Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
16:18 (GMT +7)

Ảnh chân dung thách thức các nghệ sỹ

VNTN - Trong các cuộc thi ảnh quốc tế và Việt Nam, chân dung luôn là một thể loại quan trọng và phổ biến. Tuy nhiên chất lượng các bức ảnh chân dung luôn là vấn đề, nhất là các cuộc thi ở ta. Nhiều khi giám khảo mỏi mắt đi tìm mà không thấy ảnh chân dung đẹp.

Thực tế buồn!

Có cơ hội tham gia nhiều cuộc chấm ảnh từ Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, ảnh “Khoảnh khắc vàng” của Thông tấn xã Việt Nam, rồi các cuộc thi “Vẻ đẹp Việt Nam” hàng tháng của truyền hình Nhân Dân… có thể thấy ảnh chân dung không ít về số lượng nhưng yếu về chất lượng.

Chân dung trẻ em, bà già, thiếu nữ đa phần là ảnh dàn dựng và rơi vào hai trạng thái: hoặc là ảnh dạng lưu niệm, tạo dáng xinh đẹp, trẻ trung hoặc là có ý tứ nhưng cũ kỹ và tẻ nhạt. So sánh sự tương phản giữa già, trẻ kiểu như tay nhăn nheo của bà già với bàn tay đầy sức sống của con trẻ, gương mặt dấu vết thời gian hằn in của ông cụ, bà cụ và nét ngây thơ, trong sáng với cặp mắt mở to, thánh thiện của đứa cháu.

 

Finding answer: “Đi tìm câu trả lời”- chụp tại một thiền viện ở Yangon (Myanmar) tháng 12.2017. 3 Bằng danh dự tại Eyewin (Ấn Độ), PX3 (Paris, Pháp), Sáng tạo quốc tế Lon don (Anh), Chung kết Urban Photo Awards (Ý), Head On Festival (Australia), triển lãm tại Chania Photo Festival (Hy Lạp).

Thiếu nữ thì đi giữa rừng cây, đi trên thảm lá vàng rụng, xòe tay đón lá, hay nghiêng đầu che nón làm duyên, hay chơi đùa với nhóm bạn, selfie…

Một số kha khá ảnh chân dung trong môi trường làm việc kiểu như dệt vải, truyền nghề, trong lò gạch, lò gốm, trên công trường… Ngày xưa còn nhắc mãi chuyện chụp mấy anh thợ, nhiếp ảnh gia còn phun nước vào mặt giả mồ hôi...

Nói chung, ảnh chân dung xuất sắc ở các cuộc thi luôn là của hiếm và nhiều khi giám khảo cũng phải tặc lưỡi để chọn vào một số bức chân dung chấp nhận được cho phong phú triển lãm.

Thế nào là một tác phẩm chân dung tốt?

Ảnh chân dung đặc biệt quan trọng và sẽ ngày càng phổ biến vì con người luôn là đối tượng trung tâm. Chúng ta luôn quan tâm tới những gì chúng ta làm, chúng ta đang ở đâu, chúng ta cảm thấy như thế nào?

Sự khám phá chính bản thân mình, không chỉ là cuộc sống bề mặt mà hơn thế là cuộc sống nội tâm của chính mình, bên trong cái vỏ ngoài thân thể là một nhu cầu mãnh liệt trong mỗi cá nhân.

 

The looks: “Những cái nhìn”- chụp tại 1 khu ổ chuột ở New Delhi (Ấn Độ). Bức ảnh được chọn ở Mental Heath Photo contest (Iran), One Eyeland (Ấn Độ)

Nếu như ảnh chân dung xưa phải rõ đầy đủ mặt mũi, bộ phận nào ra bộ phận ấy thì càng ngày khái niệm, định nghĩa về ảnh chân dung càng thay đổi đến chóng mặt. Biên độ của ảnh chân dung đã mở rộng nhiều khi vô giới hạn. Một dáng người từ phía sau, một bờ vai, một mờ nhòe của miệng, một khóe nhìn của mắt và một cái gáy với dòng chữ in đậm… cũng là chân dung.

Vậy thế nào là một chân dung tốt?

Ông Jennifer Murray, Giám đốc sáng tạo của Liên hoan ảnh quốc tế Filter (Mỹ) cho rằng: Một bức chân dung tốt trao quyền tự do cho nhân vật, thể hiện sự mật thiết trong mối quan hệ-hợp tác giữa chủ thể và nhiếp ảnh gia. Nếu bạn cố gắng áp đặt quá nhiều về chủ đề sẽ tạo ra một hình ảnh cứng nhắc mà người xem khó có thể đồng cảm. Tạo sự kết nối và cho phép đối tượng được thể hiện bản thân mình trọn vẹn trước máy ảnh- đó là tất cả những gì bạn cần cho một bức chân dung tốt”.

 

The Tattooed woman: “Người đàn bà xăm mặt” chụp tại Chin State- vùng núi cao ở Myanmar, tháng 12.2017- đề cử giải Chân dung tại Master Cup (Mỹ) và triển lãm tại một số nước như Pháp, Mỹ.

Nhưng thực sự có phải chụp chân dung chỉ là ghi lại tính cách và nếu xuất sắc hơn là tâm hồn của nhân vật? Vậy vai trò sáng tạo của tác giả hay nói cách khác là cái tôi - dấu vân tay của người nghệ sỹ ở đâu?

Ông Phillip Prodger, giám đốc nhiếp ảnh của National Portrait Gallery (London, Anh) nhấn mạnh: Tôi nghĩ rằng một bức chân dung tốt nói nhiều hơn nữa về nhiếp ảnh gia hơn là về người miêu tả. Đối tượng hoặc người bạn chọn chụp ảnh, nơi mà bạn định vị ai đó, khoảnh khắc bạn chụp, lựa chọn, chỉnh sửa, sử dụng ánh sáng, kỹ thuật - tất cả những yếu tố này là sự lựa chọn của nhiếp ảnh gia. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta (vô thức) tìm kiếm sự công nhận, cho một cái gì đó chúng ta biết, một cái gì đó về chính chúng ta. Có thể nhìn thấy bóng dáng của nhà nhiếp ảnh trong tác phẩm. Một cái gì đó của riêng anh ta”.

Con đường sáng tạo

Những bức chân dung nhìn thẳng có vẻ như dễ đối thoại với người xem hơn chân dung nhìn ngang hay chân dung phía sau. Bạn có nhận ra danh tính của nhân vật? Có điều gì đó kết nối với chính bạn, ký ức của bạn hay đơn thuần chỉ là những mảnh vỡ rải rác được gom nhặt lại?

Nhưng làm sao bạn làm được điều đó? Câu trả lời vẫn là cảm xúc. Bạn khó có thể chụp một người xa lạ trừ khi cái xa lạ đó lại đánh thức một điều gì đó sâu xa từ lâu nằm trong tiềm thức của bạn.

Một điều bản thân tôi khi chụp cũng gặp là liệu nhân vật xem ảnh sẽ có thích nó không? Ảnh tôi chụp sẽ đẹp hơn hay xấu hơn hình dung của nhân vật?

Liệu rằng có thể là một bức chân dung tốt khi nhân vật không thích còn tôi thích không?

Nhà nhiếp ảnh chân dung nổi tiếng Todd Hido (Nhật Bản) rất tâm đắc với tác phẩm chụp nữ minh tinh Marilyn Monroe của ông. Todd nói rằng chính Monroe xem ảnh cũng không nhận ra mình có những phút giây như thế. Phút giây mà cô ta tự mất đi cái lớp vỏ bảo vệ không còn cái tính cách “tạo ra” để đối phó với xã hội, trái ngược với những gì cô đang cố miêu tả. Phút giây mà cô ta trở nên yếu đuối, dễ bị tổn thương và đúng là đàn bà.

Toddo tin rằng không ai biết Marilyn đang cảm thấy gì tại thời điểm đó, và nhiếp ảnh có thể là người nói thật nhất hay là người nói dối giỏi nhất tại cùng một thời điểm.

Nhưng bạn hãy tin vào cái bạn cảm và chụp.

 

Artist 03: Marcus Duun, một họa sỹ Mỹ tại trại sáng tác Vermont. Anh chuyên vẽ tranh dựa trên những bức ảnh về đề tài gia đình. Ảnh nằm trong bộ ảnh được triển lãm trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Adriano (Italia) năm 2018 và đoạt Bằng Danh dự tại Liên hoan ảnh quốc tế Moscova (Nga).

Và công tác chuẩn bị cho một bức chân dung nhân vật tốt luôn phải được tính toán. Từ việc tìm hiểu vị trí sẽ chụp ảnh nhân vật, và cố gắng dự đoán ánh sáng sẽ như thế nào, có cần thêm các thiết bị chiếu sáng hay đạo cụ nào khác không. Ngay việc sử dụng ống kính ra sao cũng cần cân nhắc. Trước đây ống kính tầm xa Tele như luôn mặc định cho ảnh chân dung nhưng ngày nay mọi thứ đã khác. Góc nhìn máy ảnh là góc nhìn - thế giới quan của bạn. Vì thế một ống kính góc rộng 24mm đôi khi lại cho một kết quả kịch tính và ấn tượng.

Cuối cùng thì một bức chân dung tốt phải luôn tạo ra một sự bí ẩn, tò mò khêu gợi cho người xem. Và nhà nhiếp ảnh nhiều khi không cố tình tạo ra ý nghĩa của bức ảnh mà tạo ra môi trường để ý nghĩ nảy sinh.

Tôi nhớ đến câu nói của một nhà nhiếp ảnh nước ngoài: “Chúng ta chỉ có thể chụp ảnh hiệu quả những gì chúng ta thực sự quan tâm đến hoặc có lẽ quan trọng hơn là những gì chúng ta đang vật lộn với nó, thường là vô thức”.

Việt Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy