông Đặng Dung lại muốn phò vua để nâng trục trái đất?

Chính vì hiểu theo nghĩa đương thời, nên từ thời các cụ nhà Nho cho đến nay, rất nhiều bài bình tán mới tưởng tượng ra Đặng Dung “xoay chuyển trái đất”, “nâng trái đất”, rồi gán cho ông hình ảnh kỳ vĩ, hoành tráng, vĩ đại. Đó hoàn toàn không phải ý của tác giả Đặng Dung. Vậy “địa trục” trong câu thơ Đặng Dung là gì?

Từ điển của Thiều Chửu cũng có một dòng khác: “Ở cái địa vị cốt yếu cũng gọi là trục. Vì thế nên người cầm quyền chính nước gọi là đương trục 當軸”. Chắc chắn là, theo thời gian, nghĩa bóng “trục” này đã mai một, ít được dùng nữa, nên càng xa thời Đặng Dung, người ta càng khó hiểu. “Địa trục” chắc chắn là người cầm quyền của một vùng đất. Đó là vương, là đế. “Phù” ở đây là động từ giúp đỡ, nâng đỡ, hộ tống, cai quản, noi theo… Vậy cả câu “Trí chúa hữu hoài phù địa trục” nghĩa là “Làm cho chúa nuôi dưỡng ngôi vị đế vương”. Đặng Dung chỉ diễn tả vai trò quân sư của ông thôi. Hiểu như ngày nay thì thành ra tác giả Đặng Dung có lòng chiếm giữ ngôi đế vương? Thế thì thật là tội khi quân. Điều này xa lạ và không bao giờ có ở thời ấy. Oan cho người anh hùng bỏ thù nhà, vì nợ nước mà xả thân hy sinh.

Có những cách hiểu khác, không coi “địa trục” là trục quả đất, nhưng lại coi đó là giúp cho chúa xoay chuyển trời đất, cũng là chưa chắc đúng. Bởi vì vẫn gán cho “trục” là cái gì đó xoay được về mặt vật lý.

Vậy kết lại, tôi xin dịch bài thơ như sau: Đời còn dài mà ta đã già/ Đất trời thu lại một câu ca/ Gặp thời xoàng xĩnh thành sự nghiệp/ Vận rủi anh hùng chẳng thể qua/ Giúp chúa giữ gìn ngôi vương đế/ Rửa binh chưa được nước Ngân hà/ Quốc thù chưa báo đầu đã bạc/ Mài gươm mấy độ ánh trăng xa…  

 

Nguyễn Xuân Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy