Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
20:24 (GMT +7)

Bác Hồ với Truyện Kiều (bài 3)

Bài 3: Tính sáng tạo trong lối tập Kiều và lẩy Kiều của Bác Hồ

Trong các bài nói, bài viết của mình, Bác Hồ đã nhiều lần tập Kiều và lẩy Kiều, trong những hoàn cảnh khác nhau. Điều đáng nói là Người có nhiều cách thức sáng tạo khi sử dụng hai lối diễn đạt này. Sau đây là một số ví dụ điển hình.

Năm 1946, Bác sang Pháp dự Hội nghị Fontenblo để cùng chính phủ Pháp giải quyết vấn đề quan hệ giữa hai nước. Lúc này, thực dân Pháp đang gây hấn trở lại, gây chiến tranh để chiếm lại Việt Nam khi mà chúng ta vừa giành được độc lập với biết bao gian khổ, khó khăn phía trước. Trong chuyến đi này, Bác đã gặp đồng bào Việt kiều ở Pháp. Sau buổi gặp chan chứa tình cảm, khi chia tay với đồng bào, Bác đã tập hai câu Kiều:

Gìn vàng giữ ngọc cho hay

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.

Đây là câu 545 trong Truyện Kiều, đoạn Thúy Kiều với Kim Trọng vừa trao duyên, thề gắn bó với nhau thì Kim Trọng phải về Liêu Dương hộ tang chú, hai người chia tay trong bịn rịn, nhớ nhung. Lúc chia tay Kim Trọng căn dặn người yêu. Lời dặn người yêu của Kim Trọng cho ta thấy rõ chàng vẫn còn có sự lo lắng, thậm chí là nghi ngờ, không hẳn tin ở Thúy Kiều. Tâm lý bình thường, người ta chỉ dặn dò người khác khi không thật tin ở người mình dặn. Đã tin thì sao lại phải dặn. Mà lại dặn “gìn vàng giữ ngọc” thì đó là sự lo âu của những người đang yêu. Bác đã tập Kiều khi lấy nguyên cả câu thơ của Nguyễn Du để nói với kiều bào, và câu thơ mang một ý nghĩa và nội dung mới. “Gìn vàng giữ ngọc cho hay”, khi dặn riêng với một người con gái thì ai cũng hiểu rằng ngoài tình yêu ra thì còn phải giữ những gì là “vàng ngọc” của người con gái ấy. Nhưng khi dặn, nói với một tập thể thì những nghĩa trên đây không còn nữa.

Ai (phải) gìn vàng, giữ ngọc, và phải giữ điều gì? Ấy là đồng bào Việt kiều sống xa Tổ quốc. Giữ là giữ tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Pháp và người các nước khác đang sinh sống ở trung tâm của thế giới, Paris lúc đó; tinh thần cần cù lao động, tình đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau, giúp đỡ nhau trong đời sống hàng ngày; nếp sống văn hóa của người Việt nơi đất khách quê người.

Kim Trọng đi Liêu Dương là đi xa nơi hò hẹn trao gửi tình yêu với Thúy Kiều - người ở nhà. Ngược lại, Bác Hồ - “kẻ chân mây cuối trời” lại về Tổ quốc, còn Kiều bào lại là những người ở xa đất nước. Vị trí của người “đi” và người “ở lại” đã được thay đổi trong hoàn cảnh này. Hai câu thơ tập Kiều của Bác mang nội dung hoàn toàn mới, thể hiện tình cảm gắn bó yêu thương của Bác với kiều bào, thể hiện lòng tin của Bác với đồng bào đang sống xa Tổ quốc (chứ không phải nghi ngờ, thiếu lòng tin với người mình yêu như anh chàng Kim Trọng).

Cũng là tập Kiều, nhưng khi nói về tâm trạng, tình cảm của Bác, nhất là khi nói đến tấm lòng nhớ nước, nhớ nhà, nhớ người yêu của mình, Bác Hồ đã tập những câu thơ sâu sắc nhất của Truyện Kiều.

Năm 1943, khi sang Trung Quốc tìm liên hệ với quân đồng minh chống phát xít Nhật, Bác Hồ đã bị lính Tưởng Giới Thạch bắt giam suốt cả năm trời. Bác đã viết Nhật ký trong tù. Với bài thơ Ngắm trăng và bài Mới ra tù tập leo núi tôi đã có dịp chứng minh là trong tù Bác nhớ đến “người con gái nào đó” (1). Và bài thơ cuối tập, một lần nữa minh chứng cho nhận định đó.

Bài thơ nguyên văn bằng chữ Hán như sau:

TÂN XUẤT NGỤC HỌC ĐĂNG SƠN

Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân

Giang tâm như kính tịnh vô trần

Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh

Dao vọng Nam thiên ức cố nhân.

Hai câu cuối được Nam Trân dịch như sau:

Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh

Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa.

Năm 1976, trong tác phẩm Vừa đi đường vừa kể chuyện (Nxb. Chính trị Quốc gia), Bác đã lẩy Kiều:

Bồi hồi dạo đỉnh Tây Phong

Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai.

Bác đã thêm vào câu thứ 3 một chữ “đỉnh” để rồi lẩy Kiều ở câu dịch tiếp theo. Dạo trên đỉnh Tây Phong mới có thể “trông về cố quốc” được. Nếu chỉ là “dạo bước Tây Phong lĩnh” (như Nam Trân dịch) thì không thể “trông về” được.

Câu “Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai” là Bác lẩy từ câu thơ 1788 trong nguyên tác Truyện Kiều:

Bốn phương mây trắng một màu

Trông vời cố quốc biết đâu là nhà.

Đây là tâm trạng nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ người yêu (Thúc Sinh) của Thúy Kiều. Ở câu thơ trước đó là:

Lâm Tri chút nghĩa đèo bòng

Nước non để chữ tương phùng kiếp sau.

Cố quốc: nước cũ, quê hương (Đào Duy Anh - Từ điển Truyện Kiều). Ở đây Nguyễn Du sử dụng nghĩa thứ nhất. Thúy Kiều “trông vời” nhớ về Lâm Tri, nơi có “chút nghĩa đèo bòng” với Thúc Sinh chứ đâu phải quê hương (nghĩa thứ hai) của nàng. Quê hương của Thúy Kiều là ở Bắc Kinh.

Trong ngôn ngữ, động từ thường có hai loại: có ý thức (fizic), vô thức (non- fizic). Ở đây, “trông vời” là động từ vô thức, “trông về” là động từ có ý thức, có mục đích. Cái tài của Bác là dịch câu thơ tiếng Hán “Dao vọng Nam thiên ức cố nhân” thành:

Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai

“Trông về” (Bác nhớ quê hương) chứ không phải là “trông lại”, “chạnh lòng nhớ ai” chứ không phải là “nhớ bạn xưa”. Cũng như hai bài báo trên mà tôi đã dẫn, “ai” ở đây cũng là người bạn gái nào đó của Bác.

Lẩy Kiều bằng quốc văn với nghệ thuật siêu đẳng đã là tài, lẩy Kiều bằng dịch lại từ thơ chữ Hán như trường hợp này kể cũng ít ai làm được. Từ “ức cố nhân” nhờ lẩy Kiều để thành “chạnh lòng nhớ ai” thì quả là đáng khâm phục.

Có thêm một trường hợp còn đặc biệt tài tình hơn nữa là lẩy Kiều sang thơ Đường luật bằng Hán văn.

Năm 1950, trong chuyến thăm Trung Quốc, lúc chia tay bạn bè là những nhà lãnh đạo cao cấp của bạn, Bác đã viết bài thơ Xa Bắc Kinh bằng tiếng Hán:

LY BẮC KINH

Ký Bắc thiên tân huyền hạo nguyệt

Tâm tùy hạo nguyệt cộng du du

Hạo nguyệt thùy phân vi lưỡng bán

Bán tiếp cựu hữu, bán chinh phu.

(Trời Ký Bắc treo vầng trăng rọi

Lòng theo trăng vời vợi sáng ngời

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa theo bạn cũ nửa soi lữ hành).

(Bản dịch của Phan Văn Các. Hồ Chí Minh, Toàn tập. Tập 6, tr.19)

Đọc lên ai cũng hiểu ngay đây là bài thơ lẩy Kiều, đoạn Thúy Kiều chia tay Thúc Sinh: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường. Tôi chưa thấy ai lẩy Kiều, tập Kiều sang Hán văn tài tình như Bác.

Trong nhiều trường hợp khi lẩy Kiều, Bác nắm được, cảm được cái tình, bắt lấy cái thần của chữ, của câu trong Truyện Kiều để rồi Bác lẩy ra, thay vào một chữ mới làm cho câu thơ của Bác có nội dung mới, nhiều khi thay đổi nghĩa của nó. Cái tài ấy không có ở nhiều người lẩy Kiều. Phải là người hiểu kỹ, thuộc lòng, cảm nhận hết mọi tầng sâu ngữ nghĩa của từng câu, từng chữ Truyện Kiều mới làm được.

Trường hợp Bác lẩy Kiều tiễn Tổng thống Sukarno ở sân bay Gia Lâm vào năm 1958 là một ví dụ.

Trước đó, năm 1957, Bác đã sang thăm Inđônêxia 10 ngày. Tổng thống Sukarno đón Bác rất nồng nhiệt và thân tình. Sukarno (1901- 1970) làm tổng thống Inđônêxia từ năm 1945 đến năm 1967. Ông là một người tài hoa, là một đạo diễn phim, nhà soạn nhạc và chỉ huy dàn nhạc. Là Chủ tịch Đảng Dân tộc, ông đã lãnh đạo nhân dân Inđônêxia đấu tranh đòi Hà Lan trao trả độc lập cho Tổ quốc. Sau khi giành được độc lập năm 1945 ông đã đưa Inđônêxia phát triển về mọi mặt. Đất nước vạn đảo đã trở thành một nước phát triển ở Đông Nam Á. Nhân dân Inđônêxia rất yêu quý ông, gọi ông bằng một cái tên rất thân tình và gần gũi Bung Karno (Bung chỉ sự trìu mến thân thương).

Kết thúc chuyến thăm Inđônêxia của Bác, ngày Bác lên máy bay về nước, Tổng thống Sukarno bùi ngùi lưu luyến khi tiễn, ở chân cầu thang lên máy bay, ông nghẹn ngào: “Xin tạm biệt anh cả Hồ Chí Minh”.

Những ngày ở thăm Inđônêxia, Bác đã chứng kiến tình cảm thắm thiết, gần gũi của nhân dân Inđônêxia đối với vị Tổng thống của họ. Bác cũng biết Tổng thống Sukarno là người đa tài và đa tình, có nhiều vợ và trong đó có một phu nhân xinh đẹp, thông minh, sắc sảo nhưng cũng hay ghen chồng. Bác đã từng thân mật gọi bà là “thím Sukarno” khi bà sang thăm nước ta.

Nói dài về Tổng thống và gia đình Sukarno để thấy cái tài, cái nghệ thuật lẩy Kiều của Bác. Năm 1958, Bác mời Tổng thống Sukarno sang thăm nước ta. Chuyến đi này chẳng hiểu vì lý do gì mà không có phu nhân cùng đi. Khi kết thúc chuyến thăm, tiễn ông về nước, Bác đã lẩy Kiều hai lần để nói lên tình cảm sâu đậm và quyến luyến của mình đối với Tổng thống.

Nhớ nhung trong lúc chia tay

Tấm lòng lưu luyến cùng bay theo người.

Lần sau, ở cầu thang máy bay, lúc máy bay sắp cất cánh, câu Kiều mà Bác lẩy tặng Tổng thống Sukarno mới là thần kỳ:

Cánh hồng bay bổng tuyệt vời

Đang mòn con mắt phương trời đăm đăm.

Nhiều người nghĩ rằng đây là sự diễn tả tâm trạng, tình cảm quyến luyến của Bác đối với ngài Tổng thống khi chia tay. Hoàn toàn không phải.

Ở đây Bác đã lẩy Kiều khi vận dụng câu thứ 2247 và 2248 trong Truyện Kiều (Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm).Sau hai lần bị bán vào lầu xanh, bị Hoạn Thư hành hạ, Thúy Kiều gặp được Từ Hải, cuộc đời nàng sang một trang mới, nàng trở thành mệnh phụ phu nhân. Nhưng “nửa năm hương lửa đang nồng” thì Từ Hải phải ra đi vì nghiệp lớn. Thúy Kiều ở lại trông ngóng, mong đợi chồng trở về, "Đêm đêm đằng đẵng nhặt cài then mây". Nàng nhớ thương chồng và “đã” trông đợi đến “mòn con mắt”. Câu thơ của Nguyễn Du thần tình là ở nhãn tự “đã”.

Như trên đã nói, tình cảm, quan hệ, lòng ngưỡng mộ của nhân dân Inđônêxia cho Tổng thống Sukarno là vô cùng sâu đậm. Tình cảm cao đẹp mà Tổng thống đã giành được bằng cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho dân tộc, cho đất nước thật đáng đề cao, đáng ca ngợi.

Lại nữa, Tổng thống còn có bà vợ xinh đẹp, hay ghen. Nhân dân Inđônêxia và phu nhân Tổng thống đang ngóng trông, đang mỏi mắt chờ Ngài trở về vì Ngài đã xa nước, xa vợ một thời gian rồi đấy... Họ “đang” trông đợi “cánh hồng” - máy bay của ông từ phương trời trở về. Họ “đang mòn con mắt phương trời đăm đăm” đấy “chú ạ”(2). Đây là lời khen tặng và đề cao mà Bác dành cho Tổng thống Sukarno.

Nếu là để nói tình cảm của Bác với Tổng thống Xucarno thì Bác sẽ lẩy:

Cánh hồng bay bổng tuyệt vời

Sẽ mòn con mắt phương trời đăm đăm.

Vì lúc này “chú” đã đi đâu. “Chú” đi rồi, “anh cả” “sẽ mòn con mắt” trông theo chú chứ.

Vả lại, mới trước đây một lúc, Bác đã lẩy một câu Kiều khác để chia tay Ngài Sukarno (như tôi đã trích ở trên đây), cho nên Bác sẽ không lặp lại.

Đổi chữ “đã” thành “đang”, Bác thay đổi tất cả nội dung, hoàn cảnh, trạng huống của hai câu thơ tuyệt hay trong Truyện Kiều.

Đây có thể coi là nghệ thuật tập Kiều và lẩy Kiều tuyệt vời của Bác.

 * * *

Mai này, sau những biến động của thế giới hôm nay, nhân loại nhớ đến Việt Nam là nhớ đến Nguyễn Du với kiệt tác Đoạn trường tân thanh và nhớ đến Hồ Chí Minh - nhà văn hóa lớn đã làm rạng danh non sông bằng hồn cốt, trí tuệ Việt - mà biểu hiện sinh động và điển hình nhất là sự vận dụng tài tình, sáng tạo của Người với thi phẩm bất hủ Truyện Kiều.

Chú thích:      

(1) Xem: Lê Đình Cúc. Về một bản dịch bài thơ "Tân xuất ngục học đăng sơn" của Bác Hồ. Văn nghệ Thái Nguyên, số 20, 19/5/2015.

- Lê Đình Cúc. Muốn hiểu thêm bài thơ "Ngắm trăng" của Bác trong Nhật ký trong tù. Văn nghệ Thái Nguyên số 24, 20/8/2014.

(2) Cuối năm này Phu nhân Tổng thống được Bác Hồ mời sang thăm Việt Nam - cùng một số người khác. Ai đón phu nhân Tổng thống? Bác Hồ không có vợ. Bác cầm hoa ra tận máy bay đón bà. Sau khi tặng hoa tất cả, Bác không đọc diễn văn mà đến bên loa phóng thanh nói vắn tắt: "…lần này phụ nữ Hà Nội lại đón thím Sukarno đến thăm Việt Nam".

Tài liệu tham khảo:

 1. Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Nxb. Văn hóa Thông tin, H. 2000.

 2. Đào Duy Anh. Truyện Kiều trong văn hóa Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, H. 2013.

 3. Nhiều tác giả, Tranh luận về Truyện Kiều, Nxb. Văn học, H. 2012.

 4. Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù, Nxb. Văn Học, H. 2004.

Bài 1

Bài 2

Lê Đình Cúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy