Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
04:13 (GMT +7)

Ai là Trạng nguyên đầu tiên của nước Việt?

Hiện nay, vẫn còn những ý kiến khác nhau về vị Trạng nguyên đầu tiên của nước Việt. Trong rất nhiều tài liệu, chi tiết này vẫn chưa thống nhất với nhau. Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu liên quan, bài viết này bước đầu đưa ra những nhận xét về việc ai là Trạng nguyên đầu tiên của nước ta.

Hội đồng giám khảo khoa thi hương 1897 tại Nam Định (Ảnh tư liệu)

1.

Trong cuốn sách Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989 - 1995, do Trần Độ (chủ biên, 1989); trong danh sách Trạng nguyên có 56 vị. Người đầu tiên trong danh sách này là Lê Văn Thịnh. Người cuối cùng là Trịnh Huệ (hay còn có tên khác là Trịnh Tuệ). Trong danh sách này, tên “Nguyễn Quan Quang” đứng thứ 6, ghi: “Người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc (nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc). Đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Ngọ (1234). Làm quan đến chức Bộc xạ, tặng hàm Đại Tư không(1)”.

Tác giả Trần Hồng Đức trong sách Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa do Nxb. Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 1999 xếp Trạng nguyên đầu tiên là Nguyễn Quan Quang “Đỗ Trạng nguyên khoa Đại tỉ thủ sĩ năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 15 (1246) đời Trần Thái Tông(2)”.

Tác giả Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919 do Nxb. Văn học ấn hành năm 2006 viết: “Khoa Đinh Mùi niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình (1247) (tức năm thứ 16 đời Trần Thái Tông - người viết chú thích) bắt đầu đặt danh hiệu Tam Khôi để chỉ 3 người xuất sắc nhất trong số những người thi đỗ, theo thứ bậc cao thấp là: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.

Tuy nhiên, ngay trong cuốn sách này, các tác giả lại cho rằng: “Nguyễn Quan Quang, người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn, nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh đỗ Trạng nguyên khoa thi Đại tỉ thủ sĩ năm Bính Ngọ niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 15 (1246) đời Trần Thái Tông, làm quan đến chức Bộc xạ. Khi mất được tặng hàm Đại Tư không(3)”. Và cũng trong cuốn sách này, tại trang 40, các tác giả chép Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên khoa thi năm 1247 (?).

Chính các tác giả chép là từ năm 1247 mới đặt Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Vậy thì người đỗ năm 1246, tức khi chưa đặt tam khôi thì sao lại được gọi là Trạng nguyên. Khi cho rằng Nguyễn Quan Quang đỗ Trạng nguyên năm 1246 nhưng các tác giả của sách lại không đưa tên ông lên trước tên Nguyễn Hiền (Nguyễn Quan Quang chép ở trang 50, Nguyễn Hiền ở trang 40). Hơn nữa, không những tên ông để sau tên Nguyễn Hiền mà còn để sau rất xa, sau những người đỗ các khoa: 1247, 1256, 1266, 1275, 1304, 1374, 1384, 1393.

Điều này chỉ có thể giải thích là các tác giả của sách này đã căn cứ vào Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục bởi trong sách này, không hiểu vì lý do gì các tác giả lại chép phụ lục. Trong phần phụ lục về triều Trần ở trang 23 ghi: “Đời vua Thái Tông hoàng đế năm Đinh Vị (tức năm Đinh Mùi - NV) Thiên ứng Chánh Bình thứ 12 (1247) mở khoa thi Thông Tam giáo(4)”. Và trong sách này lại ghi: “Năm Bính Tuất, niên hiệu Thiên Ứng Chánh Bình thứ 15, tháng 7, mở đại khoa chọn nhân tài, Trạng nguyên: Nguyễn Quan Quang, người hạt Đông Ngạn (chắc là “Ngàn” - sách chép sai - NV), làng Tam Sơn. Làm đến chức Bộc xạ. Được tặng chức Đại Tư không(5)”.

Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền ở xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định (Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia).

Vẫn các tác giả sách Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục khẳng định năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 đời Trần Thái Tông (1247) mới định tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Vậy thì tại sao năm 1246 lại có Trạng nguyên? Đó là chưa kể trong sách, không hiểu các tác giả đã nhầm lẫn ở đâu khi cho rằng năm 1247 là năm Đinh Vị thứ 12? Trong thực tế, nếu là năm Định Vị (1247) chắc chắn phải là năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 đời Trần Thái Tông (1247), bởi Trần Thái Tông lên ngôi năm 1226 và đặt niên hiệu này, nên năm 1247 phải là năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 đời Trần Thái Tông chứ không thể là năm thứ 12 được.

Sách này cũng chép: “Triều Trần, đời vua Thái Tông Hoàng đế năm Đinh Vị (tức năm Đinh Mùi - NV) niên hiệu Thiên ứng Chánh Bình thứ 12 (1247) mở khoa thi Thông Tam giáo(6)”. “Năm Thiên ứng chính bình thứ 8 (1239), tháng 2, thi Thái học sanh (tức Thái học sinh - NV) (7)”. “Năm Đinh Vị, Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) tháng 2, mở đại khoa lấy Thái học sanh 40 vị (trúng tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa: 3 vị; trúng hoàng giáp trở xuống 37 vị. Trước kia hai khóa Nhâm Thìn và Kỷ Hợi trúng tuyển chỉ chia giáp và ất. Đến đây mới cho trúng tuyển tam khôi(8)”. Đến đây, lại một lần nữa các tác giả tiếp tục khẳng định từ khoa thi này mới chính thức lấy tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.

Khâm định Việt Sử Thông giám Cương mục - chính biên, quyển VI chép các sự kiện liên quan như sau: Tháng 2/1232 thi Thái học sinh “Trước kia, nhà Lý kén chọn học trò chưa phân ra cấp bậc. Nay mới định người đỗ cao đỗ thấp theo cấp bậc tam giáp. Khoa ấy lấy Trương Hanh, Lưu Diễm đỗ Đệ nhất giáp; Đặng Diễn, Trịnh Phẫu đỗ Đệ nhị giáp; Trần Chu Phổ đỗ Đệ tam giáp. Nhưng phép tuyển cử cũng chưa được tường tận(9)”. Tháng 7 năm 1246 định niên hạn thi “Tháng 7, mùa thu, định niên hạn thi Đại tị” (tr. 202 - 203). Bấy giờ thi Đại tị chưa định niên hạn, nay chuẩn định 7 năm một lần thi. Việc định niên hạn về khoa thi bắt đầu từ đấy. Cũng trong sách này, ở phần chú thích cho rằng “Theo sách Chu Lễ, những người giữ chức khanh, đại phu, cứ 3 năm một lần Đại tị, để xét về đức hạnh, đạo nghệ, người nào hiền tài thì được cất nhắc. Đời sau gọi khoa thi hương ở các tỉnh là “Đại tị”. Cũng tại trang này, sách cho biết năm Đinh Mùi, năm 16 (1247) “tháng 2, mùa xuân, thi Thái học sinh. Trước đây, thi lấy học trò đỗ, chỉ chia ra hạng giáp, hạng ất để phân biệt người đỗ cao đỗ thấp. Nay mới đặt ra Tam Khôi, lấy Nguyễn Hiền đỗ Trạng Nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhỡn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa” (tr. 203).

Như vậy, theo Khâm định Việt Sử Thông giám Cương mục, những người đỗ các khoa thi trước đó chỉ phân cao thấp chứ chưa đặt tam khôi.

Sách này cũng cho biết thêm là tháng 8, mùa thu thi Tam giáo “Trước đây những nhà theo Nho giáo, Thích giáo, Đạo giáo có con nối được nghiệp nhà đều cho vào thi. Nay lại thi những người thông hiểu cả các khoa về ba tôn giáo. Khoa thi này cũng định ra bậc “giáp” và bậc “ất” để phân biệt người đỗ cao, đỗ thấp. Năm ấy, lấy Tô Tần đỗ giáp khoa, Đào Diễn, Hoàng Hoan, Vũ Vị Phủ đỗ ất khoa” (tr. 203).

Vũ Vị Phủ trong Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục được ghi là Võ Vị Phụ. Ba người này được các tác giả của sách đưa vào phần phụ lục ở trang 22. Đây là 3 người đỗ khoa thi tam giáo nên có thể hiểu các tác giả đưa vào phần phụ lục là có lý. Thế nhưng, không lẽ Nguyễn Quan Quang đỗ một khoa thi nào đó chăng? Hay ông đỗ Kinh Trạng nguyên, hoặc Trại Trạng nguyên khoa nào đó? Nhưng mãi khoa thi năm 1256, triều Trần mới lấy đỗ Kinh Trạng nguyên và Trại Trạng nguyên... Ngoài ra, còn một điểm đáng chú ý nữa là sách Khâm định Việt Sử Thông giám Cương mục không thấy chép sự kiện Nguyễn Quan Quang.

Đại Việt sử ký toàn thư không chép về Nguyễn Quan Quang. Sách này chỉ chép: “Mùa thu, tháng 7, định lệ thi tiến sĩ, cứ 7 năm một khoa(10)”. Thế nhưng, Đại Việt sử ký toàn thư lại chép rất kỹ 2 khoa thi của năm 1247, đó là: “Đinh Mùi, năm thứ 16 (1247) (Tống Thuần Hựu năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn học trò. Cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa; lấy đỗ Thái học sinh 48 người, cho xuất thân theo thứ bậc khác nhau. Trước đây, hai khoa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239) chỉ chia làm giáp ất, chưa có tên tam khôi, đến đây mới đặt (…). Mùa thu, tháng 8, thi các khoa thông tam giáo, Ngô Tần (Tần người Trà Lộ) đỗ giáp khoa, Đào Diễn, Hoàng Hoan (đều người Thanh Hóa), Vũ Vị Phủ (người châu Hồng) đỗ ất khoa(11)”.

Như vậy, có thể thấy, hiện nay, có 3 người được các tài liệu chưa thống nhất về danh vị Trạng nguyên đầu tiên của nước Việt là: Lê Văn Thịnh, Nguyễn Quan Quang và Nguyễn Hiền. Tuy nhiên, đối với Lê Văn Thịnh đã rõ, vấn đề chỉ còn nằm ở hai vị là Nguyễn Quan Quang và Nguyễn Hiền bởi hai khoa thi này cách nhau chỉ một năm.

2.

Hiện nay, về việc Nguyễn Quan Quang hay Nguyễn Hiền là Trạng nguyên đầu tiên của nước Việt chủ yếu căn cứ vào cuốn sách Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục. Các cuốn sách viết sau này cũng căn cứ chủ yếu từ cuốn sách đó.

Kể từ năm 1397, tức cuối triều Trần, triều đình mới tổ chức thi hương. Sau khoa thi năm 1397, khoa thi gần nhất chính là khoa thi Thái học sinh năm Canh Thìn niên hiệu Thánh Nguyên thứ Nhất (1400) đời Hồ Quý Ly. Kể từ khoa thi này trở về sau, những người thi đỗ thi hương mới được vào thi hội. Còn trước đó dưới thời nhà Trần, người vào thi hội không cần phải đỗ ở kỳ thi hương (vì chưa có quy định).

Trong 147 năm tồn tại triều đại nhà Trần (1226 - 1400), triều đình đã tổ chức tất cả 13 khoa thi (không tính các khoa thi tam giáo). 13 khoa thi đó được các tác giả Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục xếp tuần tự lần lượt như sau: (1). 1232; (2). 1239; (3). 1247 (năm này còn có khoa thi Tam giáo lấy đỗ: Ngô Tần, Đào Diễn, Hoàng Hoan, Vũ Vị Phủ); (4). 1256; (5). 1266; (6). 1275; (7). 1304; (8). 1374; (9). 1384; (10). 1393 (tiếp theo khoa thi này sách chép khoa thi Tam giáo 1247); (11). 1246; (12). 1274; (13). 1364.

Nhìn vào cách sắp xếp của từng khoa thi, nhận thấy các khoa thi đã không được sắp xếp tuần tự theo lịch đại. Khi đang chép khoa thi 1393 thì tiếp theo lại là khoa thi 1246 và đến 1274 và cuối cùng là khoa thi năm 1364. Trong khi đó khoa thi cuối cùng do nhà Trần tổ chức theo sách này là năm 1393. Câu hỏi đặt ra là không hiểu sao các tác giả lại không sắp xếp chép các khoa thi một cách tuần tự.

Nhìn vào thời gian tổ chức các khoa thi, có thể thấy thời gian cách nhau giữa 2 khoa thi thường rất xa nhau. Từ khoa thi năm 1232 đến 1239 thông thường cách nhau 7 năm. Cá biệt, có những khoa thi trước và sau cách nhau với khoảng thời gian rất dài. Thế nhưng, cũng có giai đoạn thời gian tổ chức các khoa thi rất gần nhau:

Một là, Khoa thi 1246 và 2 khoa thi năm 1247 (tức 3 kỳ thi trong 2 năm, trong đó 2 kỳ thi đình và 1 khoa thi Tam giáo).

Hai là, 2 khoa thi liên tiếp trong 2 năm 1274 và 1275. Đây là một dấu hỏi lớn nhất vì rất khó để 2 năm tổ chức 2 và 3 kỳ thi liên tiếp. Nếu là sự thực thì đây quả là một kỷ lục của khoa cử Việt Nam và cũng là chuyện trước và sau không có. Để tổ chức một kỳ thi đình là điều hoàn toàn không đơn giản. Cứ cho là trong 3 kỳ thi của 2 năm 1246 và 1247, khi ấy triều Trần bước vào thời kỳ cực thịnh sau hơn 20 năm tiếp quản ngôi vua từ nhà Lý (1226), nhưng tại sao lại chỉ có 2 năm này và mãi đến 1274, 1275 mới lặp lại. Từ 1247 mãi 9 năm sau, đến năm 1256 triều đình mới lại tổ chức kỳ thi tiếp theo.

Lễ xướng danh khoa thi Hương năm Đinh Dậu. Ảnh: Andre Salles (Nguồn: Flickr.com)

3.

Như vậy, có thể thấy, Nguyễn Quan Quang chắc chắn đỗ đầu một kỳ thi nào đó. Và, chắc chắn ngài là người đặc biệt tài năng và đạo hạnh nên dân gian mới ca ngợi mãi không ngớt trong suốt gần 800 năm qua. Đó là điều chắc chắn bởi Nhân dân và lịch sử vốn rất công bằng. Thế nhưng, từ các dữ liệu và phân tích nêu trên, hẳn nhiên ngài không phải là người đầu tiên nhận danh hiệu Trạng nguyên, bởi tất cả các sách sử có uy tín của Việt Nam đều cho biết phải tới năm 1247 mới định lệ tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa và người đỗ đầu kỳ thi năm 1247 này là Nguyễn Hiền.

Về khoa thi năm 1246 chưa hẳn đã có thật mà có thể sách sử xưa chép lầm. Nếu vậy, Nguyễn Quan Quang đỗ đầu nhưng là đỗ đầu ở một kỳ thi năm khác chứ không phải năm 1246. Theo sách Văn hóa Việt Nam tổng hợp thì Nguyễn Quan Quang đỗ năm 1234. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt mục từ “Danh sách Trạng nguyên Việt Nam” cũng chép ông đỗ đầu năm 1234 (năm 1234 là năm Giáp Ngọ).

Thế nhưng, cả Đại Việt sử ký toàn thư và Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục đều không chép có khoa thi năm 1234 mà chỉ chép trước khoa thi năm 1247 có 2 khoa thi diễn ra vào các năm Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239) (riêng Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục chép khoa 1246 ở phần phụ lục).

Như vậy, khả năng Nguyễn Quan Quang đỗ đầu kỳ thi năm 1232 là có cơ sở chứ không chắc là năm 1234.

Đến năm 1247, triều đình mới đặt tam khôi và mới chính thức có danh hiệu Trạng nguyên, nên Nguyễn Quan Quang chỉ được xem là thủ khoa của kỳ thi mà ngài được chấm đứng đầu. Riêng Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi năm 1075, mà khoa thi này là khoa thi Nho học đầu tiên của nhà nước nên Lê Văn Thịnh phải được gọi thủ khoa khai khoa của nền khoa bảng nước nhà.

Kết luận: Đây là một vấn đề đã gần 800 năm và nguồn sử liệu của Việt Nam đã bị tiêu hủy, thất lạc nhiều qua các cuộc chiến tranh nên không thể một sớm một chiều có thể làm rõ ngay. Tác giả mong muốn khơi gợi một vài ý kiến nhỏ để giới khoa học và những ai quan tâm đến vấn đề này tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, làm rõ hơn những vấn đề lịch sử thú vị của dân tộc chúng ta.

--------------

(1) Trần Độ (chủ biên) (1989), Văn hóa Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989 - 1995, Ban Văn hóa - Văn nghệ trung ương, Hà Nội, tr.208.

(2) Trần Hồng Đức (1999), Các vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, Nxb. Văn hóa - Thông tin, tr.29.

(3) Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi (2006), Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919, Nxb. Văn học, tr.50.

(4) Nguyễn Hoàn, Uông Sỹ Lãng, Phan Trọng Phiên, Vũ Miên (1963), Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, tr.23.

(5) Nguyễn Hoàn,… sđd, tr.23.

(6) Nguyễn Hoàn,… sđd, tr.23.

(7) Nguyễn Hoàn,… sđd, tr.14.

(8) Nguyễn Hoàn,… sđd, tr.14.

(9) Quốc sử quán triều Nguyễn - Khâm định Việt Sử Thông giám Cương mục (1998), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.194.

(10) Đại Việt sử ký toàn thư (2011), Nxb. Thời Đại, tr.277.

(11) Đại Việt sử ký toàn thư (2011), sđd, tr.278.

Vũ Trung Kiên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy