Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
08:30 (GMT +7)

45 năm trước họ đã nắm tay nhau

VNTN - Nhà báo - TS Đậu Ngọc Đản, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Truyền hình, nhà báo đầu tiên có mặt trong Dinh Độc Lập vào giờ khắc lịch sử 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, người chứng kiến lá cờ Quân Giải phóng bay trên nóc Dinh báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cảnh áp giải Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng… Và những bài báo của ông để kịp tính thời sự, ngày đó phải nhờ một người lính của “Quân đội Sài Gòn” chạy xe Jeep suốt 2 ngày mang từ Sài Gòn ra Huế, rồi mới “bay” ra Hà Nội…

Ngoài bản tin sự kiện 30/4/1975 của ông được chuyển về Tòa soạn báo Quân đội Nhân dân ngày đó, còn có một câu chuyện cảm động từ giờ phút đầu tiên của hòa bình, của thống nhất đất nước, của sự hòa giải hòa hợp dân tộc ngay trong sân của Dinh Độc Lập. Dù chưa hề quen biết và thời điểm đó vẫn còn ranh giới nghiệt ngã “bên ta”- “bên địch”, nhưng ông đã không ngần ngại nhờ sự giúp đỡ của một người lính “Quân đội Sài Gòn” giúp mang thông tin chiến thắng ra sân bay, rồi không “bay” được, lại tiếp hành trình 2 ngày liền trên chiếc xe Jeep chạy từ Sài Gòn ra Huế, để sau đó mới “bay” ra Hà Nội, kịp cho những thông tin chiến thắng nóng hổi đến đồng bào cả nước.

Nhà báo miền Bắc và cơ duyên với người lính Sài Gòn

45 năm trước, nhà báo Đậu Ngọc Đản là Thiếu úy, 25 tuổi, phóng viên của Tổng cục Chính trị Quân đội. Ông lúc đó đã được lệnh vượt đèo Hải Vân và “Nam tiến”. Tháng 2/1975, ông vào Nam, hành quân theo các binh đoàn trong cuộc tổng tiến công, nổi dậy. Ngày 26/3/1975 ông có mặt ở Huế, rồi chạy một chiếc xe Honda vượt đèo Hải Vân, ngày 29/3/1975 ông có mặt ở Đà Nẵng.

 

Tiến vào Sài Gòn

Ngày 29/4/1975, ông đến Xuân Lộc, được lệnh đi theo Trung đoàn độc lập E66 của Sư đoàn 304, rồi theo Tiểu đoàn 4 của Lữ đoàn xe tăng 203 tiến thẳng vào Sài Gòn. 11 giờ ngày 30/4/1975, ông đi sau chiếc xe tăng thứ 4 tiến vào Dinh Độc Lập. Và những bức ảnh của ông chụp vào thời khắc lịch sử đó, đã như một tư liệu quý của chiến dịch, lưu dấu ấn những khoảnh khắc đầu tiên của hòa bình. Một trong những bức ảnh tư liệu có giá trị lịch sử và bảo tàng là hình Trung úy Phạm Xuân Thệ, đưa Đại tướng - Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng Quân Giải phóng.

Ngay sau lúc xe chở Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh, người phóng viên trẻ Đậu Ngọc Đản của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ở miền Bắc vào đã quan sát khắp sân Dinh Độc Lập, lúc này tràn đầy xe tăng, thiết giáp của Lữ đoàn 203, và Quân Giải phóng của Sư đoàn 304… Ở một góc trái cuối sân, hướng nhìn ra đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bây giờ, ông thấy có một nhóm lính Thủy quân lục chiến Sài Gòn, họ được dồn tập trung ở đó theo lệnh của chỉ huy Quân Giải phóng.

Ông vào Sài Gòn bằng xe tăng, và lúc này không có một phương tiện giao thông nào có thể di chuyển, lại không biết đường đi trong thành phố, không biết làm sao có thể ra được sân bay Tân Sơn Nhất để nhờ đồng nghiệp là nhà báo Hồ Bích Sơn, đang hoạt động trong Phái đoàn quân sự 4 bên của ta ở Trại David trong sân bay, kịp chuyển tin bài ảnh ra Hà Nội. Ông nghĩ ngay đến việc nhờ những người lính phía bên kia đã thất trận. Không đắn đo, ông ra ngay chỗ tập trung đám lính Thủy quân lục chiến, nói to: “Tôi là nhà báo Miền Bắc vào. Bây giờ có tài liệu cần đưa ra Hà Nội. Đây là cơ hội lập công với Quân Giải phóng. Ai biết lái xe và có thể đưa tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất?”. Nhiều người lên tiếng, xong có vẻ ngập ngừng. Sau có một người lính nhỏ con, da hơi đen, nói một cách dứt khoát: “Tôi, Võ Cự Long. Tôi là sĩ quan lái xe dẫn đường cho đoàn xe của nội các chính quyền Sài Gòn. Tôi sẽ đưa ông đi”. “Được. Vậy xe có đủ xăng?”. “Tôi vẫn còn giữ lệnh cung cấp xăng cho xe. Sẽ đổ thêm cho đủ”- Theo lời kể của nhà báo Đậu Ngọc Đản.

Thế rồi, ông lên xe do viên sĩ quan đó lái, đi qua Bộ Quốc phòng Quân đội Sài Gòn, đổ đầy xăng, rồi vòng qua Bộ Tổng Tham mưu (Quân đội Sài Gòn) để ông chụp ảnh. Sau đó xe chạy theo hướng cổng Phi Long - sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng tới đây, thì xe bị chặn lại, trước cổng có vài chiếc thiết giáp của ta bị cháy, một đơn vị xe tăng của Quân đoàn 3 vẫn còn đang trong đội hình hành quân chiến đấu, một cô gái trẻ rất xinh đang hướng dẫn xe tăng hướng vào thành phố.

Lại nói qua về hình ảnh cô gái này, lần đó là một may mắn trong cuộc đời làm phóng viên chiến trường của nhà báo Đậu Ngọc Đản. Khi chứng kiến hình ảnh cô gái Sài Gòn vai khoác súng, áo bà ba đen, cổ thắt khăn rằn, đầu đội nón tai bèo, đang giơ tay hướng dẫn đoàn xe tăng hướng vào thành phố, một hình ảnh đẹp đến khó diễn tả. Ông đã vội bấm máy lưu giữ hình ảnh, thêm vào bộ ảnh khoảnh khắc cuối cùng của chiến tranh của mình, chụp xong, ông nhảy xuống xe, vừa hỏi thông tin về cô, vừa muốn biết vì sao xe không thể vào Tân Sơn Nhất. Đó là nữ biệt động thành Sài Gòn - Gia Định Nguyễn Trung Kiên (tên thật là Cao Thị Nhíp), ít lâu sau, từ bức ảnh, đạo diễn Khương Mễ đã làm phim “Cô Nhíp” khá nổi tiếng trong số những phim đầu tiên sau ngày giải phóng và do chính nguyên mẫu là cô vào vai “cô Nhíp” trong phim

Không thể vào sân bay được. Phương án được thay đổi ngay. Phải lái xe đi đường bộ ra Đà Nẵng - Huế, mới có máy bay chuyển tài liệu ra Hà Nội. Sau khi hỏi Võ Cự Long, có thể tiếp tục lái xe ra Đà Nẵng - Huế, thì ông Long không đắn đo, gật đầu ngay, không nề hà. Ông cũng chuẩn bị thức ăn, lương khô, nước uống cho hai người và xin phép được ghé qua nhà dặn dò vợ con. Cuộc tiếp xúc ngắn ngủi với gia đình Võ Cự Long cũng thật cảm động. Cả gia đình đón tiếp nhà báo miền Bắc rất trọng thị và cũng rất vui khi chồng mình có cơ hội được giúp cách mạng. Sau đó cả hai lên đường. May mắn nữa là vốn quê ở Đà Nẵng, nên ông biết rõ đường đi.

Ra tới cửa ngõ thành phố, mé cầu Sài Gòn, xe bị Quân quản Quân Giải phóng chặn lại. Nhờ có giấy tờ nhà báo làm nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cấp, đồng thời được ông bảo lãnh cho người lái xe, nên xe đã ra khỏi thành phố lúc 2 giờ chiều 30/4/1975. Chạy suốt không nghỉ, cả đi đêm, tới ngày 2/5/1975 thì tới Huế an toàn.

Trên đường đi, cả hai người nói với nhau nhiều câu chuyện, như hai người bạn thân tình, không khoảng cách, không e dè, không có sự phân biệt kẻ thù - đối phương, bên ta - bên địch. Một sự tin cậy đến khó ngờ trong thời điểm đó. Một tình bạn kỳ lạ ngay sau chiến tranh. Họ đã chia tay nhau ở Huế từ đó.

Gặp lại sau hơn 30 năm

Năm 2007, sau chuyến đi công tác ở Mỹ về, VTV1 trong chương trình “Chào buổi sáng'”đưa tin về chuyến đi. Tin được phát sóng lại trên VTV4, và bất ngờ, nhưng khó có thể tin được, nhà báo Đậu Ngọc Đản đã có một cú điện thoại gọi từ Mỹ về Việt Nam, vào số điện thoại phòng làm việc của ông, lúc này ông là Tổng Biên tập Tạp chí Truyền hình VTV. Người ở đầu dây nói: “Tôi đây, tôi là Võ Cự Long, người đã đưa anh đi ra sân bay Tân Sơn Nhất, ra Đà Nẵng - Huế ngày 30/4/1975”… Rồi hai người đã miên man những câu chuyện của hơn 30 năm trước, hỏi thăm nhau như bạn bè thân thiết xa lâu ngày. Ông Đản không hỏi người bạn ra đi như thế nào, mà chỉ nói một cách chân tình: “Hòa bình rồi, đất nước đã bình yên, lo làm ăn nuôi vợ con và luôn nghĩ về quê hương”.

Qua câu chuyện vượt đại dương, ông mới hiểu, ngay từ năm 1995 khi Võ Cự Long được nghe lại bài báo phát trên sóng radio Đài VOH - TP Hồ Chí Minh, có chi tiết thoáng qua, kể nhà báo nhờ người sĩ quan chính quyền Sài Gòn đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất, và đã ghi nhớ cái tên ông cùng cơ quan làm việc. Do công việc làm ăn xứ người vất vả nên cũng lãng quên đi, cho tới khi cũng tình cờ, ông Long được xem buổi phát sóng trên VTV4, nhìn thấy ông, gần như không mấy khác xưa, thế là kỷ niệm ùa về.

 

Đồng bào chào đón Quân Giải phóng.   Ảnh: Đậu Ngọc Đản

Với ông Đản khi được hỏi, sao lúc đó ông không hề nghi ngờ thành ý của “đối phương” mà chỉ vài giờ trước họ có thể sẽ bắn chết mình, ông bảo: Thật sự, lúc đó không có thời gian để đắn đo, suy tính. Hơn nữa, trên đường đi từ Huế vào tới Sài Gòn, chứng kiến cảnh người dân vùng tạm chiếm hân hoan chào đón Quân Giải phóng với nét mặt hồ hởi, ánh mắt tin tưởng, ai cũng chực thốt lên tiếng “hòa bình, thống nhất” trên môi. Nên ông nghĩ lòng dân ai cũng muốn hòa bình, ai cũng muốn bình yên… Và suốt dọc đường hành quân vào Sài Gòn, nhìn những người lính Sài Gòn lúc đó, gương mặt hốc hác, hoang mang, buồn, lo lắng,… thấy thương mà không thấy sợ, thấy cảm thông và hơn nữa muốn cho họ thấy, hòa bình là không còn cảnh thù hằn, bắn giết, không còn cảnh chết chóc tang thương. Và người lính Giải phóng quân cũng là người Việt Nam, cũng khao khát sự bình yên, hiền hòa… Những gì của quá khứ hãy để thành quá khứ mà nghĩ tới tương lai, một đất nước Việt Nam sum họp, thống nhất. “Bản thân những người lính Quân đội Sài Gòn lúc đó, trong mắt tôi cũng không có gì gọi là đe dọa, hay nguy hiểm. Tôi nghĩ khi thiện chí với nhau thì cho dù có là kẻ thù trước đó cũng sẽ ứng xử lịch sự. Mà họ thì tôi tin, sẽ ứng xử như những người anh em, không còn chiến tranh, không là đối thủ, ai còn bắt giết để làm gì? Vô nghĩa”.

Trước đó khi vào Sài Gòn, ông Đản đã ở Quảng Trị, đã sống ở Huế sau khi giải phóng ngày 26/3/1975 cả tháng trời, đã ở nhà bà Trựu ở Thành Nội, bà rất nhiệt tình với cách mạng. Ông Đản cũng thường hay vào nhà của những gia đình có thân nhân trong “Chính quyền Sài Gòn”, câu chuyện của họ đều có chung ước vọng hòa bình, đừng có chiến tranh.

Những tình cảm chân thành của người dân đối với Quân Giải phóng, vui mừng thật sự khi được đón tiếp những người lính Giải phóng quân, coi họ như con em ruột thịt… Và khi đến nhà của ông Long, thấy mọi người đón với sự vui mừng một cách chân thành, tình cảm, ông Đản không có lý gì không tin vào họ. Ông Đản đã rất chân tình và không tỏ vẻ của “người chiến thắng” mà làm cho họ thấy khó chịu.

Rồi suốt mấy ngày đi đường sau đó, người lính chế độ Sài Gòn không ngại vất vả, gần như không nghỉ để đưa ông Đản đi. Giữa hai người, chỉ có một thời gian ngắn bên nhau nhưng tình cảm gắn bó thân thiết như hai người bạn thân. Ông Đản kể chuyện miền Bắc, chuyện Hà Nội, chuyện những người dân các vùng giải phóng trước đó… Còn ông Long cũng kể nhiều chuyện về Sài Gòn, về Đà Nẵng quê ông, và ước mơ của mọi người, mơ hòa bình từ năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết…

Và cho đến bây giờ họ vẫn trân trọng tình bạn hiếm có trong khoảnh khắc đầu tiên của hòa bình ấy. Tình bạn của họ được gắn kết lại sau hơn 30 năm cũng là một chỉ dấu, để người Việt ở bất cứ đâu cũng sẵn sàng cùng nhau xây dựng một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và vững mạnh.

HOÀI HƯƠNG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy