Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
19:39 (GMT +7)

Tại sao phải nhìn về văn chương đương đại Việt Nam với mốc lịch sử 1975?

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Trước hết, cần phải nhấn mạnh một quan điểm, mốc lịch sử không hẳn, không nhất thiết đồng nhất với các dấu mốc văn chương. Bởi lẽ, mốc lịch sử chỉ có tác dụng nhìn nhận về các vận động lịch sử - xã hội, trong khi, văn chương vận động bằng hệ hình mỹ học, bằng thể loại, bằng các đặc trưng thẩm mỹ… Chính vì điều đó, việc đưa ra những phân kỳ lịch sử văn học X - XIX, 1900 - 1945, 1945 - 1975, sau 1975… chỉ mang tính chất tương đối.

Ban đầu, có thể cách phân chia này còn mang dụng ý chính trị (hoặc ảnh hưởng của lối phân kỳ lịch sử dựa trên sự tham dự của chính trị, lịch sử vào văn chương), tuy nhiên, đến bây giờ, cách phân chia này thường là dành cho những mô tả đơn giản. Ở chiều sâu hơn của phân kỳ lịch sử văn học, chúng ta sẽ thấy, lịch sử không đứt đoạn như thế, các dấu mốc chỉ như một cọc tiêu, biển báo cho một khúc quành khác mà thôi. Dòng sông văn học với những con sóng xô đuổi nhau, gối vào nhau, chờm lên nhau, mạch nước thầm lặng vẫn miệt mài liên tục. Nếu muốn nhìn ra thật rõ, thật sâu và chính xác về lịch sử văn học, có lẽ, lời M. Bakhtin mách bảo là hợp lý: thể loại là nhân vật chính của lịch sử văn học. Cùng với đó, việc nhìn nhận tính chất giao thoa và khác biệt của các hệ hình thẩm mỹ, của các thế hệ văn học… cũng giúp đem lại hình dung biện chứng hơn về lịch sử văn học.

Dẫu như thế, việc đặt một góc máy từ điểm 1975 không phải là không có ý nghĩa trong việc bao quát một chặng đường của văn chương nghệ thuật Việt Nam. Do vậy, cái nhìn truyền thống theo phân kỳ lịch sử (sau 1975 - để hướng đến việc phổ cập một mô tả đơn giản) là cần thiết, nhưng đồng thời cũng chú trọng vào tính biện chứng, liên tục của lịch sử văn học để hình dung chặt chẽ hơn về một chặng đường văn học. Sau 1975, đất nước thống nhất, đó là phối cảnh chung của mọi vận động lịch sử - xã hội - văn hóa nghệ thuật… ở Việt Nam. Hòa bình là từ khóa quan trọng thay cho từ khóa chiến tranh. Xã hội chuyển trạng thái từ bất thường về bình thường. Có một điều cần tạt ngang ở đây đó là: liệu với dân tộc Việt Nam, chiến tranh là bất thường hay bình thường? Hòa bình là bình thường hay bất thường? Câu trả lời có thể nằm giữa sự lưỡng lự. Bởi lẽ, suốt hàng ngàn năm nay, dân tộc ta luôn phải đương đầu với chiến tranh, với các thế lực xâm lược ngoại bang. Tâm thức của người dân Việt Nam có lẽ vẫn chưa nguôi ngoai nỗi lo âu, bất an ấy. Và như vậy, khi những lo âu, bất an trở thành thường trực, nhịp sống của cư dân trên mảnh đất này vẫn ở thế cảnh giác, đề phòng. Ngụ binh ư nông, dân binh là trạng thái đời thường trong thế trận an ninh quốc gia. Ở bình diện văn hóa, khi ngọn cây nêu ngả về hướng Bắc ấy là điềm báo chiến tranh (chi tiết này được Nguyễn Văn Huyên nêu lên trong nghiên cứu của ông về tục trồng cây nêu ngày Tết của người Việt). Trong góc quan sát khác, cứ nhìn vào phả hệ thần - thành hoàng ở Việt Nam, chúng ta khá dễ dàng nhận ra đó là những nhân vật - thần linh có công, giúp sức đánh giặc, bảo vệ non sông, bờ cõi. Thần ở Việt Nam phần nhiều là chiến thần. Tín ngưỡng thờ phụng thần linh, thành hoàng là nét sinh hoạt đời thường của cư dân Việt. Điều đó một lần nữa nói lên sắc thái bình thường của chiến tranh trong tâm lý người dân. Thêm vào đó, cũng cần nói rõ rằng, khi sự chịu đựng, cố gắng liên tục, thành thói quen, khi đó cái bất thường trở thành bình thường.

Trở lại, sự kiện kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước đã tạo nên khúc rẽ quan trọng cho văn chương nghệ thuật cũng như đời sống chính trị xã hội ở Việt Nam. Tầm quan trọng của mốc sự kiện 1975 với văn chương Việt Nam có thể được nhìn nhận trên một số bình diện sau đây:

Thứ nhất, có sự thống nhất về mặt thể chế nhà nước và định hình một không gian địa lý thống nhất của văn học. Văn nghệ Việt Nam được xác lập thống nhất, không còn phân chia giới tuyến - chiến tuyến (trên bề mặt không gian, cơ chế, quản lý hành chính…). Thứ hai, mở ra một giai đoạn, một chặng đường văn học mới, vừa kế thừa, tiếp nối vừa khác biệt so với giai đoạn trước. Thứ ba, điều kiện để những dòng mạch văn chương nghệ thuật âm thầm bấy lâu được trỗi dậy, tạo lập tinh thần dân chủ, đa dạng cho đời sống văn chương, nghệ thuật. Thứ tư, văn chương miền Bắc tiếp cận nhiều hơn với văn chương đô thị miền Nam, từ đó giới thiệu trở lại những giá trị của khu vực văn chương - học thuật này. Thứ năm, bắt đầu hình thành một nền văn học Việt Nam hải ngoại khi các văn nghệ sĩ miền Nam di tản, vượt biên, định cư ở nước ngoài. Thứ sáu, chiến tranh kết thúc, nhiệm vụ trọng tâm của thời đại, của dân tộc về cơ bản đã hoàn thành, đời sống thế sự xuất hiện những mối bận tâm mới, cảm hứng sử thi lãng mạn không còn là dòng chủ lưu mà song hành cùng những dòng chảy khác của thời hậu chiến. Thứ bảy, hòa bình là bối cảnh cho cảm hứng thế sự đời tư phát triển trở lại, nơi mà những vấn đề cốt thiết của con người được nhìn nhận, soi chiếu một cách đa chiều hơn. Thứ tám, từ sau 1975, với hoàn cảnh mới của đất nước, những bất cập của giai đoạn trước được hình dung rõ rệt, đầy đủ hơn, là tiền đề cho sự “Đổi mới” sẽ trở thành hoạt lực chủ đạo của chặng đường lịch sử - xã hội - văn học tiếp theo. Chính điều này đã được rất nhiều văn nghệ sĩ nêu ra trong hai ngày gặp gỡ với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Hà Nội năm 1987.

Như vậy, trong hình dung không tách rời lịch sử với văn hóa - xã hội - văn học nghệ thuật, chúng ta thấy mốc 1975 thực sự quan trọng với tiến trình văn chương Việt Nam. Từ 1975 đến nay, văn học nghệ thuật được định danh là văn học đương đại. Việc đánh giá tổng thể văn học đương đại là việc chưa thể thực hiện, do giai đoạn văn học này đang diễn ra, chưa hoàn kết. Tuy nhiên, trong cái nhìn tương đối, mốc lịch sử 1975 đã quy chiếu văn học nghệ thuật Việt Nam vào một trường thẩm mỹ, văn hóa, văn học khác. Đó là nơi chúng ta có thể đứng để nhìn về quá khứ đồng thời dõi theo những vận động đã và đang diễn ra của văn học Việt Nam.

Nguyễn Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy