Anh đi về miền xa xanh
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đồng Khắc Thọ - Hội viên Hội NSNA Việt Nam, Hội viên Hội DTTS Việt Nam, Hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên về cõi miên hằng, vào hồi 22h, ngày 07 tháng 03 năm 2022, trong sự tiếc thương đột ngột của gia đình, người thân, bè bạn. Tuy anh đi xa, nhưng những tác phẩm sách ảnh, ảnh nghệ thuật cùng nhiều bút ký, bài viết… của anh vẫn hiện hữu, đó là minh chứng về sự tâm huyết của một người dành cả cuộc đời với báo chí, nhiếp ảnh, nghệ thuật.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Đồng Khắc Thọ
Tôi ngồi lặng lẽ trước màn hình latop. Rưng rưng. Thẫn thờ. Trong khoảng không hư vô, tôi thầm gọi tên anh: “Anh Thọ ơi, xin phép linh hồn anh cho em được đôi dòng chia sẻ”. Tôi biết viết gì đây, nói gì đây khi anh đột ngột đi xa… Anh lặng lẽ trở về với tiên tổ sớm như vậy hay sao? 7 tháng nữa anh mới tròn tuổi 65 (anh sinh ngày 5/10/1957). Và 4 ngày nữa là anh tròn 40 năm tuổi Đảng (anh vào Đảng ngày 12/3/1982). Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng anh nhận rồi. Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng đang trên đường về với anh. Vinh dự, tự hào lắm anh à. Trong Chi hội Văn xuôi mấy ai đã có vinh dự như anh?
Tôi quen biết anh từ khá lâu. Anh là cộng tác viên thường xuyên gửi bài, ảnh cho Báo Quân Khu 1 – Nơi tôi công tác. Thường những bài anh viết mang đậm dấu ấn lịch sử về vùng đất “địa linh nhân kiệt” ATK Định Hóa.
Mỗi dịp tôi được gặp anh trong khoảng thời gian ngắn, khi thì ở trên Khu Di tích lịch sử ATK Định Hóa, lúc ở hội nghị báo chí và hội nghị tổng kết năm của Hội VHNT tỉnh… Những năm gần đây, tôi “tiếp kiến” anh vào dịp Chi hội Văn xuôi tổ chức sinh hoạt, hội họp. Tuy thế, nhưng tôi luôn được anh chia sẻ qua điện thoại, gmail, messenger, zalo về những bức ảnh đẹp, bài viết hay, hoặc dự định đi về vùng sâu, vùng xa sáng tác…
Có lần, anh cười rất tươi, hồ hởi: “Anh có 4 năm trong quân ngũ, cầm súng bảo vệ Biên giới phía Bắc năm 1979. Đây là khoảng thời gian đẹp nhất của đời anh! Em là một nhà báo mặc áo lính, đang trong quân ngũ, vậy nên anh và em là đồng đội… Chúng ta là những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” em ạ!”. Có lẽ, tôi là một người lính, thế nên được anh dành sự trân quý, coi như đứa em gái.
Thường thì, anh hay chân thành nhắc tôi: “Em à, văn chương, tác phẩm nghệ thuật phản ánh cuộc sống, hướng đến vẻ đẹp chân – thiện – mỹ, thế nên anh em ta viết, sáng tác những gì mình thích, tuy nhiên phải thật sự trong sáng, hướng thiện”.
Từng lời anh tâm sự về nghiệp viết, hay vô số câu chuyện sống động của anh về các miền đất anh qua, nơi anh từng công tác… được anh chia sẻ với tôi bằng sự tâm huyết, đau đáu cùng trăn trở, băn khoăn… Tôi trân trọng, lắng nghe, cảm nhận và thấu hiểu.
Giờ đây, trong thời khắc này, nụ cười của anh, những lời chân tình anh trao đổi cùng tôi, như đang hiện hữu đâu đây rất gần…
Như một sự tình cờ ngẫu nhiên, anh để dành cho tôi hai chữ “vẹn tròn” của tình cảm anh em! Trong số tết Nhâm Dần của tạp chí Trà Việt, tôi đã được cảm nhận đọc và biên tập bài viết cuối cùng của anh: “Vang ngân trên đỉnh đèo De”. Anh viết về nơi linh thiêng Đền thờ Bác Hồ. Anh mong mỏi, gắn bảo vệ Khu di tích lịch sử ATK với bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch cộng đồng, tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống người dân… trên quê hương Định Hóa.
Và mới cách đây mấy hôm, khi biết tin nhà văn Lê Thế Thành từ trần, anh gọi điện thoại cho tôi, giọng anh trầm buồn: “Năm nay Chi hội Văn xuôi nhà mình mất mát lớn quá! Mấy bác từ giã cõi tạm rồi…Thật buồn em ạ. Những bạn viết cao niên ra đi, nhưng văn chương còn mãi. Anh em chúng mình hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe, an vui, vượt qua đại dịch COVID-19. Tiếp tục đam mê nghiệp viết và cống hiến! Năm nay anh sẽ viết một cuốn sách dài hơi về vùng đất lịch sử ATK Định Hóa...”.
Anh nói như thế mà đã vội ra đi hay sao? Em không thể tin nổi! Dự định anh còn đang dang dở kia mà! Anh vẫn bảo: “Anh sống lạc quan, có ích và cống hiến! Sống hộ cả phần đời thanh xuân của biết bao đồng đội hy sinh trên mặt trận Biên giới phía Bắc năm 1979!”. Vậy sao anh nỡ lặng lẽ, không từ biệt anh em văn nghệ sĩ Thái Nguyên nói chung và Chi hội Văn xuôi nói riêng, mà đã rời xa cuộc sống sôi động, ý nghĩa này?
Anh về cõi niết bàn trong sương giăng, gió thổi, mây trời… cùng tiên tổ ông bà, cha mẹ và đồng đội đã hy sinh trên mặt trận Phong Thổ, Lai Châu…! Anh Thọ ơi, bây giờ em và các văn nghệ sĩ hay bàn dân thiên hạ có nói bao nhiêu câu chuyện về anh chăng nữa, thì cũng chỉ là gửi theo bước chân anh trong gió hư không mà thôi!
Anh rảo bước sang bờ bên kia, rời xa cõi trần tục này, về miền xanh xa ấy, thế nhưng cuộc đời vinh hạnh, tài hoa của anh, cùng sự nghiệp văn chương, nghệ thuật, báo chí… vẫn mãi tỏa sáng trong lòng gia đình, đồng nghiệp anh em, bè bạn văn nghệ sĩ. Và cao hơn nữa là chữ “tình” anh để lại sâu đậm trong cuộc sống này!
Anh Thọ ơi… em xin thắt lòng cúi đầu vĩnh biệt anh!
Em xin anh cho em vái vọng bằng những dòng chữ trần tục, như một nén nhang thơm thắp lên thành kính tiễn biệt anh!
Bùi Như Lan
1 đã tặng
0
0
0
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...