Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
08:53 (GMT +7)

Ba người của “làng” văn nghệ

VNTN -  Vui thật vui khi đón chào ngày 21/6 - Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay - tôi lại đón thêm niềm vui nữa: Ba người bạn của tôi ở “làng” văn nghệ được vinh danh. Nhìn họ bước lên bục nhận Bằng khen và lời cảm ơn của lãnh đạo tỉnh, tôi thấy lòng mình dội lên hạnh phúc. Trong mắt tôi, họ xứng đáng được tôn vinh như thế.


1. Người tôi muốn nói đến đầu tiên là nhà văn Hồ Thủy Giang. Một con người trầm lắng, tiềm ẩn nhiều thú vị. Quen biết anh gần 40 năm, tôi chưa một lần thấy anh to giọng với ai. Trong mọi cuộc đàm luận, anh luôn là người lắng nghe, khi cần nói thì kiệm lời, nhỏ nhẹ. Cần mẫn vun đắp, ôm ấp yêu thương từng con chữ, nhà văn không chỉ làm nên sản nghiệp văn chương đồ sộ, mà còn “ươm” cho lực lượng sáng tác Thái Nguyên nhiều “hạt mầm” tươi tốt.

 Giá sách của tôi tràn một ngăn đựng tác phẩm của nhà văn Hồ Thủy Giang. Gần 30 đầu sách, thể loại nào anh cũng khắc tên mình trên một số đỉnh vinh quang. Thành công đầu tiên của anh phải kể đến truyện ngắn, với 17 tập đã xuất bản và hàng chục truyện lẻ khác khiến người tập tọe bước vào con đường viết truyện như tôi luôn coi anh là thần tượng. Nhưng anh đi xa hơn với 5 tập tiểu thuyết, 3 tập phê bình tiểu luận, chưa kể anh còn viết kịch bản phim. Văn chương cũng nhỏ nhẹ như người, như quan điểm sống anh bộc lộ bằng mấy câu thơ: Người mơ lấp biển vá trời/ Còn ta mong hiểu giếng khơi nói gì/Người mơ khuynh đảo kinh kỳ/ Ta nằm nghe cỏ thầm thì đêm thâu…

Nhà văn - Nhà báo: Hồ Thủy Giang

Nhà văn Hồ Thủy Giang nghỉ hưu đã nhiều năm nhưng anh vẫn là cây bút mạnh của báo Văn nghệ Thái Nguyên. Truyện, thơ, ký, phê bình, trao đổi, phỏng vấn… anh ít từ chối “đơn đặt hàng” của Tòa soạn, mà đã nhận lời là có bài chất lượng và đúng hẹn. Ngoài cộng tác với Báo, các việc khác Hội “nhờ” anh đều làm rất nhiệt tình: Sách về Đại đội thanh niên xung phong 915; các tập thơ và văn xuôi tuyển chọn… anh đều ở vị trí người đảm nhiệm chính. Gần đây, tôi may mắn cùng anh trong ban tuyển chọn thơ và văn xuôi. Lắng nghe trao đổi, gỡ tình huống khó, nhận về mình phần việc nặng… anh không ỉ tuổi tác mà chọn việc nhẹ nhàng. Từ khi báo Văn nghệ Thái Nguyên trở thành tạp chí, anh được Tòa soạn tín nhiệm đặt đảm nhiệm mục “Truyện ngắn đặc sắc”. Mỗi tháng hai truyện và lời bình vài trăm chữ, nhìn tưởng giản đơn nhưng không hề “ngon ăn”. Anh nói với tôi: Mình phải tìm, chọn tác giả, tác phẩm tiêu biểu của giai đoạn đó, của khuynh hướng sáng tác lúc đó, không khí văn chương thời kỳ đó… khá mệt đấy Hằng ạ.

Mấy năm qua, ngoài sáng tác anh còn trao truyền kiến thức và kinh nghiệm văn chương của mình cho những người đam mê qua các lớp dạy viết văn, làm thơ. Đã không ít “hạt mầm” được anh vun xới đang trở thành cây bút cứng cáp, bổ sung vào lực lượng sáng tác văn chương của Thái Nguyên.

   Ở tuổi 75, nhà văn Hồ Thủy Giang đã chứng minh tình yêu văn chương bền bỉ hiếm thấy. Khó có thể kể hết những gì anh đóng góp cho cuộc đời và được cuộc đời tri ân lại. Nhà văn đang được Chính phủ xem xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2021.

2. Người thứ hai nhận niềm vui trong thời khắc đáng nhớ này là Nguyễn Thị Thu Huyền, Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên. Nói đến mỗi tờ báo, thường người ta nhắc đến tên của Tổng Biên tập. Cũng phải thôi, vì Tổng Biên tập là người định hướng cho tờ báo và là người ký duyệt cho tờ báo lên khuôn in. Nếu mỗi bài báo mang dấu ấn cá nhân, thì tờ báo lại là sản phẩm tập thể. Nếu ví tờ báo như mâm cỗ thì trên đó cần đặt món rau món thịt, món mặn món nhạt, thêm tí ớt cho người thích ăn cay, sao cho đủ dinh dưỡng, đẹp mắt, hợp khẩu vị lại an toàn vệ sinh thực phẩm. Người lên “thực đơn” và “sắp mâm” cho “bữa cỗ” chữ nghĩa ấy chính là Thư ký Tòa soạn. Báo Văn nghệ Thái Nguyên trước đây và nay là Tạp chí mỗi tháng cần khoảng 60 đến 80 tác phẩm với hàng vạn con chữ. Lượng bản thảo “đổ” về Tòa soạn gấp nhiều lần số tác phẩm sử dụng được. Cái “phễu hứng” đầu tiên là Thư ký Tòa soạn đấy. “Bài ký này không đạt bác ơi, truyện ngắn của chị nhiều nhân vật quá, bài anh gửi cho em có phải tác phẩm văn học đâu???”… Mà đối tượng trao đổi là ai? Hầu hết người sáng tác thấy cái mình viết ra là vô cùng hay, lạ, như viên ngọc bích không tì vết, “văn mình vợ người” mà. Góp ý sao cho khéo, để tác giả vui vẻ sửa chữa, để bài không đăng vẫn giữ được tình cảm, giữ được quan hệ của tác giả với Tòa soạn với Hội, thật chẳng dễ chút nào. Hơn chục năm giữ “gôn” của một tờ báo, Huyền không ít nỗi buồn khó thổ lộ. Bài viết này của một “cây đa cây đề”, nhưng đọc chán quá; bài viết kia Tòa soạn đặt, tác giả mất nhiều công sức, nhưng không đạt yêu cầu. Rồi cân đối “nâng lên đặt xuống” cho lưu lượng thời sự và văn chương nghệ thuật hài hòa. Bao tình huống nảy sinh phải giải quyết để tờ báo đến tay người đọc đúng chủ đề, đúng thời gian, đầy đặn thông tin thời sự nhưng vẫn đậm màu sắc của tờ báo chuyên ngành văn học nghệ thuật. Nhiều lúc nhìn Huyền đeo kính tay lăm lăm cây bút, tôi nghĩ: Công việc “gác gôn” của Văn nghệ Thái Nguyên đã chọn đúng người rồi. Không quá nghệ sĩ để dễ tính bốc đồng, không quá cứng rắn mà bỏ qua những rung động văn chương dù nhỏ nhất; bản tính trung thực, cần cù, thận trọng, không lanh chanh khoe mẽ, sẵn sàng đứng sau người khác... đó là phẩm chất quý của một Thư ký Tòa soạn, đó cũng là lý do góp phần để hàng nghìn số báo Văn nghệ chào đời an toàn.

Đồng chí Lê Quang Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền về thành tích đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền về tỉnh Thái Nguyên trên báo chí (tháng 6/2021). Ảnh: Anh Thắng.

3. Thật mừng là trong số ba người của Báo Văn nghệ Thái Nguyên được khen thưởng đợt này có gương mặt trẻ, mới, làm công việc khá đặc biệt - quyết định diện mạo của từng số báo - đó là họa sĩ trẻ Đào Anh Tuấn.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh Tuấn ngày mới về báo, chất lãng tử đậm đặc. Nhưng dường như càng ngày việc làm báo càng “ăn” vào Tuấn, làm Tuấn khác đi theo hướng tốt và đẹp lên nhiều.

Không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn đọc khen những minh họa trên báo do Tuấn vẽ. Dù luôn đi kèm với truyện ngắn nhưng Tuấn vẽ “phiêu” lắm, như một tác phẩm hội họa độc lập vậy. Nhiều khi ngắm minh họa của Tuấn tôi nghĩ đến họa sĩ Thành Chương, người chuyên vẽ minh họa cho báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi lại chợt nảy ra mong muốn được xem một triển lãm toàn... tranh minh họa của Tuấn. Hình như các họa sĩ Việt Nam chưa ai làm điều này. Tuấn bảo: vẽ minh họa cũng phải có cảm hứng, do chính tác phẩm văn học mang lại. Sau khi đọc, nắm được cốt truyện, tuyến nhân vật, thông điệp... cậu bắt tay vào vẽ với tâm niệm “xin cảm ơn tác giả đã viết truyện này cho tôi được vẽ”…

Gần chục năm làm ở báo Văn nghệ Thái Nguyên, Tuấn được dịp thử sức nhiều lĩnh vực, nào chụp ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí, vẽ tranh, viết văn, thiết kế đồ họa, quản trị trang thông tin điện tử... Vui là cậu đã đạt được không ít thành công: Giải C Bìa báo Tết đẹp Hội Báo toàn quốc 2018 (Hội Nhà báo Việt Nam), Giải Nhì Cuộc thi sáng tác văn học trên báo Văn nghệ Thái Nguyên (2014 - 2016) thể loại bút ký, Giải Khuyến khích Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915 Anh hùng (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên), Giải Nhì Cuộc thi sáng tác tranh cổ động Liên hoan Trà quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam 2011, Giải Khuyến khích Cuộc thi tranh cổ động về tuyên truyền - Văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020... Từng ấy thành công cho thấy Tuấn là người đa năng, đa tài và khả năng phát triển đang rộng mở. Tuấn tâm sự với tôi: Khi báo Văn nghệ chuyển thành tạp chí, cháu có chút hụt hẫng luyến tiếc vì đã quá quen với “hơi thở” của báo và những kinh nghiệm dành cho báo khó ứng dụng trên tạp chí. Nhưng rồi cháu lấy lại được tinh thần với suy nghĩ: Đây chính là thách thức và động lực để mình được thay đổi, làm mới mình. Và thế là lại bắt tay vào vào tạp chí với tâm thế mới. Hơn 10 số tạp chí đã ra được bạn đọc đón nhận, khen ngợi cách trình bày cũng là động lực để Tuấn tiếp tục tìm tòi sáng tạo cho những tác phẩm sau đẹp hơn.

Nhà báo Đào Anh Tuấn trong chuyến công tác biển, đảo

Họa sĩ trẻ Đào Anh Tuấn còn muốn thử sức nhiều lĩnh vực lắm. Cậu bảo thích được viết chân dung nghệ sĩ để hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của các thế hệ nghệ sĩ của tỉnh; thích chụp ảnh nghệ thuật; thích viết về các triển lãm nhiếp ảnh hay mỹ thuật, đó là kênh để cháu học hỏi, phục vụ cho công việc của bản thân cháu hiện nay; thích vẽ bìa sách để các tác giả Thái Nguyên đỡ phải nhờ họa sĩ tận Hà Nội... Nghe Tuấn bày tỏ lòng mình, tôi biết cậu còn đi xa hơn và diện mạo của tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên sẽ đẹp và chuyên nghiệp hơn nữa.

Thật tuyệt vời khi ba người được tôn vinh lần này đại diện cho ba thế hệ vàng của lực lượng sáng tác và làm văn nghệ của Thái Nguyên. Đứng ở các vị trí khác nhau, họ cùng biết bao văn nghệ sĩ tạo thành các mũi “giáp công”, làm nên đời sống văn học nghệ thuật đáng tự hào như ngày hôm nay.

Minh Hằng

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 6 tháng trước

Ma Trường Nguyên - một "trái tim không ngủ"

Xem tin nổi bật 10 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước